Hiện nay, đại dịch Covid-19 vẫn đang tàn phá ở mọi quốc gia trên thế giới, khiến người dân không thể ra đường làm việc kiếm sống cho gia đình, làm giàu cho xã hội. Gần 2 năm nay, đại dịch Covid-19 đã có những tác động nặng nề đến nền kinh tế chung của thế giới. Chính vì vậy, đề xuất miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine COVID-19 của một cường quốc trên thế giới như Mỹ đã được cả thế giới, trong đó có Việt Nam đặc biệt quan tâm. Nhưng, liệu đề xuất này có giúp thế giới giải quyết tình trạng thiếu thốn vaccine COVID-19 hay không và nếu chúng ta cam kết thực hiện theo kế hoạch này, chúng ta sẽ làm nó như thế nào?
Trong tình trạng số ca mắc bệnh Covid-19 tăng lên từng ngày cùng với tình trạng vaccine Covid-19 cung không đủ cầu, Ấn Độ và Nam Phi đã đề xuất Hội đồng TRIPS tạm thời miễn trừ các quyền sở hữu trí tuệ bao gồm bản quyền, quyền liên quan, quyền đối với bằng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và thông tin bí mật cho các sản phẩm như vaccine, bộ dụng cụ chẩn đoán, thuốc điều trị, thiết bị y tế,…
Gần 2 năm kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng ra, yêu cầu miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đã liên tục được nhiều quốc gia trên thế giới đưa ra. Khi đại dịch Covid-19 tiếp tục hoành hành mà không có dấu hiệu giảm bớt, đề xuất này đã thu hút sự ủng hộ của nhiều tổ chức và quốc gia, bao gồm cả các nước đang phát triển như Việt Nam và các cường quốc như Nga và Hoa Kỳ. Dự kiến, với việc miễn trừ, hoặc ít nhất là tạm thời miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với các công nghệ này, việc sản xuất vaccine trên toàn thế giới sẽ có thể được tiến hành nhanh hơn, tiến hành sản xuất hàng loạt nhằm đạt được mục tiêu cuối cùng là miễn dịch cộng đồng.
Ý kiến trái chiều về vấn đề miễn trừ quyền SHTT liên quan đến vaccine Covid-19
Đề xuất miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ ngay lập tức gây ra tranh cãi giữa phe ủng hộ và phe phản đối. Đối với những người ủng hộ, lập luận của họ là những tài sản trí tuệ này phải được sử dụng để phục vụ cộng đồng, giúp cho xã hội thoát khỏi thời kỳ khủng hoảng.
Trái lại, các công ty dược phẩm hàng đầu và các quốc gia phát triển như Anh, Pháp, Đức,… lại phản đối đề xuất này. Điều này là bởi vì theo họ, để tạo ra vaccine cần đầu tư rất nhiều thời gian, công sức và đặc biệt là cần rất nhiều tiền. Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế của mình là cách họ thu hồi lại vốn đầu tư. Đó chính là nguồn động lực để họ tiếp tục nghiên cứu và phát triển các sản phẩm khác trong tương lai. Đây cũng là quan điểm của Hiệp hội Quốc tế về Bảo vệ Sở hữu Trí tuệ (AIPPI) – tổ chức quốc tế hàng đầu thế giới về việc phát triển và cải thiện các chế độ pháp lý để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Theo báo cáo của AIPPI vào tháng 5: “Chúng ta không nên coi sở hữu trí tuệ là rào cản đối với việc phát triển, sản xuất và phân phối vaccine. Thay vào đó, điều quan trọng là phải cân bằng khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế của cộng đồng với việc bảo vệ hệ thống sở hữu trí tuệ để khuyến khích các công ty dược phẩm tiếp tục phát triển vaccine.”
“Nếu mọi người có thể sử dụng thoải mái thì có ai muốn tiếp tục nghiên cứu không?”, Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phát biểu tại một hội thảo do Khoa Luật ( Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức trực tuyến vào ngày 25/5.
Chủ đề này càng nhận được nhiều sự quan tâm hơn khi các loại vaccine hiện nay đang có dấu hiệu giảm tác dụng do các chủng vi rút đột biến mới. Các biến thể mới của một loại vi rút lại đòi hỏi sự nghiên cứu và phát triển vaccine tương ứng.
Theo ông Bảy: “Mỗi góc độ đều có quan điểm riêng, điều quan trọng là làm sao cân bằng được lợi ích của các bên.”
Bằng sáng chế có phải là vấn đề duy nhất trong bài toán sản xuất vaccine Covid-19?
Ngày càng có nhiều ý kiến tranh luận rằng vấn đề cốt lõi của việc sản xuất vaccine nằm ở năng lực sản xuất của mỗi quốc gia, chứ không phải vấn đề có hay không có bằng sáng chế.
Ông Nguyễn Văn Bảy phân tích: “Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng quyền sở hữu trí tuệ là rào cản bởi vì, nếu không được phép của chủ sở hữu bằng sáng chế, việc sản xuất và bán các sản phẩm đó là bất hợp pháp. Tuy nhiên, điều cực kỳ quan trọng ở đây là khả năng sản xuất và làm thế nào để biến công nghệ đó thành một sản phẩm cụ thể.”
Đây cũng là điều mà phe phản đối cũng như các chuyên gia trong các lĩnh vực liên quan lo ngại. Trong một bài báo trên trang web của Trung tâm Petrie-Flom (Trường Luật Harvard), bà Julia Barnes-Weise, Giám đốc điều hành của tổ chức phi lợi nhuận GHIAA (Global Healthcare Innovation Alliance Accelerator), người đã từng tham gia đàm phán chuyển giao công nghệ để sản xuất vaccine Covid-19 cho biết: “Kiến thức được tiết lộ trong các bằng sáng chế thường không đủ để bên thứ ba sao chép sản xuất vaccine. Nhiều quy trình sản xuất thực tế và các bước sản xuất không được tiết lộ trong bằng sáng chế – đó chỉ như là một kiểu lời khuyên hoặc hướng dẫn bất thành văn, thông tin có thể được giữ bí mật vì lý do cạnh tranh. Trong trường hợp này, việc xóa bỏ bằng sáng chế không có bất kỳ ý nghĩa nào, trừ khi bản thân các chủ sở hữu bằng sáng chế sẵn sàng hợp tác.”
Hơn nữa, cho dù các công ty dược phẩm sẵn sàng tiết lộ bí mật sản xuất vaccine của họ, việc đẩy nhanh việc mở rộng sản xuất vaccine COVID-19 vẫn là một mục tiêu xa vời. Điều này là do quy trình sản xuất vaccine vốn đã phức tạp nên một số vaccine COVID-19 sử dụng công nghệ mới như mRNA và bao gói hạt nano lipid đòi hỏi nguyên liệu và dây chuyền sản xuất chuyên biệt. Đây là những điều kiện mà các nước đang phát triển và các nước đang chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch hiện nay khó có thể đáp ứng được.
Những thách thức nêu trên càng khiến cộng đồng dấy lên sự nghi ngờ về việc liệu miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine COVID-19 có thật sự có tác dụng hay không. Do đó, tuyên bố ủng hộ miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine Covid-19 của Mỹ thật ra đa phần chỉ là chiêu trò truyền thông, bởi Mỹ hầu như không xuất khẩu vaccine hoặc các thành phần quan trọng tạo nên vaccine ra ngoài.
Chọn mức miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ phù hợp
Trong khi cuộc tranh luận vẫn chưa đến hồi kết, một số chuyên gia trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, cũng như một số cơ quan như Ủy ban Châu Âu đã đề xuất một giải pháp ‘công bằng’ hơn cho các bên liên quan thông qua việc sử dụng cơ chế li xăng không tự nguyện (Compulsory license) đã được quy định trong Hiệp định TRIPS kể từ khi hiệp định có hiệu lực vào năm 1995. Theo quy định của cơ chế li xăng không tự nguyện, cơ quan có thẩm quyền của một quốc gia có thể cho phép bên thứ ba sử dụng sáng chế mà không cần sự đồng ý của chủ sở hữu bằng sáng chế. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi của các bên, chủ sở hữu bằng sáng chế vẫn sẽ được bồi thường một khoản phí thỏa đáng tùy theo giá trị của bằng sáng chế. Cơ chế li xăng không tự nguyện thường được áp dụng trong những trường hợp đặc biệt liên quan đến lợi ích của xã hội như khi dịch bệnh hoành hành nghiêm trọng, doanh nghiệp sản xuất thuốc không đáp ứng được yêu cầu của thị trường dẫn đến tình trạng khan hiếm trang thiết bị y tế hoặc giá thuốc thang bị đẩy giá lên trần.
Gần đây, một số quốc gia như Ấn Độ đã áp dụng cơ chế này thông qua sự hợp tác giữa Viện Serum (Ấn Độ) và Oxford-AstraZeneca. Thượng viện Brazil cũng đã thông qua đề xuất áp dụng cơ chế li xăng không tự nguyện đối với các sáng chế về vaccine, bộ dụng cụ chẩn đoán và điều trị bằng thuốc cho vaccine COVID-19 vào cuối tháng Tư. Trong khi đó, Ủy ban châu Âu thông báo sẽ đệ trình lên WTO đề xuất áp dụng cơ chế li xăng không tự nguyện vào tháng Bảy.
Tuy nhiên, việc quản lý theo cơ chế li xăng không tự nguyện cũng đi kèm với các điều kiện nghiêm ngặt, bao gồm:
• Cá nhân/tổ chức được cấp quyền sử dụng sáng chế phải có năng lực sử dụng trong thực tế;
• Sản phẩm chỉ được phép phục vụ nhu cầu trong nước và không được phép xuất khẩu;
• Việc áp dụng cơ chế li xăng không tự nguyện phải chấm dứt nếu lý do dẫn đến việc sử dụng cơ chế li xăng không tự nguyện trên thực tế không còn tồn tại (ví dụ: khi đại dịch Covid-19 kết thúc); …
Liệu phương pháp này có thể đặt dấu chấm hết hoàn toàn cho đại dịch?
Việc không ngừng sửa đổi và hoàn thiện các quy định có liên quan đã tháo gỡ một số vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất các thiết bị y tế cần thiết trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, trên thực tế, việc áp dụng cơ chế li xăng không tự nguyện nói dễ hơn làm. Bởi theo Hiệp định TRIPS hiện hành, nếu một quốc gia thành viên muốn nhập khẩu dược phẩm theo cơ chế li xăng không tự nguyện thì quốc gia đó phải chứng minh mình đủ điều kiện nhập khẩu.
Ví dụ, nếu Thái Lan muốn nhập khẩu một loại thuốc theo cơ chế li xăng không tự nguyện từ Ấn Độ, họ phải chứng minh rằng họ không có khả năng tự sản xuất loại thuốc đó. Sau đó, cả hai quốc gia phải gửi thông báo cho Hội đồng TRIPS về các thông tin liên quan đến số lượng sản phẩm sản xuất.
Tuy nhiên, bên cạnh cơ chế li xăng không tự nguyện, để có nhiều lựa chọn mở khác nhau khi đối phó với đại dịch Covid-19, chính phủ cần thực hiện đồng thời các giải pháp khác như:
• Thúc đẩy các thỏa thuận giữa chủ sở hữu bằng sáng chế vaccine và các doanh nghiệp sản xuất trong nước;
• Xóa bỏ các rào cản đối với xuất khẩu vaccine;
• Triển khai cơ chế COVAX (một cơ chế đa phương nhằm thúc đẩy tiếp cận toàn cầu đối với vaccine COVID-19 do Tổ chức Y tế Thế giới và Liên minh vaccine phối hợp thực hiện),…
Liên hệ với công ty luật ASL LAW để được hướng dẫn về các dịch vụ liên quan đến Luật Sở hữu trí tuệ.
BÀI VIẾT HỮU ÍCH LIÊN QUAN