Việt Nam, với vị thế địa lý đắc địa, dân số đông đúc và nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ, đã trở thành điểm đầu tư tiềm năng cho doanh nghiệp nước ngoài. Ngoài sự đa dạng trong lĩnh vực, ngành nghề kinh tế với tiềm năng cao, Việt Nam còn có nhiều ưu đãi đầu tư có khả năng thu hút nhu cầu đầu tư, mở rộng của nhà đầu tư nước ngoài. Bài viết sau sẽ chỉ ra một số chi tiết tổng quát về những ngành nghề và lĩnh vực, khu vực được Việt Nam hỗ trợ ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam cùng góc nhìn về thách thức Việt Nam phải đối mặt trong năm 2024 để giữ vững độ thu hút đối với nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Để thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã đưa ra nhiều ưu đãi đầu tư quy định tại Luật Đầu tư 2020 số 61/2020/QH14 (“Luật Đầu tư 2020”), bao gồm các ngành nghề và khu vực được ưu đãi đầu tư cùng được đặc biệt ưu đãi đầu tư được quy định chi tiết tại Nghị định 31/2021/NĐ-CP (“Nghị định 31”) quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư 2020 có hiệu lực từ ngày 26 tháng 3 năm 2021.
Danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư và đặc biệt ưu đãi đầu tư được quy định tại Phụ lục II Nghị định 31. Danh mục khu vực (địa bàn) ưu đãi đầu tư được quy định tại Phụ lục III Nghị định 31.
Sự cần thiết của việc có ưu đãi đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài
Hiện nay, luật pháp Việt Nam không có quy định thống nhất về ưu đãi đầu tư trong khi thuật ngữ này thường xuyên được sử dụng trong các văn bản quy phạm pháp luật, như Luật Đầu tư 2005 số 59/2005/QH11, Luật Đầu tư 2014 số 67/2014/QH13 và Luật Đầu tư 2020 cùng các văn bản, Nghị định hướng dẫn liên quan.
Tuy nhiên, các hình thức về ưu đãi đầu tư đã được thể hiện chi tiết trong các văn bản. Đây cũng chính là yếu tố quan trọng nhất trong việc hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài hiểu rõ và thực hiện các khoản đầu tư vào Việt Nam.
Về tính chất, ưu đãi đầu tư chính là các quy định của Việt Nam được ban hành nhằm tạo ra những điều kiện thuận lợi, thể hiện dưới dạng lợi ích thiết thực cho nhà đầu tư cả trong và ngoài nước để thu hút nguồn vốn đầu tư từ các nhà đầu tư này vào Việt Nam khi có sự cạnh tranh về ưu đãi đầu tư giữa nhiều nền kinh tế.
Các ưu đãi đầu tư được thiết lập dựa trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa Nhà nước Việt Nam, nền kinh tế – xã hội và các nhà đầu tư để tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với các chính sách, chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam đặt ra, thể hiện rõ rệt nhất dưới hình thức dòng vốn đầu tư.
Việc thiết lập và cung cấp ưu đãi đầu tư cho nhà đầu tư nước ngoài là một chiến lược quan trọng trong chính sách kinh tế của một quốc gia. Sự cần thiết của nguồn vốn đầu tư nước ngoài càng được thể hiện rõ nét hơn ở các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, tạo nên nguồn tiền hay ‘thanh khoản’ cần thiết để nền kinh tế vận hành.
Với dòng vốn FDI đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thể hoạt động, tuyển dụng và trả lương cho người lao động trong khi cung cấp sản phẩm/dịch vụ để vận hành xã hội, tạo nên sự ổn định về an sinh xã hội, phù hợp với tiêu chí của Nhà nước. Trong một số thời điểm dòng vốn FDI bị gián đoạn do biến động quốc tế hoặc các nguyên nhân khác như đại dịch Covid-19, người dân Việt Nam là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi họ bị buộc phải cắt giảm giờ làm, không được tăng ca, thậm chí bị sa thải nếu tình trạng thiếu đơn hàng kéo dài.
Trong thời khắc khó khăn, những doanh nghiệp Việt Nam đã phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn đầu tư nước ngoài sẽ khó xoay xở khi nguồn tiền bị gián đoạn. Đây cũng chính là một vấn đề Việt Nam và tất cả các quốc gia khác trên thế giới phải đối mặt khi trong thời đại thương mại quốc tế phát triển mạnh, việc các quốc gia phụ thuộc vào tình trạng xuất nhập khẩu nguyên vật liệu từ các quốc gia khác ngày càng trở nên phổ biến.
Tuy nhiên, khác với các quốc gia phát triển mạnh có khả năng ứng phó biến động khó lường tốt hơn, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay thường bị động và quá phụ thuộc vào vốn đầu tư nước ngoài, dẫn đến việc không đủ nguồn lực cũng như khả năng ứng phó trước biến động lớn.
Dẫu vậy, nếu so sánh tác hại của việc không phụ thuộc vào nguồn vốn FDI và tác hại của việc chủ động phát triển tại thị trường thương mại quốc tế thì việc thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư vẫn mang lại những lợi ích lớn hơn.
Tại thị trường khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, khi sự cạnh tranh giữa các quốc gia về việc thu hút nguồn vốn đầu tư ngày càng trở nên khắc nghiệt thì việc ban hành những quy định sửa đổi, bổ sung, chi tiết mang tính cạnh tranh về ưu đãi đầu tư, ưu đãi đầu tư đặc biệt cùng khu vực được ưu đãi đầu tư là cần thiết.
Các ngành nghề được đặc biệt ưu đãi đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam
Mục A Phụ lục II Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết 32 ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư gồm 8 ngành, nghề Công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ; 8 ngành, nghề nông nghiệp; 6 ngành, nghề bảo vệ môi trường, xây dựng kết cấu hạ tầng; 10 ngành, nghề văn hóa, xã hội, thể thao, y tế. Cụ thể:
CÔNG NGHỆ CAO, CÔNG NGHỆ THÔNG TIN, CÔNG NGHIỆP HỖ TRỢ
1. Ứng dụng công nghệ cao thuộc Danh mục công nghệ cao.
2. Sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghệ cao.
3. Sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
4. Ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao;…
5. Sản xuất sản phẩm phần mềm, sản phẩm nội dung thông tin số, sản phẩm công nghệ thông tin trọng điểm, dịch vụ phần mềm theo quy định của pháp luật về công nghệ thông tin;…
…
NÔNG NGHIỆP
1. Trồng, chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ và phát triển rừng, phát triển rừng sản xuất ở những vùng đất trống, đồi núi trọc, trồng rừng gỗ lớn và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn;…
2. Nuôi trồng, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản, chế biến lâm sản ngoài gỗ.
3. Sản xuất, nhân và lai tạo giống cây trồng, giống vật nuôi, giống cây lâm nghiệp, giống thủy sản, phát triển giống cây trồng lâm nghiệp công nghệ cao.
4. Sản xuất, khai thác và tinh chế muối.
5. Đánh bắt hải sản xa bờ kết hợp ứng dụng các phương thức ngư cụ đánh bắt tiên tiến; dịch vụ hậu cần nghề cá;…
…
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, XÂY DỰNG KẾT CẤU HẠ TẦNG
1. Thu gom, xử lý, tái chế, tái sử dụng chất thải tập trung.
2. Xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu chức năng trong khu kinh tế.
3. Đầu tư phát triển nhà máy nước, nhà máy điện, hệ thống cấp thoát nước;…
4. Phát triển vận tải hành khách công cộng tại các đô thị.
5. Đầu tư xây dựng và quản lý, kinh doanh chợ tại vùng nông thôn.
…
VĂN HÓA, XÃ HỘI, THỂ THAO, Y TẾ
1. Xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư.
2. Đầu tư kinh doanh cơ sở thực hiện vệ sinh phòng chống dịch bệnh.
3. Nghiên cứu khoa học về công nghệ bào chế, công nghệ sinh học để sản xuất các loại thuốc mới, thuốc thú y mới, vắc xin, chế phẩm sinh học dùng trong thú y.
4. Sản xuất nguyên liệu làm thuốc và thuốc chủ yếu, thuốc thiết yếu, thuốc phòng, chống bệnh xã hội, vắc xin, sinh phẩm y tế, thuốc từ dược liệu, thuốc đông y;…
5. Đầu tư cơ sở sản xuất Methadone.
…
Các ngành nghề được ưu đãi đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam
Mục B Phụ lục II Nghị định 31 quy định chi tiết 67 ngành, nghề ưu đãi đầu tư gồm 20 ngành khoa học công nghệ, điện tử, cơ khí, sản xuất vật liệu, công nghệ thông tin; 11 ngành nông nghiệp; 23 ngành bảo vệ môi trường, xây dựng kết cấu hạ tầng; 9 ngành giáo dục, văn hóa, xã hội, thể thao, y tế và 4 ngành nghề khác. Cụ thể:
KHOA HỌC CÔNG NGHỆ, ĐIỆN TỬ, CƠ KHÍ, SẢN XUẤT VẬT LIỆU, CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
1. Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D).
2. Sản xuất phôi thép từ quặng sắt, thép cao cấp, hợp kim.
3. Sản xuất than cốc, than hoạt tính.
4. Sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng.
5. Sản xuất hóa dầu, hóa dược, hóa chất cơ bản và cao su.
…
NÔNG NGHIỆP
1. Nuôi, trồng, thu hoạch và chế biến dược liệu; bảo hộ, bảo tồn nguồn gen và những loài dược liệu quý hiếm, đặc hữu.
2. Sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi, thủy sản.
3. Dịch vụ khoa học, kỹ thuật về gieo trồng, chăn nuôi, thủy sản, bảo vệ cây trồng, vật nuôi.
4. Xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp cơ sở giết mổ; bảo quản, chế biến gia cầm, gia súc tập trung công nghiệp, chợ đầu mối, cơ sở đấu giá vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi.
5. Xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu tập trung phục vụ công nghiệp chế biến.
…
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, XÂY DỰNG KẾT CẤU HẠ TẦNG
1. Xây dựng, phát triển hạ tầng cụm công nghiệp.
2. Xây dựng chung cư cho công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế;…
3. Xử lý sự cố tràn dầu, khắc phục sự cố sạt lở núi, sạt lở đê, bờ sông, bờ biển, đập, hồ chứa và các sự cố môi trường khác;…
4. Đầu tư kinh doanh trung tâm hội chợ triển lãm hàng hóa, trung tâm logistics, cảng cạn, kho hàng hóa, siêu thị, trung tâm thương mại.
5. Sản xuất, cung cấp thiết bị quan trắc môi trường, thiết bị xử lý nước thải sinh hoạt tại chỗ, sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường được chứng nhận Nhãn sinh thái Việt Nam theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
…
GIÁO DỤC, VĂN HÓA, XÃ HỘI, THỂ THAO, Y TẾ
1. Đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng của các cơ sở giáo dục đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp;…
2. Sản xuất trang thiết bị y tế, xây dựng kho bảo quản dược phẩm, dự trữ thuốc chữa bệnh cho người để phòng thiên tai, thảm họa, dịch bệnh nguy hiểm.
3. Sản xuất nguyên liệu làm thuốc và thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu bệnh; phòng, chữa bệnh cho động vật, thủy sản.
4. Sản xuất thuốc thú y, nguyên liệu làm thuốc thú y, bảo quản thuốc thú y; sản xuất trang thiết bị, dụng cụ dùng trong thú y.
5. Đầu tư cơ sở thử nghiệm sinh học, đánh giá sinh khả dụng của thuốc; cơ sở dược đạt tiêu chuẩn thực hành tốt trong sản xuất, bảo quản, kiểm nghiệm, thử nghiệm lâm sàng thuốc.
…
NGÀNH, NGHỀ KHÁC
1. Hoạt động của Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô.
2. Hoạt động xuất bản xuất bản phẩm điện tử.
3. Đầu tư kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh khu làm việc chung cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
4. Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.
Các khu vực được ưu tiên đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam
Phụ lục III Nghị định 31 quy định chi tiết các địa bàn, khu vực trên 55 tỉnh thành Việt Nam được ưu tiên đầu tư, phân biệt thành Địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn và Địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn.
Chi tiết về các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh mà các doanh nghiệp nước ngoài nhận được ưu đãi đầu tư khi đầu tư vào có thể được xem xét tại đây.
Việc xác định danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo được quy định tại Quyết định số 30/2012/QĐ-TTg, Quyết định số 2405/2013/QĐ-TTg, Quyết định số 539/2013/QĐ-TTg, Quyết định số 495/2014/QĐ-TTg.
Thực trạng đầu tư tại Việt Nam
Từ khi được ban hành, Nghị định 31 đã thiết lập nên hành lang pháp lý cần thiết cho doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Với việc bổ sung danh mục hạn chế về tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài cũng như quy định chi tiết các ngành nghề và khu vực được ưu đãi đầu tư tại Việt Nam so với các Nghị định, quy định trước, nhà đầu tư nước ngoài đã có thể tiếp cận được giải pháp cho các khó khăn, trở ngại trong quá trình đầu tư vào Việt Nam, cung cấp cho họ quyền phản ánh vướng mắc, kiến nghị liên quan đến việc áp dụng và thi hành pháp luật về đầu tư, khiếu nại, tố cáo, khởi kiện vụ án hành chính khi có căn cứ về hành vi xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Việc giải tỏa được trở ngại tâm lý và pháp lý cho doanh nghiệp nước ngoài đã góp phần cải thiện các chỉ số về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong những năm qua.
Theo số liệu công bố của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, 9 tháng đầu năm 2023 vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài đạt hơn 15,9 tỷ USD, cao nhất trong giai đoạn 2018-2023.
Ngoài ra, tính đến hết tháng 9 năm 2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 20,21 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, từ đầu năm 2023 đến nay, tốc độ tăng số dự án mới cao hơn tốc độ tăng tổng vốn đầu tư mới cho thấy các nhà đầu tư quy mô vừa và nhỏ đã dần nâng cao sự quan tâm đối với Việt Nam.
Con số này cũng thể hiện việc các doanh nghiệp đã thực hiện được thủ tục đầu tư tại Việt Nam đơn giản và hiệu quả hơn so với thời gian trước, khẳng định niềm tin và kì vọng của khối ngoại trong môi trường đầu tư của Việt Nam.
Tuy nhiên, các chỉ báo tích cực trên có thể có sự suy giảm mạnh tại các kì báo cáo trong năm 2024 nếu Việt Nam không thực hiện các thay đổi, sửa đổi hợp lí trong chính sách ưu đãi đầu tư của mình.
Khó khăn trong chính sách ưu đãi đầu tư của Việt Nam năm 2024
Đầu năm 2024, các tập đoàn đa quốc gia lớn trên toàn cầu sẽ bị áp mức thuế tối thiểu toàn cầu 15%. Với chính sách thuế này, ưu đãi thuế suất thấp – công cụ chủ lực của Việt Nam trong việc thu hút nguồn vốn nước ngoài khi nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực hoặc khu vực được ưu đãi đầu tư, đặc biệt ưu đãi đầu tư tại Việt Nam sẽ không còn tính cạnh tranh như trước.
Thuế tối thiểu toàn cầu là một chính sách thuế toàn cầu được hơn 140 quốc gia thống nhất áp dụng nhằm áp đặt mức thuế tối thiểu 15% đối với các công ty, tập đoàn lớn đa quốc gia khi các công ty này thu lợi nhuận ở quốc gia có mức thuế suất thấp hơn 15%.
Được đề xuất bởi Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) với mục đích chính nhằm tăng cường sự công bằng trong chính sách thu hút vốn đầu tư và giảm thiểu sự thiếu hụt ngân sách của các quốc gia trên thế giới, chính sách thuế tối thiểu toàn cầu bao gồm hai trụ cột, nội dung chính, gồm việc cho phép đánh thuế lợi nhuận từ hàng hóa và dịch vụ của một số tập đoàn đa quốc gia có doanh thu hơn 20 tỷ EUR/năm và việc quy định mức thuế tối thiểu toàn cầu là 15% đối với các công ty đa quốc gia có tổng doanh thu từ 750 triệu EUR trở lên trong 2 năm của 4 năm liền kề gần nhất.
Trong đó, trụ cột thứ hai về thuế tối thiểu toàn cầu dự kiến sẽ làm triệt tiêu đi khả năng cạnh tranh cuộc đua ưu đãi đầu tư xuống đáy về thuế của các quốc gia đang phát triển, bao gồm Việt Nam. Quy định này sẽ tạo sự công bằng về ưu đãi đầu tư trên thị trường toàn cầu vì các quốc gia phát triển như Mỹ, Anh, Pháp không thể áp mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp để thu hút dòng vốn đầu tư.
Nhiều năm qua, tình trạng này đã tạo nên một lợi thế cách biệt cho các quốc gia đang phát triển, đồng thời chèn ép khả năng cạnh tranh của các quốc gia phát triển.
Với mục tiêu chính là dập tắt sự cạnh tranh về ưu đãi thuế để thu hút vốn đầu tư của các quốc gia đang phát triển, tạo nên một nền kinh tế công bằng, mang tính cạnh tranh thỏa đáng giữa các quốc gia và chấm dứt tình trạng chuyển lợi nhuận nhằm trốn, giảm thuế phải đóng của các công ty, tập đoàn lớn đa quốc gia, khi được áp dụng, chính sách thuế tối thiểu toàn cầu dự kiến sẽ gây nên nhiều ảnh hưởng đến chính sách thu hút vốn đầu tư của Việt Nam.
Để tránh bị động trong cơ chế thuế toàn cầu này, Việt Nam cần cấp tốc đẩy nhanh nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các chính sách về ưu đãi đầu tư và đưa ra các giải pháp thiết thực cho việc thực thi chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, đảm bảo thị trường Việt Nam vẫn có khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Về các biện pháp thay thế ưu đãi đầu tư về thuế quan, Việt Nam có thể cân nhắc áp dụng các biện pháp tư vấn đầu tư ra nước ngoài, ưu đãi đầu tư bổ sung như cung cấp ưu đãi về lựa chọn nhân công chất lượng, môi trường xây dựng cơ sở hạ tầng,… bao gồm cả hỗ trợ bằng tiền cho doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam.
ASL Law là công ty luật độc lập và cung cấp đầy đủ dịch vụ được tín nhiệm cao của Việt Nam gồm các luật sư giàu kinh nghiệm và tài năng. ASL Law được Legal500, Asia Law, WTR và Asia Business Law Journal. xếp hạng là Công ty Luật hàng đầu tại Việt Nam. Có trụ sở tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mục đích chính của ASL LAW là cung cấp lời tư vấn và giải pháp lý thiết thực, hiệu quả và hợp pháp nhất cho khách hàng trong nước và quốc tế. Nếu cần sự trợ giúp, Quý khách hàng có thể gửi email liên hệ tới [email protected].
Liên hệ với công ty Luật ASL LAW để được tư vấn về Đầu tư tại Việt Nam và quốc tế.
BÀI VIẾT HỮU ÍCH LIÊN QUAN