Ngày 25/06/2024, ASL LAW phối hợp với công ty luật WongPartnership LLP (một trong 4 công ty luật Big 4 tại Singapore) tổ chức Hội thảo “Kinh nghiệm giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài quốc tế tại Singapore và thi hành phán quyết trọng tài tại Việt Nam”.
Sự kiện này đã tập trung vào những vấn đề phức tạp trong thủ tục trọng tài quốc tế đối với các doanh nghiệp Việt Nam và cung cấp những kiến thức hữu ích về chiến lược giải quyết tranh chấp hiệu quả bằng phương pháp trọng tài.
Tham gia giải quyết tranh chấp thông qua Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (SIAC) mang đến cho doanh nghiệp Việt Nam quy trình giải quyết tranh chấp được công nhận trên phạm vi quốc tế. Tuy nhiên, để thực hiện quy trình trên một cách hiệu quả, các doanh nghiệp cần phải hiểu về một số khía cạnh quan trọng về quy tắc tố tụng trọng tài. Dưới đây là 4 lưu ý quan trọng dành cho doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia giải quyết tranh chấp thông qua SIAC:
1. Thời điểm bắt đầu tố tụng trọng tài
Điều kiện trước khi thực hiện thủ tục trọng tài
Trước khi bắt đầu giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, các doanh nghiệp cần phải kiểm tra lại điều khoản trọng tài trong hợp đồng để xác định các điều kiện. Một số điều khoản có thể yêu cầu các bên thực hiện giải quyết tranh chấp một cách thân thiện thông qua đàm phán hoặc hòa giải trước khi tiến hành giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.
Thông báo trọng tài
Quá trình giải quyết tranh chấp bằng trọng tài chính thức bắt đầu bằng Thông báo Trọng tài (Notice of Arbitration), theo Quy tắc 3 trong Quy tắc trọng tài SIAC 2016. Thông báo này có thể bao gồm Tuyên bố Khiếu nại (Statement of Claim) theo Quy tắc 20.2, nêu chi tiết các khiếu nại và bằng chứng hỗ trợ. Sau đó, bên trả lời phải đưa ra Phản hồi đối với Thông báo Trọng tài (Quy tắc 4), trong đó có thể chứa bản tự bảo vệ (Statement of Defence) theo Quy tắc 20.3 và Tuyên bố phản tố (Statement of Counterclaim) theo Quy tắc 20.4. Đổi lại, nguyên đơn có thể phản hồi bất kỳ yêu cầu phản tố nào bằng bản tự bảo vệ trước yêu cầu phản tố (Quy tắc 20.4).
Các bên có thể yêu cầu sự tham gia của các bên bổ sung (Quy tắc 7), giải quyết tranh chấp bằng trọng tài cho nhiều hợp đồng (Quy tắc 6) và hợp nhất (Quy tắc 8), mang lại sự linh hoạt trong việc giải quyết các tranh chấp pháp lý phức tạp.
2. Quyết định sơ bộ về thẩm quyền
Theo Quy tắc 28.1 trong Quy tắc trọng tài SIAC 2016, bị đơn có thể đưa ra phản đối sớm về sự tồn tại hoặc hiệu lực của thỏa thuận trọng tài hoặc thẩm quyền của SIAC trước khi Hội đồng Trọng tài được thành lập. Nếu Tòa án SIAC không có quyết định ban đầu về việc giải quyết tranh chấp nên tiếp tục, Tòa án SIAC sẽ có thể chấm dứt tố tụng sớm. Tuy nhiên, hội đồng trọng tài vẫn giữ quyền quyết định cuối cùng về quyền thẩm quyền khi được thành lập. Các bên có thể đưa ra phản đối về thẩm quyền ngay cả sau khi Tòa án SIAC đã cho phép tiến hành tố tụng trọng tài.
3. Thành lập Hội đồng Trọng tài
Việc thành lập hội đồng trọng tài là một thủ tục quan trọng do vai trò quan trọng của trọng tài trong quy trình tố tụng. Theo Quy tắc 9-17 của Quy tắc SIAC 2016:
- Trọng tài viên có thể được chỉ định là một trọng tài viên duy nhất (Quy tắc 10) hoặc hội đồng gồm ba người (Quy tắc 11).
- Trong tranh chấp nhiều bên, Quy tắc 12 quy định việc chỉ định trọng tài.
- Trọng tài viên phải đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể (Quy tắc 13).
- Các bên có thể khiếu nại trọng tài (Quy tắc 14) và quy trình giải quyết những khiếu nại này được trình bày chi tiết trong Quy tắc 15 (Thông báo khiếu nại) và Quy tắc 16 (Quyết định khiếu nại).
- Nếu cần thiết, trọng tài viên có thể được thay thế (Quy tắc 17).
4. Lệnh tố tụng số 1 và thủ tục tố tụng trọng tài
Thủ tục tố tụng trọng tài bao gồm các cách đệ trình bằng văn bản khác nhau:
- Biện hộ (Memorials): Các bên trình bày đầy đủ các khiếu nại hoặc bào chữa của mình, bao gồm tất cả bằng chứng và lập luận về sự kiện và luật pháp, cùng với các tài liệu hỗ trợ, lời khai của nhân chứng, báo cáo của chuyên gia và cơ quan pháp lý.
- Bào chữa (Pleadings): Đầu tiên, các bên gửi các tuyên bố ngắn gọn nêu rõ cơ sở thực tế cho các khiếu nại của họ mà không có bằng chứng sâu rộng hoặc lập luận pháp lý chi tiết. Việc đệ trình chi tiết các bằng chứng tài liệu với nhân chứng và chuyên gia, sẽ được thực hiện trong các giai đoạn tiếp theo.
Quản lý bằng chứng và chuẩn bị hồ sơ
- Cuộc họp quản lý vụ việc theo thủ tục (Procedural Case Management Conference): Cuộc họp này rất cần thiết để lên kế hoạch thực hiện các thủ tục tố tụng.
- Bằng chứng tài liệu: Các bên có thể yêu cầu bằng chứng tài liệu.
- Chuẩn bị cho phiên họp: Điều này bao gồm việc trao đổi các tuyên bố mở đầu bằng văn bản, nộp các hồ sơ tại phiên họp đã được thống nhất và, nếu có, thống nhất về các quy trình cho các phiên họp online.
Phiên trọng tài là giai đoạn quan trọng quy trinh trọng tài, trong đó, các bên trình bày vụ việc của mình. Sau phiên trọng tài, các bên sẽ nộp báo cáo kết thúc bằng văn bản và thực hiện nộp các chi phí.
Bằng việc hiểu và chuẩn bị đầy đủ cho những giai đoạn quan trọng trên, doanh nghiệp Việt Nam có thể thực hiện các hoạt động theo thủ tục trọng tài SIAC một cách hiệu quả, đảm bảo cách tiếp cận theo kế hoạch và mang tính chiến lược trong hoạt động giải quyết tranh chấp.
***ASL Law là công ty luật độc lập và cung cấp đầy đủ dịch vụ được tín nhiệm cao của Việt Nam gồm các luật sư giàu kinh nghiệm và tài năng. ASL Law được Legal500, Asia Law, WTR và Asia Business Law Journal. xếp hạng là Công ty Luật hàng đầu tại Việt Nam. Có trụ sở tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mục đích chính của ASL LAW là cung cấp lời tư vấn và giải pháp lý thiết thực, hiệu quả và hợp pháp nhất cho khách hàng trong nước và quốc tế. Nếu cần sự trợ giúp, Quý khách hàng có thể gửi email liên hệ tới [email protected].
Liên hệ với công ty luật ASL LAW để được hướng dẫn về luật doanh nghiệp, luật lao động, luật sở hữu trí tuệ, luật bất động sản:
BÀI VIẾT HỮU ÍCH LIÊN QUAN