Trong hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam, việc trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động là một trách nhiệm quan trọng mà các doanh nghiệp thường xem nhẹ. Nếu không thực hiện đầy đủ trách nhiệm này, các doanh nghiệp sẽ đối diện với nguy cơ xử phạt theo pháp luật về bảo hiểm xã hội trong khi quyền lợi của người lao động sẽ bị tổn hại, ảnh hưởng lớn đến đời sống của họ.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 18 và khoản 3 Điều 19 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, người lao động được trao quyền giữ và bảo quản sổ bảo hiểm xã hội của chính mình. Tuy nhiên, trên thực tế, vì nguy cơ thất lạc, hỏng hóc và không đủ khả năng bảo hộ nên người lao động thường giao trọng trách bảo hộ này cho người sử dụng lao động.
Vì tránh các trường hợp phức tạp khi phải làm lại sổ bảo hiểm hoặc khi có nhu cầu nên phần lớn doanh nghiệp Việt cũng đồng ý với giải pháp này. Thậm chí, đến hiện tại, việc doanh nghiệp giữ sổ bảo hiểm của người lao động đã trở thành một thường thức, được mặc định áp dụng. Nhiều người lao động dù đã làm việc nhiều năm cho người sử dụng lao động cũng không hề có tiếp xúc đến sổ bảo hiểm.
Việc này là thỏa thuận có lợi cho cả hai bên nên không có vấn đề, song rắc rối nảy sinh khi người lao động thực hiện thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động. Dù ai giữ sổ thì khi kết thúc hợp đồng, quyển sổ đó cũng phải được gửi đến người sử dụng lao động để làm thủ tục chốt sổ bảo hiểm, chấm dứt việc doanh nghiệp đóng bảo hiểm cùng với người sử dụng lao động tại cơ sở đó.
Quyển sổ sau đó phải được trả lại cho người lao động để họ có thể mang sổ đến doanh nghiệp mới, thực hiện lại thủ tục đóng bảo hiểm mới.
Căn cứ khoản 3 Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2019 và khoản 5 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, khi chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cho người lao động nghỉ việc.
Dù pháp luật yêu cầu doanh nghiệp phải chốt và trả lại sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động nhưng quy định pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể về thời hạn công ty phải chốt sổ bảo hiểm xã hội. Đây là một lỗ thủng pháp lý được các doanh nghiệp tận dụng để chèn ép, thậm chí ‘trả thù’ người lao động nếu hai bên chấm dứt hợp đồng trong bất hòa.
Với các lí do trái pháp luật và không hợp lí như chưa đến thời điểm chốt sổ toàn công ty, gặp khó khăn trong công đoạn chốt sổ với cơ quan bảo hiểm xã hội thuộc nhà nước,… các doanh nghiệp thường cố gắng kéo dài thời hạn chốt sổ dù đây là trách nhiệm bắt buộc của họ.
Việc không có quyền tiếp cận đến sổ bảo hiểm ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động như không thể chính thức làm việc tại các đơn vị khác, hoặc không đủ điều kiện yêu cầu hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội như chế độ bảo hiểm thất nghiệp.
Khoản 1 Điều 46 Luật Việc làm 2013 quy định trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động chưa có việc làm trực tiếp nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động muốn nhận trợ cấp.
Theo đó, nếu quá thời hạn 3 tháng mà doanh nghiệp vẫn không trả sổ bảo hiểm xã hội để người lao động có thể hoàn thiện hồ sơ và nộp thì người lao động đó sẽ không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Họ phải chờ đến khi tiếp tục tham gia lại, nghỉ việc, nhận sổ rồi mới đủ điều kiện nộp hồ sơ.
Xử phạt hành vi doanh nghiệp giữ sổ bảo hiểm xã hội
Căn cứ khoản 2 Điều 12 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, người sử dụng lao động không hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác đã giữ của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động sẽ bị phạt từ 1 đến 20 triệu đồng tùy vào số lượng người lao động vi phạm.
Cùng với đó, người sử dụng lao động cũng bị buộc hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại giấy tờ đã giữ của người lao động.
Liên hệ với công ty Luật ASL LAW để được tư vấn Luật về Lao động và Việc làm.
BÀI VIẾT HỮU ÍCH LIÊN QUAN