Hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc nhưng dán “Made in Vietnam” có thể bị xử lý hình sự

ANTD.VN – Thời gian qua, một số cá nhân, đơn vị nhập khẩu sản phẩm “Made in China” song lại bán với thương hiệu Việt đã khiến người tiêu dùng cảm thấy bị lừa dối.

ảnh 1

Dưới góc độ pháp lý, người thực hiện hành vi này đã vi phạm pháp luật hiện hành. Bởi, theo Điều 8, Nghị định 185/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 124/2015/NĐ-CP) – “hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa” sẽ bị coi là hàng giả.

Ngoài ra, khoản 1, Điều 3, Nghị định 19/2006/NĐ-CP quy định, xuất xứ hàng hóa là “nước hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất hàng hóa đó”.

Điều 15, Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định về ghi nhãn hàng hóa cũng nêu rõ: “Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ đối với hàng hóa của mình nhưng phải bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa hoặc các Hiệp định mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết” và “Cách ghi xuất xứ hàng hóa được quy định như sau: Ghi cụm từ “sản xuất tại” hoặc “chế tạo tại”, “nước sản xuất”, “xuất xứ” hoặc “sản xuất bởi” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất hàng hóa đó”.

Trong trường hợp sản phẩm do tổ chức, cá nhân nhập khẩu về Việt Nam là sản phẩm đã được sản xuất ra toàn bộ hoặc thực hiện công việc chế biến cơ bản cuối cùng tại Trung Quốc, thì hàng hóa này phải được coi là có nguồn gốc, xuất xứ từ Trung Quốc. Việc thay đổi bao bì đóng gói và tháo dỡ hay lắp ghép các lô hàng, đóng chai, lọ, đóng gói, bao, hộp và các công việc đóng gói bao bì đơn giản khác sẽ không được coi là làm thay đổi nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa theo Điều 9, Nghị định 19/2006/NĐ-CP.

Nếu tổ chức, cá nhân bán hàng hóa mà trên bao bì hàng hóa hoặc nhãn hàng hóa có chỉ dẫn “Made in Vietnam” trong khi hàng hóa thực chất là “Made in China” thì hành vi này bị coi là buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa. Trong trường hợp nếu hành vi đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả”. Theo đó, mức hình phạt cao nhất của tội này lên đến 15 năm nếu hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên.

Dưới góc độ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân bán hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng lại “nhập nhèm” là hàng sản xuất tại Việt Nam, có thể bị coi là hành vi “Che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng theo quy định” và có thể bị phạt ở mức từ 10-20 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm hoặc gấp đôi đối với tổ chức vi phạm. Trường hợp hành vi trên gây thiệt hại nghiêm trọng cho người tiêu dùng thì có thể bị xem xét để xử lý về tội “Lừa dối khách hàng”.

Nguồn ANTD

Contact Me on Zalo
+84982682122
WhatsApp chat