Trong dự thảo sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam lần này, việc sửa đổi theo hướng đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn quy trình xác lập quyền sở hữu trí tuệ được kỳ vọng sẽ làm tăng ảnh hưởng của luật sở hữu trí tuệ đối với các doanh nghiệp và qua đó làm gia tăng số lượng đơn đăng ký sáng chế tại Việt Nam, tăng tốc quá trình thương mại hóa công nghệ của xã hội.
Ngày nay, do sự toàn cầu hóa và sự phát triển nhanh chóng của xã hội, các doanh nghiệp trên thế giới đã nhận ra tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ như một trong những khía cạnh quan trọng nhất tạo nên sự thành công của họ. Theo đó, số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp bao gồm sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp,… đang tăng lên nhanh chóng trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng nhanh chóng của số lượng các đơn đăng ký sở hữu trí tuệ là những vấn đề khác nảy sinh. Cụ thể, mặc dù công nghệ của thế giới chúng ta đã phát triển nhanh chóng nhưng vẫn không đủ để bắt kịp với sự gia tăng chóng mặt của số lượng đơn đăng ký sở hữu trí tuệ, ít nhất là không phải ở thời điểm hiện tại.
Do đó, nhu cầu của số đông đã tạo ra nhu cầu đơn giản hóa thủ tục xác lập quyền sở hữu trí tuệ và tăng tốc độ xử lý đơn để giảm tình trạng tồn đọng đơn đăng ký sở hữu trí tuệ.
Vai trò của Cục SHTT
Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam (NOIP) là Cơ quan trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và cung cấp các dịch vụ trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 1 và Điều 2 (6) của Nghị định số 54/2003/NĐ-CP ngày 19 tháng 5 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ đã được sửa đổi, bổ sung tại Điều 1 (3) Nghị định số 28/2004/NĐ-CP ngày 16/01/2004 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định của Nghị định số 54/2003/NĐ-CP.
Đối với vấn đề thời gian xử lý đơn đăng ký sở hữu trí tuệ chậm, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) luôn cố gắng tìm ra giải pháp để khắc phục tình trạng này nhằm đuổi kịp, sánh ngang các cơ quan sở hữu trí tuệ của các nước khác. Bên cạnh các giải pháp cơ bản như tăng cường nguồn nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất để xử lý đơn, Cục SHTT đã đề xuất một số nội dung sửa đổi nhằm tạo thuận lợi cho quá trình xác lập quyền sở hữu trí tuệ trong dự thảo sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ lần này.
Sửa đổi quy định về “ngày bộc lộ” trong quy trình đăng ký bằng sáng chế
Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế nếu đáp ứng các điều kiện về tính mới, trình độ sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp.
Trong đó, sáng chế sẽ mất tính mới nếu bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên (ngày ưu tiên là ngày nộp đơn hợp lệ tại Cục SHTT hoặc tại một quốc gia thành viên khác của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trước khi nộp đơn tại Cục SHTT trong một thời hạn nhất định).
Thông thường, quy trình đăng ký sáng chế bao gồm nhiều bước khác nhau, bắt đầu bằng bước kiểm tra về hình thức. Nếu người thẩm định không tìm thấy sai sót về mặt hình thức, họ sẽ chuyển đơn sang giai đoạn công bố, tiếp theo là đến quy trình kiểm tra về nội dung và cuối cùng là cấp bằng sáng chế. Theo quy định hiện hành, ngày bộc lộ (bộc lộ công khai) sẽ là ngày công bố đơn chứ không phải ngày nộp đơn.
Việt Nam là quốc gia bảo hộ sáng chế theo nguyên tắc “nộp đơn đầu tiên”. Điều này có nghĩa là bất kể sáng chế được tạo ra hoặc được sử dụng bởi một công ty khác, người đầu tiên nộp đơn đăng ký sáng chế hợp lệ sẽ nhận được tất cả các quyền liên quan đến nó.
Theo phân tích tại dự thảo, sự chênh lệch giữa hai nội dung đã dẫn đến khó khăn trong việc đánh giá tính mới của sáng chế. Điều này dẫn đến thời gian xử lí 1 đơn bị gia tăng, cuối cùng dẫn đến tình trạng tồn đọng đơn đăng ký sở hữu trí tuệ chưa được giải quyết. Cụ thể, nếu văn phòng muốn từ chối cấp bằng độc quyền cho các đơn nộp muộn hơn nhưng được công bố sớm hơn, họ sẽ phải đợi cho đến khi có yêu cầu thẩm định nội dung của đơn nộp trước đó. Điều này không chỉ khiến người nộp hồ sơ phải chờ đợi lâu mà còn khiến số lượng hồ sơ vốn đã quá tải trở nên chồng chất.
Do đó, một trong những đề xuất của dự thảo là sửa đổi “ngày bộc lộ” tính mới của sáng chế vốn được cho là sẽ có ảnh hưởng nhiều nhất đến quá trình đăng ký sáng chế. Theo bản sửa đổi này, ngày bộc lộ sẽ được thay thế bằng ngày nộp đơn, thay vì ngày công bố. Thay đổi này sẽ không chỉ đảm bảo cho sự hoạt động trơn tru của nguyên tắc “nộp đơn đầu tiên” mà còn giải quyết các vấn đề tồn đọng lâu dài cho cả người nộp đơn và người thẩm định.
Làm rõ các quy định về sáng chế “mật”
Bên cạnh việc rút ngắn quy trình đăng ký sáng chế, bản sửa đổi này cũng mở ra nhiều cơ hội cho các sáng chế tiềm năng ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài. Mặc dù nội dung của sáng chế mật đã được quy định trong Nghị định số 103/2006/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 22/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu công nghiệp) nhưng các quy định này vẫn chưa rõ ràng, mơ hồ, gây khó hiểu cho người nộp hồ sơ và chủ sở hữu quyền.
Hiện nay nhà nước Việt Nam vẫn chưa có thông tư hướng dẫn cách xác định sáng chế mật. Theo báo cáo phân tích dự thảo sửa đổi, kể từ khi quy định về sáng chế mật được ban hành từ năm 2010 đến nay, không có sáng chế nào nộp tại Cục SHTT được xác định là sáng chế mật.
Vào thời điểm quy định đó được ban hành, đối tượng kiểm soát an ninh sáng chế trong luật được nhiều chuyên gia coi là quá rộng, chưa cụ thể. Theo đó, nếu thi hành theo các quy định đó, các nhà sáng tạo, doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký sáng chế tại Việt Nam có khả năng sẽ do dự, lo ngại, rút lui khỏi việc đăng ký sáng chế do không muốn bị kiểm soát an ninh. Đã có rất nhiều trường hợp mà những lo lắng này trở thành sự thật trong xã hội Việt Nam.
“Rất nhiều khách hàng của chúng tôi lo lắng về vấn đề này, quy định cũ quá khó giải thích với họ, nếu chúng tôi không quy định cụ thể thì việc áp dụng là cực kỳ khó khăn cho người nộp đơn”, ông Phạm Nghiêm Xuân Bắc, Phó Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam nhận xét trong một hội thảo về sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ vào tháng 1/2021.
Làm rõ các quy định về sáng chế nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong dự thảo sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam
Trong dự thảo sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ lần này, các nội dung về sáng chế mật và kiểm soát an ninh sáng chế đã được quy định rõ ràng hơn. Đây là một đóng góp to lớn của ban soạn thảo đối với sự phát triển của pháp luật SHTT ở Việt Nam. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng các quy định về sáng chế mật hoặc bất kỳ điều khoản nào liên quan đến sáng chế an ninh quốc gia,… cần được quy định chặt chẽ hơn, chính xác hơn để quá trình triển khai và thực thi có thể diễn ra suôn sẻ.
Các quốc gia khác trên thế giới có những điều khoản rất chi tiết về vấn đề này. Nếu Việt Nam không thực hiện tương tự và có những điều khoản chặt chẽ thì có thể dẫn đến việc các doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam bỏ đi và chọn các quốc gia tiềm năng khác vì họ sợ bị ràng buộc, hạn chế do các quy định ngặt nghèo về sáng chế. Do đó, Việt Nam phải quy định như thế nào để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài đăng ký sáng chế tại đây vì chủ trương của Việt Nam là tiếp thu sáng chế và công nghệ cao vào xã hội.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài đang mong đợi rất nhiều từ sự thay đổi và cải tiến từ bản sửa đổi này. Quy định rõ ràng hơn về kiểm soát an ninh đối với sáng chế ra nước ngoài sẽ góp phần tạo điều kiện cho việc nộp đơn sớm ra nước ngoài, đặc biệt trong trường hợp doanh nghiệp không muốn nộp đơn tại Việt Nam do không có nhu cầu khai thác và thương mại hóa sáng chế tại thị trường Việt Nam mà vẫn đảm bảo mục tiêu kiểm soát an ninh đối với sáng chế.
“Chúng tôi rất quan tâm đến các thủ tục liên quan đến sáng chế mật và kiểm soát an ninh bằng sáng chế, rất mong thủ tục sẽ đơn giản và nhanh chóng, giúp doanh nghiệp có thể thấy rõ mình phải làm gì để nộp đơn ra nước ngoài”, bà Nguyễn Thị Hồng Anh của Vingroup bày tỏ tại hội nghị.
(Tham khảo từ Báo Khoa học và Phát triển)
Liên hệ với công ty luật ASL LAW để được tư vấn về luật sở hữu trí tuệ tại Việt Nam và quốc tế.
BÀI VIẾT HỮU ÍCH LIÊN QUAN