Quyền sở hữu trí tuệ bao gồm những quyền độc quyền của những người đã tạo ra các sản phẩm, bao gồm quyền tác giả, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, chỉ dẫn địa lý và quyền đối với giống cây trồng.
Quyền sở hữu trí tuệ có thể là đối tượng của một hợp đồng cấp phép, trong đó chủ sở hữu quyền SHTT (người cấp phép) có thể ủy quyền cho một bên thứ ba (người được cấp phép) sử dụng và khai thác quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động kinh doanh, theo các điều kiện được đặt ra bởi cả hai bên. Việc cấp phép mang lại cho chủ sở hữu cơ hội quý giá để mở rộng doanh nghiệp vào các thị trường mới, gia tăng nguồn thu với tiền cấp phép cũng như phát triển các quan hệ đối tác.
Khi chủ sở hữu của một sáng chế, bí quyết hoặc tài sản SHTT khác không thể hoặc không muốn tham gia vào tất cả các hoạt động thương mại (ví dụ, phát triển công nghệ, sản xuất, mở rộng thị trường), họ có thể hưởng lợi từ việc cấp phép tài sản SHTT của mình.
Việc đồng ý để một bên thứ ba sử dụng quyền sở hữu trí tuệ không tương đương với việc cấp phép. Hơn nữa, nếu chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ có ý định bán quyền của họ cho một bên thứ ba, họ sẽ phải thực hiện việc chuyển giao quyền SHTT.
Với hợp đồng cấp phép, chủ sở hữu quyền SHTT có thể cho phép việc:
- Xuất bản các văn bản, bản ghi âm nhạc, sử dụng phần mềm, sao chép một bức tranh;
- Sử dụng nhãn hiệu đã được đăng ký ở một lãnh thổ khác;
- Sao chép một kiểu dáng công nghiệp đã được đăng ký;
- Sản xuất, sử dụng hoặc bán một sản phẩm hoặc dịch vụ đã được bảo vệ với bằng sáng chế;
- Sản xuất, sử dụng hoặc bán một sản phẩm được bảo vệ với chỉ dẫn địa lý;
- Trồng hoặc tiếp thị cây thuộc loại được bảo vệ bằng quyền đối với giống cây trồng.
Một hợp đồng cấp phép phải được lập thành văn bản và có thể sẽ phải được đăng ký với cơ quan Sở hữu Trí tuệ.
Trong một số trường hợp, chủ sở hữu quyền SHTT có thể sẽ phải giữ một số thông tin mật, chẳng hạn như những thông tin liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ (các công nghệ chưa được đăng ký làm sáng chế hoặc bí mật kinh doanh) và/hoặc chính bản thỏa thuận cấp phép, đặc biệt là các khía cạnh tài chính trong thỏa thuận đó. Trong trường hợp này, chủ sở hữu quyền SHTT nên ký một thỏa thuận không tiết lộ với bên nhận quyền trước khi ký kết hợp đồng cấp phép.
Một hợp đồng cấp phép có thể được điều chỉnh theo nhu cầu của các bên, nhưng thường bao gồm các yếu tố sau:
- Thông tin của các bên;
- Đối tượng của cấp phép;
- Cách sử dụng và khai thác đối tượng này;
- Loại cấp phép – độc quyền, bán độc quyền (người cấp phép và người được cấp phép đều được sử dụng và khai thác quyền sở hữu trí tuệ), không độc quyền hoặc mở (bất kỳ bên thứ ba nào đáp ứng các yêu cầu do người cấp phép đặt ra sẽ được phép sử dụng quyền SHT, ví dụ: giấy phép Creative Commons – tài sản sáng tạo công cộng);
- Nghĩa vụ của cả hai bên;
- Hình thức thanh toán (hoặc thỏa thuận không thanh toán) – có thể xác định phí cấp phép (số tiền cố định trong khoảng thời gian nhất định), phần trăm lợi nhuận hoặc thậm chí kết hợp các loại thanh toán, chẳng hạn như một khoản tiền cố định khi ký kết hợp đồng và tính phí phần trăm lợi nhuận trong suốt quá trình khai thác quyền SHTT;
- Lãnh thổ áp dụng;
- Thời hạn cấp phép;
- Khả năng cấp phép bổ sung và chuyển nhượng cấp phép;
- Quy định về các phát triển mới;
- Bảo mật thông tin;
- Xử lý vi phạm;
- Luật áp dụng và;
- Tòa án hoặc trọng tài/cơ quan hòa giải có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.
Cần lưu ý rằng một chủ sở hữu có thể cấp phép nhiều lần cho một quyền sở hữu trí tuệ và chúng có thể liên quan đến các khu vực địa lý và các hình thức khai thác quyền SHTT khác nhau.
Liên quan đến đối tượng của hoạt động cấp phép, các loại hợp đồng có thể thay đổi tùy thuộc vào quyền sở hữu trí tuệ cụ thể, với hợp đồng cấp phép bản quyền, nhãn hiệu và công nghệ là những hợp đồng phổ biến nhất.
Cũng cần chú ý đến các hợp đồng cấp phép chéo, cấp phép quyền sử dụng quyền sở hữu trí tuệ cho hai hoặc nhiều bên mà không cần lo lắng về các tranh chấp. Những hợp đồng này đặc biệt phổ biến trong lĩnh vực như sáng chế, phần mềm và kiểu dáng, trong đó mỗi bên sở hữu các quyền sở hữu trí tuệ khác nhau cho cùng một sản phẩm.
Ngoài cấp phép quyền SHTT, còn có các loại hợp đồng thương mại khác mà trong đó quyền sở hữu trí tuệ có thể được cấp phép, như hợp đồng hàng hóa, hợp đồng nhượng quyền thương hiệu và hợp đồng liên doanh.
Bất kể loại hợp đồng nào, các bên sẽ luôn phải nắm vững các quy định pháp luật về hợp đồng và các thủ tục cần thiết liên quan đến việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cụ thể.
Liên hệ với công ty luật ASL LAW để được hướng dẫn về luật doanh nghiệp, luật lao động, luật sở hữu trí tuệ, luật bất động sản.
BÀI VIẾT HỮU ÍCH LIÊN QUAN