Các trang thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Sendo, Tiki,… từ lâu đã trở nên phổ biến tại Việt Nam, trở thành nền tảng thương mại điện tử kết nối giữa người bán và người mua. Tuy nhiên, cá nhân, tổ chức thu lợi nhuận cao trên các nền tảng này lại chưa phải đóng các loại thuế theo quy định, nghi vấn cấu thành hành vi trốn thuế. Trong bài viết sau, ASL LAW sẽ phân tích về nghĩa vụ đóng thuế của người bán trên các trang thương mại điện tử Việt Nam.
Ngày 6 tháng 2 năm 2023, Tổng cục Thuế Việt Nam cho biết rằng cơ quan này đã nắm thông tin của hơn 53.000 cá nhân và 14.800 tổ chức bán hàng trên Shopee, Lazada, Sendo… để có cơ sở thu thuế. Tính đến thời điểm trên, có 258 sàn thương mại điện tử, gồm Shopee, Lazada, Sendo (chưa gồm Tiki) đã cung cấp thông tin của người bán trên cổng thông tin thương mại điện tử của Tổng cục Thuế.
Dữ liệu khai thác từ cổng thông tin thương mại điện tử vào cuối 2022 cho thấy có hơn 14,5 triệu lượt giao dịch với tổng giá trị 4.500 tỷ đồng đã diễn ra thông qua các sàn. Tuy nhiên, theo Tổng cục Thuế, số lượng giao dịch thực tế và quy mô giao dịch thực tế cao hơn nhiều so với thống kê trên.
Người bán kiếm được lợi nhuận trên sàn thương mại điện tử phải đóng thuế gì?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế giá trị gia tăng thuế thu nhập cá nhân, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch từ 100 triệu đồng trở xuống thì thuộc trường hợp không phải nộp thuế GTGT và thuế TNCN.
Theo đó, nếu cá nhân, tổ chức có doanh thu từ 100 triệu đồng trở lên mới phải nộp thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng.
Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, các bên đều có trách nhiệm khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng hạn và qua đó, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế theo quy định.
Nếu thuộc đối tượng nộp thuế, các bên bán hàng online sẽ phải nộp thuế là 1% cho thuế GTGT và 0.5% cho thuế TNCN theo quy định tại Thông tư 40/2021/TT-BTC.
Ngoài 2 loại thuế trên, cá nhân, tổ chức bán hàng online có thể còn phải nộp lệ phí môn bài. Nếu thuộc trường hợp được miễn lệ phí môn bài thì không cần nộp loại thuế này.
Sàn thương mại điện tử có trách nhiệm nộp thuế thay cho bên bán không?
Năm 2022, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 91/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 126 quy định chi tiết Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 30 tháng 10 năm 2022.
Trong đó, có quy định đáng chú ý là các sàn thương mại điện tử sẽ không phải nộp thuế thay người bán, mà chỉ có trách nhiệm cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng.
Cụ thể, tổ chức là chủ sở hữu sàn thương mại điện tử có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác và đúng hạn cho cơ quan thuế thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân có tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình mua bán hàng hóa, dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
Trước ngày 30 tháng 10 năm ngoái, các sàn thương mại điện tử được dự kiến vẫn nộp thuế thay người bán (tuy việc áp dụng và tuân thủ vẫn còn chưa đầy đủ). Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 11 năm 2022, các sàn thương mại điện tử sẽ không còn trách nhiệm này nữa.
Dù với sự ban hành của Nghị định 91/2022/NĐ-CP, Thông tư 40/2021/TT-BTC và các văn bản pháp luật liên quan, việc đóng thuế của người bán trên các sàn thương mại điện tử vẫn còn chịu hạn chế, có nhiều tình trạng trốn đóng, khó kiểm soát, mâu thuẫn với quy định pháp luật hiện hành về thuế.
Ví dụ, trong một vài trường hợp, các cá nhân, tổ chức có thể tiến hành hoạt động kinh doanh xuyên biên giới mà không thuộc đối tượng đánh thuế của bất kỳ quốc gia nào dựa theo nguyên tắc quản lý thuế truyền thống.
Liên hệ với công ty luật ASL LAW để được tư vấn về luật thuế.
BÀI VIẾT HỮU ÍCH LIÊN QUAN