Tại thời điểm World Cup 2018, Đài Truyền hình Việt Nam đã phải gửi đơn đến Bộ Thông tin và Truyền thông vì phát hiện gần 850 trường hợp vi phạm bản quyền phát sóng trên internet, trong đó phần lớn là các trang mạng xã hội. Hay các bộ phim thu hút khán giả như “Quỳnh búp bê”, “Sống chung với mẹ chồng”, “Người phán xử”… khi đang được phát sóng trên kênh VTV3 thì ngay lập tức các website và nhiều tài khoản trên mạng xã hội cũng phát trực tiếp các tập phim với độ chênh lệch thời gian chỉ khoảng vài giây, gây thiệt hại lớn cho đơn vị sở hữu bản quyền tác phẩm.

Trên thực tế, tình trạng xâm phạm quyền tác giả trong môi trường internet tại Việt Nam hiện nay ở mức phổ biến, diễn ra đối với tất cả loại hình, từ tác phẩm văn học, khoa học đến tác phẩm điện ảnh, âm nhạc, sân khấu, chương trình máy tính… Các hành vi xâm phạm quyền cũng rất đa dạng, từ xâm phạm quyền tài sản, như quyền sao chép, quyền truyền đạt, phân phối tác phẩm… đến quyền nhân thân, như quyền công bố tác phẩm, quyền bảo vệ sự vẹn toàn của tác phẩm… Các hành vi xâm phạm ngày càng tinh vi với việc khai thác sự phát triển của công nghệ. Ví như, những chương trình thể thao, phim, giải trí bị đăng tải, tán phát lậu trên các website và mạng xã hội để khai thác quảng cáo trái phép gây thiệt hại cho đơn vị nắm giữ bản quyền. Hay nhiều đầu sách được mua bản quyền phát hành cũng dễ dàng bị đăng tải trái phép dưới dạng ảnh hoặc ebook trên các website hay ứng dụng cho điện thoại di động… Trong khi đó, các biện pháp hành chính để ngăn chặn những vi phạm trên vẫn chưa đủ sức răn đe, khiến nhiều đối tượng sẵn sàng sao chép để tán phát trên mạng. Để ngăn chặn thực trạng này thì siết chặt trách nhiệm pháp lý của nhà cung cấp dịch vụ trung gian với các hành vi xâm phạm bản quyền được coi là một trong những giải pháp căn bản, thiết yếu.

Thông tư liên tịch số 07/2012/TTLT-BTTTT-BVHTTDL (Thông tư 07) của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành ngày 19-6-2012 quy định cụ thể về trách nhiệm pháp lý của các nhà cung cấp dịch vụ trung gian về quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường internet. Tuy nhiên, qua một thời gian thực hiện, Thông tư 07 cũng đã bộc lộ một số hạn chế dẫn đến hiệu quả chưa đạt như kỳ vọng. Luật sư Phạm Duy Khương, cho biết: “Một trong những hạn chế lớn nhất của Thông tư 07 là vẫn coi các đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian là các “đơn vị trung gian” trong việc thực thi quyền tác giả, quyền liên quan. Nghĩa là nếu muốn các đơn vị này thực hiện các trách nhiệm của mình, như gỡ bỏ nội dung vi phạm thì chủ thể quyền trước tiên phải yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các thủ tục kiểm tra, thanh tra. Sau đó, trên cơ sở các tài liệu, chứng cứ đã thu thập được, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ có yêu cầu các đơn vị này gỡ bỏ những nội dung xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Việc tuân thủ các quy định này khiến cho chủ thể quyền tốn nhiều thời gian, công sức và chi phí trong việc bảo vệ quyền của mình”.

Cũng theo luật sư Phạm Duy Khương: Hạn chế nêu trên không phải của riêng Việt Nam mà là một hạn chế chung của nhiều quốc gia tương tự như Việt Nam khi đứng trước thách thức phải thay đổi các quy định của pháp luật để bắt kịp với sự thay đổi diễn ra nhanh chóng của nền kinh tế số. Thế nên, khi các quốc gia tham gia thương lượng và soạn thảo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thì vấn đề xác định vai trò của đơn vị trung gian trong việc thực thi và bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường internet là một nội dung quan trọng của chương về quyền sở hữu trí tuệ.

Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Vũ Tuấn Minh, Công ty Luật Hợp danh Đông Nam Á, cho biết: “Các nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) có vai trò rất lớn và là đầu mối thực hiện hiệu quả trong ngăn chặn và xử lý những hành vi vi phạm pháp luật về quyền tác giả trên internet. Cần phải coi các ISP là những đơn vị kiểm soát, ngăn chặn và xử lý các vi phạm về quyền tác giả trên internet bằng các biện pháp kỹ thuật. Đồng thời, phải có biện pháp kết hợp kỹ thuật-pháp lý để gỡ bỏ nhanh chóng các thông tin vi phạm bản quyền, đóng các website vi phạm, xác định kịp thời chủ thể vi phạm, xử lý nghiêm về hành chính và hình sự. Các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả cần biết các biện pháp pháp lý bảo vệ quyền, biết cách chứng minh bảo vệ quyền, thu thập, lưu giữ chứng cứ. Lập danh sách các website vi phạm và cấm doanh nghiệp quảng cáo trên các website vi phạm…

Ngoài những giải pháp pháp lý cũng cần có các giải pháp công nghệ phù hợp. Anh Lê Thanh Hải, Giám đốc Công ty TNHH Mobile Land Việt Nam, chia sẻ: “Có nhiều giải pháp để ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền và bảo vệ quyền đã được triển khai như hệ thống quản lý sao chép lậu (ICOP). Hệ thống này cho phép bằng biện pháp kỹ thuật nhận ra những điểm đặc biệt và tìm kiếm tự động, có thể giám sát tự động các nội dung bị sao chép trên internet và tự động yêu cầu làm gián đoạn quá trình sao chép. Ngoài ra, còn những biện pháp khác.

Tình trạng vi phạm quyền tác giả gây thiệt hại không thể đo đếm cho các chủ thể. Bởi thế, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, trong đó chú trọng đến những chế tài, siết chặt trách nhiệm pháp lý không chỉ với đối tượng trực tiếp vi phạm mà trước tiên là chính các nhà cung cấp dịch vụ trung gian.