Lựa chọn giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ qua trọng tài gần đây đang trở nên phổ biến trong khu vực Đông Nam Á và thế giới. Các quốc gia nổi bật trong việc xử lý tranh chấp qua trọng tài là Singapore và Hồng Kong. Trong thời gian tới, Việt Nam dự kiến cũng sẽ học tập kĩ hơn phương thức giải quyết tranh chấp này, ban hành đạo luật sửa đổi, chi tiết hơn quy định về việc giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ và các lĩnh vực liên quan qua trọng tài.
Năm 2019 Quốc hội Singapore thông qua Đạo luật Sở hữu trí tuệ để làm rõ rằng các tranh chấp liên quan đến tất cả các hình thức sở hữu trí tuệ đều có thể phân xử được ở Singapore thông qua trọng tài. Hồng Kông cũng thông qua đạo luật tương tự, xét thấy nhiều ưu điểm của việc giải quyết tranh chấp qua trọng tài so với tòa án.
Trong các loại lĩnh vực được giải quyết qua trọng tài, sở hữu trí tuệ là lĩnh vực nổi bật hơn cả. Theo các cuộc khảo sát quốc tế, hiện nay việc giải quyết các vụ khiếu nại, kiện tụng sở hữu trí tuệ còn nhiều bất cập, khó khăn như chi phí, kiến thức, sự thiếu thốn về kinh nghiệm chuyên môn của các thẩm phán do sở hữu trí tuệ là một ngành nghề tương đối đặc thù cần trình độ chuyên môn cao, chứ không chỉ dừng ở mức ‘trung bình’.
Trọng tài sẽ có khả năng giải quyết các vấn đề trên. Với một phán quyết trọng tài duy nhất, hợp nhất thành một thủ tục tố tụng thống nhất, việc giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ qua trọng tài sẽ xử lý được vấn đề mâu thuẫn từ nhiều phán quyết từ nhiều tòa án ở nhiều quốc gia khác nhau.
Các ưu điểm khác có thể kể đến như sự linh hoạt về thủ tục và công bố thông tin, cho phép các bên liên quan có thể giữ kín thông tin, phán quyết đưa ra với cộng đồng, duy trì hình ảnh, uy tín của các bên. Tính bảo mật của trọng tài là cực kì quan trọng. Một số trung tâm trọng tài quốc tế như SIAC của Singapore có quy định cực kì chặt chẽ về tính bảo mật. Tất cả các khía cạnh của trọng tài, từ tất cả các tài liệu, bằng chứng trong vụ việc, cho đến chính sự tồn tại của trọng tài cũng đều được giữ kín.
Về vấn đề chuyên môn, các trung tâm trọng tài quốc tế như Trung tâm Trọng tài Quốc tế Singapore (SIAC) và Trung tâm Trọng tài Quốc tế Hồng Kông (HKIAC) đã thành lập nhiều ban chuyên ngành về vấn đề sở hữu trí tuệ, với các trọng tài, tư vấn viên có kiến thức sâu rộng về sở hữu trí tuệ tại quốc gia của họ và quốc tế.
Tại sao trọng tài không phổ biến hơn?
Lợi ích của trọng tài là rất lớn như phân tích bên trên, thậm chí bao gồm cả các lợi ích vô hình khác như gia tăng sự đảm bảo cho các bên liên quan khi có quyền chỉ định trọng tài không mang quốc tịch của cả hai bên tranh chấp (Tuy rằng theo góc nhìn trung lập thì việc này không gia tăng lợi ích thực chất nào nhưng vẫn có tác dụng khiến các bên liên quan tin tưởng và có xu hướng tuân theo phán quyết sau cùng hơn).
Dẫu nhiều lợi ích vậy, trọng tài hiện nay vẫn chưa thực sự phổ biến. Nguyên nhân cơ bản nhất là hiện nay, trọng tài vẫn chưa có tính cưỡng chế và thực thi cao, yếu hơn so với các quyết định từ tòa án.
Trong các vụ kiện sở hữu trí tuệ, đôi khi các bên sẽ cần gấp các lệnh yêu cầu chấm dứt hoạt động, tạm giữ khẩn cấp hàng hóa,… mà trọng tài không thể cung cấp, chỉ tòa án có thể để ngăn ngừa các hành vi xâm phạm nhãn hiệu, bằng sáng chế, kiểu dáng,… tiếp tục ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ sở hữu quyền.
Tuy rằng tại một số khu vực trọng tài quốc tế như Singapore, vấn đề này đã được giải quyết bởi luật trọng tài quốc gia giúp các trọng tài viên khẩn cấp đưa ra lệnh khẩn cấp theo Mục 12(6) của Đạo luật Trọng tài Quốc tế, nhìn chung, tại hầu hết các quốc gia, các quy định tương tự vẫn chưa được thông qua. Trọng tài Sở hữu trí tuệ ở mặt bằng chung vẫn thiếu tính cưỡng chế và tính răn đe mạnh.
Tại Việt Nam, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (Vietnam International Arbitration Centre – VIAC) đã sớm được thành lập vào năm 1993 trên cơ sở hợp nhất Hội đồng Trọng tài Ngoại thương (thành lập năm 1963) và Hội đồng Trọng tài Hàng hải (thành lập năm 1964).
Trải qua gần ba thập kỷ hình thành và phát triển, VIAC đã không ngừng lớn mạnh, đem lại niềm tin và là chỗ dựa về công lý của cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, về lĩnh vực sở hữu trí tuệ, các vụ tranh chấp giải quyết qua hòa giải và trọng tài thương mại vẫn còn tương đối hạn chế, chưa nhiều. Theo thống kê của VIAC, phương thức này chỉ giải quyết trung bình khoảng 11% tổng số tranh chấp thương mại tại Việt Nam trong những năm gần đây.
Liên hệ với công ty luật ASL LAW để được hướng dẫn về tranh tụng và giải quyết tranh chấp tại Việt Nam:
BÀI VIẾT HỮU ÍCH LIÊN QUAN