Theo quy định của luật pháp Việt Nam hiện hành, người lao động sau khi nghỉ việc sẽ có khoảng thời gian 3 tháng để nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, do nhiều lí do nên trên thực tiễn, nhiều người lao động vì thời gian yêu cầu quá gấp nên đã không thể nộp đủ hồ sơ yêu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp trong khung thời gian này. Nhận thức được bất cập này, nhiều nhóm đại diện người lao động đã đề xuất kéo dài khoảng thời gian quy định nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Việt Nam, từ 3 tháng đến 12 tháng.
Điều 49 Luật Việc làm năm 2013 quy định người lao động muốn hưởng trợ cấp thất nghiệp phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:
– Đã chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc (Trừ trường hợp: Đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng.)
– Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động.
– Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động.
– Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ cho trung tâm dịch vụ việc làm (Trừ các trường hợp: Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, bị tạm giam, ra nước ngoài định cư, chết,…)
Khó khăn trong quy định 3 tháng kể từ khi chấm dứt hợp đồng, người lao động phải nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp
Trong xã hội việc làm hiện nay, nhiều lao động Việt Nam mất việc nhưng không được hưởng trợ cấp thất nghiệp do vướng quy định phải đăng ký trong vòng ba tháng kể từ ngày nghỉ làm. Việc không được tiếp cận đến khoản trợ cấp thất nghiệp trong thời gian khó khăn nhất của họ chính là đòn giáng mạnh vào kinh tế, đời sống của người lao động.
Nếu xác định được quy định 3 tháng này gây nên khó khăn trong việc tiếp cận khoản hỗ trợ của người lao động thì các cơ quan có thẩm quyền nên xem xét sửa đổi thời hạn này, vì đây là một trong các quy định không có tính hiệu quả khi áp dụng.
Việc có các quy định ảnh hưởng đến quyền lợi người lao động sẽ phần nào giảm động lực cho người lao động tham gia vào quỹ bảo hiểm xã hội. Hiện nay, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp kết dư lớn, có thời điểm gần 90.000 tỷ đồng nên vấn đề về bảo toàn quỹ không quan trọng bằng việc tạo điều kiện thu hút người lao động tích cực tham gia vào quỹ.
Nếu bỏ quy định thời gian hạn chế là 3 tháng hoặc kéo dài đến 12 tháng, người lao động sẽ an tâm tìm việc mới và ngược lại sẽ chỉ khi nào thực sự khó khăn mới làm thủ tục để được quỹ hỗ trợ, qua đó đạt được mục tiêu bảo toàn quỹ và chỉ có tác dụng trong trường hợp khẩn cấp.
Trong trường hợp người lao động thật sự cần hỗ trợ thì họ sẽ không phải tìm công việc mới, đóng bảo hiểm một tháng rồi nghỉ việc hưởng trợ cấp. Việc này đã được thực hiện nhiều lần và gây ra sự bất ổn trong thị trường việc làm, ảnh hưởng đến sự vận hành của doanh nghiệp.
Ở góc độ khác, khi người lao động gặp khó khăn về tài chính, thất nghiệp kéo dài trong thời điểm đại dịch Covid-19 xảy ra lại không được tiếp cận đến khoản trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, đành thực hiện việc rút bảo hiểm xã hội một lần, thoát hoàn toàn khỏi hệ thống.
Căn cứ Điều 50 Luật Việc làm 2013, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng chi trả cho người lao động được tính theo công thức sau: Mức hưởng hàng tháng = 60% x Bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp
Liên hệ với công ty Luật ASL LAW để được tư vấn Luật về Lao động và Việc làm.
BÀI VIẾT HỮU ÍCH LIÊN QUAN