Nhiều đơn vị kinh doanh BĐS gần đây đang tìm cách huy động vốn thông qua mô hình mua chung qua các ứng dụng trực tuyến. Theo mô hình này, nhà đầu tư chỉ cần bỏ ra một ít tiền là có thể đầu tư vào những bất động sản trị giá hàng chục tỷ đồng kèm cam kết chi trả lợi nhuận. Tuy nhiên, mô hình mua chung liệu có thật sự là cơ hội làm giàu qua đêm, hay lại là một con đường đầu tư viễn tưởng thất bại?
Lợi ích càng lớn
Trong thời gian gần đây, trên thị trường bất động sản rộ lên phong trào mua chung bất động sản dựa vào các nền tảng ứng dụng mua bán trực tuyến như Revex, RealStake,… Áp dụng các mô hình mua chung này, nhà đầu tư có khi chỉ cần vài triệu đồng là có thể tham gia góp vốn vào một dự án trị giá vài tỷ đến vài chục tỷ đồng.
Theo Công ty Cổ phần Realstake, điểm đặc biệt của mô hình đầu tư này là khách mua sẽ có khả năng chia sẻ cơ hội đầu tư cùng với các khách hàng khác bằng hình thức cùng nhau đầu tư vào các căn hộ hay shophouse. Đơn giản, môt căn hộ trị giá 4 tỷ đồng sẽ được chia làm 100 phần giá trị bằng nhau, mỗi phần 40 triệu đồng. Khách hàng có thể mua 1 phần hay nhiều phần của căn hộ tùy thuộc vào khả năng tài chính của mình. Nhà đầu tư ký hợp đồng mua bán với công ty bất động sản có thể đạt mức lợi nhuận từ 6%/năm trở lên.
Rủi ro càng cao
Điều cần phải nói là khi tham gia vào đầu tư, bất kể dự án đầu tư là lớn hay nhỏ, nhà đầu tư đều phải chuẩn bị tâm lí trước việc mất trắng tay. Bởi đầu tư là một lĩnh vực mạo hiểm lớn lợi ích cao, đầu tư bất động sản cũng không phải ngoại lệ.
Với mô hình mua chung, như các mô hình khác, nhà đầu tư sẽ phải đối diện với nhiều rủi ro, khả năng lỗ vốn cao, sạt nghiệp chỉ trong một đêm. Tuy nhiên, mô hình mua chung mới xuất hiện trên thị trường này lại có những bất cập đặc biệt nguy hiểm mà các mô hình bất động sản trước đây không có.
Rủi ro lớn nhất phải kể đến trong mô hình mua chung là khả năng doanh nghiệp sở hữu ứng dụng fintech mua chung bất động sản có thể tự ý bán BĐS bất cứ lúc nào mà người góp vốn không hề hay biết. Thậm chí dù việc bán BĐS là công khai thì các nhà đầu tư mua chung cũng có thể không nhận lại được cả vốn lẫn lãi.
Các rủi ro này vẫn còn tồn đọng là vì mô hình mua chung này vẫn chưa có cơ chế bảo vệ tiền của nhà đầu tư. Hiện tại mô hình này vẫn phụ thuộc vào uy tín, đạo đức, cũng như năng lực của doanh nghiệp sở hữu ứng dụng fintech là chính.
Mô hình mua chung hay mô hình quỹ đầu tư tín thác bất động sản?
Trên thực tế, mô hình mua chung này có rất nhiều điểm giống với mô hình quỹ đầu tư tín thác bất động sản. Mô hình này được coi là một trong những hoạt động thành công nhất của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, giữa hai mô hình này có điểm khác biệt cực kì rõ ràng mà éo le thay, nhiều nhà đầu tư lại không nhận ra được.
Mô hình quỹ đầu tư tín thác bất động sản phải do những người chuyên nghiệp quản lý quỹ, chứ không phải doanh nghiệp bất động sản. Bản chất của các quỹ này là một bên trung gian chứ không phải doanh nghiệp. Mô hình này đòi hỏi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cực kỳ chặt chẽ, hoàn chỉnh với những chế tài cho tất cả các bên gồm các nhà đầu tư góp vốn, quản lý vốn và kinh doanh vốn.
Tuy nhiên, mô hình mua chung ở Việt Nam hiện nay có các văn bản quy phạm pháp luật chưa rõ ràng và nhiều lỗ hổng. Ngoài ra, điểm khác biệt lớn nhất là đằng sau các ứng dụng fintech mua chung này chỉ là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản không có độ tin cậy cao.
Mô hình mua chung: Rủi ro hay cơ hội?
Mô hình mua chung BĐS qua các ứng dụng fintech dựa trên các hợp đồng dân sự có bản chất vẫn chỉ là một hình thức huy động vốn có cam kết lợi nhuận chứ không hẳn là mô hình đầu tư. Nhiều chuyên gia BĐS cảnh báo rằng các nhà đầu tư không sở hữu BĐS, không bán được BĐS, do đó họ đang không đầu tư BĐS và không có quyền gì với chủ đầu tư BĐS đó. Trong bối cảnh chưa có các văn bản quy phạm pháp luật chặt chẽ để chế tài, hạn chế doanh nghiệp thì việc huy động nhiều nguồn vốn nhỏ từ những nhà đầu tư không chuyên có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Liên hệ với công ty luật ASL LAW để được hướng dẫn về bất động sản tại Việt Nam:
BÀI VIẾT HỮU ÍCH LIÊN QUAN