Ngoài khoản tiền trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, người lao động không có việc làm, đáp ứng tiêu chí hưởng trợ cấp thất nghiệp còn có thể tiếp cận đến các chính sách hỗ trợ khác thuộc chính sách bảo hiểm thất nghiệp ngoài khoản trợ cấp tiền mặt. Đây là một trong các nội dung ít người lao động biết đến, dẫn đến việc họ không nắm và hưởng được quyền lợi đầy đủ từ các chính sách này.
Theo quy định tại Điều 42 Luật Việc làm 2013, chính sách bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: Trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ học nghề; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
Mỗi chế độ lại yêu cầu những điều kiện hưởng nhất định.
Điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp
Căn cứ Điều 49 Luật Việc làm 2013, người lao động muốn hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp phải đáp ứng đủ các điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp gồm:
– Đã chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc trừ trường hợp Đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng (Cần có bằng chứng cụ thể bằng văn bản).
– Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động (Việc đóng bảo hiểm phải đáp ứng việc đóng từ cả 2 phía là người lao động và người sử dụng lao động).
– Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động.
– Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ cho trung tâm dịch vụ việc làm.
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động thực hiện theo chế độ tiền lương do doanh nghiệp quyết định.
Thời gian người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức lương bình quân của 06 tháng liền kề có đóng bảo hiểm thất nghiệp trước khi thất nghiệp.
Điều kiện được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm
Theo Điều 54 Luật Việc làm 2013, người lao động chỉ cần đang đóng bảo hiểm thất nghiệp, bị chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc mà có nhu cầu tìm kiếm việc làm được thì sẽ được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm.
Người lao động tham gia vào chế độ hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm theo diện chế độ bảo hiểm thất nghiệp không cần phải đóng bất kì một khoản phí nào.
Đối với người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thì hàng tháng, khi đến xác nhận tình trạng thất nghiệp và hưởng trợ cấp thất nghiệp cho tháng đó, họ có thể được hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm tại trung tâm dịch vụ việc làm nơi người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Điều kiện được hỗ trợ học nghề
Theo Điều 55 Luật Việc làm 2013, người lao động sẽ được hỗ trợ học nghề khi:
– Đã chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
– Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 09 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
– Đã nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
– Chưa tìm được việc sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ tại trung tâm dịch vụ việc làm.
Điều kiện được hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm
Chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động là chính sách dành cho người sử dụng lao động, chứ không phải cho người lao động. Để được hưởng quyền lợi này, người sử dụng lao động phải đảm bảo có đủ các điều kiện:
– Đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động dự kiến thuộc diện hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm liên tục từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ.
– Gặp khó khăn do suy giảm kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng buộc phải thay đổi cơ cấu, công nghệ.
– Không đủ kinh phí để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động.
– Đã có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề và duy trì việc làm được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Liên hệ với công ty Luật ASL LAW để được tư vấn Luật về Lao động và Việc làm.
BÀI VIẾT HỮU ÍCH LIÊN QUAN