Vào tháng 9 năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 85/2021 sửa đổi, bổ sung Nghị định 52/2013 về hoạt động thương mại điện tử (Nghị định thương mại điện tử). Nghị định 85/2021 bắt đầu đi vào hiệu lực từ ngày 1/1/2022 với những thay đổi đáng chú ý về điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thương mại điện tử. Dưới đây là một số quy định mới quan trọng trong Nghị định 85/2021.
Điều chỉnh phạm vi áp dụng
Một số lĩnh vực kinh doanh không thuộc phạm vi áp dụng của Nghị định thương mại điện tử nếu quy định pháp luật liên quan đến các lĩnh vực đó có quy định về thương mại điện tử. Các lĩnh vực đó (Các lĩnh vực bị loại trừ) bao gồm dịch vụ tài chính, ngân hàng, tín dụng, bảo hiểm và xổ số; kinh doanh, trao đổi tiền, vàng, ngoại hối và các phương tiện thanh toán khác; dịch vụ cá cược hoặc trò chơi may rủi; dịch vụ phân phối, phát hành sản phẩm nội dung số, dịch vụ phát thanh, truyền hình. Các tổ chức, cá nhân có hoạt động thương mại điện tử phải thận trọng khi xác định xem các quy định pháp luật có liên quan của lĩnh vực kinh doanh của mình có quy định về thương mại điện tử hay không.
Định nghĩa rõ ràng hơn về các nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử
Nghị định 85/2021 cũng đã bổ sung định nghĩa về dịch vụ thương mại điện tử và làm rõ việc cung cấp dịch vụ thương mại điện tử không bao gồm thương nhân, tổ chức chỉ cung cấp dịch vụ thiết kế website và không trực tiếp tham gia kinh doanh, vận hành, phối hợp hoạt động trên website đó.
Các chủ thể của hoạt động thương mại điện tử
Theo Nghị định 85/2021, thương nhân hoặc tổ chức cung cấp hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ hậu cần và các dịch vụ hỗ trợ khác cho hoạt động thương mại điện tử đêu phải tuân thủ các quy định về thương mại điện tử. Trước đây, Nghị định 52/2013 chỉ bao gồm các nhà cung cấp hạ tầng với tư cách là người tham gia hoạt động thương mại điện tử. Tuy nhiên, không xác định rõ các dịch vụ hỗ trợ khác.
Pháp nhân nước ngoài và Nghị định thương mại điện tử
Theo Nghị định 52/2013, pháp nhân nước ngoài phải tuân theo quy định của pháp luật về thương mại điện tử bao gồm các đối tượng kinh doanh tại Việt Nam bằng hình thức đầu tư, thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc có website với tên miền Việt Nam. Nghị định 85/2021 đã mở rộng phạm vi áp dụng cho các chủ thể nước ngoài. Các tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động thương mại điện tử tại Việt Nam đều thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định 85/2021
Kiểm soát hoạt động của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam
Đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài có trang thương mại điện tử thì tổ chức, cá nhân đó phải đăng ký hoạt động thương mại điện tử và thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam, hoặc cử người đại diện được ủy quyền tại Việt Nam. Quy định này khác với quy định cũ theo Nghị định 52/2013 không yêu cầu pháp nhân nước ngoài phải có văn phòng hoặc đại diện tại Việt Nam và sẽ hạn chế các dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới do nhà cung cấp nước ngoài cung cấp cho khách hàng tại Việt Nam. Tổ chức, cá nhân nước ngoài có trang thương mại điện tử tại Việt Nam phải hoàn thành các yêu cầu trên trước thời điểm cuối năm 2022.
Đối với người bán nước ngoài trên sàn giao dịch thương mại điện tử Việt Nam, người bán nước ngoài có thể phải chỉ định đại lý thương mại của mình tại Việt Nam. Chủ sở hữu nền tảng giao dịch thương mại điện tử phải xác minh danh tính của người bán nước ngoài giao dịch trên nền tảng của mình.
Nghị định 85/2021 khẳng định lại dịch vụ thương mại điện tử là ngành kinh doanh có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài. Do đó, các nhà đầu tư nước ngoài phải tuân thủ điều kiện tiếp cận thị trường.
Bổ sung trách nhiệm của chủ sở hữu trang thương mại điện tử
Ngoài các trách nhiệm được quy định trong Nghị định 52/2013, chủ sở hữu trang thương mại điện tử bán hàng cần thực hiện những nghĩa vụ sau:
- Công bố trên trang chủ của trang web của mình tất cả các liên kết thông tin về các điều khoản, điều kiện chung, giao hàng, vận chuyển, phương thức thanh toán;
- Công bố trên trang web của mình thông tin hàng hóa;
- Công bố thông tin về chứng chỉ hoặc giấy phép chứng minh việc đáp ứng các điều kiện áp dụng đối với ngành, nghề kinh doanh của mình; và
- Liên quan đến các điều khoản về giao hàng và vận chuyển, phân bổ trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ hậu cần liên quan đến việc cung cấp tài liệu hàng hóa trong quá trình giao hàng.
Hình thức mới của nền tảng giao dịch thương mại điện tử
Mạng xã hội cũng có thể được coi là sàn giao dịch thương mại điện tử nếu mạng xã hội đó đáp ứng đủ các điều kiện trong quy định mới:
Mạng xã hội đó có một trong các hoạt động dưới đây:
- cho phép người tham gia mở cửa hàng trưng bày, giới thiệu hàng hóa, dịch vụ;
- cho phép người tham gia mở tài khoản để giao kết hợp đồng với khách hàng; hoặc
- có mục mua sắm nơi người tham gia chia sẻ thông tin bán hàng hóa, dịch vụ; và
- người tham gia mạng xã hội đó trực tiếp hoặc gián tiếp trả phí cho việc thực hiện các hoạt động trên.
Bổ sung trách nhiệm của nhà cung cấp sàn giao dịch thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến
Bên cạnh các trách nhiệm chung, nhà cung cấp sàn giao dịch thương mại điện tử có chức năng đặt hàng trực tuyến phải thực hiện các nhiệm vụ dưới đây:
- Chỉ định đầu mối tiếp nhận yêu cầu và cung cấp thông tin trực tuyến cho cơ quan quản lý về các đối tượng vi phạm pháp luật. Đầu mối liên hệ này phải cung cấp thông tin trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu;
- Đại diện cho người bán nước ngoài trên sàn giao dịch thương mại điện tử giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ do người bán nước ngoài đó cung cấp và thông báo nghĩa vụ thuế mà người bán nước ngoài đó phải thực hiện;
- Là đầu mối tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng nếu giao dịch thực hiện trên sàn giao dịch thương mại điện tử có nhiều hơn hai bên tham gia;
- Lưu trữ thông tin về đơn hàng thực hiện trên sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định của pháp luật về kế toán; và
- Liên đới bồi thường thiệt hại do mình vi phạm nghĩa vụ xử lý vi phạm pháp luật xảy ra trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
Thủ tục đăng ký dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử hoàn toàn mới
Với những quy định cũ, các nhà cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử cần phải có giấy phép của Bộ Công Thương. Hiện tại, Chính phủ sẽ thay đổi giấy phép đăng ký dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử. Kết quả đăng ký thành công bao gồm:
- xác nhận đăng ký dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử do Bộ Công Thương cấp và
- tên nhà cung cấp được cập nhật vào danh sách nhà cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử đã đăng ký được công bố trên Cổng thông tin quản lý thương mại điện tử.
Liên hệ với công ty luật ASL LAW để được hướng dẫn về luật doanh nghiệp, luật lao động, luật sở hữu trí tuệ, tư luật về bất động sản.
BÀI VIẾT HỮU ÍCH LIÊN QUAN