Nghị định 70/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 152/2020/NĐ-CP quy định về việc sử dụng lao động nước ngoài tại Việt Nam mới được ban hành có một số điểm đáng chú ý, ảnh hưởng đến quá trình tuyển dụng và sử dụng lao động nước ngoài tại Việt Nam như sau:
Rút ngắn thời hạn báo cáo nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài
Theo quy định trước đây, trong vòng ít nhất 30 ngày trước khi sử dụng người lao động nước ngoài, người sử dụng lao động phải báo cáo nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí việc làm mà người lao động Việt Nam chưa đáp ứng được tới Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người lao động nước ngoài đó dự kiến làm việc.
Theo quy định mới có hiệu lực, thời hạn này được rút ngắn xuống còn 15 ngày, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người sử dụng lao động trong kế hoạch tuyển dụng, đặc biệt đối với các nhu cầu gấp, không thể dự kiến trước quá lâu.
Nếu có thay đổi nhu cầu về vị trí, chức danh, hình thức làm việc, số lượng, địa điểm làm việc trong quá trình thực hiện thì người sử dụng lao động phải báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trước ít nhất 15 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng lao động nước ngoài.
Thay đổi thẩm quyền cấp văn bản chấp thuận sử dụng lao động nước ngoài
Nghị định 70/2023/NĐ-CP quy định Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội là các cơ quan có thẩm quyền ra văn bản chấp thuận hoặc không chấp thuận về việc sử dụng người lao động nước ngoài đối với từng vị trí công việc mà người sử dụng lao động đã báo cáo.
Bộ hoặc Sở Lao động cần ra văn bản chấp thuận hoặc không chấp thuận trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài hoặc báo cáo giải trình thay đổi nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài.
Đây là một thay đổi theo hướng tạo điều kiện cho các bên khi mà trước đây chỉ có Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Uỷ ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh có thẩm quyền chấp thuận hoặc không chấp thuận nhu cầu sử dụng.
UBND tỉnh đã được thay thế bởi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, tạo ra sự đồng bộ trong hệ thống, giúp kiểm soát tốt hơn quá trình người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Bổ sung trường hợp người lao động nước ngoài không phải xin giấy phép lao động
Nghị định 70/2023/NĐ-CP bổ sung thêm một số trường hợp lao động nước ngoài vào Việt Nam làm việc tại Việt Nam mà không cần xin giấy phép lao động bao gồm:
(1) Người lao động nước ngoài được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cử sang Việt Nam làm công tác giảng dạy hoặc làm nhà quản lý, giám đốc điều hành tại cơ sở giáo dục do cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài, tổ chức liên chính phủ đề nghị thành lập tại Việt Nam;
(2) Người lao động nước ngoài được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận người lao động nước ngoài vào Việt Nam để làm nhà quản lý, giám đốc điều hành, hiệu trưởng, hiệu phó của cơ sở giáo dục do cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài hoặc tổ chức liên chính phủ đề nghị thành lập tại Việt Nam.
Liên hệ với công ty Luật ASL LAW để được tư vấn Luật về Lao động và Việc làm.
BÀI VIẾT HỮU ÍCH LIÊN QUAN