Hành vi trốn thuế tại Việt Nam là một trong các hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Các cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi trốn thuế sẽ bị trừng phạt theo quy định pháp luật về thuế và các văn bản liên quan.
Theo quy định tại Điều 17 Nghị định 125/2020/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính về thuế hóa đơn (“Nghị định 125”), hành vi trốn thuế tùy vào mức độ nghiêm trọng, tình tiết giảm nhẹ, số lần tái phạm mà sẽ bị phạt từ 1 lần đến 3 lần số thuế trốn. Cụ thể:
Xử phạt 1 lần số thuế trốn
Khoản 1 Điều 17 Nghị định 125 quy định các hành vi bị xử phạt 1 lần số thuế trốn là:
- Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế hoặc nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc kể từ ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế, trừ trường hợp quy định tại điểm b, c khoản 4 và khoản 5 Điều 13 Nghị định 125;
- Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp, không khai, khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, được miễn, giảm thuế, trừ hành vi quy định tại Điều 16 Nghị định 125;
- Không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp người nộp thuế đã khai thuế đối với giá trị hàng hóa, dịch vụ đã bán, đã cung ứng vào kỳ tính thuế tương ứng; lập hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ sai về số lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ để khai thuế thấp hơn thực tế và bị phát hiện sau thời hạn nộp hồ sơ khai thuế;
- Sử dụng hóa đơn không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp hóa đơn để khai thuế làm giảm số thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế được miễn, giảm;
- Sử dụng chứng từ không hợp pháp; sử dụng không hợp pháp chứng từ; sử dụng chứng từ, tài liệu không phản ánh đúng bản chất giao dịch hoặc giá trị giao dịch thực tế để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được miễn, giảm, số tiền thuế được hoàn; lập thủ tục, hồ sơ hủy vật tư, hàng hóa không đúng thực tế làm giảm số thuế phải nộp hoặc làm tăng số thuế được hoàn, được miễn, giảm;
- Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng, khai thuế với cơ quan thuế;
- Người nộp thuế có hoạt động kinh doanh trong thời gian xin ngừng, tạm ngừng hoạt động kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan thuế, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều 10 Nghị định 125.
Các khoản xử phạt khác
Theo quy định từ khoản 2 đến khoản 5 Điều 17 Nghị định 125, cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật, thực hiện hành vi trốn thuế sẽ bị phạt từ:
- 1,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 17 mà không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ.
- 2 lần số thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 17 mà có một tình tiết tăng nặng.
- 2,5 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 17 có hai tình tiết tăng nặng.
- 3 lần số tiền thuế trốn đối với người nộp thuế thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 17 có từ ba tình tiết tăng nặng trở lên.
Biện pháp khắc phục hậu quả
Khoản 6 Điều 17 Nghị định 125 quy định rằng cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi trốn thuế nêu trên sẽ bị buộc nộp đủ số tiền thuế trốn vào ngân sách nhà nước.
Trường hợp hành vi trốn thuế đã quá thời hiệu xử phạt thì người nộp thuế không bị xử phạt về hành vi trốn thuế nhưng người nộp thuế phải nộp đủ số tiền thuế trốn, tiền chậm nộp tính trên số tiền thuế trốn vào ngân sách nhà nước.
Ngoài ra, bên trốn thuế cũng bị buộc điều chỉnh lại số lỗ, số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ trên hồ sơ thuế (nếu có).
Liên hệ với công ty luật ASL LAW để được tư vấn về luật thuế.
BÀI VIẾT HỮU ÍCH LIÊN QUAN