Trong thời đại công nghệ ngày nay, quyền sở hữu trí tuệ trở thành một tài sản quý giá không chỉ đối với các cá nhân sáng tạo mà còn với các doanh nghiệp và quốc gia. Để tối đa hóa giá trị từ các sáng chế, công nghệ, và tác phẩm nghệ thuật, các chủ thể thường chọn con đường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thông qua việc đăng ký sáng chế, đăng ký bản quyền, hoặc đăng ký nhãn hiệu.
Tuy nhiên, trên thực tiễn áp dụng có thể thấy các công ty có khả năng thực hiện bảo hộ toàn diện đối với các tài sản trí tuệ của mình thường là công ty có tầm cỡ trung bình đến lớn vì việc bảo vệ và duy trì quyền sở hữu trí tuệ đôi khi đòi hỏi chi phí lớn và sự kiên nhẫn, cũng như một nguồn vốn đầu tư không nhỏ, đặc biệt khó khăn đối với các công ty mới và các nhà sáng tạo nhỏ.
Ngược lại, chủ sở hữu tài sản trí tuệ cũng có thể sử dụng tài sản trí tuệ để huy động vốn thông qua việc chứng khoán hóa quyền sở hữu trí tuệ. Theo đó, thay vì bỏ nguồn lực để duy trì bảo hộ đối với tài sản trí tuệ thì các chủ sở hữu có thể dùng tài sản đó để huy động một khoản vốn lớn để thực hiện các kế hoạch kinh doanh khác như nghiên cứu sáng tạo các loại tài sản trí tuệ khác.
Chứng khoán hóa quyền sở hữu trí tuệ đã nổi lên như một phương thức huy động vốn tiềm năng tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Ý tưởng cơ bản của chứng khoán hóa quyền sở hữu trí tuệ là biến các tài sản trí tuệ thành tài sản có thể giao dịch trên thị trường chứng khoán.
Điều này không chỉ mang lại lợi ích tài chính cho chủ sở hữu, mà còn tạo ra cơ hội cho các nhà đầu tư có mong muốn tham gia thị trường sở hữu trí tuệ chủ động nghiên cứu tiềm năng của tài sản trí tuệ, qua đó đưa ra các quyết định đầu tư.
Ở Việt Nam, việc phát triển thị trường chứng khoán hóa quyền sở hữu trí tuệ đã thu hút sự chú ý của cả cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư. Điều này mở ra những cơ hội mới không chỉ cho các doanh nghiệp muốn huy động vốn mà còn cho những người muốn đầu tư vào các dự án sáng tạo và tiềm năng, cũng như cung cấp cho nhà sáng tạo nhiều cơ hội để phát triển.
Tuy nhiên, cùng với những lợi ích, chứng khoán hóa quyền sở hữu trí tuệ cũng đặt ra những thách thức và rủi ro đáng kể. Sự không chắc chắn về giá trị thực sự của quyền sở hữu trí tuệ, cũng như nguy cơ vi phạm quyền Sở hữu trí tuệ với một bên khác tại Việt Nam và quốc tế, cùng với tranh chấp pháp lý tiềm tàng trong tương lai khi không có sự chắc chắn về tính độc nhất của tài sản trí tuệ, là những vấn đề cần được xem xét cẩn thận.
Trong bối cảnh này, việc nghiên cứu và phân tích về chứng khoán hóa quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ về tiềm năng và rủi ro của mô hình này mà còn đưa ra những gợi ý về cách thức quản lý và phát triển thị trường này một cách bền vững và minh bạch.
Góc nhìn về việc chứng khoán hóa quyền sở hữu trí tuệ
Để hiểu được về phương thức chứng khoán hóa quyền sở hữu trí tuệ thông dụng tại Việt Nam và quốc tế, trước hết ta cần phải làm rõ hai khái niệm về Asset-Backed Security cùng IP-Backed Securitization.
Asset-Backed Security
Asset-Backed Security (ABS) là một loại công cụ tài chính có giá trị được phát hành bởi các tập đoàn tài chính hoặc các tổ chức tài chính để huy động vốn từ các tài sản thế chấp. ABS được tạo ra bằng cách tổng hợp nhiều loại tài sản thế chấp và chứng khoán hóa chúng. Các loại tài sản được gom vào có thể kể đến như các khoản vay thế chấp, khoản vay ô tô, khoản vay học phí hoặc các loại tài sản thế chấp khác.
Những tài sản này được chuyển (trên giấy tờ) thành một sản phẩm tài chính và sau đó phát hành nó trên thị trường để bán cho các nhà đầu tư nhận thức được khả năng phát triển của tài sản này, cũng như một nhóm các nhà đầu tư đầu cơ cảm nhận được tiềm năng tăng giá của sản phẩm tài chính này.
Về cơ bản, ABS là một loại chứng khoán tài chính được bảo đảm bằng tài sản thực, thường là các tài sản không động sản (như hợp đồng cho vay hay tài sản vật chất) hoặc các tài sản tài chính (như hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn, hoặc các loại nợ có thế chấp).
ABS thường được tạo ra thông qua quy trình gọi là securitization (chứng khoán hóa). Trong quá trình này, các tài sản thực được chuyển đổi thành chứng khoán mà người đầu tư có thể mua. Các tài sản này sau đó trở thành bảo đảm (collateral) đằng sau các chứng khoán ABS. Khi người mua một ABS, họ đang đầu tư vào một phần nhỏ của các luợng tiền mà người vay nợ sẽ trả, chẳng hạn như lãi suất và gốc.
Một số nhà đầu tư mạo hiểm có thể không quan tâm đến tiềm năng phát triển của ABS mà tập trung chủ yếu vào tài sản đảm bảo đằng sau, mong muốn sở hữu chúng khi doanh nghiệp không thể trả nợ gốc và lãi đến hạn.
ABS thường được sử dụng để huy động vốn. Các tổ chức tài chính (như ngân hàng hoặc công ty tài chính) thường tạo ra ABS bằng cách chuyển giao các tài sản mà họ đã chứa đựng trong quỹ của mình thành chứng khoán. Các nhà đầu tư sau đó mua các chứng khoán này, mang lại nguồn vốn cho ngân hàng hoặc công ty tài chính ban đầu và chuyển trách nhiệm về việc thu hồi tiền lãi và gốc từ các khoản vay này cho người mua chứng khoán ABS.
ABS mang lại lợi ích đối với cả hai bên: người mua chứng khoán nhận được lợi nhuận từ việc nhận các thanh khoản từ các khoản vay, trong khi người bán ABS có thể huy động vốn một cách hiệu quả và giảm thiểu rủi ro từ các khoản vay không trả nợ đầy đủ.
IP-backed securitization
IP-backed securitization là quá trình tạo ra chứng khoán tài chính dựa trên giá trị của quyền sở hữu trí tuệ (Intellectual Property – IP). IP-backed securitization thường liên quan đến việc chuyển đổi các quyền lợi từ các tài sản trí tuệ, như bản quyền, nhãn hiệu, hoặc bằng sáng chế, thành chứng khoán mà nhà đầu tư có thể mua.
Trong quá trình này, chủ sở hữu của các tài sản trí tuệ chuyển quyền sử dụng tài sản này cho một tổ chức tài chính. Tổ chức tài chính sau đó tạo ra các chứng khoán dựa trên giá trị kỳ vọng từ việc sử dụng tài sản trí tuệ này. Các nhà đầu tư sau đó mua các chứng khoán này, cung cấp nguồn vốn cho chủ sở hữu tài sản trí tuệ.
Đối với chủ sở hữu tài sản trí tuệ, thông qua phương thức chứng khoán hóa quyền sở hữu trí tuệ này, họ có thể huy động vốn mà không cần bán quyền sở hữu trí tuệ hoàn toàn. Thay vào đó, họ chỉ chuyển nhượng một phần của quyền lợi sử dụng tài sản trí tuệ.
Tuy nhiên đây cũng là một nước đi mạo hiểm nếu tổ chức tài chính phát hành loại chứng khoán này không thể thanh toán đầy đủ nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi đến hạn của mình. Ví dụ như trường hợp phát hành trái phiếu của doanh nghiệp thì khi quá hạn trả nợ gốc và lãi, tài sản trí tuệ đó sẽ bị thanh lý để trả nợ cho nhà đầu tư.
Đối với nhà đầu tư, họ có cơ hội đầu tư vào các tài sản trí tuệ có giá trị cao một cách trực tiếp thông qua việc mua các chứng khoán IP-backed. Lợi nhuận của họ phụ thuộc vào việc tài sản trí tuệ đó sinh lời từ các hoạt động như bán sản phẩm hoặc cấp phép sử dụng tài sản trí tuệ, hoặc như phân tích bên trên là mong muốn sở hữu tài sản trí tuệ được đảm bảo đó.
Chứng khoán hóa quyền sở hữu trí tuệ qua mô hình trái phiếu
Là một dạng của ABS, IP-backed securitization tức chứng khoán hóa quyền sở hữu trí tuệ có thể được thực hiện qua mô hình trái phiếu.
Tại Việt Nam, phương thức này chưa được phổ biến do thị trường chuyển nhượng tài sản trí tuệ vẫn còn nhận được ít sự chú ý so với các loại tài sản quen thuộc như bất động sản, vàng, cổ phiếu,… Tuy nhiên, tại các quốc gia phát triển như Mỹ, Châu Âu, việc chứng khoán hóa quyền sở hữu trí tuệ đã được phổ biến rộng khắp, đặc biệt trong các giai đoạn khủng hoảng kinh tế như một phương thức huy động vốn thay thế.
Khi các phương thức huy động vốn khác bị siết chặt hoặc hạn chế, các doanh nghiệp sở hữu tài sản trí tuệ đã tìm được phương thức khác là thông qua chứng khoán hóa quyền sở hữu trí tuệ thông qua hình thức phát hành trái phiếu.
Cụ thể, để chứng khoán hóa IP sẽ có 3 bên liên quan chủ yếu, gồm chủ sở hữu tài sản trí tuệ, một công ty chuyên biệt về chứng khoán hóa SPV (Special Purpose Vehicle), tập hợp các nhà đầu tư mong muốn đầu tư vào khả năng sinh lời của tài sản trí tuệ.
Để huy động vốn, chủ sở hữu tài sản trí tuệ chuyển nhượng/cấp phép/tạm thời chuyển giao quyền tài sản trí tuệ cho SPV. SPV khi nhận được quyền tiếp cận đến tài sản trí tuệ sẽ chi trả cho chủ sở hữu tài sản trí tuệ một khoản tiền theo thỏa thuận giữa 2 bên. SPV thanh toán bằng nguồn tiền họ đã có từ trước hoặc dựa trên giao dịch sau đó giữa họ với các nhà đầu tư trái phiếu thông qua hình thức phát hành trái phiếu cho các nhà đầu tư.
Nhà đầu tư mua trái phiếu được phát hành dựa trên niềm tin rằng SPV sẽ có khả năng phát triển mạnh từ việc sở hữu tài sản trí tuệ đó và có khả năng trả lại họ gốc và lãi khi đến đáo hạn trái phiếu.
Trong một số trường hợp, chủ sở hữu tài sản trí tuệ có thể phải chuyển quyền khai thác tài sản trí tuệ cho SPV để họ có thể tận dụng chúng trong hoạt động kinh doanh.
Trong trường hợp thỏa thuận giữa hai bên có thời hạn thì sau một giai đoạn nhất định theo như thỏa thuận giữa các bên, chủ sở hữu tài sản trí tuệ sẽ lấy lại quyền đối với tài sản trí tuệ ban đầu.
ASL Law là công ty luật độc lập và cung cấp đầy đủ dịch vụ được tín nhiệm cao của Việt Nam gồm các luật sư giàu kinh nghiệm và tài năng. ASL Law được Legal500, Asia Law, WTR và Asia Business Law Journal xếp hạng là Công ty Luật hàng đầu tại Việt Nam. Có trụ sở tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mục đích chính của ASL LAW là cung cấp lời tư vấn và giải pháp lý thiết thực, hiệu quả và hợp pháp nhất cho khách hàng trong nước và quốc tế. Nếu cần sự trợ giúp, Quý khách hàng có thể gửi email liên hệ tới [email protected].
Liên hệ với công ty Luật ASL LAW để được tư vấn về Luật sở hữu trí tuệ tại Việt Nam và quốc tế.
BÀI VIẾT HỮU ÍCH LIÊN QUAN