Theo thông tin bên phía các đại lý của Tiktok, hiện nhu cầu thuê dịch vụ của họ để tránh thuế, lẩn trốn việc đóng thuế liên quan đến hoạt động quảng cáo trực tuyến trên nền tảng TikTok tăng mạnh trong thời gian gần đây. Thực trạng đáng báo động này đã diễn ra trong thời gian dài, có nguy cơ khiến ngân sách nhà nước thất thu hàng triệu tỷ đồng.

Theo thông tin từ cuộc điều tra của VTV Money, từ đầu năm 2022, TikTok đã thông báo đến các đối tác mua quảng cáo tại Việt Nam rằng nếu họ là tổ chức có đăng ký thuế khi mua quảng cáo sẽ tự chịu trách nhiệm kê khai nộp thuế. Ngược lại, nếu họ không phải là tổ chức đã đăng ký thì họ sẽ phải trả thêm 10,8% tiền thuế cho TikTok thu hộ để nộp lại nhà nước.

Dẫu có quy định như vậy nhưng trong hơn 1 năm qua kể từ khi Tiktok bắt đầu hoạt động mạnh tại Việt Nam thì nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân mua, sử dụng dịch vụ quảng cáo trên TikTok dù không đăng ký thuế vẫn có thể lách được khoản thuế 10,8% kia.
Theo tìm hiểu của VTV, các tổ chức này sử dụng tài khoản đi thuê của các đại lý có hợp đồng chính thức với TikTok tại Việt Nam, tức sử dụng tiền chi trả cho các đại lý theo phương thức chuyển khoản vào tài khoản cá nhân/tiền mặt không chính thức rồi sau đó các đại lý sẽ tiến hành thực hiện việc mua quảng cáo, qua đó cả 2 bên đều không phải đóng thuế.
Theo dữ liệu tổng hợp của các đại lý, hiện có đến 50% khách hàng lớn đều yêu cầu các đại lý cung cấp dịch vụ thuê tài khoản như vậy, tạo nên một quy trình lẩn trốn thuế đặc biệt hiệu quả. Thậm chí, chính các đại lý cũng cho biết rằng bản thân họ cũng công khai chào bán dịch vụ trốn thuế này trên các nền tảng mạng xã hội để tiếp cận được đến nhiều khách hàng hơn.
Để thuyết phục các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh mua quảng cáo của TikTok thông qua tài khoản đi thuê từ đại lý, các đại lý không ngần ngại cho phép khách tự tích hợp các hình thức thanh toán quốc tế như: Visa, Mastercard, Paypal để nạp tiền trực tiếp với số lượng tùy thích, thậm chí là hỗ trợ các loại tiền kỹ thuật số như BUSD, USDT… hầu hết qua tài khoản cá nhân.
Theo thông tin của các chuyên gia, cơ quan thuế sẽ gặp nhiều trở ngại khi hậu kiểm dòng doanh thu qua các kênh thanh toán quốc tế hoặc giao dịch cá nhân vãng lai. Chính vì vậy, một số chuyên gia đã đề xuất việc siết chặt, hạn chế các hình thức thanh toán này để hạn chế tình trạng lẩn tránh thuế.
Tuy nhiên, hành động này có thể gặp nhiều trở ngại khi nguồn lực còn hạn chế và tính hiệu quả không cao.
Khi được phỏng vấn về góc nhìn đối với vấn đề siết chặt các phương thức thanh toán để giảm, tránh tình trạng trốn thuế của các đại lý trên Tiktok, Luật sư Nguyễn Tiến Hòa – Giám đốc Công ty luật ASL LAW Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Đối với các phương thức thanh toán này, nếu trong trường hợp cơ quan quản lý cấm sử dụng thay vì tìm ra phương thức quản lý thuế hữu hiệu thì nó sẽ khiến các hoạt động quảng cáo trên Tiktok hoặc trên các nền tảng mạng xã hội khác gặp nhiều trở ngại, ách tắc trong hoạt động giao thương hàng hóa.”

Theo Kantar Media, trong năm 2022, tính riêng doanh thu quảng cáo của 3 hãng công nghệ nước ngoài tại Việt Nam gồm Google, Facebook và TikTok là 2,5 tỷ USD, hơn 58.000 tỷ đồng. Con số trên sẽ còn tăng mạnh trong những năm tới, đặc biệt là nền tảng TikTok khi giới trẻ có sự tiếp cận tốt hơn với nền tảng này.
Chính vì vậy, các cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu giải pháp hiệu quả chống thất thu thuế từ các hoạt động trên TikTok và các nền tảng khác nhằm bổ sung vào nguồn ngân sách quốc gia, chi tiêu cho các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội.
Xem bài chi tiết của VTV tại đây.
Liên hệ với công ty luật ASL LAW để được tư vấn về luật thuế.
BÀI VIẾT HỮU ÍCH LIÊN QUAN