Hợp đồng lao động theo mùa vụ là thuật ngữ đôi khi được sử dụng, áp dụng trong các văn bản, tin tức, thông tin báo chí trong khối doanh nghiệp tư nhân. Vậy, hợp đồng lao động theo mùa vụ theo luật pháp Việt Nam là gì?
Quy định hiện hành trong Bộ luật Lao động 2019 không có điều khoản hay thuật ngữ về hợp đồng lao động mùa vụ hay hợp đồng lao động theo mùa vụ. Điều này là bởi vì tại khi soạn thảo Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, ban soạn thảo đã xóa quy định về thuât ngữ hợp đồng lao động theo mùa vụ quy định tại Bộ luật Lao động 2012.
Bộ luật Lao động 2012 quy định hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại: hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn và hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng.
Hợp đồng lao động theo mùa vụ
Bộ luật Lao động 2012 có các quy định sau về hợp đồng lao động theo mùa vụ:
- Không được giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên, trừ trường hợp phải tạm thời thay thế người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự, nghỉ theo chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động hoặc nghỉ việc có tính chất tạm thời khác.
- Đối với công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì nhóm người lao động có thể ủy quyền cho một người lao động trong nhóm để giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản. Trong trường hợp này hợp đồng lao động có hiệu lực như giao kết với từng người.
- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ thì không phải thử việc.
- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong những trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 37 Bộ luật Lao động 2012.
- Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 03 ngày làm việc
- Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo mùa vụ nếu người lao động đã điều trị quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ mà khả năng lao động chưa hồi phục.
- Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 03 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động theo mùa vụ.
Lưu ý về hợp đồng lao động theo mùa vụ
Cần lưu ý, quy định về hợp đồng lao động theo mùa vụ hiện nay đã bị xóa bỏ khỏi Bộ luật Lao động 2019. Qua đó, các quy định liệt kê bên trên không còn hiệu lực mà chỉ có giá trị tham khảo, không có giá trị để áp dụng vào thực tế hiện hành trong thị trường lao động.
Người lao động thỏa thuận ký kết hợp đồng lao động theo mùa vụ trong năm 2023 với người sử dụng lao động sẽ không được công nhận là một loại hợp đồng lao động hợp pháp, qua đó, có thể chịu thiệt hại nặng về phía người lao động khi tranh chấp xảy ra.
Việc ký kết các hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng trong khoảng thời gian trước năm 2021 (Ngày 01 tháng 01 năm 2021 là ngày Bộ luật Lao động 2019 có hiệu lực) giúp người sử dụng lao động đáp ứng được nguồn nhân lực ngắn hạn trong giai đoạn kinh doanh khó khăn hoặc mùa cao điểm, mang tính thời vụ.
Chính vì vậy mà khi Bộ luật Lao động 2019 bỏ quy định về hợp đồng lao động theo mùa vụ, các doanh nghiệp đã phải cân đối lại kế hoạch tuyển dụng của mình phù hợp với chi phí nhân lực và quy định pháp luật.
Về góc độ của người lao động thì việc loại bỏ quy định này sẽ có lợi hơn cho họ do trước đây, việc ký kết hợp đồng lao động theo mùa vụ giúp người sử dụng lao động tiết kiệm được các chi phí như bảo hiểm xã hội, trợ cấp, phụ cấp… vốn là quyền lợi mà người lao động ngắn hạn làm việc theo mùa vụ sẽ không được hưởng.
Liên hệ với công ty luật ASL LAW để được tư vấn luật về lao động và việc làm.
BÀI VIẾT HỮU ÍCH LIÊN QUAN