Vào ngày 19 tháng 10 năm 2023, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã tự khởi xướng điều tra xem xét về phạm vi sản phẩm và hành vi chống lẩn tránh các biện pháp chống bán phá giá và biện pháp chống trợ cấp đang được áp dụng đối với dây cáp nhôm (AWC) từ Trung Quốc.
Phạm vi điều tra bao gồm AWC có nguồn gốc từ Trung Quốc đã trải qua quá trình xử lý tiếp theo tại Việt Nam trước khi xuất khẩu sang Hoa Kỳ dưới dạng hàng hóa có xuất xứ Việt Nam.
Sản phẩm bị điều tralàdây cáp nhôm có mã HS 8544.49.9000, 8544.42.9090. DOC cáo buộc dây cáp nhôm hoàn thiện tại Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sử dụng nguyên liệu đầu vào có xuất xứ Trung Quốc như dây cáp bện hoặc dây cáp nhôm chưa hoàn thiện, không có sự chuyển đổi đáng kể, thuộc phạm vi hoặc lẩn tránh lệnh áp thuế gốc với Trung Quốc.
Việc không cung cấp thông tin chính xác hoặc hợp tác hết khả năng có thể dẫn đến việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ sử dụng các dữ kiện sẵn có và thường bất lợi theo quy định tại Mục 776 của Đạo luật thuế quan năm 1930.
Ngày 23 tháng 12 năm 2019, Hoa Kỳ đã ban hành lệnh áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với cùng loại sản phẩm trên có xuất xứ từ Trung Quốc với mức thuế chống bán phá giá dao động từ 58,51% đến 63,47%, mức thuế chống trợ cấp dao động từ 33,44% đến 165,63%.
Ngày 19 tháng 10 năm 2023, Bộ Thương mại Hoa Kỳ khởi xướng điều tra xem xét pham vi sản phẩm và chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với dây cáp nhôm từ 03 quốc gia Việt Nam, Campuchia và Hàn Quốc.
Ngày 20 tháng 12 năm 2023, DOC ban hành bản câu hỏi Lượng và Giá trị (Quantity & Value Questionnaire) tới các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam nhằm thu thập thông tin nhằm chuẩn bị cho việc ban hành các bản câu hỏi điều tra tiếp theo của DOC.
Thời hạn trả lời bản câu hỏi Lượng và Giá trị nêu trên là 05 giờ chiều (giờ Hoa Kỳ) ngày 03 tháng 1 năm 2024.
Trong trường hợp doanh nghiệp không trả lời bản câu hỏi, hoặc trả lời bản câu hỏi thiếu chính xác, sai, giả mạo thông tin nhằm đạt được mức đánh giá tích cực, các doanh nghiệp đó có thể bị kết luận hợp tác không đầy đủ, thiếu thiện chí. Theo đó, DOC có thể ban hành kết luận bất lợi với mức thuế áp dụng thường cao cho các doanh nghiệp.
Để tránh tình trạng này, các doanh nghiệp cần tích cực hợp tác với Cơ quan điều tra, phản hồi đầy đủ, chính xác thông tin được yêu cầu. Trong trường hợp các doanh nghiệp không có đầy đủ thời gian để chuẩn bị phản hồi, họ có thể yêu cầu Cơ quan điều tra gia hạn thời hạn phản hồi để thu thập thêm thông tin chính xác.
Đơn yêu cầu gia hạn cần ghi rõ lý do, đề xuất thời gian gia hạn. Quyết định gia hạn hoặc không gia hạn sẽ phụ thuộc vào Cơ quan điều tra.
Tất cả các bản đệ trình lên Bộ Thương mại phải kèm theo Giấy chứng nhận về tính chính xác của doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ phải chịu trách nhiệm cho lời khai của mình. Nếu doanh nghiệp sử dụng dịch vụ của các đơn vị tư vấn pháp lý hoặc người đại diện khác thì phải có Giấy chứng nhận về tính chính xác từ người đại diện.
Ngoài ra, tất cả các bản đệ trình lên Bộ Thương mại phải được gửi cho tất cả các bên trong danh sách công và các bên khác khi cần thiết.
Xem Thông báo của DOC tại đây.
Liên hệ với công ty Luật ASL LAW để được hướng dẫn về Chống Bán Phá giá Và Phòng Vệ Thương Mại.
BÀI VIẾT HỮU ÍCH LIÊN QUAN