Tổng kết cuối năm, Đài Truyền hình Việt Nam VTV đã chỉ ra rằng năm 2023 là “năm của giả – thật, thật – giả” với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo AI. Từ điển Merrian-Webster, từ điển được tin dùng nhất tại Hoa Kỳ, đã chọn từ “Authentic” với nghĩa là “xác thực” làm từ khóa của năm 2023. Cụm từ trên đã phản ánh chính xác tình hình xã hội toàn cầu năm 2023 với sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ, điển hình ở việc tạo nên các tác phẩm hoàn thiện với ít công sức qua sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo.
Ra mắt vào cuối năm 2022, Chat GPT đã trở thành ứng dụng có độ phủ sóng cao nhất toàn cầu vào năm 2023 khi phần lớn người dùng trên thế giới có quyền tiếp cận miễn phí đến công cụ này. Ngoài Chat GPT, các nhà phát triển công nghệ toàn cầu cũng liên tục cạnh tranh nhau với việc đưa ra các phần mềm hỗ trợ tạo tác phẩm sử dụng trí tuệ nhân tạo AI khác.
Không chỉ tạo nên tác phẩm bằng văn bản, các công cụ AI giờ có thể hỗ trợ người dùng tạo nên các bức ảnh sống động, đa dạng màu sắc, nổi bật nhất là ứng dụng MidJourney. Cuối năm 2023, Chat GPT cũng ra mắt phiên bản trả phí với khả năng cho phép người dùng tạo nên các bức ảnh với đồ họa gần như không thể phân biệt với ảnh thật.
Năm 2023 là năm của công nghệ trí tuệ nhân tạo AI, nền tảng cho sự phát triển nhanh chóng của kỉ nguyên mới kể từ 2024. Tuy nhiên, đi kèm với những lợi ích cũng là những thách thức mới cần đối diện. Một trong các khó khăn nổi bật bao gồm việc làm rõ khả năng bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm tạo nên từ sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo.
Phạm vi tác phẩm tạo nên bởi trí tuệ nhân tạo
Dù không được định nghĩa cụ thể tại Việt Nam và quốc tế, một tác phẩm tạo nên bởi trí tuệ nhân tạo là tác phẩm của các thuật toán có khả năng tự động tạo ra các tác phẩm văn học, hình ảnh, âm thanh,… khi nhận được yêu cầu của người dùng.
Các ứng dụng này được thiết kế với khả năng phân tích lượng lớn dữ liệu trên mạng hoặc dữ liệu được nhập vào hệ thống qua nhiều năm phát triển, từ đó phân tích kết cấu, kiểu mẫu nội dung và cho ra các tác phẩm có cùng kết cấu, kiểu mẫu nhưng với nội dung hoàn toàn độc lập.
Khi đã có nguồn nội dung để so sánh và ‘học tập’, các ứng dụng này sẽ có thể dựa trên yêu cầu của người dùng để tạo nên các tác phẩm đa dạng và hấp dẫn. Điển hình, ứng dụng Chat GPT cung cấp cho người dùng công cụ tạo nội dung bằng văn bản với tốc độ nhanh chóng, hoàn toàn độc nhất, cùng nhiều tính năng khác giúp người dùng xử lý công việc thuận tiện hơn.
Tuy nhiên, vì mới được đưa vào thử nghiệm, Chat GPT cũng như các công cụ hỗ trợ sử dụng trí tuệ nhân tạo AI khác vẫn còn nhiều điểm chưa hoàn thiện, với nhiều cáo buộc về nghi vấn đạo văn, tạo nên các tác phẩm không có thật, thu thập hoặc sản xuất tài liệu được ngụy tạo,…
Tranh chấp về chủ sở hữu quyền tác giả quốc tế
Đầu tháng 2 năm 2023, Văn phòng Quyền tác giả Hoa Kỳ (USA Copyright Office) ra thông báo chấn động thế giới công nghệ với việc từ chối đơn đăng ký bản quyền tác giả cho bộ tiểu thuyết đồ họa tạo ra bởi AI MidJourney, tổng hợp bởi nữ tác giả Kris Kashtanova có tên “Zarya of the Dawn”.
Cụ thể, Văn phòng Quyền tác giả Hoa Kỳ từ chối với lí do rằng tác phẩm trên không thể hiện được tính sáng tạo của tác giả vì nó hoàn toàn được tạo nên bởi MidJourney mà không có sự cống hiến hoặc góp sức của nữ tác giả.
Phán quyết của Văn phòng Quyền tác giả Hoa Kỳ đã tạo nên cơn sóng lớn cho cộng đồng các tác giả quốc tế thời đại mới tiên phong sử dụng các phần mềm, công cụ AI để tạo nên tác phẩm của mình như Kris. Phán quyết này đã trở thành một chướng ngại lớn cho việc phát triển và ứng dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo AI trong đời sống.
Để giữ vững mục tiêu tận dụng AI trong cuộc sống và cho phép các công cụ AI có dư địa phát triển, chính ban lãnh đạo điều hành MidJourney cũng đã lên tiếng sẽ nỗ lực hỗ trợ Kris trong việc đăng ký quyền tác giả tác phẩm của mình cũng như sẽ cung cấp sự hỗ trợ tương tự cho các tác giả khác sử dụng phần mềm của họ.
Tuy nhiên, cuộc đấu tranh của Kris chưa có diễn biến mới thì Văn phòng Quyền tác giả Hoa Kỳ đã lần thứ hai đưa ra thông báo tương tự, từ chối đơn đăng ký quyền tác giả của tác giả Jason M. Allen tổng hợp các bức tranh tạo ra bằng hệ thống AI Midjourney.
Allen đã nộp đơn đăng ký quyền tác giả cho tác phẩm “Theater D’opera Spatial” từ tháng 9 năm 2022. Trong mô tả ở đơn đăng ký, Allen cho biết ông đã phải “nhập ít nhất 624 lần bản sửa đổi và văn bản lệnh để có được phiên bản đầu tiên của hình ảnh” bằng Midjourney và sau đó có chỉnh sửa để tạo ra tác phẩm cuối cùng qua phần mềm Adobe Photoshop.
Với nỗ lực và công sức bỏ ra như vậy, Allen đã chứng minh được lập luận về việc ông nên được cấp đăng ký bản quyền tác giả cho tác phẩm của mình.
Ở thông báo từ chối này, các tác giả và nhà sáng tạo tác phẩm tạo nên bởi AI đã có thông tin chi tiết hơn về lí do từ chối của Văn phòng Quyền tác giả Hoa Kỳ. Cụ thể, Văn phòng Quyền tác giả Hoa Kỳ từ chối các phần hình ảnh trong đơn đăng ký của Allen dựa trên lí do các hình ảnh này có “thành phần tạo nên bởi AI nhiều hơn thành phần tạo nên hoặc được chỉnh sửa bởi con người.”
Điều này có thể được diễn giải là để được đăng ký bản quyền tác giả tại Hoa Kỳ, tác phẩm được tạo nên có sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo AI cần phải vượt một tỉ lệ phần trăm nhất định các thành phần tạo nên bởi AI. Ví dụ, nếu ngưỡng chấp nhận của Văn phòng Quyền tác giả Hoa Kỳ đặt ra là 50/50 thì phần công sức, nỗ lực con người tạo ra trong tác phẩm phải chiếm ít nhất 51% để được cấp đăng ký.
Tuy nhiên, cách thức chứng minh được nỗ lực của con người vượt tỉ lệ này sẽ là một bài toán khó khác cần giải đáp, yêu cầu bên đăng ký cần chủ động lưu lại bằng chứng chi tiết về quá trình sáng tạo, lập ý tưởng, triển khai dự án cũng như thực hiện các sửa đổi cần thiết để tạo nên tác phẩm cuối cùng.
Quy định về chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm tạo nên từ sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam
Tại Việt Nam, dù hiện nay ngành công nghệ AI cũng đã trở thành một trong các lĩnh vực được chú trọng đầu tư, nghiên cứu phát triển với nhiều thành quả nổi bật, ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau song pháp luật Việt Nam hiện cũng chưa có hệ thống pháp lý chi tiết quy định các chính sách, phương thức giải quyết vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm tạo nên với sự hỗ trợ của AI.
Bản sửa đổi mới nhất của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam năm 2022 số 07/2022/QH15 (“Luật Sở hữu trí tuệ 2022”) hiện cũng không có quy định về bảo hộ các tác phẩm tạo nên bởi trí tuệ nhân tạo AI do xu hướng này chỉ mới bùng nổ mạnh vào năm 2023.
Luật Sở hữu trí tuệ 2022 chỉ có quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 13 rằng chỉ có tổ chức, cá nhân hoặc con người mới đủ điều kiện nắm giữ quyền tác giả, qua đó loại trừ khả năng chính công cụ AI được công nhận là chủ sở hữu quyền tác giả.
Việc không có quy định cụ thể về trí tuệ nhân tạo trong kỉ nguyên mà trí tuệ nhân tạo đóng vai trò chủ đạo tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý. Việt Nam sẽ không có cơ sở để giải quyết các mâu thuẫn liên quan đến trí tuệ nhân tạo, như khi một tác phẩm được tạo nên bởi AI bị cáo buộc xâm phạm quyền tác giả của bên khác, hay khi tác phẩm tạo nên với sự hỗ trợ của AI bị tố là tác phẩm xâm phạm đạo văn, hoặc khi AI chính là bên xâm phạm quyền,…
Để xây dựng một hệ thống pháp lý bắt kịp với đà phát triển của trí tuệ nhân tạo, trong vài năm gần đây, nhiều quốc gia đã thực hiện việc nghiên cứu các quy định đưa vào hệ thống luật pháp của mình, đồng thời thảo luận các vấn đề, thách thức pháp lý liên quan đến việc bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm tạo nên có sử dụng AI. Các nỗ lực này nhằm mục đích tận dụng tối đa được những lợi thế do AI mang lại cho sự phát triển của nền kinh tế, thay vì chịu sự kiềm chế bởi tốc độ tăng trưởng của AI.
Tại Việt Nam, theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ 2022, việc xem xét bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm tạo nên từ sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam hiện chỉ giới hạn về chủ sở hữu đối với tác phẩm tạo nên từ sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo.
Cụ thể,khoản 2 Điều 39 Luật Sở hữu trí tuệ 2022 quy định: “Tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng với tác giả sáng tạo ra tác phẩm là chủ sở hữu các quyền quy định tại Điều 20 và khoản 3 Điều 19 của Luật này, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
Theo đó, nếu không có thỏa thuận khác, giao dịch dân sự giữa người dùng và các ứng dụng trí tuệ nhân tạo được công nhận là giao dịch dân sự bằng văn bản hợp pháp thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo định nghĩa tại khoản 1 Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015 số 91/2015/QH13 thì người dùng sẽ có quyền “Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm” (Khoản 3 Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ 2022) và tất cả quyền tài sản quy định tại Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ 2022.
Theo quan điểm này, người dùng sẽ có tất cả các quyền tài sản để kinh doanh, thu lợi nhuận từ tác phẩm do ứng dụng trí tuệ nhân tạo như Chat GPT tạo ra và một phần quyền nhân thân là quyền công bố tác phẩm. Các quyền đặt tên, đứng tên và bảo vệ sự vẹn toàn của tác phẩm trong quyền nhân thân sẽ thuộc về ứng dụng trí tuệ nhân tạo hoặc tổ chức phát triển ứng dụng đó.
Điều 36 Luật Sở hữu trí tuệ 2022 quy định rằng chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân nắm giữ một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật này mà không có yêu cầu phải nắm giữ toàn bộ quyền nhân thân. Theo đó, tại Việt Nam, khi nắm giữ quyền tài sản thì người dùng các ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tạo nên tác phẩm hoàn thiện sau cùng đã trở thành chủ sở hữu quyền tác giả đối với các tác phẩm đó, dù việc hỗ trợ từ ứng dụng, phần mềm là ít hay nhiều.
Đây có thể được đánh giá là điểm khác biệt đáng kể đối với phương thức thẩm định đơn đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm tạo nên từ sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo AI tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, để khẳng định được rằng các tác giả Việt Nam có thể đăng ký quyền tác giả đối với các loại tác phẩm này hoặc việc đăng ký có xem xét đến mức độ cống hiến giữa bên đăng ký và ứng dụng AI hay không thì chúng ta vẫn sẽ cần chờ đến các quyết định chính thức của Cục Bản quyền Việt Nam.
Đóng góp về xu hướng bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm có liên quan đến trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam
Về vấn đề đăng ký bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm tạo nên từ sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo, có thể nhận định rằng Việt Nam cần phải xem xét việc đưa các quy định chỉ rõ giới hạn của tác phẩm tạo nên có sự hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo AI trong lần sửa đổi tiếp theo của Luật Sở hữu trí tuệ.
Thứ nhất, bổ sung thêm giới hạn về chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.
Hiện tại, Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ 2022 quy định “Chủ thể Quyền Sở hữu trí tuệ là chủ sở hữu Quyền Sở hữu trí tuệ hoặc tổ chức, cá nhân được chủ sở hữu chuyển giao Quyền Sở hữu trí tuệ”.
Quy định này khẳng định lập luận bên trên về việc trí tuệ nhân tạo không thể được công nhận là chủ thể quyền sở hữu trí tuệ vì nó là sản phẩm tạo ra bởi con người nên không phải là con người được sinh ra tự nhiên. Tuy nhiên, quy định hiện hành không giải quyết được vấn đề về việc chính trí tuệ nhân tạo AI là bên sáng tạo ra tác phẩm được bảo hộ bởi quyền tác giả hoặc sản phẩm được đăng ký bảo hộ như sáng chế, thiết kế hữu ích, kiểu dáng công nghiệp,…
Hiện nay, thế giới đã đang có một vụ việc điển hình về việc con người mong muốn đăng ký cho trí tuệ nhân tạo làm tác giả/nhà sáng chế (Tiến sĩ Thaler muốn các cơ quan sở hữu trí tuệ của nhiều quốc gia công nhận DABUS – trí tuệ nhân tạo ông tạo ra, là nhà sáng chế cho nhiều sáng chế khác nhau). Nhiều quốc gia đã ủng hộ Tiến sĩ Thaler song nhiều quốc gia cũng đã từ chối ông như Hàn Quốc, New Zealand, Australia, Liên minh Châu Âu,…
Thứ hai, làm rõ khả năng đăng ký quyền tác giả đối với sản phẩm tạo nên có sự hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo cho người đăng ký.
Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới không xét đến khía cạnh nào khác ngoài bản chất của ‘vật thể’ tạo nên sản phẩm. Tại châu Âu, Luật về Quyền tác giả của Liên minh châu Âu chỉ rõ quan điểm rằng bất kỳ tác phẩm nào được bảo hộ quyền tác giả đều phải gắn liền với con người. Trí tuệ nhân tạo được xác định không phải là đối tượng được bảo hộ tại khu vực này. Quan điểm này đã được làm rõ với phán quyết của Cơ quan sáng chế Châu Âu EPO từ chối công nhận DABUS là nhà sáng chế năm 2021.
Việt Nam hiện cũng đang có cùng quan điểm với phần lớn các quốc gia trên thế giới, ghi nhận quyền tác giả chỉ có thể được bảo hộ cho đối tượng là con người mà không phải trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển của trí tuệ nhân tạo và khả năng tự sáng tạo, tự phát triển của AI trong kỉ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0, có lẽ Việt Nam cần xem xét sửa đổi góc nhìn của mình về vấn đề này, đưa ra những điều chỉnh phù hợp, mở rộng hoặc quy định chi tiết phạm vi bảo hộ hiện hành để bắt kịp hoặc đi trước xu hướng của thế giới.
Về khả năng bảo hộ, đăng ký bản quyền tác giả đối với sản phẩm tạo nên có sự hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo, Việt Nam cũng cần xem xét đưa ra cơ chế đánh giá phù hợp. Do đây là khái niệm mới chưa có tiền lệ nào trên thế giới, đây cũng là một vấn đề Việt Nam cần xem xét nghiên cứu và ban hành những quy định phù hợp với bối cảnh xã hội của Việt Nam.
Tuy nhiên, để đảm bảo rằng các tác phẩm với xu hướng nghệ thuật tạo nên bởi khoa học hiện đại có sự hỗ trợ của AI có thể tiếp tục phát triển, vốn là xu hướng tất yếu, ta nên có góc nhìn về vấn đề này theo hướng hỗ trợ cộng đồng tác giả ở kỉ nguyên nghệ thuật hiện đại mới.
Thứ ba, đưa ra giới hạn cụ thể cho việc đăng ký quyền tác giả đối với sản phẩm tạo nên có sự hỗ trợ của AI
Nếu việc bảo hộ quyền tác giả cho sản phẩm tạo nên từ sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo là xu hướng được xác lập và thực thi, điều tiếp theo ta cần xem xét là việc đưa ra giới hạn cụ thể về công lao giữa người đăng ký và phần mềm trí tuệ nhân tạo AI làm điều kiện đăng ký.
Để một ứng dụng AI có thể tạo ra một tác phẩm, nguồn dữ liệu đầu vào đóng một trò đặc biệt quan trọng. Nếu nguồn dữ liệu được người dùng nhập vào thì quyền tác giả nên được ghi nhận cho người dùng ứng dụng khi công sức của AI bỏ ra để hoàn thiện sản phẩm có thể không đáng kể.
Nếu như nguồn dữ liệu được nhập vào do các nhà lập trình qua nhiều năm thu thập, tổng hợp thông tin như xu hướng phổ biến của các ứng dụng AI như Chat GPT hiện tại thì ta cần xem xét chi tiết về một tỉ lệ hợp lí giữa công sức của người dùng và ứng dụng.
Điển hình, ta có thể xem xét việc đặt ra tỉ lệ 70/30 giữa công sức của tác giả và phần mềm trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, như đối với các vụ việc tại Hoa Kỳ, việc chứng minh công sức bỏ ra đủ để đạt tỉ lệ này sẽ là một vấn đề khó cần giải quyết khi việc chứng minh quá phức tạp sẽ làm giảm động lực bảo hộ của các tác giả thời đại khoa học – nghệ thuật mới.
Liên hệ với công ty Luật ASL LAW để được tư vấn về Luật sở hữu trí tuệ tại Việt Nam và quốc tế.
BÀI VIẾT HỮU ÍCH LIÊN QUAN