lưu ý khi thực hiện phong tỏa tài khoản tại ngân hàng trong các vụ án tranh chấp tại Tòa án Việt Nam, lưu ý khi thực hiện phong tỏa tài khoản tại tổ chức tín dụng trong các vụ án tranh chấp tại Tòa án Việt Nam, lưu ý khi thực hiện phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ trong các vụ án tranh chấp tại Tòa án Việt Nam, phong tỏa tài khoản tại ngân hàng trong các vụ án tranh chấp tại Tòa án Việt Nam, phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ trong các vụ án tranh chấp tại Tòa án Việt Nam,

Lưu ý khi thực hiện phong tỏa tài khoản tại ngân hàng trong các vụ án tranh chấp tại Tòa án Việt Nam

Trong vụ án tranh chấp tại Tòa án, Đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án (“Đương sự”, “Bên yêu cầu”) có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời trong đó có biện pháp phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước; phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ (“Phong toả tài khoản”) theo quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 số 92/2015/QH13 (“Bộ luật Tố tụng dân sự 2015”). Biện pháp phong tỏa tạm thời tài khoản là một biện pháp pháp lý mà đương sự có quyền yêu cầu Tòa án thực hiện, áp dụng nhằm tạm thời đình chỉ việc chuyển dịch, sử dụng một phần khoản tiền gửi tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước; phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ của bên bị yêu cầu phong tỏa tài khoản.

Việc yêu cầu Tòa án thực hiện lệnh phong tỏa tạm thời tài khoản có thể được đề xuất bởi bên yêu cầu trong trường hợp bên đối tác có nguy cơ tẩu tán tài sản hoặc chuyển dịch tài sản để trốn tránh nghĩa vụ. Điều này đảm bảo rằng bên yêu cầu sẽ có cơ hội thu hồi các khoản tiền hoặc tài sản mà bên bị yêu cầu cố ý tránh trách nhiệm thanh toán.

Với lệnh phong tỏa tài khoản, Tòa án có thể yêu cầu ngân hàng hoặc các cơ quan liên quan ngừng tất cả các giao dịch hoặc chuyển tiền từ tài khoản của bên bị yêu cầu phong tỏa tài khoản nhằm đảm bảo rằng tài sản của bên bị yêu cầu không bị chuyển dịch trong quá trình giải quyết tranh chấp.

Tuy nhiên, việc áp dụng lệnh phong tỏa tài khoản trong thực tiễn có rất nhiều vướng mắc và qua đó, không được sử dụng, áp dụng thường xuyên. Trong bài viết sau, ASL LAW sẽ phân tích cơ sở pháp lý của yêu cầu phong tỏa tài khoản và các khó khăn có thể phát sinh trong quá trình yêu cầu, thực hiện việc phong tỏa tài khoản.

Cơ sở pháp lý để yêu cầu phong tỏa tài khoản trong các vụ án tranh chấp tại Việt Nam

Khoản 1 Điều 111 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định trong quá trình giải quyết vụ án đương sự có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 114 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, thu thập chứng cứ, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.

Bên cạnh đó, biện pháp khẩn cấp tạm thời chỉ được Tòa án ra quyết định áp dụng khi có đương sự yêu cầu hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cá nhân cơ quan, tổ chức có quyền khởi kiện vụ án. Trong một số trường hợp, Tòa án vẫn tự có quyền ra quyết định áp dụng đối với một số biện pháp khẩn cấp tạm thời trong trường hợp đương sự không yêu cầu nhưng Tòa án xét thấy là cần thiết thì Tòa án sẽ có quyền áp dụng các biện pháp khẩn cấp.

Trong trường hợp đặc biệt khẩn cấp, việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời có thể được yêu cầu thực hiện cùng thời điểm với việc bên yêu cầu nộp đơn để tránh các hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra nếu quy trình áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời kéo dài như quy định tại khoản 2 Điều 111 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Điều 114 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về 17 biện pháp khẩn cấp tạm thời Tòa án có thể áp dụng, triển khai nhằm đảm bảo quyền lợi cho bên yêu cầu và tránh các hậu quả nghiêm trọng kéo dài có thể xảy đến. Trong đó, biện pháp khẩn cấp tạm thời về việc phong tỏa tài khoản ngân hàng của bên bị yêu cầu được quy định tại khoản 10 Điều 114 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Cụ thể: “10. Phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước; phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ.”

Theo đó, trong trường hợp khẩn cấp, nhằm đề phòng các hậu quả nghiêm trọng có thể xảy đến, đương sự có thể dựa vào cơ sở trên để yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là phong tỏa tài khoản tại ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước, nơi gửi giữ tài sản để tránh hành vi như tẩu tán, chuyển dịch tài sản, ảnh hưởng đến quyền lợi của bên yêu cầu, bảo đảm việc giải quyết vụ án, thi hành án được tiến hành thuận lợi theo quy định của pháp luật.

Các lưu ý cần chú ý khi thực hiện phong tỏa tài khoản ngân hàng trong tranh chấp

Biện pháp khẩn cấp tạm thời là phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước đã được quy định tại Điều 124 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Theo đó, biện pháp phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án có căn cứ cho thấy người có nghĩa vụ có tài khoản tại ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước và việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án hoặc việc thi hành án.

Tuy nhiên, khi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trên, có nhiều khó khăn mà bên yêu cầu cần chú ý, bao gồm:

Thứ nhất: Khó khăn trong việc tiếp cận thông tin tài khoản trong ngân hàng, tổ chức tín dụng của bên bị yêu cầu

Khi có yêu cầu phong tỏa tài khoản, Tòa án cần biết thông tin chính xác về khoản tiền hiện có trong tài khoản dự kiến bị phong tỏa, dù khoản tiền đó ít hơn hay nhiều hơn số tiền trong yêu cầu phong tỏa. Tuy nhiên, thông tin về khoản tiền gửi, khoản dư và các dữ liệu khác trong tài khoản như tài sản đầu tư, mã bảo mật, thông tin chủ tài khoản… là một trong các loại thông tin được bảo mật nghiêm ngặt nhất của ngân hàng, tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật và quy định nội bộ của ngân hàng.

Chính vì vậy mà việc tiếp cận đến nguồn thông tin này sẽ không đơn giản đối với bên yêu cầu trong tranh chấp để qua đó có thể yêu cầu Tòa án phong tỏa tài khoản.

Khoản 2 và khoản 3 Điều 14 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 số 47/2010/QH12 quy định các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải bảo đảm bí mật thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi và các giao dịch của khách hàng và không được cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi, các giao dịch của khách hàng cho các bên khác trừ trường hợp có yêu cầu của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc sự đồng ý của khách hàng.

Tại khoản 4 Điều 4 Nghị định 117/2018/NĐ-CP cũng bổ sung quy định về nguyên tắc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng như sau: “4. Cơ quan nhà nước, tổ chức khác, cá nhân phải giữ bí mật thông tin khách hàng, sử dụng thông tin khách hàng đúng mục đích khi yêu cầu cung cấp thông tin và không được cung cấp cho bên thứ ba mà không có sự chấp thuận của khách hàng, trừ trường hợp cung cấp theo quy định của pháp luật.

Qua đó, ngoại trừ trường hợp yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật thì ngân hàng, tổ chức tín dụng chỉ có thể cung cấp thông tin về số tiền gửi tại ngân hàng khi được sự đồng ý của khách hàng. Trong thực tiễn áp dụng, khi tranh chấp xảy ra, ít có trường hợp bên bị yêu cầu phong tỏa tự nguyện cung cấp thông tin về tài khoản của mình. Thậm chí, việc bên yêu cầu phong tỏa tiếp cận, liên lạc để hòa giải với bên bị yêu cầu phong tỏa cũng rất khó.

Khoản 2 Điều 12 Nghị quyết 02/2020/NQ-HĐTP (Nghị quyết 02”) quy định: “…Người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có nghĩa vụ chứng minh giá trị tài khoản, tài sản bị phong tỏa. Người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của tài liệu liên quan đến việc xác định giá trị tài sản và tài khoản cần phong tỏa. Tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ và quy định pháp luật liên quan để xác định giá trị tài sản bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Như vậy, bên yêu cầu có nghĩa vụ xác định, chứng minh khoản tiền gửi trong tài sản bị phong tỏa của bên bị yêu cầu phong tỏa tài khoản để Tòa án có cơ sở áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản.

Tuy nhiên, với các quy định bên trên thì hiện nay pháp luật Việt Nam đang có một số bất cập liên quan đến việc phong tỏa tài khoản trong tranh chấp khi mà bên yêu cầu có nghĩa vụ chứng minh nhưng lại không có quyền tiếp cận.

Sự trái ngược này dẫn đến sự bế tắc trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là phong tỏa tài khoản của bên bị yêu cầu nếu bên bị yêu cầu phong tỏa không chủ động hợp tác với bên yêu cầu, điều vốn rất khó xảy ra trong thực tiễn.

Trong hầu hết các vụ tranh chấp áp dụng biện pháp này, ngoài việc yêu cầu bên yêu cầu cung cấp chứng minh, dữ liệu xác định về số tiền cần phong tỏa, Tòa án có thể chủ động thay bên yêu cầu phong tỏa liên hệ với ngân hàng yêu cầu cung cấp thông tin về số tiền gửi tại ngân hàng, số dư tài khoản và các thông tin khác cần thiết cho biện pháp phong tỏa khẩn cấp tạm thời.

Tuy nhiên, với việc Tòa án tự yêu cầu ngân hàng, tổ chức tín dụng thì bên yêu cầu sẽ phải chứng minh rằng họ đã nỗ lực hết sức nhưng không thể tự thu thập được các thông tin cần thiết cho lệnh phong tỏa, thông thường sẽ bao gồm văn bản của ngân hàng từ chối cung cấp thông tin hoặc chứng minh qua văn bản như email rằng bên yêu cầu đã đề nghị nhiều lần qua các kênh chính thức nhưng ngân hàng không phản hồi, hợp tác cung cấp thông tin cần thiết.

Mặc khác, theo khoản 1 Điều 4 Nghị quyết 02 quy định Những trường hợp không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong đó việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời dẫn đến doanh nghiệp, hợp tác xã bị ngừng hoạt động. Như vậy nếu việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà dẫn đến việc bên bị yêu cầu là doanh nghiệp, hợp tác xã bị ngừng hoạt động thì sẽ không thể áp dụng được biện pháp phong tỏa tài khoản.

Thứ hai: Buộc thực hiện biện pháp bảo đảm từ phía đương sự

Ngoài khó khăn trong việc hợp tác với phía ngân hàng, tổ chức tín dụng cung cấp thông tin chi tiết về số tiền gửi tại tài khoản ngân hàng, bên yêu cầu phong tỏa tài khoản ngân hàng cũng có nghĩa vụ thực hiện biện pháp bảo đảm tại Ngân hàng, tổ chức tín dụng hoặc Tòa án quy định tại khoản 1 Điều 136 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Điều này là để đảm bảo rằng việc thực hiện biện pháp khẩn cấp tạm thời như phong tỏa tài khoản trong thời gian ngắn vốn có sự không chắc chắn, rủi ro cao có khoản đảm bảo bồi thường thiệt hại phát sinh cho bên bị yêu cầu phong tỏa tài khoản ngân hàng và ngăn ngừa việc lạm dụng quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời gây tổn thất cho các bên cạnh tranh trong tranh chấp.

Khoản 2 Điều 12 Nghị quyết 02 có quy định Người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của tài liệu liên quan đến việc xác định giá trị tài sản và tài khoản cần phong tỏa...

Theo đó, khoản đảm bảo sẽ được sử dụng làm khoản bồi thường cho bên bị yêu cầu phong tỏa tài khoản ngân hàng nếu sau đó phán quyết của Tòa án xác nhận rằng biện pháp khẩn cấp tạm thời này được thực hiện sai, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bên bị yêu cầu phong tỏa.

Tại khoản 1 Điều 13 Nghị quyết 02, Thẩm phán hoặc Hội đồng xét xử chỉ ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khi người yêu cầu đã thực hiện xong biện pháp bảo đảm tại Ngân hàng, tổ chức tín dụng hoặc Tòa án. Trong đó, quyết định buộc thực hiện biện pháp bảo đảm của Thẩm phán hoặc Hội đồng xét xử có hiệu lực thi hành ngay.

Chính vì yêu cầu thi hành ngay biện pháp bảo đảm và tính cấp bách của một số vụ tranh chấp dẫn đến thời hạn thực hiện biện pháp bảo đảm không được quá 48 giờ, kể từ thời điểm nộp đơn yêu cầu và được Tòa án chấp nhận theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 14 Nghị quyết 02 nên việc thực hiện biện pháp bảo đảm có thể phải diễn ra trong Thứ 7 hoặc Chủ Nhật, yêu cầu người yêu cầu, Tòa Án, Thủ quỹ Tòa án phải phối hợp cùng ngân hàng theo quy trình quy định tại khoản 3 Điều 14 Nghị quyết 02.

Về giá trị tài sản bảo đảm, bên yêu cầu phong tỏa tài khoản phải gửi khoản tiền, kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá tương đương với tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh do hậu quả của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng vào tài khoản phong tỏa tại ngân hàng nơi có trụ sở của Tòa án quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong thời hạn do Tòa án ấn định theo quy định tại khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Việc xác định tổn thất dự tính vốn rất khó có căn cứ để tính toán chính xác. Chính vì vậy mà khoản 2 Điều 13 Nghị quyết 02 đã quy định về quy ước khoản đảm bảo phải có giá trị bằng ít nhất 20% giá trị tạm tính của tài sản bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Nếu trong trường hợp có chứng cứ chứng minh rõ ràng tổn thất hoặc thiệt hại sẽ ít hơn 20% giá trị tạm tính của tài sản bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời như phong tỏa thì giá trị khoản đảm bảo sẽ được áp dụng theo con số đó.

Ví dụ, Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phong tỏa tài khoản ngân hàng của bên A với số tiền gửi tại ngân hàng là 100 tỷ VND thì trước khi lệnh phong tỏa được thực hiện, bên yêu cầu phải gửi khoản đảm bảo trị giá ít nhất là 20 tỷ VND vào tài khoản phong tỏa tại ngân hàng nơi có trụ sở của Tòa án, trừ trường hợp có chứng cứ rõ ràng nêu trên.

Số tiền này sẽ được hoàn trả cho bên yêu cầu nếu bản án sau đó chứng minh quyết định thực hiện biện pháp khẩn cấp tạm thời là phong tỏa tài khoản ngân hàng này là đúng và/hoặc không có thiệt hại hay tổn thất nào sai xảy ra đối với việc phong tỏa tài khoản ngân hàng này.

ASL LAW hy vọng bài viết này sẽ giúp Quý khách hàng hiểu rõ về các quy định của pháp luật Việt Nam. Nội dung trên chỉ mang tính chất tham khảo, trường hợp cần hiểu rõ thêm, Quý khách hàng có thể liên hệ với trực tiếp với ASL LAW để nhận được hỗ trợ trực tiếp từng vụ việc.

Xin chân thành cảm ơn!

Liên hệ với công ty Luật ASL LAW để được tư vấn về tranh tụng và giải quyết tranh chấp.

    LIÊN HỆ

    Thông tin liên hệ

    Đặt câu hỏi


    Lưu ý: Quý khách vui lòng điền đẩy đủ thông tin vào ô có (*)

    BÀI VIẾT HỮU ÍCH LIÊN QUAN

    Đại diện sở hữu trí tuệDịch vụ đăng ký nhãn hiệu
    Đăng ký nhãn hiệuDịch vụ đăng ký nhãn hiệu quốc tế
    Đăng ký nhãn hiệu quốc tếĐăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam
    Đăng ký thương hiệu quốc tếQuy trình đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam
    Thủ tục đăng ký nhãn hiệuQuy trình đăng ký nhãn hiệu
    Đăng ký nhãn hiệu như thế nàoThủ tục đăng ký nhãn hiệu hàng hoá
    Cách thức đăng ký nhãn hiệuDịch vụ đăng ký nhãn hiệu hàng hoá
    Đăng ký nhãn hiệu hàng hoáDịch vụ bảo hộ nhãn hiệu
    Cách thức đăng ký nhãn hiệu hàng hoáDịch vụ đăng ký nhãn hiệu độc quyền
    Thủ tục đăng ký nhãn hiệu độc quyềnĐăng ký nhãn hiệu hàng hoá độc quyền
    Đăng ký nhãn hiệu độc quyềnThủ tục đăng ký nhãn hiệu hàng hoá độc quyền
    Đăng ký nhãn hiệu công ty như thế nàoĐăng ký nhãn hiệu độc quyền như thế nào
    Đăng ký nhãn hiệu mớiĐăng ký thương hiệu độc quyền ở đâu
    Tư vấn đăng ký nhãn hiệuLuật sư sở hữu trí tuệ
    Đăng ký nhãn hiệu công tyĐăng ký nhãn hiệu logo
    Đăng ký sáng chếDịch Vụ đăng ký sáng chế
    Đăng ký độc quyền sáng chếĐăng ký bản quyền tác giả
    Đăng ký bản quyền phần mềmThủ tục đăng ký bản quyền
    Đăng ký bản quyềnĐăng ký bản quyền bài hát
    Công ty Luật sở hữu trí tuệĐại diện sở hữu trí tuệ
    ***Dịch Vụ pháp lý khác của Công ty Luật ASL LAW***
    Dịch vụ pháp lý thuê ngoài cho doanh nghiệp và StartupĐăng ký nhãn hiệu quốc tế
    Tư vấn đầu tư ra nước ngoài cho doanh nghiệp Việt NamĐăng ký sáng chế
    Tư vấn đầu tư tại Việt Nam cho doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh tai Việt NamTư vấn Mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A)
    Mở công ty tại Việt NamTư vấn tài Chính – Ngân hàng
    Mở văn phòng đại diện tại Việt NamDịch vụ Soạn thảo hợp đồng
    Dịch vụ sở hữu trí tuệPháp lý về lao động và việc làm
    Đăng ký nhãn hiệu tại Việt NamTư vấn giải quyết tranh chấp
    Đăng ký bản quyềnTư vấn nhượng quyền thương mại
    Contact Me on Zalo
    +84982682122
    WhatsApp chat