Thực hiện Chương trình xây dựng văn bản QPPL 2024 của Bộ Công Thương, Cục Phòng vệ thương mại được giao chủ trì xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 10/2018/NĐ-CP.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, việc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) để ngăn chặn những thiệt hại của hàng nhập khẩu gây ra đối với hàng hóa sản xuất trong nước đã và đang trở thành xu thế chung của tất cả các quốc gia.
Do vậy, các chế định về PVTM đã trở thành nội dung quan trọng trong khuôn khổ pháp luật về thương mại quốc tế của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nói chung, cũng như trong hệ thống pháp luật của từng quốc gia thành viên nói riêng.
Trong đó, pháp luật PVTM luôn có vị trí quan trọng và được các nước áp dụng khá phổ biến để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh không lành mạnh từ hàng hóa nhập khẩu bán phá giá, được trợ cấp hoặc sự gia tăng quá mức từ hàng hóa nhập khẩu.
Nghị định số 10/2018/NĐ-CP quy định chi tiết, cụ thể hóa các nguyên tắc của WTO về PVTM được nội luật hóa trong Luật QLNT nhằm thiết lập hành lang pháp lý cho việc điều tra, áp dụng các biện pháp PVTM. Nghị định số 10/2018/NĐ-CP gồm 07 Chương, 96 Điều quy định nhưng nội dung cơ bản bao gồm:
– Nhóm các quy định chung;
– Nhóm các quy định về căn cứ tiến hành, trình tự, thủ tục, thời hạn, nội dung, căn cứ chấm dứt điều tra vụ việc PVTM;
– Nhóm các quy định về xác định thiệt hại của ngành sản xuất trong nước;
– Nhóm các quy định về chống lẩn tránh biện pháp PVTM;
– Nhóm các quy định về áp dụng, rà soát việc áp dụng biện pháp PVTM;
– Nhóm các quy định về trách nhiệm phối hợp của các cơ quan liên quan trong quá trình điều tra;
– Nhóm các quy định về miễn trừ áp dụng biện pháp PVTM;
– Nhóm các quy định về xử lý biện pháp PVTM áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Sau gần 07 năm thực thi Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 quy định chi tiết một số điều của Luật QLNT về các biện pháp PVTM, Bộ Công Thương đã rà soát và nhận thấy còn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế. Những hạn chế này xuất phát từ nhiều nguyên nhân như:
– Một số quy định tại Nghị định số 10/2018/NĐ-CP chưa hoàn toàn tương thích với các quy định của Luật QLNT và quy định của WTO;
– Kết cấu của Nghị định số 10/2018/NĐ-CP đối với cả 03 biện pháp PVTM (chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ) chưa hoàn toàn phù hợp;
– PVTM là lĩnh vực còn tương đối mới ở Việt Nam nên quy định tại Nghị định số 10/2018/NĐ-CP chưa bao quát được toàn bộ các tình huống phát sinh trên thực tế, đặc biệt là vấn đề chống lẩn tránh các biện pháp PVTM.
Những hạn chế, bất cập của Nghị định số 10/2018/NĐ-CP đã gây ảnh hưởng nhất định đến hiệu quả của việc điều tra, áp dụng hoặc ứng phó với các biện pháp PVTM trong thời gian qua.
Do đó, cần ban hành Nghị định thay thế Nghị định số 10/2018/NĐ-CP nhằm thống nhất các quy định trong các văn bản pháp luật PVTM, sửa đổi các quy định chưa hợp lý, bổ sung các quy định còn thiếu nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật PVTM và tạo thuận lợi cho quá trình thực thi.
Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật QLNT về các biện pháp PVTM thay thế Nghị định số 10/2018/NĐ-CP có thể được tải về tại đây.
ASL Law là công ty luật độc lập và cung cấp đầy đủ dịch vụ được tín nhiệm cao của Việt Nam gồm các luật sư giàu kinh nghiệm và tài năng. ASL Law được Legal500, Asia Law, WTR và Asia Business Law Journal. xếp hạng là Công ty Luật hàng đầu tại Việt Nam. Có trụ sở tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mục đích chính của ASL LAW là cung cấp lời tư vấn và giải pháp lý thiết thực, hiệu quả và hợp pháp nhất cho khách hàng trong nước và quốc tế. Nếu cần sự trợ giúp, Quý khách hàng có thể gửi email liên hệ tới [email protected].
Liên hệ với công ty Luật ASL LAW để được hướng dẫn về Chống Bán Phá giá Và Phòng Vệ Thương Mại.
BÀI VIẾT HỮU ÍCH LIÊN QUAN