Trong lĩnh vực phòng vệ thương mại, có ba trường hợp cơ bản các cơ quan có thẩm quyền có thể áp dụng trong lĩnh vực phòng vệ thương mại để bảo vệ quyền lợi của khối nhà sản xuất nội địa và sự phát triển ổn định của nền kinh tế là chống bán phá giá, chống trợ cấp và áp dụng biện pháp tự vệ.
Thuật ngữ phòng vệ thương mại chính là thuật ngữ được áp dụng chung để chỉ các biện pháp mà chính phủ các quốc gia, thông qua Cơ quan phòng vệ thương mại của họ (Cục phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương Việt Nam), có thể áp dụng để bảo vệ sự phát triển ổn định của nền kinh tế nội địa, tránh ảnh hưởng từ các tác nhân bên ngoài.
Các biện pháp này được quy định trong ba hiệp định riêng biệt của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), gồm Hiệp định về việc thực thi Điều VI của Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại 1994 (thường được gọi là Hiệp định Chống bán phá giá); Hiệp định về trợ cấp và các biện pháp đối kháng; và Hiệp định về các biện pháp tự vệ.
Các biện pháp trong Hiệp định chống bán phá giá và trợ cấp cho phép một thành viên WTO từ chối việc đối xử Tối huệ quốc (MFN) đối với hàng hóa cụ thể của một thành viên WTO khác trong một khoảng thời gian và tuân theo các thủ tục nhất định.
Chống bán phá giá
Bán phá giá xảy ra khi hàng hoá nước ngoài được bán cho nhà nhập khẩu với giá thấp hơn giá bán của hàng hoá tương tự tại nước xuất khẩu hoặc khi hàng hoá nước ngoài được bán cho nhà nhập khẩu ở mức giá thấp hơn tổng giá thành sản xuất của hàng hóa đó.
Việc bán giá thấp hơn giá thị trường của sản phẩm tương tự có khả năng gây thiệt hại nghiêm trọng đến ngành sản xuất nội địa của quốc gia nhập khẩu, qua đó tác động đến sự vận hành ổn định của nền kinh tế.
Để ứng phó với tình trạng này, các quốc gia có thể áp dụng thuế chống bán phá giá, đặt thêm mức thuế lên các hàng hóa sản xuất xuất khẩu bị xác định là bán phá giá tại thị trường nội địa. Khi đó, các doanh nghiệp do bị áp thuế cao sẽ khó duy trì mức giá thành sản phẩm thấp và qua đó, sẽ giảm lượng xuất khẩu sang các quốc gia đã áp thuế chống bán phá giá với sản phẩm của họ.
Sau một thời gian áp thuế chống bán phá giá, giá thành sản phẩm bị bán phá giá sẽ trở lại bình thường, Cơ quan phòng vệ thương mại của quốc gia áp thuế sẽ tiến hành rà soát định kì theo quy định của pháp luật sở tại và các điều ước quốc tế để xem xét tăng thuế, giảm thuế hoặc chấm dứt việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá.
Chống trợ cấp
Hàng hóa được trợ cấp là hàng hóa được hưởng lợi từ hỗ trợ tài chính của chính phủ nước ngoài để gia tăng sức cạnh tranh với hàng hóa sản xuất nội địa, ảnh hưởng đến quyền lợi của bên sản xuất nội địa và sự phát triển của nền kinh tế.
Một số ví dụ về sự hỗ trợ tài chính của chính phủ nước ngoài có thể bao gồm các khoản vay với lãi suất ưu đãi, miễn và ưu đãi thuế. Khoản trợ cấp đối với hàng hóa nhập khẩu, khi gây thiệt hại cho các nhà sản xuất ở nước nhập khẩu, có thể được bù đắp bằng việc áp dụng thuế đối kháng, thuế chống trợ cấp.
Chính sách này có thể bao gồm việc áp đặt thuế quan, phạt hoặc giới hạn nhập khẩu các sản phẩm được bảo vệ hoặc được ưu đãi bởi trợ cấp.
Mục đích của chính sách chống trợ cấp trong phòng vệ thương mại là đảm bảo sự cạnh tranh công bằng và bảo vệ các lợi ích của ngành công nghiệp trong nước. Tuy nhiên, chính sách này cũng có thể gây ra tranh cãi và ảnh hưởng đến các quan hệ thương mại giữa các quốc gia.
Tự vệ
Tự vệ là biện pháp thứ ba về thương mại theo quy định của WTO. Hiệp định Tự vệ của WTO xem xét trường hợp một bên xuất khẩu sản phẩm vào một quốc gia có khả năng gây ra thiệt hại hoặc đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng đến ngành sản xuất nội địa.
Theo đó, trong trường hợp cơ quan điều tra xác định có khả năng gây ra thiệt hại nghiêm trọng đến ngành sản xuất nội địa, cơ quan phòng vệ thương mại của quốc gia đó có thể xem xét áp dụng biện pháp tự vệ, gồm thuế nhập khẩu đặc biệt hoặc hạn ngạch nhập khẩu đối với hàng nhập khẩu.
Liên hệ với công ty luật ASL LAW để được hướng dẫn về Chống Bán Phá giá Và Phòng Vệ Thương Mại.
BÀI VIẾT HỮU ÍCH LIÊN QUAN