Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu hóa hiện nay, việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Tại Việt Nam, thị trường ngày càng mở rộng và cạnh tranh ngày càng khốc liệt, việc chủ động đăng ký nhãn hiệu trở thành một trong những chiến lược quan trọng để bảo vệ tài sản vô hình của doanh nghiệp.
Đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam không chỉ giúp doanh nghiệp xác lập quyền sở hữu hợp pháp đối với nhãn hiệu của mình mà còn ngăn chặn việc sao chép, sử dụng trái phép từ các đối thủ cạnh tranh. Đây là bước đi cần thiết để đảm bảo rằng những nỗ lực xây dựng thương hiệu và uy tín trên thị trường được bảo vệ một cách toàn diện, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển và mở rộng trong tương lai.
Mâu thuẫn về quyền đối với nhãn hiệu
Tại thị trường Việt Nam, có không ít trường hợp một tổ chức hoặc cá nhân sử dụng một nhãn hiệu cho các sản phẩm và dịch vụ kinh doanh của mình trong nhiều năm nhưng lại không chính thức đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm và dịch vụ đó, dẫn đến nhiều rủi ro và bất cập khi kinh doanh.
Điển hình, sau một khoảng thời gian, khi thương hiệu của họ trở nên nổi tiếng, thu hút được nhiều sự quan tâm và uy tín nhất định, một tổ chức hoặc cá nhân khác tận dụng thời cơ đăng ký và được cấp quyền bảo hộ cho chính nhãn hiệu đó mà không hề sử dụng nó hoặc có kế hoạch tận dụng nó.
Khi bên sử dụng nhãn hiệu nhưng không đăng ký phát hiện ra rằng nhãn hiệu đính kèm với tên thương hiệu của họ đã được bảo hộ dưới tên của một chủ sở hữu nhãn hiệu trong khi họ không thực tế sử dụng nhãn hiệu này trong thương mại, họ sẽ muốn đòi lại quyền đối với nhãn hiệu của mình.
Đây là loại mâu thuẫn, tranh chấp rất phổ biến tại Việt Nam khi phần lớn các cá nhân, tổ chức thực hiện hoạt động kinh doanh tại Việt Nam theo hình thức tự phát, kinh doanh nhỏ lẻ, không có hệ thống thường không chú trọng đến tầm quan trọng của việc bảo hộ nhãn hiệu. Phải đến khi tranh chấp nảy sinh, họ nhận ra rằng nhãn hiệu nên thuộc về mình đã bị bên khác đăng ký, sở hữu, thậm chí sử dụng để kinh doanh dựa trên uy tín họ đã tích lũy lâu năm thì họ mới thực hiện các hành động pháp lý.
Song, phần lớn các hành động này đã đều là muộn. Thiệt hại đối với thương hiệu của họ dù ít hay nhiều đều đã phát sinh. Chính vì vậy mà để bảo vệ trọn vẹn quyền lợi của mình, các tổ chức, cá nhân kinh doanh tại Việt Nam nên xem xét sớm đăng ký nhãn hiệu để tránh mâu thuẫn không đáng có, duy trì được hình ảnh thương hiệu của mình, qua đó trở thành động lực tăng trưởng.
Về vấn đề mâu thuẫn quyền đối với nhãn hiệu trong trường hợp có bên khác đăng ký sớm nhãn hiệu trước bên thực tế sử dụng nhãn hiệu trong thương mại, bài viết sau sẽ phân tích các biện pháp mà bên sử dụng có thể thực hiện để bảo vệ, ‘đòi lại’ quyền sở hữu nhãn hiệu của mình.
Căn cứ để yêu cầu phản đối việc đăng ký hoặc quyền sở hữu của chủ sở hữu nhãn hiệu hiện tại
Việt Nam là quốc gia tuân theo hệ thống Nộp đơn đầu tiên (First to file). Chính vì vậy mà quan niệm bên sử dụng nhãn hiệu chỉ cần thu thập các bằng chứng về việc họ đã sử dụng nhãn hiệu trong thương mại trong một thời gian dài là sẽ có thể yêu cầu hủy nhãn hiệu của bên chủ sở hữu nhãn hiệu hiện tại sẽ là không đủ, dù nó cũng là một nhân tố quan trọng.
Quyền ưu tiên sử dụng khi bên sử dụng chứng minh qua các bằng chứng rõ ràng và thuyết phục về việc họ đã sử dụng nhãn hiệu trong quá khứ và đạt được sự công nhận rộng rãi của người tiêu dùng sẽ chỉ có tác dụng thiết yếu nếu hai bên tranh chấp ở quốc gia tuân theo hệ thống Sử dụng đầu tiên (First to use).
Tại Việt Nam, về góc độ pháp lý, có hai lập luận mà bên sử dụng nhãn hiệu có thể sử dụng để đòi lại quyền sở hữu đối với nhãn hiệu của mình, thiết lập dựa trên việc Việt Nam là quốc gia theo hệ thống Nộp đơn đầu tiên.
Bên đăng ký nhãn hiệu nộp đơn đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 96 Luật Sở hữu trí tuệ 2022 số 07/2022/QH15 (“Luật Sở hữu trí tuệ 2022”), văn bằng bảo hộ có thể bị hủy bỏ toàn bộ hiệu lực trong trường hợp người nộp đơn đăng ký với dụng ý xấu.
Theo đó, bên sử dụng nhãn hiệu trong thương mại có thể yêu cầu hủy bỏ hiệu lực của văn bằng bảo hộ nhãn hiệu căn cứ vào việc chủ sở hữu nhãn hiệu đã từng nộp đơn đăng ký nhãn hiệu đó với dụng ý xấu
Khoản 4 Điều 96 Luật Sở hữu trí tuệ 2022 quy định về thời hiệu để các tổ chức, cá nhân thực hiện quyền yêu cầu huỷ bỏ hiệu lực văn bằng nhãn hiệu là suốt thời hạn bảo hộ, trừ một trường hợp yêu cầu huỷ bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ là người nộp đơn đăng ký không có quyền đăng ký sẽ được phân tích dưới đây.
Theo đó, nếu dùng căn cứ này để yêu cầu hủy bỏ hiệu lực nhãn hiệu đã được cấp văn bằng bảo hộ thì thời hiệu để đưa ra yêu cầu sẽ là suốt thời hạn bảo hộ của nhãn hiệu, tức là 10 năm tính từ ngày nộp đơn theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ hiện hành.
Dẫu vậy, việc xác định, chứng minh được chủ sở hữu nhãn hiệu hiện tại đã đăng ký với dụng ý xấu sẽ là một vấn đề khó khăn đối với bên sử dụng nhãn hiệu trong thương mại. Họ sẽ có nghĩa vụ phải đưa ra các chứng cứ và lập luận chứng minh một cách thuyết phục, nếu không quá trình xem xét huỷ bỏ hiệu lực văn bằng sẽ bị kéo dài hoặc bên chủ sở hữu nhãn hiệu có thể thực hiện yêu cầu phản tố, kiện ngược lại bên sử dụng là nguyên đơn vì đã ảnh hưởng đến tình hình hoạt động, kinh doanh của mình.
Ngoài ra, vì bên sở hữu nhãn hiệu có thể đã lường trước việc bị kiện, yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ nhãn hiệu nên họ có thể đã thiết lập một hệ thống để sử dụng nhãn hiệu đó trong thương mại, dù với quy mô nhỏ hơn rất nhiều so với bên sử dụng ban đầu. Trong trường hợp này, sẽ rất khó để bên sử dụng có thể chứng minh bên sở hữu nhãn hiệu hiện tại thực hiện hành vi đăng ký với dụng ý xấu hoặc cạnh tranh không công bằng.
Theo đó, việc thu thập chứng cứ, sắp xếp lập luận sao cho phù hợp sẽ tùy thuộc vào từng vụ việc cụ thể. Bên sử dụng nhãn hiệu cần xác định dụng ý xấu của bên sở hữu bắt đầu từ thời điểm nào, liệu dụng ý xấu này xuất phát từ lợi ích tức thì như đầu cơ nhãn hiệu, trong đó có nhiều bên khác cũng bị yêu cầu trả tiền đền bù để trao đổi quyền sở hữu hay không, hay đó là cả một quá trình nhằm riêng vào bên sử dụng vì mâu thuẫn trước đó.
Trong trường hợp bên sử dụng nhãn hiệu phát hiện được hành vi đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu sớm hơn, trong giai đoạn thẩm định đơn, chờ cấp văn bằng bảo hộ thì bên sử dụng có thể yêu cầu phản đối cấp văn bằng bảo hộ theo quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 112a Luật Sở hữu trí tuệ 2022. Thời hạn để ra yêu cầu này là 5 tháng kể từ ngày đơn đăng ký nhãn hiệu được công bố.
Sau khi xem xét, thấy yêu cầu của bên sử dụng nhãn hiệu là chính đáng và hợp lí, có cơ sở, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam sẽ ra thông báo từ chối cấp văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu theo căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 117 Luật Sở hữu trí tuệ 2022.
Ngoài ra, một lưu ý đáng chú ý là cơ sở thiết yếu để cơ quan có thẩm quyền xem xét yêu cầu của bên sử dụng nhãn hiệu trong thương mại chính là việc họ đã sử dụng nhãn hiệu trong thương mại. Điều này nghĩa là bên sử dụng trước khi thực hiện bất cứ yêu cầu nào bên trên cần phải tự chứng minh được rằng họ đã sử dụng nhãn hiệu trong thương mại trước bên đang đăng ký hoặc đã sở hữu văn bằng bảo hộ nhãn hiệu.
Theo quy định tại khoản 5 Điều 124 Luật Sở hữu trí tuệ 2022 thì việc sử dụng nhãn hiệu bao gồm việc gắn nhãn hiệu được bảo hộ lên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch trong hoạt động kinh doanh; Bán, chào bán, quảng cáo để bán, trưng bày để bán, tàng trữ để bán, vận chuyển hàng hóa mang nhãn hiệu được bảo hộ; Nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu được bảo hộ.
Nếu không chứng minh được việc họ đã sử dụng nhãn hiệu trong thương mại trước đó thì các yêu cầu đằng sau sẽ không được xem xét. Tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng thì việc chứng minh được nguồn gốc và quá trình sử dụng nhãn hiệu của mình rất khó khăn, đặc biệt nếu bên sử dụng không chủ động lưu lại các bằng chứng trong suốt thời gian hoạt động. Trong trường hợp không có đủ bằng chứng thì theo nguyên tắc Nộp đơn đầu tiên Việt Nam áp dụng thì bên chủ sở hữu nhãn hiệu hiện tại sẽ vẫn giữ quyền sở hữu đối với nhãn hiệu.
Bên đăng ký nhãn hiệu không có quyền đăng ký
Ngoài ra, một lập luận không phổ biến và được áp dụng nhiều trong thực tiễn khác mà bên sử dụng nhãn hiệu có thể dùng là chủ sở hữu nhãn hiệu hiện tại trên Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu không có quyền đăng ký đối với nhãn hiệu đó.
Theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 87 Luật Sở hữu trí tuệ 2022, tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hóa do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp và tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó.
Trường hợp thứ hai tương đối phổ biến trong nền kinh tế thị trường quốc tế hiện nay khi các doanh nghiệp phương Tây thường sử dụng dịch vụ sản xuất của các doanh nghiệp phương Đông với chi phí và lao động giá rẻ.
Các doanh nghiệp sản xuất sẽ không dán nhãn hiệu vào sản phẩm họ sản xuất tại công xưởng sản xuất, mà sản phẩm đó sẽ được vận chuyển ngược trở lại các quốc gia phương Tây, gắn nhãn hiệu và bán ra thị trường với giá cao.
Theo đó, nếu chủ sở hữu hiện tại của văn bằng bảo hộ nhãn hiệu không có sản phẩm do bản thân họ sản xuất hoặc kinh doanh, cung cấp dịch vụ do họ cung cấp và không có liên hệ với bất kì bên nào khác sản xuất sản phẩm và cấp phép cho họ đăng ký nhãn hiệu thì họ không có quyền đăng ký nhãn hiệu trong tranh chấp.
Trong trường hợp này thì văn bằng bảo hộ nhãn hiệu có thể bị hủy bỏ toàn bộ hoặc một phần hiệu lực nếu toàn bộ hoặc một phần văn bằng bảo hộ đó không đáp ứng quy định về quyền đăng ký quy định tại điểm a khoản 2 Điều 96 Luật Sở hữu trí tuệ 2022.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng trong trường hợp bên sử dụng nhãn hiệu quyết định sử dụng lập luận này để đòi lại quyền sở hữu đối với nhãn hiệu thì họ cần đặc biệt chú trọng đến thời hiệu thực hiện quyền yêu cầu quy định tại khoản 4 Điều 96 Luật Sở hữu trí tuệ 2022.
Cụ thể, thời hiệu yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu vì lý do bên đăng ký nhãn hiệu không có quyền đăng ký là 5 năm kể từ ngày cấp văn bằng bảo hộ hoặc từ ngày đăng ký quốc tế nhãn hiệu có hiệu lực tại Việt Nam.
Với lập luận này thì bên sử dụng nhãn hiệu không cần quá chú trọng về việc chứng minh họ đã từng sử dụng nhãn hiệu trước trong thương mại, khi nếu yêu cầu của họ được chấp thuận thì họ có thể tiến hành đăng ký và được cấp văn bằng bảo hộ theo như thủ tục thông thường.
Dẫu vậy, để tránh các tình huống này thì trong mọi trường hợp, bên sử dụng nhãn hiệu lâu năm hoặc mới sử dụng nhãn hiệu cũng nên có tâm lí chủ động đăng ký nhãn hiệu từ sớm để có được sự bảo hộ đối với nhãn hiệu hàng hóa hoặc dịch vụ mình cung cấp. Cần lưu ý rằng nếu không thực hiện điều này thì rất có thể một ngày chính họ sẽ phải chủ động thay đổi nhãn hiệu của mình sao cho không bị chủ sở hữu nhãn hiệu sử dụng sau nhưng đã đăng ký trước kiện vì hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu của họ.
ASL Law là công ty luật độc lập và cung cấp đầy đủ dịch vụ được tín nhiệm cao của Việt Nam gồm các luật sư giàu kinh nghiệm và tài năng. ASL Law được Legal500, Asia Law, WTR và Asia Business Law Journal xếp hạng là Công ty Luật hàng đầu tại Việt Nam. Có trụ sở tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mục đích chính của ASL LAW là cung cấp lời tư vấn và giải pháp lý thiết thực, hiệu quả và hợp pháp nhất cho khách hàng trong nước và quốc tế. Nếu cần sự trợ giúp, Quý khách hàng có thể gửi email liên hệ tới [email protected].
Liên hệ với công ty Luật ASL LAW để được tư vấn về Luật sở hữu trí tuệ tại Việt Nam và quốc tế.
BÀI VIẾT HỮU ÍCH LIÊN QUAN