Về trách nhiệm của Người sử dụng lao động (NSDLĐ) trong việc phòng dịch và xử lý tình huống khi phát hiện ra NLĐ bị mắc bệnh hoặc thuộc trường hợp phải cách ly, thì theo khoản 4 điều 23 Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm thì NSDLĐ khi phát hiện bệnh hoặc dấu hiệu bệnh truyền nhiễm có trách nhiệm thông báo cho Ủy ban nhân dân, cơ quan chuyên môn y tế hoặc cơ sở y tế nơi gần nhất.
Cụ thể hơn, khoản 1 điều 47 Luật này cũng quy định rằng: “. Khi có dịch, người mắc bệnh dịch hoặc người phát hiện trường hợp mắc bệnh dịch hoặc nghi ngờ mắc bệnh dịch phải khai báo cho cơ quan y tế gần nhất trong thời gian 24 giờ, kể từ khi phát hiện bệnh dịch”. Như vậy, trong vòng 24 giờ NSDLĐ phải thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất khi phát hiện NLĐ mắc bệnh hoặc bị nghi mắc bệnh.
Bên cạnh đó, điều 8 Luật này cũng quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với NSDLĐ khi phát hiện ra NLĐ bị mắc bệnh hoặc thuộc trường hợp phải cách ly đó là:
- Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.
- Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm.
- Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này.
- Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Ngoài ra, theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực y tế thì từ các hành vi vi phạm thì NSDLĐ có những nghĩa vụ sau:
- Thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
- Báo cáo với Ủy ban nhân dân hoặc cơ quan y tế dự phòng trên địa bàn về trường hợp mắc bệnh dịch theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện các biện pháp vệ sinh, diệt trùng, tẩy uế trong vùng có dịch.
- Tham gia chống dịch theo quyết định huy động của Ban Chỉ đạo chống dịch.
- Thực hiện quyết định buộc tiêu hủy động vật, thực vật và vật khác là trung gian truyền bệnh.
Không những thế để tránh lay lan ra công ty, thì NSDLĐ nên có những biện pháp trước mắt là cách ly người bị bệnh và cũng thực hiện luôn các biện pháp như khử trùng, xịt khuẩn những khu vực mà NLĐ đó đã làm, hạn chế tập trung đông người khi làm việc ở công ty . Thậm chí, NSDLĐ có thể phải ra quyết định tạm dừng sản xuất nếu NLĐ bị phát hiện là đã bị mắc bệnh.
Về chế độ, quyền lợi của NLĐ, Công văn số 1064/LĐTBXH-QHLĐTL về việc hướng dẫn trả lương ngừng việc và giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc liên quan đến dịch bệnh covid đã giúp hướng dẫn giúp NSDLĐ có cách để giải quyết các vấn đề với NLĐ trong trường hợp này. Cụ thể, Công văn đã quy định về trường hợp người lao động phải ngừng việc trong thời gian thực hiện cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Theo đó, tiền lương của người lao động trong thời gian ngừng việc thực hiện theo khoản 3 Điều 98 Bộ luật Lao động (tiền lương do hai bên thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định). Như vậy đối với trường hợp NLĐ bị phát hiện là bị mắc bệnh hoặc thuộc trường hợp phải cách ly mà phải ngừng việc do đi cách ly theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì NSDLĐ trả lương ngừng việc cho NLĐ theo thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Đối với những NLĐ phải ngừng việc do doanh nghiệp hoặc bộ phận doanh nghiệp không hoạt động được vì chủ sử dụng lao động hoặc những người lao động khác cùng doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp đó đang trong thời gian phải cách ly hoặc chưa được quay trở lại doanh nghiệp làm việc, thì theo Công văn tiền lương ngừng việc của những người lao động cũng được trả theo thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Liên hệ với công ty luật ASL LAW để được tư vấn luật về lao động và việc làm.
BÀI VIẾT HỮU ÍCH LIÊN QUAN