Hiện nay, Việt Nam đang trên đà phát triển kinh tế hội nhập với nguồn vốn trọng điểm đến từ các nhà đầu tư nước ngoài, trải rộng trên khắp 139 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tính đến đầu năm 2022. Tuy nhiên, dù đã tiếp thu được nhiều thành công trong hơn 30 năm từ nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI, song hệ thống quản lí, vận hành của Việt Nam vẫn tồn tại nhiều bất cập, khó khăn hạn chế việc mở rộng, thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao.
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có chủ đề “Vượt qua thử thách, nắm bắt cơ hội, hợp tác phát triển” tổ chức vào tháng 9 năm 2022, nhiều tập đoàn lớn, đa quốc gia như Panasonic, Dell Technologies, Tập đoàn Bosch, Ørsted, Meta,… đánh giá cao hệ thống vận hành của Việt Nam, qua đó xem xét quốc gia này là điểm đầu tư tiềm năng.
Trước những khó khăn chung của thế giới như đại dịch Covid-19 và các căng thẳng quốc tế, Việt Nam vẫn đạt được những kết quả phát triển kinh tế tích cực, thể hiện qua việc duy trì được các chỉ số đầu tư tích cực. Trong đó, chính sách khuyến khích đầu tư FDI vào Việt Nam đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư chất lượng cao, mang tính cạnh tranh cao so với các quốc gia trong khu vực.
Ngoài ra, các lợi thế bao gồm nền kinh tế phát triển nhanh, có độ mở lớn, điều hướng xã hội ổn định, tăng trưởng dương,… cũng góp phần thu hút, khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, chính nguồn vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng mạnh cũng sẽ góp phần cải thiện đời sống xã hội, nền kinh tế Việt Nam thông qua việc giải quyết các vấn đề lao động, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển giao và phát triển công nghệ, chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và hoàn thiện hệ thống chính sách của Việt Nam trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, thương mại quốc tế,…
Thị trường Việt Nam – Những khó khăn khi thu hút vốn đầu tư nước ngoài
Tuy Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA, một phần không nhỏ các nhà đầu tư nước ngoài vẫn nhận thấy được nhiều khó khăn và bất cập khi đầu tư vào Việt Nam như vấn đề về chi phí không đủ cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực, nguồn cung lao động còn nhiều bế tắc dẫn đến không đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất, cơ sở hạ tầng kém phát triển, chính sách thuế và các chính sách quản lí, thực thi pháp luật không hoàn thiện, hạn chế trong chuỗi cung ứng,…
Chưa tối ưu chi phí
Chi phí nguyên vật liệu tăng mạnh, giá đầu vào bị đội cao dẫn đến khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đứng trước nguy cơ phá sản, giải thể, tái cơ cấu lại công ty do không giải được bài toán cân đối chi phí, tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu với chi phí hợp lí.
Nguyên nhân của sự gia tăng chi phí phần lớn đến từ căng thẳng quốc tế Nga-Ukraine gần đây. Tuy nhiên, khó khăn trên là khó khăn chung của toàn thế giới, tương tự như với thời điểm 2 năm dịch Covid-19 hoành hành, dẫn đến lệnh hạn chế giao tiếp, cách ly, ngừng sản xuất. Nhà đầu tư nước ngoài sẽ không quá chú trọng đến nguyên nhân mà thay vào đó là kết quả thể hiện qua nguồn chi phí đầu vào, đầu ra của doanh nghiệp và doanh thu, lợi nhuận tổng thể.
Để tối ưu chi phí, doanh nghiệp Việt cần tự mình tìm ra lời giải, tuy nhiên, cần hạn chế việc gia tăng giá thành sản phẩm tương ứng với giá nguyên liệu đầu vào hay cắt giảm lương của người lao động để bù trừ, cùng các biện pháp cực đoan khác có thể ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp.
Nguồn cung lao động hạn chế
Hiện tại, Việt Nam đang áp dụng chính sách quản lý đối với Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam tương đối chặt chẽ và khắt khe, cụ thể:
Các điều khoản quy định tại Mục 3 Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14, cũng như các quy định hướng dẫn tại Nghị định số 152/2020/NĐ-CP quy định về Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam, quy định nhiều điều kiện, trình tự thủ tụctuyển dụng người lao động nước ngoài tương đối khắt khe dẫn đến khó khăn trong thực tiễn áp dụng, kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.
Việc đặt ra các quy định này được thực hiện theo định hướng phát triển, ưu tiên và bảo vệ nguồn việc làm cho lao động trong nước, hạn chế tối đa việc sử dụng, tuyển dụng lao động nước ngoài. Tuy nhiênđiều đó lại dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam thiếu hụt nguồn lao động có trình độ chuyên môn, kĩ thuật cao.
Về góc nhìn, việc hạn chế tuyển dụng lao động nước ngoài cũng khiến các nhà đầu tư nước ngoài cảm nhận rằng Việt Nam chưa hẳn là một thị trường mở đối với yếu tố ngoại, qua đó có thể ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của họ.
Cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế
Theo khảo sát của nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam năm 2021, 42% doanh nghiệp FDI tham gia khảo sát nhận định rằng Việt Nam có hệ thống cơ sở hạ tầng và chất lượng dịch vụ công tương đối kém so với các quốc gia khác trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Singapore, Indonesia và Malaysia,…
Kết luận này phần nào đã ảnh hưởng đến quyết định đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam cũng như xu hướng đầu tư trong tương lai nếu Việt Nam không đưa ra các kết quả khả quan trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng của mình. Bởi lẽ ngoài chi phí phát sinh thêm do phải vận chuyển cơ sở hạ tầng sản xuất đến Việt Nam thì các doanh nghiệp FDI còn phải tính toán đến các yếu tố khác như quy định pháp lý, điều kiện kinh doanh, địa lí kinh tế, nguồn nhân lực địa phương, đối tác cung ứng,… để vận chuyển, lắp đặt, xây mới hệ thống cơ sở hạ tầng phù hợp với lĩnh vực kinh doanh.
Việc xây dựng, tái xây dựng lại từ đầu tốn nhiều thời gian cũng như tài nguyên. Do đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài sẽ cân nhắc không lựa chọn thì trường Việt Nam là đích đến để đầu tư, bởi hệ thống cơ sở hạ tầng vững chắc là một trong các yếu tố cơ bản quyết định hệ thống sản xuất, xuất khẩu và kinh doanh của doanh nghiệp.
Khó khăn về thuế
Việt Nam có nhiều chính sách ưu đãi về thuế cho nhà đầu tư nước ngoài, dựa trên chính sách ưu đãi, đối xử bình đẳng giữa nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước của Singapore. Tuy nhiên, khâu áp dụng, thực thi chính sách của nhà nước vẫn còn nhiều bất cập và cần nhiều cải thiện, cụ thể về mặt đơn giản hóa hay cụ thể hóa thủ tục hành chính.
Theo một nghiên cứu của NC Network, thời gian trung bình doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam dành ra để giải quyết các nghĩa vụ thuế cao gấp bốn lần so với thời gian trung bình tại các khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.
Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư cũng tỏ ra khá thất vọng với hệ thống các thủ tục hành chính Việt Nam, một phần do quy trình, thủ tục phức tạp, một phần do tiến trình xử lý không như họ kỳ vọng.
Hạn chế ở chuỗi cung ứng
Với sự chuyển dịch mạnh mẽ của chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều công ty, tập đoàn đa quốc gia đã đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam. Nhìn chung, hiếm có nhà sản xuất nào có thể tự mình tự sản xuất toàn bộ các bộ phận, linh kiện của một sản phẩm, bao gồm cả các công ty đa quốc gia.
Chính vì vậy, các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng tìm kiếm các doanh nghiệp có khả năng cung ứng một phần các bộ phận, linh kiện sản phẩm để có thể lắp ráp nên một sản phẩm hoàn chỉnh. Khu vực Đông Nam Á hiện đang được xếp hạng là một trong các thị trường cung ứng tiềm năng, hiệu quả cao nhất.
Tuy nhiên, ngành công nghệ hỗ trợ sản xuất linh kiện tại Việt Nam vẫn còn non trẻ, dẫn đến một số khó khăn đối với doanh nghiệp FDI trong quá trình xây dựng chuỗi cung ứng. Chính vì nguyên nhân này và hệ thống cơ sở hạ tầng dưới tiêu chuẩn khiến các nhà đầu tư nước ngoài buộc phải đầu tư vào các quốc gia khác, mặcdù chính sách và các yếu tố đầu tư của Việt Nam hấp dẫn họ.
Gỡ vướng mắc đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài
Phần lớn các nhà đầu tưnước ngoài sau khi đầu tư vào Việt Nam đều có nhận định chung rằng dù Việt Nam có nhiều thế mạnh, đặc biệt ở tiềm năng kinh tế, song quốc gia này vẫn còn nhiều mặt hạn chế khiến nhà đầu tư quốc tế ‘nản lòng’.
Không chỉ nhà đầu tư nước ngoài mà ngày cả nhà đầu tư trong nước cũng nhận thấy các bất cập, khó khăn trên trong việc thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam và ngược lại, từ Việt Nam sang quốc tế.
Những thủ tục pháp lý rườm rà, tốn kém chi phí, thiếu hụt chung trong khâu quản lí, cung ứng hay cơ sở hạ tầng, vật chất dẫn đến việc nhiều nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy e ngại khi đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Để giải quyết các khó khăn này, doanh nghiêp cùng cơ quan nhà nước cần tích cực hợp tác với nhau, cùng gỡ bỏ từng vướng mắc, khó khăn để Việt Nam thực sự là một điểm đầu tư lý tưởng không chỉ trong khu vực Đông Nam Á mà còn trên cả thế giới.
Về chi phí, bên cạnh việc hỗ trợ từ Chính phủ, các doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc tìm kiếm các nguồn cung ứng vật liệu với chi phí hợp lí.. Thực tế, Việt Nam là một thị trường với khả năng cung ứng đa dạng, tuy nhiên phần lớn doanh nghiệp hiện đang đối mặt nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn hàng bởi lẽ mạng lưới kết nối, hệ thống thông tin của họ còn hạn chế.
Để mở rộng mạng lưới, doanh nghiệp có thể xem xét kết nối với các bên thứ ba để cả hai có thể cùng nhau hỗ trợ trong việc phát triển, tìm kiếm, xác lập đầu mối giao thương mới.
ASL LAW là một công ty luật chuyên về tư vấn pháp lý chuyên sâu với mạng lưới kết nối đến nhiều doanh nghiệp Việt Nam ở mọi lĩnh vực kinh doanh và cả các doanh nghiệp quốc tế ở Singapore, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Myanmar, Hồng Kông, Mỹ, Úc, Indonesia, Đài Loan, EU và các quốc gia khác mà các doanh nghiệp Việt Nam có mặt.
Về nguồn lao động, doanh nghiệp có thể xem xét việc hợp tác với các công ty, doanh nghiệp cung ứng lao động thời vụ với uy tín và độ hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu sản xuất cấp tốc của doanh nghiệp trong từng thời điểm.
Về cơ sở hạ tầng, Chính phủ Việt Nam cùng khối doanh nghiệp cần hợp tác nhiều hơn trong các dự án đầu tư công với mục tiêu xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội.
Về lĩnh vực thuế, các cơ quan có thẩm quyền xử lý các vấn đề về thuế nói riêng và các thủ tục hành chính công nói chung cần đảm bảo khả năng đáp ứng nhu cầu, tốc độ xử lí theo luật định của nhà đầu tư nước ngoài. Đơn giản hóa, cụ thể hóa các nghị định, văn bản hướng dẫn để đảm bảo các chuyên viên xử lý hồ sơ có thể linh hoạt trong các thủ tục hành chính.
Về chuỗi cung ứng, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có thể xem xét sử dụng nguồn thông tin đa dạng và đáng tin cậy để tra cứu, tìm kiếm đối tác Việt Nam tương ứng. Ở chiều hướng ngược lại, các doanh nghiệp lớn quốc tế có thể xem xét sự hỗ trợ về kỹ thuật, vốn, chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản trị,… cho các doanh nghiệp Việt Nam để giúp họ có khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Q&A
Câu hỏi: Đối ngược với việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là sự đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam sang nước ngoài. Luật sư của ASL LAW vui lòng cho biết về những khó khăn mà doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang nước ngoài có thể gặp phải.
Trả lời: Hiện nay, các nhà đầu tư trong nước có ý định đầu tư ra nước ngoài sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, cụ thể:
Thứ nhất, nhà đầu tư phải đáp ứng các điều kiện cũng như thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư ra nước ngoài. Bên cạnh đó, các quy định pháp luật về chuyển vốn ra nước ngoài, cũng như chuyển lợi nhuận về Việt Nam cũng khá khắt khe, ràng buộc nhà đầu tư.
Thứ hai, bên cạnh đáp ứng các điều kiện đầu tư ra nước ngoài từ Việt Nam, các nhà đầu tư còn phải đáp ứng các chính sách, điều kiện đầu tư, hậu đầu tư tại quốc gia sở tại.
Thứ ba, bất đồng ngôn ngữ, văn hóa, chênh lệch trình độ khoa học, kỹ thuật, cũng như nguồn lao động tại quốc gia sở tại cũng là một trong những thử thách mà các nhà đầu tư Việt Nam cần vượt qua.
Tuy nhiên, để vượt qua được các khó khăn nêu trên một cách dễ dàng, nhà đầu tư Việt Nam có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ các đơn vị tư vấn am hiểu về quá trình đầu tư ra nước ngoài cũng như những chính sách, quy định của quốc gia sở tại. ASL LAW sẵn sàng hợp tác để cung cấp các dịch vụ tư vấn đầu tư ra nước ngoài tại nhiều thị trường như Singapore, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Myanmar, Hồng Kông, Mỹ, Úc, Indonesia, Đài Loan, EU và các quốc gia khác mà các doanh nghiệp Việt Nam có mặt.
Bài viết liên quan:
- Tác động của hiệp định EVFTA tại Việt Nam sau 2 năm thực thi
- Việt Nam cần tạo động lực và ưu đãi cho nhà đầu tư Việt Nam ở nước ngoài
- Cần có những quy định liên quan đến việc quản lý tiền điện tử
- Chính sách hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài của Việt Nam
- Cơ hội đầu tư vào thị trường năng lượng Việt Nam
Liên hệ với công ty luật ASL LAW để được hướng dẫn về tư vấn đầu tư ra nước ngoài tại Việt Nam và quốc tế.
BÀI VIẾT HỮU ÍCH LIÊN QUAN