Thanh toán ngày phép còn dư khi người lao động nghỉ việc là một khía cạnh quan trọng của chính sách nhân sự tại Việt Nam, đồng thời là một yếu tố quyết định trực tiếp đến quyền lợi và nguyên tắc minh bạch trong quản lý lao động. Việc quy định rõ ràng và công bằng về thanh toán ngày phép còn dư không chỉ đảm bảo quyền lợi của người lao động mà còn giúp doanh nghiệp duy trì mối quan hệ lao động tích cực và ổn định.
Pháp luật Việt Nam đã đề ra những nguyên tắc cụ thể về việc thanh toán ngày phép còn dư khi người lao động quyết định nghỉ việc. Bài viết này sẽ trình bày chi tiết về các quy định pháp luật, cũng như quy trình và điều kiện liên quan đến việc thanh toán ngày phép, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì sự công bằng và minh bạch trong quản lý nguồn nhân lực.
Thanh toán ngày phép còn dư khi nghỉ việc tại Việt Nam
Theo quy định tại khoản 3 Điều 113 Bộ luật Lao động 2019, trong trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.
Theo đó, chỉ khi thôi việc, nghỉ việc trong năm mà chưa sử dụng hết số ngày phép tính đến thời điểm nghỉ thì người lao động mới được quyền yêu cầu thanh toán cho những ngày phép còn dư.
Tại Bộ luật Lao động 2012, quy định này không siết chặt như vậy mà để ngỏ khả năng quyết định có chi trả tiền lương cho những ngày phép còn dư trong năm cho người sử dụng lao động, không giới hạn ở việc nghỉ hay không nghỉ trong năm.
Điều đó có nghĩa là nếu đến hết năm, người lao động còn dư ngày nghỉ phép thì doanh nghiệp có thể thanh toán tiền lương cho những ngày nghỉ phép đó. Tuy nhiên, quy định này trước đây cũng mang tính tùy chọn, tức là quyền quyết định hoàn toàn phụ thuộc vào doanh nghiệp.
Hiện tại, quy định về thanh toán ngày nghỉ phép còn dư được luật định chỉ giới hạn trong trường hợp người lao động thôi việc, mất việc là một động thái được đưa ra nhằm bảo vệ sức khỏe của người lao động.
Trước đây, vì quy định có thể được thanh toán, tại các doanh nghiệp chấp nhận chính sách này, người lao động thường có xu hướng bảo lưu những ngày nghỉ phép, làm việc không ngừng nghỉ để cuối năm có thể thanh toán số ngày phép còn dư, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của họ, đặc biệt đối với các trường hợp lao động làm 48 tiếng một tuần hoặc hơn, cùng với tăng ca.
Để bảo vệ sức khỏe của người lao động, ban soạn thảo Bộ luật Lao động 2019 đã giới hạn chỉ cho phép trường hợp người lao động có thể được thanh toán số ngày phép còn dư khi họ nghỉ việc tại doanh nghiệp. Dẫu vậy, quy định cũng không cấm việc các doanh nghiệp làm vượt luật và thanh toán những ngày phép còn dư cho người lao động trong những trường hợp khác nên nếu có nhu cầu đưa ra các ưu đãi cho người lao động, người sử dụng lao động có thể thỏa thuận về việc cuối năm thanh toán những ngày phép còn dư mà không giới hạn ở điều kiện nghỉ việc.
Thanh toán ngày phép còn dư khi nghỉ việc
Căn cứ khoản 3 Điều 67 Bộ luật Lao động 2019, tiền lương làm căn cứ trả cho người lao động những ngày chưa nghỉ hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm là tiền lương theo hợp đồng lao động của tháng trước liền kề tháng người lao động thôi việc, bị mất việc làm.
Khoản 1 Điều 48 Bộ luật Lao động 2019 quy định trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ một số trường hợp đặc biệt có thể kéo dài thời hạn thanh toán nhưng không được quá 30 ngày.
Theo đó, trong vòng 14 ngày, người sử dụng lao động sẽ cần thanh toán đầy đủ các khoản tiền tương ứng với số ngày phép còn dư của người lao động khi nghỉ việc, được tính đến thời điểm người lao động nghỉ việc.
Liên hệ với công ty Luật ASL LAW để được tư vấn Luật về Lao động và Việc làm.
BÀI VIẾT HỮU ÍCH LIÊN QUAN