Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết vụ án dân sự. Trong bài viết sau, ASL LAW sẽ chỉ ra quy định pháp luật về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự tại Việt Nam và các lưu ý đáng chú ý để bảo vệ lợi ích của chủ thể khởi kiện.
Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự
Khoản 3 Điều 150 Bộ luật dân sự 2015 số 91/2015/QH13 (“Bộ luật dân sự 2015”) quy định thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự là thời hạn mà chủ thể được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Nếu thời hạn khởi kiện kết thúc thì người được quyền khởi kiện sẽ mất quyền khởi kiện.
Trong đó thời hiệu là thời hạn mà khi kết thúc thời hạn đó sẽ phát sinh hậu quả pháp lý với chủ thể theo điều kiện do luật quy định (Khoản 1 Điều 149 Bộ luật dân sự 2015). Khởi kiện là việc cá nhân, tổ chức gửi đơn khởi kiện đến Toà án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu cơ quan này bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Điều 151 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Thời hiệu được tính từ thời điểm bắt đầu ngày đầu tiên của thời hiệu và chấm dứt tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hiệu.”
Theo đó, thời hiệu khởi kiện sẽ được tính từ thời điểm bắt đầu ngày đầu tiên của thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự và chấm dứt tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự.
Khoản 1 Điều 154 quy định thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Ví dụ, tháng 1 năm 2023, một bên A xâm phạm nhãn hiệu của bên B trên một trang thương mại điện tử là bên C trong một khoảng thời gian dài nhưng quy mô còn tương đối nhỏ nên bên B đã không biết về hành vi của bên A. Tháng 3 năm 2023, Bên C theo rà soát định kì đã thông báo cho bên B theo quy định về phương thức hoạt động của sàn về hành vi xâm phạm của bên A. Theo đó, khi nhận/xác nhận nhận được thông báo của Bên C (Có thể là trong thời gian 7 ngày từ khi thông báo được gửi, tùy quy định) chính là thời điểm thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu được tính.
Qua đó, Bên B sẽ có một khoảng thời gian nhất định kể từ tháng 3 năm 2023 để khởi kiện vụ án dân sự với bên A. Nếu qua thời hạn này, Bên B sẽ không còn quyền khởi kiện bên A nữa.
Cách giải quyết khi quá thời hạn khởi kiện vụ án dân sự
Nếu người có quyền khởi kiện không khởi kiện trong thời hạn khởi kiện vụ án dân sự, liệu có phương pháp nào để tiếp tục khởi kiện không?
Khoản 1 Điều 157 quy định thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại trong trường hợp sau đây:
a) Bên có nghĩa vụ đã thừa nhận một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;
b) Bên có nghĩa vụ thừa nhận hoặc thực hiện xong một phần nghĩa vụ của mình đối với người khởi kiện;
c) Các bên đã tự hòa giải với nhau.
Thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự bắt đầu lại kể từ ngày tiếp theo sau ngày xảy ra các sự kiện quy định bên trên.
Ngoài ra, Điều 156 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về các khoảng thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, bao gồm khoảng thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện không thể khởi kiện trong phạm vi thời hiệu hoặc các trường hợp người có quyền khởi kiện không thể khởi kiện do hạn chế năng lực hành vi dân sự, chưa tìm được người đại diện để khởi kiện.
Khi chứng minh người có quyền khởi kiện thuộc các trường hợp trên, người có quyền khởi kiện có thể kéo dài thời hạn khởi kiện vụ án dân sự nếu đã không khởi kiện trong thời hạn quy định.
Liên hệ với công ty luật ASL LAW để được hướng dẫn về tranh tụng và giải quyết tranh chấp tại Việt Nam:
BÀI VIẾT HỮU ÍCH LIÊN QUAN