Thông tư số 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN mới được ban hành bởi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã xóa giới hạn việc cho vay để trả trước hạn khoản vay cũ tại ngân hàng khác chỉ nhằm mục đích phục vụ kinh doanh. Theo đó, hiện nay, với các khoản vay khác như vay mua nhà, mua ô tô, vay phục vụ sinh hoạt thì người vay có thể vay tại ngân hàng khác để trả trước hạn khoản vay cũ tại ngân hàng ban đầu.
Khoản 6 Điều 8 Thông tư số 39 quy định một trong những nhu cầu vốn không được cho vay bao gồm việc vay để trả nợ khoản nợ vay tại tổ chức tín dụng khác và trả nợ khoản vay nước ngoài, ngoại trừ trường hợp:
a) Là khoản vay phục vụ hoạt động kinh doanh;
b) Thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn cho vay còn lại của khoản vay cũ;
c) Là khoản vay chưa thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Thông tư số 6 đã xóa bỏ trường hợp ngoại trừ ‘phục vụ hoạt động kinh doanh’ trong khi vẫn giữ nguyên 2 quy định về thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn cho vay còn lại của khoản vay cũ và khoản vay là khoản vay chưa thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Theo đó, kể từ ngày Thông tư số 6 có hiệu lực (ngày 1 tháng 9 năm 2023), thì khi có nhu cầu, người vay có thể vay các ngân hàng khác để trả trước hạn khoản vay cũ. Quy định mới này tạo sự linh động cần thiết trong chiến lược luân chuyển dòng tiền của người vay.
Người vay sẽ có thể có nhiều sự lựa chọn linh hoạt hơn, như trong trường hợp họ thấy một ngân hàng khác có các chế độ ưu đãi, hỗ trợ tốt hơn như lãi suất cho vay thấp hơn thì họ có thể lựa chọn vay tại ngân hàng đó để trả khoản vay hiện hành tại ngân hàng cũ.
Hiện tại, nếu người vay muốn thực hiện phương thức này thì họ sẽ cần thế chấp một tài sản khác ở ngân hàng mới để được vay, rồi sau đó trả nợ tại ngân hàng cũ và rút tài sản thế chấp trước đó. Quy trình này đòi hỏi người vay phải có hai tài sản thế chấp có giá trị tương đương. Từ tháng 9, người vay sẽ chỉ cần sở hữu một tài sản đảm bảo để thực hiện việc vay để trả khoản vay trước hạn.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng cơ chế vay này không có nghĩa là người vay sẽ có giải pháp vay vô tận giữa các ngân hàng để trả các khoản vay cũ. Ngân hàng mới sẽ chỉ cho phép người vay vay với khoản thời gian đáo hạn như ngân hàng cũ mà không cho thêm thời gian.
Ví dụ, một người vay ngân hàng A 1 tỷ trong thời hạn trả 1 năm. Sau 9 tháng, người vay sử dụng cơ chế trên để vay ngân hàng B 1 khoản hơn 1 tỷ tương ứng với gốc và lãi để trả ngân hàng A. Từ đó ngươi vay trở thành bên vay của ngân hàng B với thời hạn vay mới. Tuy nhiên, thời hạn vay mới này buộc phải dưới 3 tháng theo như quy định “Thời hạn cho vay không vượt quá thời hạn cho vay còn lại của khoản vay cũ”.
Qua đó, Thông tư 6 trên chỉ có mục đích chính là nới rộng giới hạn mục đích vay bao gồm mua tiêu dùng, nhà, xe,… thay vì chỉ giới hạn trong mục đích hoạt động kinh doanh. Ý nghĩa của việc nới lỏng này là tạo sự linh hoạt cho người vay song không tạo nên một lỗ hổng giúp người vay có thể lợi dụng hệ thống, tạo khoản vay vô hạn.
Liên hệ với công ty Luật ASL LAW để được hướng dẫn về dịch vụ tư vấn pháp lý về Tài chính và Ngân hàng tại Việt Nam:
BÀI VIẾT HỮU ÍCH LIÊN QUAN