Ốm đau là một điều tất yếu mỗi người phải trải quả trong cuộc đời lao động. Trong một số trường hợp, tình trạng ốm đau trở nặng khiến người lao động không thể đi làm buộc họ phải nộp đơn xin nghỉ tới doanh nghiệp. Vậy, liệu với lí do bị ốm thì người lao động có được nghỉ theo luật hay không? Nếu nghỉ thì ngày nghỉ đó được tính là ngày nghỉ ốm, nghỉ phép hay nghỉ chế độ ốm đau?
Khác với một số quốc gia phát triển trên thế giới, Việt Nam hiện không có quy định pháp lý về việc nghỉ ốm hay nghỉ để kiểm tra sức khỏe định kỳ. Sự khác biệt giữa chế độ cho người lao động Việt Nam cũng có sự khác biệt đáng kể đối với một số quốc gia phát triển, chủ yếu thể hiện qua số ngày nghỉ phép.
Hiện tại, Việt Nam có số ngày nghỉ phép tương đối thấp, ở mức 12 ngày/năm, tăng dần qua 5 năm làm việc cho cùng một doanh nghiệp theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019. Tuy nhiên, tại các quốc gia phát triển, con số nghỉ phép hàng năm có thể lên đến 30 ngày hoặc thậm chí hơn, cùng nhiều ưu đãi, phúc lợi sức khỏe khác để bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Xem xét tình trạng nghỉ trong trường hợp người lao động ốm
Do người lao động Việt Nam không có chế độ nghỉ ốm hàng năm nên khi nghỉ ốm, người lao động không thể lựa chọn lí do là ‘nghỉ ốm’ để nghỉ trong khi vẫn giữ nguyên lương. Điều này gây nhầm lẫn cho một số người lao động vì trong đơn xin nghỉ phép của họ thường có mục là ‘nghỉ ốm’, dẫn đến việc người lao động không nắm rõ luật hiểu nhầm rằng đây là một trong các trường hợp nghỉ theo quy định của pháp luật mà vẫn được giữ nguyên lương.
Khi nghỉ vì lí do ốm đau, trong điều kiện doanh nghiệp bình thường, người lao động chỉ có thể lựa chọn giữa việc nghỉ phép hoặc nghỉ theo chế độ ốm đau.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam về lao động, người lao động có 12 ngày phép hàng năm. Khi nghỉ phép, người lao động vẫn được hưởng nguyên lương cho ngày phép đó. Theo đó, nếu lựa chọn cách nghỉ ốm này, họ sẽ được bảo toàn lương song sẽ mất đi một hoặc nhiều ngày nghỉ phép.
Trong trường hợp người lao động nghỉ ốm hưởng theo chế độ ốm đau thì người lao động sẽ không mất ngày phép song sẽ không được tính lương cho ngày nghỉ đó. Thay vào việc được doanh nghiệp trả lương, họ sẽ nhận được trợ cấp từ xã hội nếu họ đang tham gia
Trong khi đó, nếu chọn phương án nghỉ hưởng chế độ ốm đau thì người lao động nghỉ ốm 01 ngày không được trả lương nhưng được hưởng trợ cấp từ cơ quan bảo hiểm xã hội với điều kiện họ là người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội đầy đủ.
Theo Điều 6 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH, người lao động nghỉ ốm được hưởng trợ cấp ốm đau như sau: Tiền trợ cấp ốm đau trong 01 ngày = 75% x Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc : 24 (ngày công).
Theo đó, họ sẽ nhận được 75% mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm cho ngày nghỉ ốm đó (tính theo 24 ngày công tức làm việc từ thứ 2 đến thứ 7).
Nếu áp dụng phương thức này, người lao động nghỉ làm không cần người sử dụng lao động đồng ý nhưng cần báo cho người sử dụng lao động biết để họ sắp xếp công việc và làm hồ sơ hưởng chế độ ốm đau gửi cơ quan bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên, người lao động nên chú ý rằng có 3 khoản cần lưu ý có thể khiến họ suy nghĩ lại trước khi lựa chọn nghỉ ốm theo diện hưởng chế độ ốm đau:
- Để nghỉ ốm hưởng chế độ ốm đau, người lao động cần xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền theo quy định của Bộ Y tế.
- Trong trường hợp mức lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động thấp hơn mức lương thực nhận thì người lao động có thể sẽ chỉ nhận được rất ít tiền lương nếu lựa chọn phương thức này.
- Vì sự quá tải của hệ thống bảo hiểm xã hội Việt Nam nên có thể người lao động sẽ phải tốn thời gian rất lâu mới nhận được khoản trợ cấp ốm đau trên.
Nhìn chung, nếu chỉ nghỉ ốm ngắn ngày thì người lao động nên lựa chọn nghỉ phép vì trong nhiều trường hợp thực tế, công sức người lao động bỏ ra không bù lại được khoản trợ cấp xã hội nhận được nếu nghỉ ốm theo diện trợ cấp ốm đau.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc thù như nghỉ ốm vì đại dịch Covid-19, nghỉ ốm dài ngày thì việc nộp đơn hưởng chế độ ốm đau là điều nên làm để bảo toàn quyền lợi của mình.
Liên hệ với công ty Luật ASL LAW để được tư vấn Luật về Lao động và Việc làm.
BÀI VIẾT HỮU ÍCH LIÊN QUAN