Từ tháng 7 năm 2024, Việt Nam sẽ thực hiện một loạt cải cách quan trọng về chính sách tiền lương nhằm nâng cao đời sống của người lao động và người hưởng lương hưu. Theo nghị quyết được Quốc hội thông qua, lương cơ sở và lương cơ bản sẽ được điều chỉnh tăng, mang lại những thay đổi đáng kể cho hàng triệu người dân.
Việc tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng và các điều chỉnh liên quan không chỉ phản ánh nỗ lực của chính phủ trong việc cải thiện thu nhập cho người lao động mà còn nhằm đáp ứng mục tiêu đảm bảo mức sống tối thiểu, thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế xã hội Việt Nam.
Tăng lương cơ sở từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng
Tại nghị quyết kỳ họp thứ 7 thông qua sáng 29/6, Quốc hội đồng ý cải cách tiền lương, tăng lương cơ sở từ 1/7. Quốc hội cũng đồng ý tăng 15% lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng. Người đang hưởng lương hưu trước năm 1995, nếu sau khi điều chỉnh mà hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng mỗi tháng thì điều chỉnh tăng 300.000 đồng/tháng; người hưởng từ 3,2 đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh để bằng 3,5 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn cũng tăng 35,7% từ 2,055 lên 2,789 triệu đồng/tháng. Chuẩn trợ giúp xã hội tăng 38,9%, từ 360.000 lên 500.000 đồng/tháng. Lương tối thiểu vùng tăng bình quân 6% áp dụng từ 1/7.
Lương tháng của người lao động trong doanh nghiệp tăng 6%
Ngày 30/6, Chính phủ ban hành Nghị định 74 tăng 6% lương tối thiểu tháng và giờ, căn cứ trên đề xuất của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Mức tăng được đánh giá “hài hòa giữa doanh nghiệp và lao động, cơ bản đảm bảo mức sống tối thiểu năm 2025”.
Lương tối thiểu tháng vùng 1 nâng lên 4,96 triệu đồng; vùng 2 là 4,41 triệu đồng; vùng 3 là 3,86 triệu đồng; và vùng 4 là 3,45 triệu đồng. Lương hiện hành các vùng đang dao động từ 3,25 đến 4,68 triệu đồng.
Lương tối thiểu giờ tăng tương ứng 6%, dao động từ 16.600 đến 23.800 đồng. Cụ thể, vùng 1 lên 23.800 đồng; vùng 2 lên 21.200 đồng; vùng 3 lên 18.600 đồng; và vùng 4 lên 16.600 đồng. Mức hiện hành dao động từ 15.600 đến 22.500 đồng.
Chính phủ quy định lao động được trả lương theo tuần, ngày hoặc sản phẩm thì mức lương quy đổi cũng không thấp hơn lương tối thiểu tháng hoặc tối thiểu giờ. Người sử dụng lao động có trách nhiệm rà soát các chế độ trả lương trong hợp đồng thỏa thuận với lao động, thỏa ước tập thể để điều chỉnh cho phù hợp.
Các điều chỉnh khác
- Lương cơ sở trong khu vực nhà nước: Tăng 30% từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng một tháng từ ngày 1/7.
- Lương hưu: Tăng 15% từ ngày 1/7.
- Chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công: Tăng 35,7% từ 2,055 triệu lên 2,789 triệu đồng.
- Chuẩn trợ cấp (trợ giúp) xã hội: Tăng 38,9% từ 360.000 lên 500.000 đồng mỗi tháng từ ngày 1/7.
Ngoài ra, phần chênh lệch giữa tiền lương và thu nhập tăng thêm tháng 6/2024 của cán bộ, công chức, viên chức với tiền lương từ 1/7 sẽ được bảo lưu sau khi sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù của các cơ quan trước 31/12/2024.
ASL Law là công ty luật độc lập và cung cấp đầy đủ dịch vụ được tín nhiệm cao của Việt Nam gồm các luật sư giàu kinh nghiệm và tài năng. ASL Law được Legal500, Asia Law, WTR và Asia Business Law Journal. xếp hạng là Công ty Luật hàng đầu tại Việt Nam. Có trụ sở tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mục đích chính của ASL LAW là cung cấp lời tư vấn và giải pháp lý thiết thực, hiệu quả và hợp pháp nhất cho khách hàng trong nước và quốc tế. Nếu cần sự trợ giúp, Quý khách hàng có thể gửi email liên hệ tới [email protected].
Liên hệ với công ty Luật ASL LAW để được tư vấn Luật về Lao động và Việc làm.
BÀI VIẾT HỮU ÍCH LIÊN QUAN