Mới đây, Chính phủ đã có Tờ trình số 224/TTr-CP trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị đưa Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, bổ sung 11 nhóm chính sách với các phương án xử lý rõ ràng, phù hợp với thực tiễn.
Trong thời gian qua, trên cộng đồng đã có rất nhiều yêu cầu khiếu nại về lĩnh vực đất đai. Trong đó có nhiều ý kiến kêu gọi việc sửa đổi Luật Đất Đai hiện hành để phù hợp với thực tiễn áp dụng. Vấn đề sửa đổi Luật Đất đai đã được thảo luận nhiều lần với kỳ vọng sẽ giải quyết căn cơ, gốc rễ của vấn đề, những hạn chế xưa nay của Luật hiện hành. Đồng thời, Luật Đất đai sửa đổi được kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong cải cách thể chế, thúc đẩy phát triển nền kinh tế.
Ngày 14/6/2019, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 82/2019/QH14 về việc tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị. Qua đó, Quốc hội giao Chính phủ tổng kết, đánh giá việc thực hiện và sau đó sẽ trình lại Quốc hội bản sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai năm 2013 và các luật khác liên quan đến quy hoạch, quản lý và sử dụng đất tại đô thị.
Trong báo cáo, Chính phủ cũng chỉ ra những bất cập, hạn chế của pháp luật hiện hành như việc chưa có sự đồng bộ giữa Luật Đất đai với một số luật hiện hành như Bộ luật Dân sự, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Luật Quy hoạch, Luật Lâm nghiệp, Luật Xây dựng. Quản lý tài sản công, Luật Tổ chức chính quyền địa phương…
Nhu cầu cấp thiết để sửa đổi Luật Đất đai hiện hành
Trên cơ sở làm rõ những vấn đề liên quan, tính cấp thiết và trên cơ sở kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức và cá nhân, Chính phủ đã đề xuất đưa Luật Đất đai (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5 năm 2022) và thông qua tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10 năm 2022) để sửa đổi, bổ sung 11 nhóm chính sách với các phương án xử lý rõ ràng phù hợp với thực tiễn.
Chính phủ cũng chỉ ra rằng: Đối với những chủ trương lớn cần chờ thông qua Nghị quyết Trung ương và xin ý kiến của bộ phận có thẩm quyền quyết định, sau đó Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu để chỉ ra rõ hơn định hướng cho thời gian tới. Sau khi có kết quả rà soát, ý kiến của cơ quan có thẩm quyền, Chính phủ sẽ kiến nghị bổ sung trong quá trình xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và thực hiện đánh giá tác động bổ sung theo quy định của Luật để ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Sửa đổi, bổ sung 11 nhóm chính sách trong Luật Đất đai
Sau khi tranh luận và thảo luận mang tính xây dựng với việc tiếp nhận ý kiến đánh giá của tất cả các bộ phận liên quan, 11 nhóm chính sách trong Luật Đất đai sửa đổi sẽ bao gồm:
• Làm rõ vai trò, trách nhiệm của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đất đai, phân cấp và cải cách thủ tục hành chính;
• Phân loại đất theo mục đích sử dụng, không gian và chức năng sử dụng đất;
• Hoàn thiện các quy định về người sử dụng đất để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy định khác của pháp luật;
• Nâng cao chất lượng công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đồng thời bảo vệ, cải tạo và nâng cao chất lượng đất;
• Thu hồi đất để khai thác có hiệu quả tài nguyên đất phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước;
• Hoàn thiện chính sách chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng sang mục đích khác;
• Hướng dẫn rõ ràng về kinh tế đất đai, giá đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;
• Đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai;
• Quản lý, sử dụng đất nông nghiệp để khuyến khích tập trung, tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn;
• Hoàn thiện các quy định về quyền của người sử dụng đất và chế độ sử dụng đất;
• Hoàn thiện cơ chế giải quyết tranh chấp đất đai.
Liên hệ với công ty luật ASL LAW để được hướng dẫn về bất động sản tại Việt Nam:
BÀI VIẾT HỮU ÍCH LIÊN QUAN