Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) mới đây đã thông báo vào ngày 28 tháng 3 năm 2022 về việc khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ 4 quốc gia Đông Nam Á là Việt Nam, Thái Lan, Ma-lai-xi-a và Cam-pu-chia. Ngay sau đó, ngày 30 tháng 3 năm 2022, DOC đã gửi bản câu hỏi Lượng và Giá trị (Quantity & Value Questionaires) tới các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam nhằm thu thập thông tin liên quan đến vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với pin năng lượng mặt trời từ Việt Nam.
Các sản phẩm bị cáo buộc thuộc diện điều tra là tế bào và mô-đun quang điện làm từ silicon tinh thể (crystalline silicon photovoltaic cells and modules – CSPV), chủ yếu thuộc các mã HS: 8501.71, 8501.72, 8501.80, 8507.20, 8541.42 và 8541.43.
DOC cáo buộc Việt Nam lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp mà Hoa Kỳ đang áp dụng với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc.
Cụ thể, Việt Nam bị cáo buộc nhập khẩu nguyên liệu ban đầu (tấm silicon) từ Trung Quốc, gia công, lắp ráp, “thay đổi không đáng kể” để sản xuất tế bào và mô-đun quang điện xuất khẩu sang Hoa Kỳ.

Hiện mặt hàng pin năng lượng mặt trời của Trung Quốc đang bị Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá từ 15,85% đến 238,95% và thuế chống trợ cấp từ 11,97% đến 15,24%.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) khởi xướng điều tra dựa trên đơn tố cáo của một nhóm của các nhà sản xuất năng lượng Hoa Kỳ, được gọi là American Solar Manufacturers Against Chinese Circumvention (A-SMACC). Các nguyên đơn cáo buộc các doanh nghiệp Việt Nam lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp mà Hoa Kỳ đang áp dụng với sản phẩm pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Trung Quốc.
Hoa Kỳ ban hành bản câu hỏi về Lượng và Giá trị
Sau khi khởi xướng điều tra, ngày 30 tháng 3 năm 2022, DOC đã gửi bản câu hỏi Lượng và Giá trị (Quantity & Value Questionaires) tới các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam nhằm thu thập thông tin, đánh giá về lượng và giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp Hoa Kỳ.
Kết quả trả lời của các bản câu hỏi này sẽ được làm cơ sở lựa chọn bị đơn bắt buộc trong vụ việc điều tra. Sau khi xác định được bị đơn bắt buộc, DOC sẽ ban hành các bản câu hỏi điều tra tiếp theo.
Thời hạn trả lời bản câu hỏi Lượng và Giá trị là 05 giờ chiều (giờ Hoa Kỳ) ngày 20 tháng 4 năm 2022.
Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam liên quan đến vụ việc cần chủ động phối hợp, hợp tác chặt chẽ với cơ quan điều tra Hoa Kỳ và tham gia trả lời bản câu hỏi bởi lẽ việc tự nguyện tham gia với tinh thần thiện chí, hợp tác đôi bên sẽ có tác động trực tiếp tới kết quả của vụ việc.
Trong trường hợp doanh nghiệp không tham gia trả lời bản câu hỏi hoặc không hợp tác điều tra, họ có thể bị áp mức thuế bất lợi.
Để xem nội dung chi tiết của bản câu hỏi, các doanh nghiệp có thể truy cập trang thông tin điện tử của DOC: http://access.trade.gov, hoặc liên hệ với Cục PVTM để nhận bản câu hỏi.
Trong trường hợp vì các lí do khách quan mà doanh nghiệp xét thấy không thể hoàn thành và nộp bản trả lời câu hỏi đúng hạn, họ có thể xin gia hạn thời gian trả lời bằng cách gửi Thư xin gia hạn tới DOC, có nêu rõ lý do và đề xuất thời gian gia hạn.
Tại Việt Nam, mặt hàng pin năng lượng mặt trời đã được Bộ Công Thương nhiều lần liên hệ cảnh báo với các doanh nghiệp, thậm chí còn đưa mặt hàng này vào danh sách cảnh báo sớm các mặt hàng có nguy cơ bị nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại.
Theo đó, đối với vụ điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp với pin năng lượng mặt trời nhập khẩu từ Việt Nam, các doanh nghiệp cần chủ động tham gia hợp tác, trả lời các bản câu hỏi của DOC, cung cấp thông tin đầy đủ, đúng thời hạn, đúng thể thức.
Nếu gặp bất kì khó khăn nào trong quá trình, doanh nghiệp Việt có thể liên hệ với Cục Phòng Vệ Thương Mại để nhận thêm thông tin, hướng dẫn và tư vấn.
Liên hệ với công ty luật ASL LAW để được hướng dẫn về Chống Bán Phá giá Và Phòng Vệ Thương Mại.
BÀI VIẾT HỮU ÍCH LIÊN QUAN