(Việt Nam) Trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp thôi việc là 2 khái niệm rất khác nhau nhưng lại thường bị người lao động mới nghỉ việc và đang đi tìm kiếm sự hỗ trợ về mặt vật chất từ nhà nước và doanh nghiệp nhầm lẫn với nhau. Vậy, 2 chính sách này có gì khác nhau và những lưu ý về trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp thôi việc tại Việt Nam là gì?
Sự khác biệt giữa trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp thôi việc tại Việt Nam
Căn cứ khoản 2 Điều 46 Bộ luật Lao động 2019, thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc và thời gian làm việc mà người lao động đã được chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.
Về nguyên tắc, nếu người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp thì sẽ không được hưởng trợ cấp thôi việc vì tham gia bảo hiểm thất nghiệp là điều kiện bắt buộc đối với cả người lao động và người sử dụng lao động khi ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên, áp dụng từ ngày 01/01/ 2009.
Theo đó, người lao động thôi việc vẫn được hưởng cả trợ cấp thôi việc và trợ cấp thất nghiệp nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Có việc làm và đóng BHXH trước ngày 01/01/2009.
- Tham gia vào thời gian thử việc trước khi chính thức làm việc tại doanh nghiệp.
- Có thời gian nghỉ ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng.
- Đang nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
Sở dĩ người lao động được hưởng cả hai chế độ này là do hiện nay, một bộ phận lớn tầng lớp lao động Việt Nam đã có việc làm và đóng BHXH trước ngày 01/01/2009, ngày chính sách BHTN có hiệu lực theo quy định Luật Bảo hiểm xã hội 2006.
Như vậy, người lao động khi nghỉ việc sẽ được trợ cấp thôi việc cho thời gian đã làm việc trước năm 2009 (thời điểm chưa tham gia bảo hiểm thất nghiệp).
Kể từ năm 2009, hầu hết người lao động nghỉ việc sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp, còn trợ cấp thôi việc ít được áp dụng, trừ trường hợp đặc biệt.
Trợ cấp thất nghiệp từ bảo hiểm thất nghiệp sẽ do cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả, còn chính sách trợ cấp thôi việc quy định người sử dụng lao động sẽ trả trợ cấp thôi việc cho người lao động khi nghỉ việc.
Tình hình xã hội Việt Nam cuối năm 2021
Hiện tại, do sự hoành hành của đại dịch Covid-19 trên khắp Việt Nam, số lượng người lao động tự nguyện và bị buộc thôi việc đang tăng lên từng ngày.
Tính đến tháng 10/2021, số người rút BHXH một lần gấp 1,5 lần so với 6 tháng đầu năm và tăng gần 5,5% so với cùng kỳ năm 2020.
Chỉ tính riêng TP.HCM, từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng đã giải quyết hơn 95.055 hồ sơ hưởng BHXH một lần với số tiền chi trả hơn 6.000 tỷ đồng.
Mặt khác, đối với những cá nhân tiếp tục hưởng chế độ BHXH thì do nhiều nguyên nhân, thay vì làm việc đến khi đủ tuổi nghỉ hưu, nhiều người sau khi đã đóng đủ số năm BHXH đã chọn cách nghỉ việc, chờ cho đến khi đủ tuổi hưởng lương hưu.
Tuy nhiên, người lao động nên biết rằng, nghỉ việc sớm trước tuổi nếu đủ điều kiện thì có thể được hưởng trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp thôi việc.
Trợ cấp thôi việc
Khoản 1 Điều 46 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định: “Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 9 và 10 Điều 34 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương, trừ trường hợp đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này.”
Theo đó, người lao động làm việc thường xuyên cho doanh nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên chấm dứt hợp đồng lao động một cách hợp pháp sẽ được hưởng trợ cấp thôi việc.
Tuy nhiên, quyền lợi này sẽ không được chi trả trong hai trường hợp sau:
- Người lao động đủ điều kiện nhận lương hưu.
- Người lao động tự ý nghỉ việc từ 05 ngày làm việc liên tục trở lên mà không có lý do chính đáng.
Như vậy, nếu người lao động nghỉ việc trước khi đủ điều kiện hưởng lương hưu thì sẽ có cơ hội được nhận trợ cấp thôi việc.
Trợ cấp thôi việc của người lao động được tính theo công thức sau:
Trợ cấp thôi việc = 1/2 x Thời gian tính trợ cấp thôi việc x Tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề theo hợp đồng lao động gần nhất trước khi nghỉ việc
Phương pháp tính thời gian được sử dụng để tính toán tiền trợ cấp thôi việc
Thời gian tính trợ cấp thôi việc = Tổng thời gian đã làm việc cho doanh nghiệp – Thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp – Thời gian đã hưởng trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.
Trong đó:
a) Tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho doanh nghiệp bao gồm:
- Thời gian người lao động đã trực tiếp làm việc cho doanh nghiệp;
- Thời gian thử việc;
- Thời gian được người sử dụng lao động cử đi học;
- Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau, thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;
- Thời gian nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được người sử dụng lao động trả lương theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;
- Thời gian nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật và được người sử dụng lao động trả lương;
- Thời gian nghỉ việc không do lỗi của người lao động;
- Thời gian nghỉ hằng tuần theo Điều 111, nghỉ hưởng nguyên lương theo Điều 112, Điều 113, Điều 114, Khoản 1 Điều 115;
- Thời gian thực hiện nhiệm vụ của tổ chức đại diện người lao động theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 176 và thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo quy định tại Điều 128 của Bộ luật Lao động.
b) Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm:
- Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật;
- Thời gian người lao động không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật nhưng được người sử dụng lao động đóng cùng với tiền lương của người lao động một khoản tương đương với mức người sử dụng lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định của pháp luật về lao động và bảo hiểm thất nghiệp.
c) Thời gian đã trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm
Thời gian đã trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm của người lao động được tính theo năm (đủ 12 tháng). Trường hợp thời gian làm việc của người lao động có tháng lẻ dưới 06 tháng được tính là 1/2 năm, trên 06 tháng được tính là 01 năm làm việc.
Tiền lương bình quân của hợp đồng lao động gần nhất dùng để tính trợ cấp thôi việc
Mức lương bình quân của hợp đồng lao động gần nhất dùng để tính trợ cấp thôi việc được tính theo quy định tại Khoản 5, Điều 8, Nghị định 145/2020/NĐ-CP.
Trường hợp người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo nhiều hợp đồng lao động liên tiếp thì tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là bình quân tiền lương của 6 tháng liền kề trước khi chấm dứt hợp đồng lao động theo hợp đồng lao động cuối cùng.
Trường hợp hợp đồng lao động cuối cùng bị tuyên bố vô hiệu do mức lương ghi trong hợp đồng vi phạm pháp luật, thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố hoặc vì lý do khác thì tiền lương làm căn cứ tính sẽ do hai bên thỏa thuận.
Trợ cấp thất nghiệp
Bên cạnh quyền lợi hưởng trợ cấp thôi việc, bảo hiểm thất nghiệp là chính sách bảo hiểm xã hội mà hầu hết người lao động nghỉ việc trước tuổi nghỉ hưu đều được hưởng, theo quy định hiện hành về lao động và làm việc.
Căn cứ Điều 49 Luật Việc làm 2013, người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu đạt đủ các điều kiện sau đây:
- Hợp đồng lao động bị chấm dứt hợp pháp (Người lao động chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật và/hoặc đủ điều kiện hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng,… thì không đủ điều kiện)
- Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi nghỉ việc.
- Đã nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp tại Trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động.
- Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ.
Nếu đáp ứng đủ 4 điều kiện trên thì người đang chờ nghỉ hưu được hưởng trợ cấp thất nghiệp với mức như sau:
Mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp/tháng = Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp x 60%
Số tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp sẽ được tính dựa trên thời gian người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể, cách tính số tháng hưởng BHTN như sau:
- Đóng đủ 12 – 36 tháng BHXH: Được hưởng 03 tháng trợ cấp thất nghiệp.
- Sau đó, cứ đóng đủ 12 tháng BHXH: nhận thêm 01 tháng trợ cấp thất nghiệp.
- Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa: 12 tháng.
Mức trợ cấp thất nghiệp tối đa mà người lao động được hưởng phải là:
- Không quá 05 lần mức lương cơ sở.
- Không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng.
Hằng tháng, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm chi trả trợ cấp thất nghiệp trong thời hạn 12 ngày kể từ ngày hưởng trợ cấp thất nghiệp của tháng đó nếu không nhận được thông báo của cơ quan bảo hiểm xã hội về việc tạm dừng hoặc chấm dứt trợ cấp thất nghiệp cho người đó.
Với quy định này, người lao động cần cân đối hợp lý thời gian chờ nghỉ hưu để hưởng đủ trợ cấp thất nghiệp rồi mới nhận lương hưu hàng tháng.
Tuy nhiên, điều này khó có thể đạt được do chính sách BHXH của Việt Nam hiện nay khá bất ổn với số tuổi nghỉ hưu tăng dần mỗi năm và dẫn đến tỷ lệ, lợi ích hưởng lương hưu thay đổi theo, khiến người lao động khó có thể tính được lãi/lỗ nếu quyết định nghỉ hưu sớm hơn so với luật pháp quy định.
Dẫu vậy, người lao động vẫn nên cố gắng tìm kiếm sự cân đối về thời gian nghỉ hưu để nhận được đầy đủ các quyền lợi khi tham gia chính sách BHXH tại Việt Nam.
Liên hệ với công ty luật ASL LAW để được tư vấn luật về lao động và việc làm.
BÀI VIẾT HỮU ÍCH LIÊN QUAN
***Dịch Vụ pháp lý khác của Công ty luật ASL LAW*** |
||
|
||
|
||
Tư vấn đầu tư tại Việt Nam cho doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh tai Việt Nam |
|
|
|
||
|
||
|
||
|
||
|