Vietnam M&A market: Overview of 2023 and predictions for 2024

Tổng quan thị trường M&A 2023 và các xu hướng trong năm 2024

Hoạt động M&A năm 2023 vẫn chưa thể diễn ra sôi nổi và năng động như kỳ vọng, tuy nhiên với những tín hiệu khả quan trong các thương vụ M&A trong lĩnh vực bất động sản và công nghệ từ nửa cuối năm 2023, cũng như sự thay đổi về chính sách nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài, thị trường M&A Việt Nam được kỳ vọng sẽ phục hồi và phát triển vào năm 2024.

Với sự ảm đạm của nền kinh tế toàn cầu, căng thẳng chính trị leo thang, đặc biệt sau tác động của 2 cuộc chiến Nga – Ukraine và cuộc chiến giữa Israel – Palestine, và sự kết thúc không khả quan của thị trường M&A vào năm 2022, các hoạt động M&A năm 2023 vẫn chưa thể diễn ra sôi nổi và năng động như kỳ vọng. Mặc dù vậy, với những tín hiệu khả quan trong các thương vụ M&A trong lĩnh vực bất động sản và công nghệ từ nửa cuối năm 2023, cũng như sự thay đổi về chính sách nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài, thị trường M&A Việt Nam được kỳ vọng sẽ phục hồi và phát triển vào năm 2024.

I. Các xu hướng M&A năm 2023

1. Thống kê sơ bộ về tình hình M&A năm 2023

Theo số liệu thống kê đến thời điểm hiện tại thậm chí đã ghi nhận khối lượng giao dịch M&A 2023 còn giảm xuống thấp hơn so với thời điểm 2022.   

Khối lượng giao dịch M&A toàn cầu trong nửa đầu năm 2023 – bao gồm nhiều loại giao dịch khác nhau, như các giao dịch cổ phần thiểu số và các vòng tài trợ vốn mạo hiểm — tiếp tục sụt giảm so với năm ngoái sau hoạt động giao dịch phá kỷ lục của năm 2021. Tính đến nửa đầu năm 2023, tổng trị giá giao dịch M&A chỉ đạt 1,3 nghìn tỷ USD, là mức thấp thứ hai trong vòng 10 năm qua. Hai quý đầu năm nay có khối lượng giao dịch hàng quý thấp thứ hai và thứ ba kể từ năm 2017.[1]

Các số liệu này vẫn không có xu hướng tích cực sau các hoạt động M&A toàn cầu được công bố trong Quý 3. Cụ thể, tổng giá trị giao dịch M&A trong Quý 3 năm 2023 chỉ đạt 641 tỷ USD, đây là khối lượng quý 3 thấp nhất kể từ năm 2013. Ngoài ra, tổng khối lượng giao dịch M&A toàn cầu năm 2023 tính đến Quý 3 (1,95 nghìn tỷ USD) đã thấp hơn gần 1 nghìn tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022 (2,91 nghìn tỷ USD) và là tổng giá trị ba phần tư thấp nhất kể từ năm 2013 (1,77 nghìn tỷ USD).[2]

Tổng số giao dịch được ghi nhận tại từng khu vực đã thể hiện sự giảm sút các khối lượng giao dịch M&A là xu hướng chung trên toàn cầu cụ thể ở một số thị trường lớn như sau:

1.1 Thị trường Nhật Bản[3]

Trong số các nền kinh tế lớn ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, chỉ có Nhật Bản là có sự gia tăng về số lượng và giá trị thương vụ M&A trong nửa đầu năm 2023. Theo đó, giá trị thương vụ của Nhật Bản trong nửa đầu năm 2023 tăng khoảng 50% so với nửa đầu năm 2022 trong đó tập trung mạnh mẽ trong lĩnh vực công nghệ và chăm sóc sức khỏe. Các giao dịch liên quan đến công nghệ chiếm ưu thế trong nửa đầu năm 2023 với tỉ trọng khoảng 40% tổng giá trị giao dịch. Trong thương vụ tư nhân hóa lớn nhất, Japan Industrial Partners đã công bố kế hoạch mua lại Toshiba – một gã khổng lồ công nghệ đang gặp khó khăn, với giá 15 tỷ USD. Liên quan đến lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, bất chấp giá trị đồng yên mất giá, các khách hàng chiến lược Nhật Bản vẫn quan tâm đến việc mua lại các công ty chăm sóc sức khỏe quốc tế, nhằm khai thác các nguồn doanh thu mới.

1.2 Thị trường Bắc Mỹ[4]

Hoạt động M&A ở Bắc Mỹ phản ánh các mô hình toàn cầu. Sau khi đạt được mức cao kỷ lục vào năm 2021 và duy trì đà tăng trưởng trong nửa đầu năm 2022, hoạt động giao dịch bắt đầu giảm tốc vào nửa cuối năm 2022 và lan sang nửa đầu năm 2023. Từ nửa đầu năm 2022 đến nửa đầu năm 2023, gía trị thỏa thuận ở Bắc Mỹ giảm 37%, trong khi mức giảm toàn cầu là 45%.  Bất chấp nhiều khó khăn, các thương vụ M&A trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, năng lượng và vật liệu ở Bắc Mỹ vẫn tương đối tích cực vào năm 2023.

1.3 Thị trường Châu Âu[5]

Tương tự như thị trường Bắc Mỹ, Hoạt động M&A ở châu Âu tăng vọt lên mức kỷ lục vào năm 2021, duy trì động lực trong nửa đầu năm 2022, sau đó chậm lại vào nửa cuối năm 2022 và việc suy giảm này kéo dài đến đầu năm 2023. Từ nửa cuối năm 2022 đến nửa đầu năm vào năm 2023, giá trị giao dịch M&A ở châu Âu giảm 55%, vượt mức giảm 45% trên toàn cầu. Đến Quý 2 năm 2023, thị trường M&A tại châu Âu đã có sự hồi sinh đáng kể so với quý trước nhờ các giao dịch lớn với giá trị trên 500 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ xanh, vật liệu và phần mềm. Tuy nhiên, nhìn chung hoạt động M&A vẫn có sự sụt giảm đáng kể, tổng giá trị vẫn thấp hơn mức trung bình khu vực của các năm trước đó.

1.4 Thị trường Đông Nam Á[6]

Hoạt động M&A ở Đông Nam Á (SEA) đã giảm kể từ khi đạt đỉnh điểm vào năm 2021. Sau khi đạt mức cao kỷ lục vào năm 2021, giá trị thương vụ SEA hạ nhiệt vào năm 2022, giảm 40% so với năm trước. Sự sụt giảm này phản ánh sự thiếu hụt các thỏa thuận công nghệ có quy mô lớn.

Những thách thức kinh tế toàn cầu như lãi suất cao, lạm phát, gián đoạn chuỗi cung ứng, địa chính trị và những thay đổi về quy định tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động giao dịch trong nửa đầu năm 2023. Mặc dù giá trị giao dịch của SEA giảm 15% so với nửa đầu năm 2022, nhưng con số đó vẫn là vẫn tốt hơn mức giảm toàn cầu 45% so với cùng kỳ năm trước. Sự suy giảm này diễn ra chủ yếu là do số lượng các giao dịch lớn giảm, thấp hơn đáng kể cả mức độ đại dịch và mức trung bình khu vực của các năm trước.

Tuy nhiên, lĩnh vực ô tô, thực phẩm và đồ uống ở Đông Nam Á vẫn hoạt động tích cực vào năm 2023, chiếm khoảng 60% giá trị giao dịch của SEA trong nửa đầu năm 2023. Dự báo về sự tăng trưởng mạnh mẽ trong việc áp dụng xe điện đã giúp thúc đẩy việc niêm yết công khai thông qua các vụ sáp nhập SPAC. Ví dụ, VinFast Auto có trụ sở tại Việt Nam sáp nhập với Black Spade Acquisition với giá 23 tỷ USD, và nhà sản xuất ô tô Trung Quốc Lotus Tech sáp nhập với L Catterton Asia có trụ sở tại Singapore với giá 5,5 tỷ USD.

Bên cạnh đó, khi biên giới mở cửa trở lại và các hoạt động du lịch, giải trí được nối lại, lĩnh vực thực phẩm và đồ uống của SEA đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ về giao dịch. Coca-Cola Europacific Partners tuyên bố mua lại các hoạt động của Coca-Cola tại Philippines với giá 1,8 tỷ USD, nhằm trở thành nhà đóng chai lớn nhất thế giới về loại nước giải khát mang tính biểu tượng này.

Do vị trí địa lý gần với Trung Quốc và cơ hội mua lại hạn chế hơn cho các công ty Trung Quốc ở thị trường châu Âu và châu Mỹ, Đông Nam Á có thể sẽ trở thành điểm đến ưa thích cho các khoản đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc nếu họ chấp nhận. Hơn nữa, các công ty thâu tóm Nhật Bản có thể theo đuổi các thương vụ M&A ở Đông Nam Á để bù đắp cho cơ hội tăng trưởng nội địa đang chậm lại ở Nhật Bản.

Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore có thể chiếm tỷ trọng lớn trong các giao dịch vì môi trường đầu tư và lĩnh vực tài chính của nước này mạnh mẽ hơn so với các quốc gia khác trong khu vực. Ngược lại, hoạt động giao dịch ở Indonesia có thể trầm lắng hơn do các nhà đầu tư thận trọng trước cuộc tổng tuyển cử ở nước này vào tháng 2 năm 2024.

Nhìn chung, khi lãi suất tiếp tục ổn định và bức tranh kinh tế vĩ mô trở nên rõ ràng hơn, việc định giá sẽ trở nên chắc chắn hơn và hoạt động giao dịch sẽ tăng lên trong khu vực Đông Nam Á. Trong tương lai, hoạt động M&A bên ngoài từ các công ty thâu tóm ở Trung Quốc và Nhật Bản có thể hỗ trợ sự gia tăng M&A trong khu vực và Singapore trong giai đoạn này sẽ trở thành trung tâm giao dịch chính trong khu vực.

2. Xu hướng M&A tại Việt Nam trong năm 2023

Nhìn chung, thị trường M&A tại Việt Nam phân bổ chính vào 8 nhóm chính: Bất động sản & xây dựng; Công nghệ, truyền thông & viễn thông; sản xuất công nghiệp và ô tô; Dịch vụ tài chính; Năng lượng; Tiêu dùng; Y tế và Sức khoẻ; Khác. Theo đó, trong tổng số thương vụ trong 7 tháng đầu năm theo thống kê bởi EY-Parthenon, lĩnh vực Bất động sản chiếm tỷ trọng cao nhất là Bất động sản & xây dựng, theo sau là Dịch vụ tài chính và tiêu dùng. Điểm đáng chú ý là số lượng thương vụ Bất động sản & xây dựng gần như gấp đôi so với nhóm đứng thứ hai.

Ảnh 1: Tổng quan thị trường mua bán và sáp nhập doanh nghiệp tại Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2023[7]

2.1 Bất động sản và xây dựng

Ảnh 2: Tổng quan thị trường M&A doanh nghiệp và Tài sản trong lĩnh vực Bất động sản. và Xây dựng tại Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2023[8]

Với tổng giá trị các thương vụ trong 7 tháng đầu năm 2023 đạt 1,4 tỷ USD, theo đó bất động sản khu công nghiệp được các nhà đầu tư nước ngoài chú ý đầu tư nhất, các hoạt động mua bán ở lĩnh vực xây dựng chủ yếu là để phục vụ các dự án phát triển khu công nghiệp

Sau đại dịch, thị trường bất động sản Việt Nam dần có sự thay đổi, nhóm đứng đầu cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào sự phục hồi của thị trường, cũng như cho thấy tín hiệu hồi phục của thị trường bất động sản. Với ưu thế về giá khi (i) giá bất động sản tại Việt Nam nhìn chung vẫn thấp hơn so với nhiều quốc gia khác trong khu vực; (ii) giá trị đất đai và giá thuê vẫn ổn định, điều này tạo cơ hội bên mua lại các dự án với giá hấp dẫn.

Về mặt chính sách, trong bối cảnh Việt Nam đang trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, hệ thống hành lang pháp lý cho nhà đầu tư nước ngoài khi thực hiện giao dịch M&A trong lĩnh vực bất động sản được kỳ vọng, các tín hiệu tích cực trong nỗ lực cải thiện khung pháp lý trong các luật liên quan trực tiếp điều chỉnh các dự án M&A càng cho thấy tiềm năng của nhóm ngành này đối với các nhà đầu tư.

Sự phục hồi trong sản xuất công nghiệp không chỉ phản ánh sự cải thiện liên tục trong xuất khẩu hàng hóa mà còn là một trong những nguyên nhân của sự tăng trưởng các giao dịch M&A đối với bất động sản khu công nghiệp. Theo số liệu của World Bank tính đến tháng 9 năm 2023, nền kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 5,3% (so cùng kỳ) trong quý 3-2023 so với 4,1% (so cùng kỳ) trong Quý 2-2023, do sản xuất công nghiệp dần phục hồi, thể hiện rõ qua hỉ số sản xuất công nghiệp tăng kể từ tháng 3/2023, đây cũng là nguyên nhân thể hiện sức hấp dẫn của bất động sản khu công nghiệp trong thị trường M&A.

Ảnh 3: Chỉ số sản xuất công nghiệp[9]

2.2 Dịch vụ tài chính và tiêu dùng

Tổng quan về các thương vụ trong dịch vụ tài chính và tiêu dùng cho thấy các công ty nước ngoài nhìn thấy tiềm năng cho vay tiêu dùng Việt Nam là rất lớn. Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi số, nhà nước nỗ lực xây dựng kho dữ liệu quốc gia, số hoá dữ liệu dân cư, về khối tư như các ngân hàng cũng đang đẩy mạnh dịch vụ ngân hàng số, theo Ngân hàng Nhà nước, nhiều nghiệp vụ cơ bản của ngành Ngân hàng đã được số hóa hoàn toàn và một số ngân hàng đã ghi nhận tỉ lệ hơn 90% giao dịch của khách hàng được thực hiện qua kênh số[10]. Bên cạnh đó, tỉ lệ sử dụng Internet cao và việc ứng dụng rộng rãi công nghệ vào các dịch vụ tài chính – ngân hàng cốt lõi cũng đem lại nhiều lợi thế.

Về hoạt động công nghệ tài chính (Fintech), sự thay đổi hành vi tiêu dùng nhanh chóng cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử và ứng dụng công nghệ chuỗi khối (Blockchain) đã đem lại nhiều tiềm năng cho các công ty Fintech[11] trong hoạt động thanh toán số, cho vay, công nghệ bảo hiểm (Insurtech) và tài chính nhúng[12]. Dự thảo Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (sandbox) đã được Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ là tín hiệu thể hiện nỗ lực thúc đẩy sự phát triển của Fintech tại Việt Nam.

Thị trường thương mại điện tử phát triển, Việt Nam là một thị trường vô cùng tiềm năng trong khu vực dựa trên các chỉ số trực quan dưới đây về internet và thương mại điện tử của Việt Nam, cho thấy Việt Nam có tiềm năng thương mại điện tử rất lớn trong khu vực, xu hướng tiêu dùng trong thương mại điện tử rất phát triển.

Quy mô nền kinh tế internet theo Sách trắng thương mại điện tử 2022 – Bộ Công Thương

Ảnh 4: Báo cáo “Kinh tế khu vực Đồng Nam Á năm 2021”của Google, Temasek và Bain & Company[13]

II. Triển vọng M&A tại Việt Nam 2024

1. Tình hình chính trị xã hội tác động tới M&A

1.1 Tác động của Tuyên bố chung giữa Việt Nam và Mỹ về Hợp tác Kinh tế

Dựa trên nội dung Tuyên bố chung giữa Việt Nam và Mỹ về Hợp tác Kinh tế – Thương mại – Đầu tư, có một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến tình hình M&A (Mergers and Acquisitions) trong doanh nghiệp như sau:

Mở cửa thị trường và Hỗ trợ Chính sách

Một trong những nội dung quan trọng trong việc Nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện  giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đó là việc Việt Nam đề nghị Hoa Kỳ xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường. Về phía Hoa Kỳ sẽ khẩn trương xem xét yêu cầu này của Việt Nam theo luật định. Việt Nam đã củng cố giao tiếp về nội dung này ngay từ giai đoạn chuẩn bị cho các cuộc thăm cấp cao và đã thông báo việc nâng cao mối quan hệ lên tầm đối tác chiến lược toàn diện vì Hòa bình, Hợp tác và Phát triển bền vững. Sự công nhận trên không chỉ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp Việt Nam trong các vụ bảo vệ thương mại, mà còn giúp củng cố vai trò, vị thế và lòng tin vào tiềm năng của Việt Nam trong tâm trí các nhà đầu tư nước ngoài. Điều này được dự đoán sẽ là một trong những yếu tố tác động mạnh mẽ đến thị trường kinh tế giữa Việt Nam và Mỹ nói chung và thị trường M&A nói riêng, cụ thể:

Tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư

Việc mở cửa thị trường hơn nữa cho các sản phẩm chủ lực của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, nông sản, và hoa quả tươi có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu và tăng cường hợp tác thương mại hai chiều giữa hai quốc gia. Trong thời gian tới, Bộ Công thương Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy trao đổi với Hoa Kỳ đề nghị khả năng áp dụng cơ chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) dành cho Việt Nam. Đây là vấn đề quan trọng, sẽ giúp cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam được đối xử công bằng hơn, tương tự như các đối tác chiến lược của Hoa Kỳ hiện đang được hưởng, mang lại lợi ích chính đáng cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước.

Bên cạnh đó, Hoa Kỳ cũng cam kết không sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại có thể giúp giảm căng thẳng thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và tăng cường sự minh bạch trong quan hệ thương mại giữa hai nước.

Điều này hứa hẹn sẽ thúc đẩy mạnh mẽ những thương vụ M&A, tạo sự thu hút lớn hơn đối với các nhà đầu tư, quỹ đầu tư đầu tư vào thị trường xuất nhập khẩu tại Việt Nam, cũng như tiềm năng đầu tư trong những lĩnh vực như nông nghiệp, dệt may, vốn là những ngành chủ lực của Việt Nam. Đồng thời, việc mở cửa, nâng tầm quan hệ giữa hai quốc gia còn thúc đẩy giao thương hai nước, khuyến khích các doanh nghiệp đi ra thị trường lớn, đây sẽ là cơ hội để hợp tác cùng phát triển của các doanh nghiệp SMEs để đi ra quốc tế, hay hấp dẫn đầu tư nước ngoài trong các nhóm ngành trên, góp phần thúc đẩy thị trường M&A nội địa.

Hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên

Việc nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ hướng tới việc ưu tiên hợp tác trong các lĩnh vực như khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục-đào tạo, chống biến đổi khí hậu, và năng lượng tái tạo. Điều này có thể tạo ra cơ hội mới cho các giao dịch M&A đa dạng hóa, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Hợp tác số, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo: Theo đó, Việt Nam và Hoa Kỳ quyết định đẩy mạnh hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực số, coi đây là đột phá mới của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Điều này là tín hiệu tích cực cho sự gia tăng các thương vụ M&A về công nghệ (nhóm công nghệ hiện đang đứng thứ 3 trong 8 nhóm ngành chính trong thị trường M&A tại Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2023). Đồng thời, Hoa Kỳ cam kết tăng cường hỗ trợ Việt Nam đào tạo và phát triển lực lượng lao động công nghệ cao, đây cũng là một điểm quan trọng thu hút đầu tư tại Việt Nam với lực lượng lao động chuyên môn cao. Hai Nhà Lãnh đạo hoan nghênh việc thúc đẩy hạ tầng số an toàn và tin cậy tại Việt Nam, khẳng định quá trình trên có tiềm năng mang lại những cơ hội mới để nâng cao năng lực cho cộng đồng đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong lĩnh vực số, từ đó thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số và các giao dịch M&A liên quan đến lĩnh vực này ở Việt Nam.

Năng lượng: Theo tuyên bố chung, Việt Nam và Mỹ sẽ phối hợp tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và Đồng bằng Sông Hồng, trong các lĩnh vực thích ứng liên ngành với biến đổi khí hậu; giảm ô nhiễm và hỗ trợ tự nguyện về kỹ thuật liên quan đến việc hiện đại hóa hạ tầng truyền tải điện, tích hợp năng lượng tái tạo, phát triển thị trường khí hậu, giải pháp lưu trữ năng lượng và cải thiện khuôn khổ pháp lý cho phép chuyển đổi năng lượng kịp thời và công bằng. Tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ trong lĩnh vực năng lượng sẽ tạo góp phần để Việt Nam xây dựng và đầu tư hệ thống năng lượng quốc gia hiệu quả hơn, đồng thời tạo cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp và công nghệ cao vào lĩnh vực này tại Việt Nam. Bên cạnh đó,  Hợp tác trong các lĩnh vực đặc biệt có thể mở rộng khả năng M&A sang các ngành công nghiệp mới, như năng lượng tái tạo và công nghệ xanh.

Công nghiệp bán dẫn: Cả hai lãnh đạo hai nước ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam và hai bên sẽ tích cực hỗ trợ và phối hợp nhằm nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung bán dẫn toàn cầu. Theo đó, Việt Nam và Hoa Kỳ tuyên bố khởi động các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, trong đó Chính phủ Hoa Kỳ sẽ cấp khoản tài trợ gieo mầm ban đầu trị giá 2 triệu USD, cùng với các khoản hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân trong tương lai. Đây là một sự đánh dấu quan trọng cho sự phát triển công nghiệp bán dẫn của nước ta, tín hiệu tích cực cho các thương vụ M&A về sản xuất công nghiệp bán dẫn. Tuy nhiên, với kinh nghiệm thế giới, để phát triển công nghiệp bán dẫn là con đường dài hạn, phải tính đến hàng chục năm (ví dụ Trung Quốc phải tốn đến 60 năm), vì vậy thị trường M&A ở lĩnh vực này là tiềm năng, nhưng sẽ theo hướng phát triển đường dài thay vì cuộc đua lợi nhuận ngắn hạn.

Cải cách Kinh tế của Việt Nam

Để triển khai hiệu quả khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Thương mại Hoa Kỳ sớm công nhận Quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, tiếp tục quan tâm thúc đẩy quan hệ kinh tế-thương mại song phương. Hiện Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam với tổng kim ngạch năm 2022 gần 109,4 USD (chiếm tỷ trọng 29,5% – theo số liệu của Tổng cục Hải Quan). Trong các vụ điều tra chống bán phá giá, việc bị coi là nền kinh tế phi thị trường có ảnh hưởng lớn với các doanh nghiệp, chưa kể việc coi Việt Nam là kinh tế phi thị trường cho phép Mỹ áp dụng thuế suất toàn quốc – là mức thuế dành cho các doanh nghiệp không hợp tác hoặc không chứng minh được họ không chịu sự kiểm soát của Chính phủ. Do đó, việc Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường có ý nghĩa rất lớn cho các ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam và thúc đẩy sự tham gia của các nước khác vào các giao dịch M&A tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Hoa Kỳ đánh giá cao những nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong việc tiếp tục hiện đại hóa và tăng cường hơn nữa tính minh bạch của khuôn khổ điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá của Việt Nam, thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn và lành mạnh của hệ thống ngân hàng. Sự cam kết của Việt Nam đối với sự hiện đại hóa và tăng cường tính minh bạch trong quản lý tiền tệ và tỷ giá là một bước quan trọng, mang lại hy vọng về việc xây dựng một môi trường kinh doanh tích cực và thuận lợi cho cả hai quốc gia.

Các doanh nghiệp tham gia vào các giao dịch M&A có thể hưởng lợi từ môi trường kinh doanh ngày càng cải thiện và tích cực hơn. Sự hỗ trợ và sự mở cửa từ cả hai bên có thể tạo ra một môi trường ổn định và dựa trên quy tắc, khuyến khích sự đầu tư và phát triển bền vững. Tính minh bạch trong quản lý tiền tệ và tỷ giá giúp giảm rủi ro cho các nhà đầu tư. Khi thông tin về tình hình tài chính của doanh nghiệp, đặc biệt là liên quan đến tiền tệ và tỷ giá hối đoái, được công bố một cách rõ ràng và kịp thời, các bên liên quan có thể đưa ra các quyết định dựa trên thông tin chính xác. Cả hai bên đều có thể có cái nhìn rõ ràng về giá trị thực sự của doanh nghiệp và tác động của yếu tố tiền tệ. Nhà đầu tư quốc tế thường đánh giá cao sự minh bạch và tính chân thực trong thông tin tài chính và khi họ có niềm tin vào tính chính xác và độ minh bạch của thông tin tiền tệ, họ có thể cảm thấy tự tin hơn trong việc đầu tư và tham gia vào các giao dịch M&A và coi Việt Nam là ổn định và minh bạch để đảm bảo an toàn cho đầu tư của họ.

Cộng tác với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)

Hai Nhà Lãnh đạo ủng hộ việc tiếp tục củng cố hệ thống thương mại đa phương không phân biệt đối xử, mở, công bằng, bao trùm, bình đẳng, minh bạch và dựa trên luật lệ, trong đó Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đóng vai trò nòng cốt. WTO có một vị trí quan trọng trong việc giám sát và thi hành các nguyên tắc cơ bản của thương mại quốc tế, góp phần quan trọng vào việc xây dựng một hệ thống thương mại toàn cầu công bằng, minh bạch và dựa trên luật lệ, đảm bảo rằng tất cả các thành viên được đối xử bình đẳng, không có sự ưu tiên đặc biệt dựa trên nguồn gốc quốc gia. Điều này làm tăng tính dự báo và giảm rủi ro cho các doanh nghiệp tham gia vào các giao dịch M&A.

Quy tắc và cam kết của WTO có thể cung cấp một khung pháp luật chung cho quá trình đàm phán và thương lượng trong các giao dịch M&A, giúp giảm sự phức tạp và tăng tính chủ động giữa các bên. Đặc biệt, các biện pháp hỗ trợ phát triển của WTO có thể giúp doanh nghiệp nhỏ và trung bình tham gia vào thị trường quốc tế, tăng cường cạnh tranh và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp này tham gia vào các giao dịch M&A.

Hỗ trợ cho phát triển và hạ tầng

Hoa Kỳ cam kết tăng cường hỗ trợ Việt Nam về sản xuất, phát triển hạ tầng vật chất và hạ tầng số chất lượng cao, chuyển đổi năng lượng công bằng, nông nghiệp bền vững và thông minh, cũng như hỗ trợ Việt Nam tham gia sâu rộng và bền vững vào các chuỗi cung khu vực và toàn cầu, trong đó có việc chú trọng khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Vì mục đích đó, Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC) sẽ tiếp tục cung cấp tài chính cho các dự án thuộc khu vực tư nhân tại Việt Nam trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, khí hậu và sử dụng năng lượng hiệu quả, y tế và doanh nghiệp nhỏ, bao gồm các doanh nghiệp chú trọng yếu tố khí hậu và do phụ nữ làm chủ. Điều này có thể hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các giao dịch M&A để mở rộng quy mô và năng lực kinh doanh của họ. Việc DFC chú trọng vào các doanh nghiệp nhỏ có yếu tố khí hậu và do phụ nữ làm chủ có thể tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp có mô hình kinh doanh và mục tiêu phát triển liên quan đến các vấn đề này và làm tăng giá trị và sức hấp dẫn của các doanh nghiệp trong các giao dịch M&A giúp các doanh nghiệp này mở rộng quy mô kinh doanh và nâng cao cạnh tranh.

Tóm lại, thông điệp tích cực từ việc Mỹ sẽ nhanh chóng công nhận nền kinh tế thị trường tại Việt Nam không chỉ ảnh hưởng đến quan hệ thương mại mà còn có tác động sâu rộng đối với hoạt động M&A, mở ra cơ hội mới và tạo điều kiện thuận lợi cho sự hợp tác và đầu tư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Hỗ trợ chính sách thương mại và kinh tế được đề cập ở trên có thể tạo ra môi trường tích cực cho sự phát triển và mở rộng của doanh nghiệp, tăng cơ hội và thúc đẩy sự phát triển các giao dịch M&A.

1.2 Tác động của chiến tranh Nga – Ukraine

Ngày 24/02/2022, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh cho quân đội tấn công Ukraine. Hầu hết các nước phương Tây, bao gồm Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Úc và Canada đã nhanh chóng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga để đáp trả.

Ảnh hưởng đến hoạt động thương mại và đầu tư

Các lệnh trừng phạt đối với Nga sẽ có tác động đáng kể đến nền kinh tế toàn cầu và nền kinh tế Việt Nam sẽ không tránh khỏi ảnh hưởng. Nga đã bị loại khỏi Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu SWIFT, các nước phương Tây đã đóng băng 630 tỷ đô la dự trữ ngoại hối của Nga, nhiều ngân hàng và tổ chức tài chính lớn đã đóng băng tài sản ở nước ngoài của Nga với tổng trị giá khoảng 3 tỷ đô la. Việc chặn kết nối SWIFT của hệ thống tài chính Nga khiến việc hợp tác về thương mại với Nga gặp khó khăn, ảnh hưởng đến các dự án đầu tư của Nga tại Việt Nam, phần lớn là các dự án điện, dầu khí và  ảnh hưởng đến thương mại song phương Việt – Nga trong thanh toán các hợp đồng sử dụng đồng Euro. Do ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt, các doanh nghiệp và ngân hàng Nga có thể gặp khó khăn trong việc đầu tư và mở rộng quy mô kinh doanh ở nước ngoài, bao gồm cả Việt Nam. Điều này có thể làm giảm sút hoạt động M&A mà Nga có thể tham gia.

Thêm vào đó, xung đột Nga – Ukraine gây ra sự đứt gãy chuỗi cung ứng sẽ tác động đến cả những thị trường liên đới khác, liên quan đến các giao dịch thanh toán với các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đã bị ngừng trệ đơn hàng, đứt gãy nguồn cung nguyên vật liệu, chậm trễ trong các biện pháp thanh toán. Xung đột này còn gây ra sự sụt giảm đột ngột và kéo dài trong hoạt động xuất khẩu lương thực của Ukraine và Nga, tiếp tục gây áp lực lên giá hàng hóa quốc tế, gây bất lợi cho các nước dễ bị tổn thương về kinh tế như Việt Nam. Đối với các doanh nghiệp muốn đầu tư hoặc tham gia vào các dự án M&A tại Việt Nam, sự không chắc chắn trong chuỗi cung ứng và thị trường xuất khẩu có thể làm tăng khả năng khó khăn trong quá trình đánh giá dự án và ước lượng giá trị thực tế. Các điều kiện thanh toán liên quan đến các giao dịch M&A cũng có thể trở nên phức tạp hơn.

Tăng giá trên thị trường một số mặt hàng nhiên liệu, nguyên liệu phục vụ sản xuất, tiêu dùng

Nga là quốc gia khai thác và xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, xuất khẩu khoảng 5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, chiếm 12% kim ngạch thương mại toàn cầu với khoảng 2,5 triệu thùng/ngày đối với các sản phẩm dầu mỏ. 

Giá dầu tăng cao đồng nghĩa gia tăng chi phí cho hầu hết ngành sản xuất, áp lực lạm phát với kinh tế toàn cầu càng lớn hơn. Nhiều hãng tàu đã từ chối nhận đơn vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đi Nga. Giá cước vận tải tiếp tục tăng cao cùng với sự chậm trễ trong vận chuyển sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại hàng hóa. Thêm nữa, việc cấm vận hàng không cũng sẽ dẫn đến các hãng hàng không phải chọn đường bay dài hơn, chi phí tăng, áp lực gia tăng chi phí hậu cần logistics lên hệ thống vận chuyển toàn cầu. Có thể nói, sự chậm trễ trong vận chuyển và logistics có thể tạo ra thách thức trong quản lý chuỗi cung ứng. Điều này có thể yêu cầu các doanh nghiệp thay đổi chiến lược quản lý chuỗi cung ứng của họ, và có thể làm ảnh hưởng đến lựa chọn về việc mở rộng hoặc sáp nhập trong các giao dịch M&A. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tham gia M&A có thể phải đối mặt với sự chậm trễ trong việc triển khai dự án và thực hiện các hợp đồng do vận chuyển và logistics không ổn định. Điều này có thể làm tăng nguy cơ thất bại trong việc đáp ứng các cam kết thời gian và chi phí.

1.3 Tác động của chiến tranh Isarel – Palestine

Cuộc chiến tranh giữa Isarel và Palestine có tác động tương đối mạnh đến tình hình M&A tại Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh xung đột giữa Israel và Hamas đang leo thang. Sự tác động này thể hiện trên nhiều mặt, cụ thể:

Sự ngưng trệ quan hệ thương mại và đầu tư: Xung đột có thể làm gián đoạn quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Israel. Việc đàm phán ký hiệp định thương mại tự do có thể bị ảnh hưởng, làm giảm khả năng thúc đẩy hợp tác đầu tư mà Việt Nam đang kỳ vọng.

Tăng cường sự phòng thủ kinh tế: Xung đột chính trị thường khiến sự phòng thủ kinh tế tăng lên, do lo ngại về giảm tổng cầu tiêu dùng. Điều này ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam, có thể làm giảm nguồn thu nhập từ việc bán hàng ra nước ngoài.

Đứt gãy chuỗi cung ứng và ảnh hưởng đến năng lượng: Xung đột có thể làm đứt gãy chuỗi cung ứng, đặc biệt là đối với nguồn cung năng lượng như dầu mỏ. Việt Nam, phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng thế giới, có thể phải đối mặt với khó khăn trong nguồn cung dầu mỏ.

Chuyển động trong chuỗi cung ứng và đầu tư quốc tế: Các nhà đầu tư có thể chuyển động về đầu tư trong nước hoặc các nước gần gũi hơn khi có căng thẳng địa chính trị. Điều này có thể ảnh hưởng đến dòng đầu tư từ các quốc gia châu Âu, Hoa Kỳ và gặp khó khăn trong việc mở rộng hợp tác với các nước Ả Rập.

Ảnh hưởng tới tài chính và ngân hàng: Tăng giá dầu toàn cầu có thể tạo ra thách thức lớn cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đặc biệt là khi đã áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng. Sự biến động trong lãi suất giữa Việt Nam đồng và USD có thể tăng do tâm lý phòng thủ khiến người ta tích trữ tài sản có giá trị như USD và vàng.

2. Dự đoán tình hình M&A năm 2024

Trong năm 2024, Việt Nam kỳ vọng tiếp tục thu hút nguồn vốn FDI nhờ sự duy trì của đà tăng trưởng kinh tế, nguồn nhân lực chất lượng cao và là điểm đến trong quá trình chuyển đổi dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc sang, theo ông Ivan Alver, Đồng sáng lập Global M&A Partners, trong buổi họp báo bên lề Hội nghị GMAP diễn ra sáng 13/11/2023

Việt Nam trở thành một trong những điểm đầu tư hấp dẫn trên thế giới với các ưu thế về (i) dân số trẻ, (ii) tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, và (iii) sự gia tăng của số lượng người tiêu dùng. Trong những năm qua, Việt Nam đã thu hút đầu tư từ nhiều thị trường châu Á khác nhau như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Đài Loan và Trung Quốc, trong khi không nhận được nhiều đầu tư từ châu Âu và Bắc/Nam Mỹ.

Về lĩnh vực, các nhóm có thể được chú ý trong năm tới là: Bất động sản và xây dựng, Năng lượng, Tiêu dùng, Sản xuất công nghiệp.

Bất động sản và xây dựng hiện đang là nhóm ngành đi đầu về số lượng thương vụ M&A trong 7 tháng đầu năm 2023. Về mặt chính sách, từ nay đến năm 2024 sẽ có kết quả sửa đổi các luật điều chỉnh trực tiếp các giao dịch M&A trong lĩnh vực này như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở. Nếu dự thảo sửa đổi được thông qua, khung pháp lý sẽ trở nên rõ ràng hơn. Đây là yếu tố hết sức quan trọng, giảm khẩu vị rủi ro, giúp tăng sức hấp dẫn của các thương vụ M&A trong lĩnh vực này. Về thị trường, tác động của đại dịch khiến thị trường chung đi xuống, tuy nhiên có thể nói đang có phần hồi phục, lãi suất ngân hàng giảm xuống cũng giúp “hâm nóng” thị trường bất động sản. Đồng thời đi kèm với sự phát triển và tiềm năng của sản xuất công nghiệp, bất động sản khu công nghiệp có khả năng tiếp tục dành được sự chú ý lớn trong các cơ hội đầu tư.

Về năng lượng, năng lượng tái tạo là thị trường tiềm năng trong bối cảnh biến đổi khí hậu là vấn đề chung của toàn cầu. Vào tháng 7 vừa qua, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 843/QĐ-TTg năm 2023 về Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam giai đoạn 2023-2027, một trong những nhiệm vụ được đặt ra là vấn đề về môi trường, hoàn thiện khung pháp lý về môi trường với thời gian hoàn thành đến 2025. Việt Nam đang nỗ lực thực hiện cam kết Net Zero tại COP 26, hướng đến phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã có hiệu lực với những điểm mới như xây dựng sàn giao dịch tín chỉ carbon đi vào thử nghiệm năm 2025, chính thức áp dụng vào năm 2028, để làm điều này hiện hơn 1900 doanh nghiệp Việt Nam đang bắt buộc phải thực hiện thủ tục kiểm kê khí nhà kính và báo cáo một năm một lần. Đây là những quy định mới, lần đầu áp dụng, các doanh nghiệp đang được tập huấn để thực hiện, cho thấy thị trường này còn nhiều không gian để phát triển, thu hút đầu tư, với dấu hiệu tích cực về mặt chính sách.

Về tiêu dùng và sản xuất công nghiệp, việc đẩy mạnh chuyển đổi số của cả khối công và khối tư tại Việt Nam đi cùng với tốc độ người dân thích ứng chuyển đổi, kèm theo tiềm năng phát triển thương mại điện tử của Việt Nam được đánh giá rất cao trong khu vực[14] với các chỉ số tích cực là một trong những yếu tố thúc đẩy phát triển ngành tiêu dùng trong thời gian tới. Sản xuất công nghiệp được kỳ vọng với các cam kết của Việt Nam – Hoa Kỳ với quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện, các cam kết về hỗ trợ đào tạo, các nguồn vốn dự án, cũng như vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng.

Nhìn chung, năm 2023 chứng kiến tình hình các doanh nghiệp trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn từ hậu quả do đại dịch Covid-19 kéo dài, tình hình lạm phát tăng cao cũng như căng thẳng chính trị thế giới, đặc biệt cuộc chiến tranh Nga – Ukraine và Israel – Palestine. Tuy nhiên, với những tín hiệu tích cực của thị trường M&A trong quý 3 của năm 2023 nhờ những chuyển biến về kinh tế- chính trị – xã hội, cũng như các biện pháp của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, ưu tiên các dự án liên quan đến yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG), Chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào phục hồi và vươn mình mạnh mẽ của hoạt động M&A tại Việt Nam vào năm 2024.

Luật sư Nguyễn Thị Thuý Chung, Luật sư Thành viên cấp cao của ASL LAW


[1] Emily Rouleau, 2023. ‘ANALYSIS: H1 2023 M&A Activity Was as Bad as It Seemed’.

[2] Emily Rouleau, 2023. ‘ANALYSIS: Dismal Q3 M&A Deal Volumes Dampen End-of-Year Outlook’.

[3] Takashi Yokotaki, 2023. ‘The Japanese Perspective’.

[4] Lianne Pot, 2023. ‘The North American Perspective’.

[5] Jens Kengelbach, 2023. ‘The European Perspective’.

[6] Jared Feiger, 2023. ‘The Southeast Asian Perspective’.

[7] Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, 2023. Tài liệu Hội thảo: M&A trong lĩnh vực bất động sản quản trị rủi ro và thúc đẩy tiềm lực đầu tư. Tr.7

[8] Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, 2023. Tài liệu Hội thảo: M&A trong lĩnh vực bất động sản quản trị rủi ro và thúc đẩy tiềm lực đầu tư. Tr.7

[9] The World Bank, 2023. Cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam. Số tháng 9/2023, Tr. 2

[10] Chí Tín (2022). Đã có những nghiệp vụ cơ bản ngân hàng số hóa 100%, Thời báo Tài chính Việt Nam.

[11] Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, 2023. Thực trạng và giải pháp phát triển công nghệ tài chính tại Việt Nam.

[12] HyperLead (2023). Báo cáo thị trường Fintech Việt Nam 2022. Ho Chi Minh: HyperLead. 

[13] Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số – Bộ Công Thương, 2022. Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam năm 2022. Tr. 32, 37

[14] Các chỉ số thể hiện trong Sách trắng thương mại điện tử 2022 – Bộ Công Thương.

Liên hệ với công ty luật ASL LAW để được hướng dẫn về luật doanh nghiệp, luật lao động, luật sở hữu trí tuệ, luật bất động sản.

    LIÊN HỆ

    Thông tin liên hệ

    Đặt câu hỏi


    Lưu ý: Quý khách vui lòng điền đẩy đủ thông tin vào ô có (*)

    BÀI VIẾT HỮU ÍCH LIÊN QUAN

    Đại diện sở hữu trí tuệDịch vụ đăng ký nhãn hiệu
    Đăng ký nhãn hiệuDịch vụ đăng ký nhãn hiệu quốc tế
    Đăng ký nhãn hiệu quốc tếĐăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam
    Đăng ký thương hiệu quốc tếQuy trình đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam
    Thủ tục đăng ký nhãn hiệuQuy trình đăng ký nhãn hiệu
    Đăng ký nhãn hiệu như thế nàoThủ tục đăng ký nhãn hiệu hàng hoá
    Cách thức đăng ký nhãn hiệuDịch vụ đăng ký nhãn hiệu hàng hoá
    Đăng ký nhãn hiệu hàng hoáDịch vụ bảo hộ nhãn hiệu
    Cách thức đăng ký nhãn hiệu hàng hoáDịch vụ đăng ký nhãn hiệu độc quyền
    Thủ tục đăng ký nhãn hiệu độc quyềnĐăng ký nhãn hiệu hàng hoá độc quyền
    Đăng ký nhãn hiệu độc quyềnThủ tục đăng ký nhãn hiệu hàng hoá độc quyền
    Đăng ký nhãn hiệu công ty như thế nàoĐăng ký nhãn hiệu độc quyền như thế nào
    Đăng ký nhãn hiệu mớiĐăng ký thương hiệu độc quyền ở đâu
    Tư vấn đăng ký nhãn hiệuLuật sư sở hữu trí tuệ
    Đăng ký nhãn hiệu công tyĐăng ký nhãn hiệu logo
    Đăng ký sáng chếDịch Vụ đăng ký sáng chế
    Đăng ký độc quyền sáng chếĐăng ký bản quyền tác giả
    Đăng ký bản quyền phần mềmThủ tục đăng ký bản quyền
    Đăng ký bản quyềnĐăng ký bản quyền bài hát
    Công ty luật sở hữu trí tuệĐại diện sở hữu trí tuệ
    ***Dịch Vụ pháp lý khác của Công ty luật ASL LAW***
    Dịch vụ pháp lý thuê ngoài cho doanh nghiệp và StartupĐăng ký nhãn hiệu quốc tế
    Tư vấn đầu tư ra nước ngoài cho doanh nghiệp Việt NamĐăng ký sáng chế
    Tư vấn đầu tư tại Việt Nam cho doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh tai Việt NamTư vấn Mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A)
    Mở công ty tại Việt NamTư vấn tài Chính – Ngân hàng
    Mở văn phòng đại diện tại Việt NamDịch vụ Soạn thảo hợp đồng
    Dịch vụ sở hữu trí tuệPháp lý về lao động và việc làm
    Đăng ký nhãn hiệu tại Việt NamTư vấn giải quyết tranh chấp
    Đăng ký bản quyềnTư vấn nhượng quyền thương mại
    Contact Me on Zalo
    +84982682122
    WhatsApp chat