Năm 2022 đánh dấu thời điểm nền kinh tế Việt Nam được phục hồi sau đại dịch Covid-19, với điểm sáng là các chính sách ưu đãi, hỗ trợ các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (“FDI”) về thuế, phí cũng như các chính sách hỗ trợ khác. Theo đó, các doanh nghiệp FDI đã trở lại và đang trên đà phục hồi sau những năm cực kỳ khó khăn của đại dịch Covid-19. Sau năm 2022, để hỗ trợ doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, Chính phủ đã ban hành những chính sách mới có hiệu lực từ đầu năm 2023 nhằm thu hút vốn đầu tư, giúp doanh nghiệp FDI tiếp tục phục hồi và đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam.
Đầu tiên phải nhắc đến Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 được ban hành ngày 16/6/2022 tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV và có hiệu lực từ ngày 01/01/2023. Theo đó, Nếu như Luật Kinh doanh bảo hiểm trước đây không căn cứ vào đặc thù của từng doanh nghiệp, thì Luật mới có hiệu lực được đánh giá đã làm thay đổi phương thức quản lý tài chính cho phép xác định vốn hoặc quản lý doanh nghiệp theo mức độ rủi ro cụ thể của từng doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp bảo hiểm cần có hệ thống quản trị doanh nghiệp mạnh mẽ hơn để phát triển và có thể đạt được tình hình tài chính tốt hơn, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI quản trị tài chính và rủi ro kém hơn sẽ có cơ hội được thay đổi theo chiều hướng tốt hơn về mặt quản trị.
Hơn nữa, việc có quy định rõ ràng về hoạt động công bố thông tin giúp thị trường bảo hiểm có thể minh bạch và phát triển công bằng hơn. Bên cạnh đó, để thực hiện hiệu quả cam kết WTO và các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, ký kết, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã bổ sung quy định cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu 100% vốn điều lệ tại doanh nghiệp bảo hiểm. Luật Kinh doanh bảo hiểm cũng loại bỏ nhiều thủ tục hành chính không cần thiết, đặc biệt là việc loại bỏ yêu cầu chấp thuận mở, đóng cửa, thay đổi địa điểm của chi nhánh, văn phòng đại diện cũng như thay thế các yêu cầu này bằng hình thức thông báo cho Bộ Tài chính trước khi các thay đổi này được thực hiện. Điều này tạo thuận lợi cho doanh nghiệp FDI khi làm thủ tục với cơ quan nhà nước, tránh tình trạng áp dụng các quy định không thống nhất trước đây gây ra rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp bảo hiểm.
Một điểm nổi bật khác của Luật Kinh doanh bảo hiểm là các quy định mới đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp bảo hiểm thiết kế và tạo ra sản phẩm bảo hiểm mà chỉ phải đăng ký với Bộ Tài chính phương thức và cơ sở tính phí bảo hiểm, bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm xe cơ giới (trừ bảo hiểm bắt buộc). Theo đó, đây là một trong những điểm sáng của Luật Kinh doanh bảo hiểm giúp các doanh nghiệp bảo hiểm, kể cả doanh nghiệp FDI tránh được những rào cản khó khăn, tăng tính chủ động nâng cao sản phẩm bảo hiểm của mình nhằm phát triển hoạt động kinh doanh của mình.
Một trong những vấn đề khác mà nhà đầu tư nước ngoài quan tâm khi đầu tư tại Việt Nam là quyền sở hữu trí tuệ. Theo đó, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi đã được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 16/6/2022 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 cũng như một số quy chế bảo hộ nhãn hiệu là nhãn hiệu âm thanh có hiệu lực từ ngày 14/1/2022. Trong đó, Luật sửa đổi tập trung vào 7 chính sách lớn, trong đó có các chính sách tác động đến quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam.
Theo đó, Luật tiếp tục hoàn thiện các quy định liên quan đến thủ tục, cắt giảm thành phần hồ sơ và thời gian thực hiện khi đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, kể cả trường hợp quyền tự động xác lập mà không phải đăng ký như trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan. Điều này làm cho quá trình đăng ký trở nên nhanh chóng, thuận tiện và minh bạch hơn, khuyến khích các doanh nghiệp FDI tăng cường đăng ký quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam. Theo đó, minh bạch hơn và tuân thủ các cam kết quốc tế là cơ sở vững chắc để các doanh nghiệp FDI khi đầu tư vào Việt Nam bảo vệ, khai thác và thực thi quyền SHTT của mình trước các hành vi vi phạm. Vì vậy, một số quy định đáng chú ý như việc cho phép tổ chức, cá nhân đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan qua hệ thống trực tuyến; hoặc bổ sung các quy định liên quan đến việc đơn giản hóa bản mô tả kiểu dáng công nghiệp khi thực hiện thủ tục đăng ký.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua, số lượng các loại hàng giả, hàng nhái xâm nhập thị trường Việt Nam ngày càng nhiều, gây thiệt hại đáng kể cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp FDI. Hiện nay, theo Luật Sở hữu trí tuệ mới sửa đổi, cơ quan hải quan được quyền chủ động xử lý nếu trong quá trình kiểm tra, giám sát, kiểm soát phát hiện có căn cứ nghi ngờ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là hàng nhái, hàng giả xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Điều này giúp nâng cao hiệu quả và tính khả thi của hoạt động bảo hộ quyền SHTT.
Nhìn chung, Việt Nam đã tham gia và ký kết nhiều hiệp định quốc tế như CPTPP, EVFTA, theo đó Luật Sở hữu trí tuệ đã sửa đổi bổ sung nhiều quy định như một số nội dung liên quan đến bảo hộ nhãn hiệu âm thanh; chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ nhãn hiệu; quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trên môi trường mạng Internet và mạng viễn thông; nghĩa vụ chủ động tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu có nghi vấn là hàng giả mạo xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ… góp phần quan trọng bảo đảm thực thi nghiêm túc, đầy đủ các cam kết quốc tế về thu hút đầu tư và hỗ trợ bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ của nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam.
Ngoài việc sửa đổi hai luật lớn nêu trên, theo tinh thần của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và Nghị định 55/2019/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, năm 2023, Bộ Giao thông vận tải xây dựng Luật có kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp này, trong đó có doanh nghiệp FDI, nhằm mục đích: (i) Cung cấp thông tin pháp lý cho doanh nghiệp; phổ biến, bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho người quản lý doanh nghiệp; bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng pháp luật kinh doanh; (ii) Bảo đảm tính chủ động, thống nhất trong công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện và phối hợp thực hiện có hiệu quả hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; (iii) Hỗ trợ đầy đủ nội dung cơ bản của các quy định pháp luật hiện hành và việc áp dụng các văn bản pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh; tạo chuyển biến căn bản về nhận thức, ý thức và thói quen tuân thủ pháp luật; hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa có định hướng phát triển bền vững, hiểu biết sâu sắc các quy định pháp luật để tránh rủi ro vi phạm và quản trị doanh nghiệp đúng đắn.
Trên đây là những chính sách nổi bật trong năm 2023 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp FDI, đặc biệt là doanh nghiệp bảo hiểm và doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc định hướng và phục hồi trong năm 2023 sau những ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.
Liên hệ với công ty luật ASL LAW để được hướng dẫn về luật doanh nghiệp, luật lao động, luật sở hữu trí tuệ, luật bất động sản.
BÀI VIẾT HỮU ÍCH LIÊN QUAN