Bản quyền, đào tạo bản quyền

Thu tác quyền âm nhạc qua TV ở khách sạn: Dừng thu nhưng chưa dừng tranh cãi

Mặc dù việc thu tiền tác quyền đối với các TV sử dụng trong phòng lưu trú của các khách sạn của Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã được Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch – VHTT&DL) yêu cầu tạm dừng nhưng tính pháp lý của sự việc này vẫn tiếp tục gây tranh cãi trong dư luận.

Đúng luật…

Lý do để Cục Bản quyền tác giả yêu cầu VCPMC tạm dừng việc thu tác quyền đối với các TV đặt trong phòng ngủ của các khách sạn là do chưa xác định được cụ thể các tác phẩm âm nhạc được khai thác sử dụng trong lĩnh vực này thuộc sở hữu của các hội viên mà VCPMC đại diện. Cục trưởng Bản quyền tác giả Bùi Nguyên Hùng cũng khẳng định việc làm của VCPMC là đúng các quy định của Điều 33 Luật Sở hữu trí tuệ và Điều 35 Nghị định 100 cũng như các công ước quốc tế về quyền tác giả và quyền liên quan.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương – Giám đốc VCPMC cho rằng: “Quyền tài sản của tác giả đối với tác phẩm bao gồm nhiều loại quyền như quyền biểu diễn, quyền sao chép, quyền được kiểm soát khi tác phẩm được sử dụng trong lĩnh vực phát sóng, quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng… Trong các nội dung được phát sóng trên truyền hình, có rất nhiều nội dung sử dụng tác phẩm âm nhạc. Các khách sạn sử dụng TV trong các phòng lưu trú là để phục vụ mục đích kinh doanh. Bất cứ vị khách nào sử dụng phòng khách sạn có TV đều có quyền sử dụng các tác phẩm âm nhạc được phát trên các chương trình TV. Vì vậy, việc thu phí đối với TV trong khách sạn là thu phí quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng”.

… hay sai đối tượng?

Mặc dù Cục Bản quyền tác giả khẳng định là “đúng luật” nhưng tính pháp lý của việc thu tác quyền âm nhạc đối với các phòng lưu trú có sử dụng TV của các khách sạn vẫn đang gây nhiều tranh cãi.

Luật sư Lê Cao – Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng cho rằng: “Các khách sạn chỉ sử dụng TV như một vật dụng bình thường và rõ ràng họ không đặt hàng các nhà đài phải phát bài nhạc gì cho mục đích kinh doanh của họ. Việc thụ hưởng các tác phẩm âm nhạc của khách lưu trú nếu có là thụ động. Khách sạn cũng không chủ động trong việc sử dụng tác phẩm để trình chiếu cho khách lưu trú. Vậy làm sao có thể quy cho họ đang thực hiện quyền biểu diễn âm nhạc trước công chúng được? Do đó, theo nội dung của Luật Sở hữu trí tuệ và đối chiếu thực tế thì nên hiểu là các đài truyền hình mới là bên sử dụng quyền biểu diễn tác phẩm, là người chủ động trình chiếu tới công chúng… Nếu có thu tiền tác quyền thì phải thu ở các nhà đài mới đúng đối tượng”.

Ngược lại, việc thu phí của VCPMC lại nhận được sự ủng hộ của luật sư Phạm Duy Khương, Giám đốc Công ty SB. Luật sư Khương cho rằng: “Theo Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ quy định về quyền tài sản của Quyền tác giả bao gồm nhiều loại quyền, trong đó có “Quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng” và “Quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác”. Và như vậy, theo luật sư Khương, VCPMC chỉ sai khi Đài Truyền hình đã “mua đứt” quyền của chủ sở hữu quyền tác giả đối với quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng (tức là mua quyền biểu diễn và được quyền bán lại quyền biểu diễn này cho tất cả những người sử dụng dịch vụ của đài truyền hình). Còn nếu Đài Truyền hình không “mua đứt” thì về lý thuyết VCPMC có quyền yêu cầu bất cứ ai sử dụng TV thanh toán tiền cho quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng (trừ trường hợp sử dụng tại gia đình).

Cần minh bạch

Tạm gác lại tranh cãi về tính pháp lý của sự việc trên, nhìn rộng ra thì tính minh bạch, chính xác trong việc thu và phân phối tác quyền của VCPMC vẫn là điều mà Trung tâm này sau 15 năm hoạt động, vẫn chưa có được câu trả lời thỏa đáng. Mặc dù đã có được hợp đồng ủy thác của hàng nghìn nhạc sĩ trong nước và hàng triệu nhạc sĩ quốc tế (thông qua các ký kết song phương với nhiều tổ chức đại diện tập thể về quyền tác giả âm nhạc trên thế giới), VCPMC vẫn chưa phải là đại diện của tất cả các tác giả âm nhạc trong nước và quốc tế. Bởi vậy, khi tiến hành thu tác quyền kiểu “trọn gói” ở nhiều lĩnh vực như truyền hình, karaoke, vận tải, các địa điểm công cộng…, VCPMC đã thu tác quyền của cả những tác giả không ủy quyền cho Trung tâm.

Đây là một vấn đề lớn mà VCPMC cần có trách nhiệm làm rõ. Thiết nghĩ, cùng với việc tạm dừng thu tác quyền đối với các phòng khách sạn có sử dụng TV, Cục Bản quyền tác giả cũng cần yêu cầu tạm dừng thu tác quyền ở nhiều lĩnh vực khác cho đến khi VCPMC xác định được tác phẩm âm nhạc nào được khai thác, sử dụng của tác giả/chủ sở hữu là hội viên của Trung tâm.

Nguồn Nhandan.com.vn

Contact Me on Zalo
+84982682122
WhatsApp chat