Một trong các điểm chính trong dự thảo sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam là đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm để hưởng lương hưu tại Việt Nam.
Đề xuất giảm số năm đóng tối thiểu này dự kiến sẽ cung cấp cho người lao động quyền lợi nhiều hơn, nổi bật nhất là sự linh hoạt trong việc đưa ra các quyết định cho bản thân trong việc có tiếp tục làm việc để hưởng mức lương hưu cao hơn hay không hay tùy thuộc vào điều kiện sức khỏe mà nghỉ hưu sớm,…
Qua đó, nếu hiện tại người lao động buộc phải đi làm tối thiểu 20 năm mới đủ điều kiện nhận lương hưu thì nếu đề xuất được thông qua, họ sẽ chỉ cần làm tối thiểu 15 năm để hưởng lương hưu, trong điều kiện đáp ứng tiêu chuẩn về tuổi nghỉ hưu.
Đối với những người lao động không đủ sức khỏe để làm việc vì đã đến tuổi nghỉ hưu (khoảng 60 tuổi) thì họ sẽ khó mà tiếp tục cố gắng làm việc trong nhiều năm nữa để nhận lương hưu. Đối với họ, việc đóng một lần (một cục) gồm cả phần người sử dụng lao động cho những năm còn lại để đạt số năm đóng tối thiểu 20 năm là quá khó khăn về mặt kinh tế.
Chính vì vậy mà với đề xuất này, người lao động sẽ có thêm không gian để điều chỉnh kế hoạch nghỉ hưu của mình, cân bằng với số năm đóng.
Để công bằng, khi mà nghỉ trước khi đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, người lao động sẽ bị giảm % tương ứng với số năm họ nghỉ trước. Theo đó, họ sẽ không đạt mức 45% lương đóng bảo hiểm mà chỉ khoảng 33,75% đến 42,75%.
Cụ thể, lao động nam tham gia BHXH từ 15 đến dưới 19 năm thì lương hưu cho mỗi năm đóng được tính bằng 2,25% tiền lương bình quân tháng đóng BHXH. Lao động nam đóng BHXH từ 20 năm trở lên hưởng lương hưu 45%, cộng thêm 2% cho mỗi năm đóng sau đó. Muốn hưởng tối đa 75%, lao động đóng đủ 35 năm.
Lao động nữ đóng 15 năm BHXH hưởng lương hưu tối thiểu 45%, sau đó cộng thêm 2% cho mỗi năm tham gia. Để hưởng mức tối đa 75%, lao động nữ phải đóng BHXH 30 năm.
Với mỗi năm nghỉ hưu trước khi đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội thông dụng hiện nay, lao động nữ bị trừ 2% mức hưởng và lao động nam bị trừ 2,25% mức hưởng trong tối đa 5 năm. Nếu nghỉ trước tuổi thì bị trừ 2% mức hưởng mỗi năm, áp dụng cho cả nam và nữ. Ngược lại, lao động nam đóng BHXH hơn 35 năm và nữ đóng trên 30 năm thì ngoài lương hưu tối đa sẽ nhận trợ cấp một lần cho số năm thừa.
Ảnh hưởng đến doanh nghiệp
Ngoài việc tạo thêm điều kiện, lựa chọn cho người lao động thì ta cũng cần phải nhìn về bức tranh toàn cảnh đối với nền kinh tế, trong đó có góc nhìn của người sử dụng lao động về đề xuất thay đổi số năm đóng tối thiểu để hưởng lương hưu trên.
Bởi lẽ hiện nay, thông thường 1 năm trước khi đủ điều kiện nghỉ hưu (Tức năm đóng thứ 19), phần lớn người lao động sẽ nghỉ nguyên năm để hưởng trợ cấp thất nghiệp cho thời gian tham gia vào quỹ bảo hiểm xã hội (Tối đa 12 tháng hưởng tương ứng với 12 năm đóng bảo hiểm thất nghiệp) hoặc nếu họ không có ý định hưởng lương hưu, họ có thể lựa chọn phương án rút bảo hiểm xã hội một lần cũng cần điều kiện tiên quyết là không đóng bảo hiểm trong vòng 1 năm.
Với đề xuất này, người lao động có thể sẽ nghỉ đồng loạt nếu họ đang ở năm đóng thứ 14 do họ đã quyết định nghỉ khi đóng đủ 15 năm hoặc có các lựa chọn khác.
Việc cho người lao động nhiêu lựa chọn hơn cũng sẽ ảnh hưởng đến tâm lí của nhóm lớn người lao động, thậm chí tạo nên ảnh hưởng Domino người người lao động bàn bạc để nghỉ sớm, thậm chí rút hoàn toàn khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội.
Chính vì vậy mà xem xét tình hình hiện tại của nền kinh tế cũng như niềm tin, xu hướng hành động của người lao động Việt Nam mà Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam nên xem xét kĩ hơn đề xuất này cũng như các tác động của nó đến nền kinh tế, cần phải đảm bảo quyền lợi của người lao động cũng như sự phát triển ổn định của nền kinh tế qua trụ cột là nhóm doanh nghiệp Việt Nam.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội được lấy ý kiến đến tháng 4, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 6, trình Quốc hội thảo luận cho ý kiến tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2023, thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024 và có hiệu lực từ 1/1/2025.
Liên hệ với công ty luật ASL LAW để được tư vấn luật về lao động và việc làm.
BÀI VIẾT HỮU ÍCH LIÊN QUAN