Quyền tác giả (bản quyền) là một trong những quyền có nguy cơ bị xâm phạm rất lớn, cho dù chủ sở hữu có chủ động bảo hộ hay không. Do đó, khi tác phẩm có dấu hiệu bị xâm phạm quyền tác giả, chủ sở hữu cần phải có những hiểu biết cần thiết về cách thức và quy trình xử lý hành vi vi phạm này. Bài viết dưới đây sẽ đưa ra các thông tin quan trọng về quy trình xử lý hành vi vi phạm bản quyền một cách chi tiết.
Hành vi xâm phạm là gì?
Hành vi xâm phạm tới quyền tác giả
Theo quy định tại Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009 đã quy định về các hành vi xâm phạm tới quyền tác giả. Xâm phạm quyền tác giả là hành vi sử dụng các tác phẩm được bảo vệ bởi luật Sở hữu trí tuệ một cách trái phép, xâm phạm vào một số quyền độc quyền của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm.
Hành vi Xâm phạm quyền liên quan
Những hành vi xâm phạm quyền liên quan là những hành vi xâm phạm đến quyền nhân thân và quyền tài sản của chủ thể quyền liên quan. Cụ thể, các hành vi được xác định là hành vi xâm phạm quyền liên quan khi rơi vào các trường hợp đã được quy định tại Điều 35 Luật Sở hữu trí tuệ.
Vụ việc xâm phạm bản quyền tiêu biểu
Với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội và nền tảng công nghệ, các hành vi vi phạm đã diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Ví dụ tiêu biểu là vụ vi phạm bản quyền đối với tác phẩm điện ảnh “Cô Ba Sài Gòn” của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân, với việc một khán giả đã quay trộm bộ phim ngay trong rạp chiếu tại Thành phố Vũng Tàu, sau đó phát trực tiếp tác phẩm điện ảnh này trên Facebook cá nhân.
Bên cạnh đó đó là nhiều bộ phim chiếu rạp cũng bị thiệt hại đáng kể do những bản phim bị quay lén tràn lan trên các trang mạng chỉ sau vài ngày công chiếu. Những hành vi này gây thiệt hại rất lớn không chỉ cho nhà sản xuất mà còn cho cả hãng phát hành phim. Vì vậy, lực lượng chức năng đã tiến hành xét xử người đã đưa video livestream bộ phim “Cô Ba Sài Gòn” lên Facebook.
Mức xử phạt đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan
Chế tài xử lý vi phạm hành chính
Ngày 16/10/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 131/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan.
Nghị định quy định mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan là 250 triệu đồng đối với cá nhân và 500 triệu đồng đối với pháp nhân và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc sửa lại đúng tên tác giả, tên tác phẩm, tên người biểu diễn; buộc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan; hoàn trả cho chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan tiền nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm…
Chế tài xử lý vi phạm dân sự
Điều 202 của Luật sở hữu trí tuệ đã quy định để xử lý tổ chức cá nhân có hành vi xâm phạm quyền SHTT nói chung, toà án áp dụng các biện pháp dân sự để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ như: Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm; Buộc xin lỗi, cải chính công khai; Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; Buộc bồi thường thiệt hại; hay Buộc tiêu huỷ hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.
Chế tài xử lý vi phạm hình sự
Điều 225 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định rõ biện pháp xử lý hình sự đối với cá nhân, pháp nhân xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Những người không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà thực hiện một trong các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính thì sẽ bị xử lý hình sự.
Với hợp pháp nhân thương mại vi phạm bản quyền thì có thể bị phạt tiền, bị đình chỉ hoạt động có thời hạn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn có thời hạn.
Xử lý hình sự vi phạm bản quyền phần mềm
Quy trình xử lý xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan
1. Lập vi bằng:
Đây là thủ tục không bắt buộc. Mặc dù vậy, vẫn phải đảm bảo rằng bên vi phạm không thể gỡ bỏ hoàn toàn các bằng chứng về hành vi vi phạm, quý Công ty nên tiến hành lập vi bằng đối với hành vi xâm phạm bản quyền tại văn phòng Thừa phát lại.
2. Giám định yếu tố xâm phạm
Để có căn cứ chắc chắn nhất trong việc xác định yếu tố xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm, quý Công ty nên yêu cầu Trung tâm giám định quyền tác giả (ECCR) trực thuộc Cục bản quyền tác giả thực hiện việc giám định quyền tác giả để xác định hành vi và yếu tố xâm phạm quyền đối với tác phẩm hay không?
Chúng tôi lưu ý rằng đây không phải là hoạt động bắt buộc, nhưng Trung tâm giám định quyền tác giả với tư cách là cơ quan trực thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và là đơn vị duy nhất có chức năng giám định quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của pháp luật. Do đó, kết luận giám định của cơ quan này là một trong những chứng cứ quan trọng để cơ quan có thẩm quyền làm căn cứ giải quyết vụ việc hoặc để các bên có liên quan giải quyết tranh chấp phát sinh.
3. Gửi thư cảnh báo
Quý công ty có thể gửi thư cảnh báo cho bên có hành vi xâm phạm với yêu cầu thực hiện những hành động sau:
- Ngừng ngay lập tức việc thực hiện hành vi vi phạm quyền tác giả;
- Gỡ bỏ các yếu tố xâm phạm trên các phương tiện máy tính;
- Cam kết chấm dứt hành vi vi phạm bằng văn bản;
- Công khai xin lỗi trên báo, website…
Tuy đây không phải hành động bắt buộc trong quá trình xử lý, nhưng trên tinh thần thiện chí và để giải quyết vấn đề nhanh chóng, các bên có thể thực hiện công việc này.
Ngoài ra, trong một số trường hợp, các bên có thể gửi báo cáo tới các trang mạng xã hội Youtube, Facebook về hành vi xâm phạm và yêu cầu gỡ bỏ nội dung vi phạm bản quyền.
4. Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm pháp luật
Tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm mà Quý Công ty có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thụ lý và xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bản quyền.
5. Khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền hoặc nộp đơn tố cáo cho cơ quan chức năng nếu có đủ căn cứ để xử lý hình sự.
Trong trường hợp sau khi thông báo về vi phạm nhưng dấu hiệu về hành vi vi phạm bản quyền vẫn tiếp tục xuất hiện, Quý Công ty có thể thực hiện gửi hồ sơ để đề nghị Toà án, Trọng tài thương mại, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch, Quản lý thị trường tiến hành xử lý.
Lời cuối
Trong thời đại của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, sự phát triển của khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin đã và đang diễn ra một cách chóng mặt, số lượng tội phạm công nghệ cũng đang ngày một tăng nhanh với tốc độ tương tự.
Trong môi trường số, các hành vi vi phạm bản quyền diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp, vì vậy việc nghiên cứu, xem xét các giải pháp ngăn chặn, hạn chế vi phạm là những vấn đề cần được chú trọng hơn. Nhưng trước tiên, để có thể ngăn chặn vi phạm bản quyền một cách triệt để, các các nhân tổ chức nên quan tâm tới việc đăng ký bản quyền hơn nữa và tránh những hậu quả do hành vi này gây ra.
Liên hệ với công ty luật ASL LAW để được hướng dẫn về thủ tục xử lý vi phạm bản quyền, đăng ký bản quyền:
BÀI VIẾT HỮU ÍCH LIÊN QUAN