Đăng kí nhãn hiệu với dụng ý xấu không phải là hiếm ở Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, “dụng ý xấu” trong đăng ký thường được gán với sự “không trung thực” như một cơ sở để có thể tiến hành phản đối đơn đăng ký nhãn hiệu theo điều 112 hoặc hủy bỏ hiệu lực giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu theo điều 96 Luật SHTT 2005, sửa đổi bổ sung năm 2019. Tuy nhiên, trên thực tế, việc xử lý vấn đề đăng ký nhãn hiệu “không trung thực” tại Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập.
Tiêu chí để xác định sự “không trung thực” trong đăng ký nhãn hiệu
Quy định tại Điều 96 Luật SHTT nêu trên liên quan đến hành vi “không trung thực” khi đăng ký nhãn hiệu là phù hợp với Điều 6 bis Công ước Paris về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và cũng được thể hiện tại Điều 16 của Hiệp định TRIPS. Tuy nhiên trong cả hai văn kiện này cũng đều thiếu định nghĩa cụ thể về hành vi “bad faith”. Pháp luật Việt Nam hiện hành cũng không có quy định cụ thể, rõ ràng về tiêu chí xác định “dụng ý xấu”/“không trung thực” trong đăng ký nhãn hiệu.
Căn cứ vào các phán quyết của tòa án cũng như trong các quyết định của các cơ quan có thẩm quyền như Cục Sở hữu trí tuệ (NOIP) và Bộ Khoa học và Công nghệ (MOST) liên quan tới vấn đề này thì có thể hiểu “hành vi “không trung thực” trong việc nộp đơn đăng ký nhãn hiệu là hành vi đăng ký mà người nộp đơn đã biết hoặc phải biết sự tồn tại và đã được sử dụng của một nhãn hiệu của người khác ở trong nước và kể cả nước ngoài”. Việc “biết” hoặc “phải biết” thường đặt ra trong các trường hợp chính sau đây:
– Nhãn hiệu của người nộp đơn trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc nhãn hiệu đã được sử dụng rộng rãi trước thời điểm nộp đơn;
– Người nộp đơn đã có mối quan hệ (Đại lý phân phối, hợp tác kinh doanh, bên được thuê thiết kế hoặc thuê gia công, người lao động…) với Chủ sở hữu thực sự của nhãn hiệu trước thời điểm nộp đơn…
Cách thức để chứng minh Người nộp đơn “không trung thực”- Bad Faith trong việc đăng ký nhãn hiệu
Theo quy định, bên phản đối hoặc yêu cầu hủy bỏ văn bằng bảo hộ nhãn hiệu phải có trách nhiệm chứng minh lập luận của mình về việc chủ đơn đã biết hoặc phải biết về sự tồn tại của nhãn hiệu liên quan. Ở Việt Nam, việc chứng minh này là hết sức phức tạp, khó khăn nếu người nộp đơn có căn cứ để phủ nhận bất kỳ sự hiểu biết nào về nhãn hiệu đã có trước đó hoặc nhãn hiệu được đăng ký một cách thiếu trung thực là nhãn hiệu có nét tương đồng với nhãn hiệu đã có trên thị trường gây ra sự nhầm lẫn.
Do đó, cách thức để chứng minh hiệu quả nhất động cơ “không trung thực” chính là cung cấp các tài liệu chứng minh rằng người đăng kí đã từng có mối quan hệ kinh doanh hoặc kinh nghiệm hợp tác chủ sở hữu, chẳng hạn như hợp đồng được ký giữa hai bên, chứng từ thanh toán,…
Bên cạnh đó, chủ sở hữu thực sự cũng có thể tập trung vào việc người nộp đơn không có ý định sử dụng nhãn hiệu để củng cố các lập luận thiếu trung thực. Nói cách khác, chủ sở hữu có thể chứng minh rằng người nộp đơn đang yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu cho một số hàng hóa hoặc dịch vụ nhất định nhưng trên thực tế, cũng như về chiến lược kinh doanh lâu dài, người nộp đơn không sản xuất hoặc kinh doanh hàng hóa hoặc dịch vụ đó. Điều này có thể cho thấy rằng người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu chỉ để làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của chủ sở hữu, ngăn cản chủ sở hữu có được quyền sở hữu nhãn hiệu của mình hoặc bán, cấp phép hoặc chuyển giao nhãn hiệu cho chủ sở hữu. Cụ thể, bằng chứng cho thấy người nộp đơn không có ý định sử dụng nhãn hiệu có thể bao gồm:
· Người nộp đơn thiếu tài liệu hoặc bằng chứng khách quan khác cho thấy họ có thể hoặc sẽ sử dụng nhãn hiệu;
· Người nộp đơn thiếu hoặc không có năng lực hoặc kinh nghiệm cần thiết để sản xuất hoặc kinh doanh hàng hóa hoặc dịch vụ mang nhãn hiệu đó;
· Người nộp đơn không thực hiện bất kỳ hành động cụ thể nào hoặc phát triển bất kỳ kế hoạch cụ thể nào nhằm mục đích sử dụng nhãn hiệu đã đăng ký;
· Người nộp đơn đã tiến hành đăng ký nhiều nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với các nhãn hiệu thuộc sở hữu của người khác;
Ngoài ra, nếu nhãn hiệu của bên phản đối/huỷ bỏ là nhãn hiệu nổi tiếng hoặc đã được sử dụng rộng rãi trước thời điểm nộp đơn thì cũng có thể cung cấp các bằng chứng về vấn đề này. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, hiện nay chưa có bất kỳ hướng dẫn cụ thể nào liên quan tới tiêu chí đánh giá nhãn hiệu sử dụng rộng rãi và hơn nữa, thường các nhãn hiệu bị đăng ký “chiếm quyền” có thể đã sử dụng rộng rãi ở các thị trường khác nhưng lại chưa được coi là sử dụng rộng rãi tại Việt Nam, do đó, việc chứng minh này là rất phức tạp. Trên thực tế, một số vụ giải quyết các phản đối đơn hoặc yêu cầu hủy bỏ văn bằng bảo hộ nhãn hiệu với lý do nộp đơn không trung thực đã bị kéo dài do có sự không thống nhất quan điểm giữa người yêu cầu hủy bỏ hoặc người bị yêu cầu hủy bỏ văn bằng với Cục Sở hữu trí tuệ hoặc giữa các đương sự với nhau, đặc biệt là trong trường hợp nhãn hiệu được sử dụng rộng rãi trước thời điểm nộp đơn.
Chủ sở hữu thực sự của nhãn hiệu nên làm gì để ngăn cản việc nộp đơn “không trung thực”?
Việt Nam là quốc gia tuân theo nguyên tắc “First to file” – “ai nộp đơn trước người đó có quyền” nên để tránh trường hợp bị đăng ký trên cơ sở “thiếu trung thực” và quá trình phản đối/huỷ bỏ tốn kém cả thời gian, tiền bạc, Chủ sở hữu nhãn hiệu cần tiến hành đăng ký nhãn hiệu sớm nhất có thể. Để cẩn trọng hơn, trong quá trình chuẩn bị ra mắt các sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu, Chủ sở hữu thật sự cần đảm bảo các bên có thể được biết đến nhãn hiệu phải ký cam kết bảo mật thông tin hoặc các hợp đồng với mình để có căn cứ chứng minh về việc “biết” đến nhãn hiệu trong trường hợp có tranh chấp xảy ra.
Bên cạnh đó, nếu nhãn hiệu chưa được đăng ký, Chủ sở hữu cần theo dõi chặt chẽ công báo sở hữu trí tuệ để có thể phát hiện kịp thời nhãn hiệu của mình có bị đăng ký bởi một bên khác hay không. Nếu nhãn hiệu chưa được cấp văn bằng bảo hộ, chủ sở hữu có thể tiến hành đơn phản đối yêu cầu không cấp văn bằng cho đơn đăng ký nhãn hiệu đó. Nếu nhãn hiệu đã được cấp văn bằng bảo hộ, các chủ sở hữu thực sự sẽ phải nộp yêu cầu hủy bỏ nhãn hiệu, Thực tế việc theo đuổi yêu cầu hủy bỏ sẽ tốn kém và mất thời gian hơn nhiều so với một việc phản đối đơn.
Pháp luật Việt Nam cần điều chỉnh như thế nào để giúp giảm thiểu tình trạng việc nộp đơn “không trung thực”?
Như đã đề cập ở trên, pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có quy định rõ ràng về tiêu chí đánh giá “không trung thực”. Vì vậy, cần có các quy định rõ ràng về vấn đề này để Chủ sở hữu có thể dựa vào để cung cấp các tài liệu chứng minh cũng như cơ quan chức năng thống nhất, thuận tiện trong quá trình giải quyết phản đối đơn cũng như huỷ bỏ văn bằng.
Bên cạnh đó, pháp luật Việt Nam có quy định về trường hợp nhãn hiệu bị chấm dứt hiệu lực trên cơ sở “Nhãn hiệu không được chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu cho phép sử dụng trong thời hạn năm năm liên tục trước ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực mà không có lý do chính đáng, trừ trường hợp việc sử dụng được bắt đầu hoặc bắt đầu lại trước ít nhất ba tháng tính đến ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực” tại điều 95 Luật sở hữu trí tuệ. Hay nói cách khác, nếu như một bên đăng ký chỉ vì dụng ý xấu, nhằm thu lợi bất chính từ buộc Chủ sở hữu nhãn hiệu phải mua lại nhãn hiệu mà không có sử dụng nhãn hiệu trên thực tế thì sau khi nhãn hiệu được cấp văn bằng 5 năm, Chủ sở hữu có thể yêu cầu chấm dứt hiệu lực. So với việc chứng minh “không trung thực” thì việc chứng minh “không sử dụng” có thể thuận tiện hơn nhưng quá trình này vẫn gây ra tốn kém về thời gian và chi phí thực hiện. Do đó, pháp luật Việt Nam cũng nên cân nhắc việc yêu cầu nộp bằng chứng sử dụng trên thực tế như tại một số quốc gia hiện nay như Mỹ, Philippines… và trong trường hợp không nộp được bằng chứng sử dụng trên thực tế thì nhãn hiệu sẽ ngay lập tức bị chấm dút hiệu lực thay vì chờ bên thứ ba nộp yêu cầu chấm dứt.
Để được cung cấp dịch vụ đăng ký nhãn hiệu quốc tế và Việt Nam cũng như hướng dẫn về thủ tục đăng ký nhãn hiệu quốc tế, đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo địa chỉ sau:
BÀI VIẾT HỮU ÍCH LIÊN QUAN