Tranh chấp thương hiệu giữa Agribank và AJC- Agribank có thể khởi kiện?

Tranh chấp thương hiệu giữa Agribank và AJC: Agribank có thể khởi kiện?

(Luật sư Phạm Duy Khương trả lời Báo An Ninh Thủ Đô về tranh chấp giữa  Agribank và AJC). Những ngày qua, dư luận xôn xao trước thông tin Tổng công ty vàng Agribank Việt Nam (AJC) bị tố lợi dụng thương hiệu của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) liên quan đến việc bảo vệ thương hiệu “AGRIBANK”.

AJC có được tiếp tục sử dụng thương hiệu Agribank?

Được biết, tiền thân của AJC là Công ty Kinh doanh Mỹ nghệ vàng bạc đá quý Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam. Năm 2007, Chủ tịch Hội đồng quản trị Agribank đã ký quyết định phê duyệt chuyển Công ty Kinh doanh Mỹ nghệ vàng bạc đá quý Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam – doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành Công ty cổ phần. Đến tháng 12/2008, công ty này đã được đổi tên thành Tổng Công ty vàng Agribank Việt Nam (AJC). Tuy vậy, đến 8/1/2018, Agribank không còn là cổ đông của AJC nữa.

Điều đáng nói là, sau khi Agribank thực hiện việc thoái toàn bộ phần vốn góp của mình tại AJC nhưng đơn vị này vẫn sử dụng cụm từ “AGRIBANK” trong tên doanh nghiệp của mình và thực hiện hoạt động kinh doanh bình thường.

Tranh chấp thương hiệu giữa Agribank và AJC- Agribank có thể khởi kiện?
Tranh chấp thương hiệu giữa Agribank và AJC- Agribank có thể khởi kiện?

 Liên quan đến vụ việc trên, Luật sư Phạm Duy Khương , công ty luật ASL LAW, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, sai lầm của Agribank dường như bắt đầu từ 2008, khi quyết định đổi tên từ Công ty kinh doanh mỹ nghệ vàng bạc đá quý Ngân hàng nông nghiệp Việt Nam thành Tổng công ty vàng Agribank Việt Nam. Tại thời điểm đó AJC đã được cổ phần hóa thành công, nghĩa là đã không còn là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước nữa.

Sau khi thoái hết vốn khỏi AJC, Agribank đã yêu cầu AJC thực hiện thủ tục thay đổi tên doanh nghiệp để loại bỏ yếu tố “Agribank” ra khỏi tên đăng ký kinh doanh của AJC song chưa được chấp nhận.

“Muốn xác định được AJC có tiếp tục được sử dụng yếu tố “Agribank” hay không phải xem xét toàn diện vụ việc tại thời điểm ngày 29/12/2008 khi thực hiện thủ tục thay đổi tên doanh nghiệp thành Tổng công ty vàng Agribank Việt Nam” – Luật sư Phạm Duy Khương nhấn mạnh.

Cụ thể là khi đó, Ngân hàng Agribank có văn bản nào xác nhận việc đồng ý hoặc chuyển quyền sử dụng hoặc chuyển nhượng yếu tố “AGRIBANK” cho Tổng Công ty vàng Agribank Việt Nam hay không? Nếu có thì kèm theo điều kiện gì?

Ngoài ra, tại thời điểm trên, Ngân hàng Agribank đã được bảo hộ đối với tên thương mại có chứa yếu tố “Agribank” hay nhãn hiệu “Agribank” cho các sản phẩm/dịch vụ thuộc ngành nghề kinh doanh của AJC hay chưa?

Khi thoái toàn bộ vốn khỏi AJC, Ngân hàng Agribank có thỏa thuận gì với đơn vị này về vấn đề loại bỏ yếu tố “AGRIBANK” ra khỏi tên doanh nghiệp của AJC không?

Đâu là giải pháp khả thi?

Cũng theo Luật sư Phạm Duy Khương, việc xác định các vấn đề trên rất quan trọng bởi đó là căn cứ và tiền đề cho việc xử lý vụ việc tranh chấp nếu Ngân hàng Agribank quyết định kiện AJC ra tòa hoặc đưa ra cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý.

Hiện có thể xác định AJC đã được sử dụng yếu tố “AGRIBANK” một cách ngay tình trong thời gian dài. Theo Luật Sở hữu trí tuệ, nếu Ngân hàng Agribank đã đồng ý chuyển nhượng quyền sở hữu đối với yếu tố “AGRIBANK” cho AJC thì AJC được tiếp tục sử dụng yếu tố này phù hợp với thỏa thuận của hai bên.

Tuy nhiên, việc chuyển nhượng này phải được lập thành văn bản và phải được đăng ký tại Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam. Do đó, nếu chưa có hợp đồng chuyển nhượng nào được ký kết giữa Ngân hàng Agribank và AJC hoặc nếu có mà không được đăng ký tại Cục sở hữu trí tuệ thì quyền sở hữu đối với yếu tố “AGRIBANK” vẫn thuộc về phía ngân hàng.

Để có thể yêu cầu AJC thực hiện đổi tên doanh nghiệp thì việc áp dụng thủ tục hành chính hay xử lý xâm phạm quyền SHTT là không đơn giản vì AJC đã sử dụng yếu tố “AGRIBANK” một cách ngay tình. Thậm chí Ngân hàng này còn gián tiếp đồng ý cho AJC được phép sử dụng yếu tố “AGRIBANK” theo quyết định đổi tên doanh nghiệp vào tháng 12/2008.

Do đó, theo Luật sư Duy Khương, trong thời điểm hiện tại, phương án khả thi nhất cho Agribank là khởi kiện vụ án tại tòa án.

“Để tránh các trường hợp tương tự có thể xảy ra tiếp theo, các doanh nghiệp cần lưu ý về việc chuyển nhượng hoặc chuyển quyền sử dụng các đối tượng sở hữu trí tuệ như Nhãn hiệu, tên thương mại…. Khi có bất cứ thỏa thuận nào liên quan đến vấn đề này phải lập thành văn bản, đồng thời thực hiện các thủ tục đăng ký theo quy định nhằm bảo vệ tốt nhất quyền lợi của mình” – Luật sư Duy Khương khuyến cáo.

Bài viết được đăng trên An Ninh Thủ Đô

Contact Me on Zalo
+84982682122
WhatsApp chat