Khi người sử dụng lao động không chốt sổ bảo hiểm xã hội, gây ảnh hưởng đến việc tiếp cận các chế độ bảo hiểm xã hội thì người lao động cần chủ động thực hiện các biện pháp để bảo vệ quyền lợi của mình.
Theo điểm a khoản 3 Điều 48 Bộ luật Lao động 2019, khi chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác đã giữ của người lao động.
Căn cứ khoản 2 Điều 12 Nghị định 12/2022/NĐ-CP, người sử dụng lao động không hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác đã giữ của người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động sẽ bị phạt từ 1 đến 20 triệu đồng tùy vào số lượng người lao động vi phạm.
Cùng với đó, người sử dụng lao động cũng bị buộc hoàn thành thủ tục xác nhận và trả lại giấy tờ đã giữ của người lao động.
Để tránh bị phạt, doanh nghiệp cần phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật theo quy định tại khoản 5 Điều 21 Luật bảo hiểm xã hội 2014.
Phương thức bảo vệ quyền lợi khi người sử dụng lao động Việt Nam không chốt sổ bảo hiểm xã hội
Người lao động không thể tự mình chốt sổ bảo hiểm xã hội mà không có sự phối hợp của doanh nghiệp. Qua đó, trong trường hợp doanh nghiệp phá sản hoặc cố tình làm khó người lao động thì người lao động sẽ chịu nhiều thiệt thòi, ảnh hưởng cả về vật chất lẫn tinh thần của họ.
Nếu chờ đến khi doanh nghiệp bị xét xử, xử phạt vì hành vi vi phạm thì khi đó, thiệt hại của người lao động đã quá lớn và khó thể bù đắp. Thay vào đó, ngay khi có dấu hiệu về hành vi vi phạm này của doanh nghiệp, người lao động cần liên hệ với ban lãnh đạo điều hành doanh nghiệp để có cơ sở chứng minh người lao động đã thực hiện các bước cần thiết để giải quyết vụ việc trong thiện chí.
Nếu doanh nghiệp vẫn không giải quyết, người lao động cần khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi đơn vị đặt trụ sở chính hoặc làm đơn khởi kiện tới Tòa án nhân dân nơi đơn vị đặt trụ sở chính về hành vi vi phạm của doanh nghiệp.
Khi nhận được thông tin, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tiến hành xác minh và liên hệ với cơ quan bảo hiểm xã hội để chốt sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Trong trường hợp công ty cũ đã phá sản mà vẫn còn đang nợ tiền bảo hiểm, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ giải quyết theo quy định tại Quyết định 505/QĐ-BHXH với phương thức giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động như bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội một lần đến thời điểm doanh nghiệp dừng đóng bảo hiểm xã hội.
Trong tương lai, nếu doanh nghiệp đóng bù hoặc có phương thức khác để đóng bổ sung vào khoảng thời gian bị thiếu thì cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ thực hiện xác nhận bổ sung trên sổ bảo hiểm xã hội.
Liên hệ với công ty Luật ASL LAW để được tư vấn Luật về Lao động và Việc làm.
BÀI VIẾT HỮU ÍCH LIÊN QUAN