Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi năm 2023 đã nhận được nhiều chú ý của người dân Việt Nam khi đây được đánh giá là một trong những thay đổi quan trọng, tầm cỡ vĩ mô nhất của Việt Nam liên quan đến mục tiêu an sinh xã hội trong nhiều thập kỉ qua. Trong quá trình góp ý đóng góp cho Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, nhiều chuyên gia, đại diện người lao động, người sử dụng lao động đã nêu ý kiến về một số bất cập trong Dự thảo Luật, đe dọa mang đến tác động trái chiều cho sự ổn định của xã hội.
Bài viết sau sẽ chỉ ra 3 điểm nổi bật đáng chú ý trong Dự thảo Luật hiện đang nhận được nhiều quan tâm của dư luận, gồm:
Chênh lệch bất bình đẳng lương hưu nam nữ khi giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để nhận lương hưu xuống còn 15 năm
Tại Tờ trình dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi gửi Quốc hội, Chính phủ có đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để đủ điều kiện hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm. Việc giảm thời gian đóng tối thiểu này sẽ hỗ trợ một bộ phận người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu nhưng vì nhiều lí do không đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên, khi giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu cũng làm giảm đi quyền lợi tương ứng của cả lao động nam và nữ.
Cụ thể, trước đây, với 20 năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu, lao động nam sẽ nhận được 45% mức đóng bảo hiểm xã hội hàng tháng làm mức lương hưu nhận được hàng tháng, trong khi lao động nữ nhận được 55%.
Sự chênh lệch này được quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014 nhằm đáp ứng tình hình thực tế khi lao động nam có sức khỏe cao hơn lao động nữ và qua đó, có thể lao động lâu hơn trong xã hội. Hiển nhiên, góc nhìn này cũng dấy lên một số ý kiến phản bác về sự bất bình đẳng nam nữ khi xét đến vấn đề hưởng lương hưu và số năm phải tham gia bảo hiểm.
Một số ý kiến phản bác lại cũng lập luận lao động nữ nên có một số ưu tiên nhất định khi ngoài lao động, họ cũng phải hi sinh thời gian, công sức để sinh và nuôi con – điều mà lao động nam không cần thực hiện và không ảnh hưởng đến sự nghiệp của họ.
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 từng quy định thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu là 15 năm áp dụng cho cả nam lẫn nữ để hưởng 45%. Luật sửa đổi năm 2014 điều chỉnh nâng dần thời gian đóng tối thiểu của nam lên 20 năm và nữ giữ nguyên 15 năm.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi giữ nguyên tỷ lệ hưởng theo bộ quy định hiện hành, không đặt nặng vấn đề thay đổi công thức hưởng. Theo đó, lao động nam nghỉ hưu ở mức tối thiểu 15 năm đóng bảo hiểm xã hội sẽ nhận được mức lương hưu 33,75%, còn lao động nữ thì vẫn sẽ là 45%.
Tuy nhiên, trong thời gian đóng từ năm 15 đến năm 20 thì lao động nam sẽ được cộng 2.25% cho mỗi năm đóng, để đạt mức 45% ở năm đóng thứ 20, trong khi lao động nữ vẫn sẽ chỉ được cộng 2% cho khoảng thời gian này.
Từ năm thứ 20 trở đi, lao động nam và nữ đều được tính 2% mỗi năm đóng cho đến mức tối đa là 75% mức đóng bảo hiểm xã hội, tức là 35 năm đối với lao động nam và 30 năm đối với lao động nữ.
Dự kiến, việc giảm số năm đóng tối thiểu để nhận lương hưu sẽ giúp Việt Nam mở rộng diện bao phủ an sinh xã hội trong bối cảnh mới 38% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia lưới an sinh. Khi số lượng người dân đủ điều kiện để nhận một mức lương hưu cố định, dù chỉ hơn 30% mức lương đóng bảo hiểm xã hội thì việc này cũng sẽ tạo sự ổn định trong xã hội. Chính phủ có thể phân bổ nguồn lực trợ cấp xã hội đến các lĩnh vực khác.
Ngoài các ý kiến ủng hộ đề xuất, một số ý kiến phản đối khác cho rằng nên giữ nguyên mức đóng 20 năm như hiện tại để tránh tỉ lệ hưởng quá thấp, đảm bảo công bằng cho người lao động. Tuy nhiên, việc giảm mức đóng tối thiểu cung cấp cho người lao động thêm lựa chọn. Nếu họ muốn, họ hoàn toàn có thể hưởng hơn mức 33%, đặc biệt trong khoảng thời gian từ năm 15 đến năm 20 đối với lao động nam.
Việc có lựa chọn hưởng lương hưu sớm giúp cho một bộ phận người lao động không có thu nhập từ công việc do đã quá tuổi việc nhưng chưa đủ tuổi hưu, tránh tình trạng họ thực hiện các biện pháp cực đoan như vay tín dụng đen hoặc rút bảo hiểm xã hội một lần.
Loại bỏ khả năng rút bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động tham gia sau năm 2025
Trước đây, ở mục các phương án rút bảo hiểm xã hội một lần được đề xuất trong các phiên bản đầu của Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, ban ban soạn thảo đề xuất chỉ nhóm tham gia trước khi Luật sửa đổi dự kiến có hiệu lực (trước 1/1/2025) mới được rút bảo hiểm xã hội, trong khi nhóm lao động tham gia sau mốc trên sẽ không có quyền rút.
Tuy nhiên, theo bản Dự thảo Luật mới nhất thì thời hạn Luật dự kiến có hiệu lực là ngày 1/7/2025 trong khi đề xuất trên vẫn được giữ nguyên về nội dung.
Theo đó, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi dự kiến có hai phương án gồm:
Phương án một: Chỉ nhóm tham gia trước khi luật có hiệu lực mới được rút. Nhóm đóng sau thời điểm này không được rút, trừ người đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài định cư; mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng.
Phương án hai: Không phân biệt thời gian đóng, tất cả lao động đóng dưới 20 năm, sau một năm chưa tham gia hệ thống đều được rút nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí, tử tuất. Số năm còn lại được bảo lưu hưởng chế độ. Phương án này không giới hạn số lần lao động được rút.
Trước đề xuất này, một làn sóng ‘chạy luật’ đã hình thành trên khắp lãnh thổ Việt Nam. Người lao động, chủ yếu là công nhân trong các công xưởng, ồ ạt nghỉ việc do họ lo sợ phương án thứ hai được chọn, họ chỉ được rút tối đa 50% thời gian đóng một lần. Tuy rằng họ vẫn có thể tiếp tục rút các lần sau nhưng việc này sẽ gây lãng phí thời gian cùng với việc chưa có hướng dẫn cụ thể càng làm gia tăng lo ngại của người lao động.
Theo quy định hiện hành, để đủ điều kiện rút bảo hiểm xã hội một lần, người lao động phải không tham gia hệ thống bảo hiểm xã hội trong một năm. Một số nhóm người lao động lách luật bằng cách thỏa thuận với người lao động tiếp tục làm việc trong khi không đóng bảo hiểm xã hội. Với phương thức này, người lao động giữ được khoản 10.5% họ phải đóng còn người sử dụng lao động giữ được khoảng 21.5% họ phải đóng.
Tuy nhiên, sự lo ngại của người lao động là không quá cần thiết khi hiện tại, khả năng phương án một được thông qua sẽ cao hơn do phương án này không ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động nhiều như phương án hai. Sự không ảnh hưởng tức là người lao động hiện đang trong hệ thống, không phải nhóm người lao động tham gia từ sau tháng 7 năm 2025.
Những người lao động tham gia sau khi Luật có hiệu lực sẽ không chịu cú sốc chính sách quá lớn vì họ sẽ không phải đắn đo về sự lựa chọn rút hoặc không rút, cũng như lo ngại về sự đổ vỡ của hệ thống bảo hiểm xã hội như hiện nay.
Đây được xem là một bước ngoặt lớn trong suốt lịch sử hình thành, xây dựng và phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội Việt Nam, dự kiến sẽ củng cố hệ thống mạng lưới an sinh xã hội toàn quốc.
Gia tăng mức hưởng cho người dân thuộc diện trợ cấp hưu trí xã hội
Trong báo cáo đánh giá tác động lên nguồn ngân sách và Quỹ Bảo hiểm xã hội khi bổ sung một số chế độ trong Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã trình bày về việc tăng chi ngân sách trong giai đoạn từ 2025-2030 lên 30.000 tỷ đồng khi nâng trợ cấp hưu trí từ 360.000 lên 500.000 đồng mỗi tháng và giảm độ tuổi thụ hưởng từ 80 xuống 75.
Theo Dự thảo Luật, người già từ 75 tuổi trở lên không có lương hưu lẫn trợ cấp khác sẽ được nhận trợ cấp hưu trí hàng tháng, cùng thẻ bảo hiểm y tế miễn phí từ ngân sách nhà nước.
Hiện, theo thống kê của các cơ quan quản lý, Việt Nam có khoảng 1,5 triệu người từ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Khi giảm độ tuổi từ 80 xuống 75, gói hỗ trợ trợ cấp hưu trí xã hội sẽ phải bao phủ thêm 800.000 người nữa. Dự kiến cả nước có 1,24 triệu người già 75-80 tuổi vào năm 2025, tăng lên 1,31 triệu năm 2030.
Kết hợp với mức tăng 140 nghìn đồng trợ cấp mỗi tháng, tức 1 triệu 680 nghìn đồng mỗi năm, ngân sách nhà nước dự kiến tăng chi gần 10 nghìn tỷ đồng so với mức hiện hành là 20.500 tỷ đồng.
Dẫu vậy, nhiều người dân cho rằng mức trợ cấp 500 nghìn đồng một tháng cho các cụ già trên 75 tuổi là không hợp lí, không đủ cho mức chi tiêu hàng tháng khi họ không có một nguồn thu nhập nào khác (Điều kiện để nhận trợ cấp hưu trí xã hội là không có khoản thu khác).
Dưới góc độ nhân văn thì sự hỗ trợ này là không đủ, tuy nhiên, nếu nhìn dưới góc độ kinh tế học và toàn thể xã hội thì đây đã là sự hỗ trợ hợp lí. Điều này là vì những công dân được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội không hề có sự đóng góp nào vào quỹ bảo hiểm xã hội trong suốt cuộc đời lao động của họ, hoặc họ có đóng nhưng đã rút hoàn toàn khoản đóng đó ra qua phương thức rút bảo hiểm xã hội một lần.
Những người lao động đủ điều kiện nhận lương hưu là những người lao động đã đóng tiền vào quỹ bảo hiểm xã hội hàng tháng, kéo dài hàng chục năm. Chính vì vậy mà họ nhận được sự bảo đảm qua hình thức lương hưu khi về già.
Khoản trợ cấp hưu trí xã hội thực chất chỉ là một khoản hỗ trợ nhân đạo, không bắt buộc phải có của Việt Nam. Nhìn ở góc độ cực đoan hơn, những người nhận hưu trí là những người lao động ‘bòn rút’ tiền của hệ thống bảo hiểm xã hội trong khi không có sự đóng góp nào vào hệ thống. Đây cũng là nguyên nhân chính nhiều bên phản đối đề xuất tăng mức hưởng trợ cấp hưu trí cũng như giảm độ tuổi đủ điều kiện hưởng xuống 75.
Điều này là vì để thực hiện chính sách này, Việt Nam sẽ phải cân bằng ngân sách thông qua việc giảm chi tiêu ở các lĩnh vực khác có tác động trực tiếp đến người lao động đang tham gia đóng góp, như xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng trường công với ưu đãi cho con cái người tham gia bảo hiểm,…
Liên hệ với công ty Luật ASL LAW để được tư vấn Luật về Lao động và Việc làm.
BÀI VIẾT HỮU ÍCH LIÊN QUAN