Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phức tạp ngày càng gia tăng của các giao dịch thương mại quốc tế, việc giải quyết tranh chấp đã trở thành một vấn đề hết sức quan trọng và đôi khi đầy thách thức đối với các doanh nghiệp. Trước nhu cầu cấp thiết này, một xu hướng mới đã nổi lên và thu hút sự chú ý của giới luật sư và các doanh nghiệp trên toàn thế giới: Third Party Funding (TPF) – tức là Tài trợ của bên thứ ba.
Đây là một cơ chế mà theo đó một bên thứ ba không liên quan trực tiếp đến vụ tranh chấp cung cấp tài chính để hỗ trợ một bên tham gia tranh chấp, đổi lại việc nhận lại một phần lợi ích từ kết quả của vụ kiện. Xu hướng này không chỉ mang lại những cơ hội mới cho việc tiếp cận công lý, đặc biệt là đối với các bên có nguồn lực tài chính hạn chế, mà còn tạo ra nhiều thách thức và vấn đề pháp lý cần được giải quyết.
Bài viết này sẽ đi sâu vào phân tích tính chất của TPF, quy định pháp lý và đề xuất xây dựng hình thức này ở Việt Nam trong bối cảnh tranh chấp thương mại quốc tế ngày càng gia tăng, đồng thời đánh giá những lợi ích và rủi ro mà nó mang lại.
Third Party Funding – Tài trợ bên thứ ba
Tuy không có quy định chính thức về mô hình này cũng như không có bản dịch chính thức song mô hình Third Party Funding có thể được tạm dịch là Tài trợ bên thứ ba.
Khái niệm của TPF là trong một vụ tranh chấp pháp lý, một bên với tư cách là nhà tài trợ chuyên nghiệp sẽ thiết lập thỏa thuận giữa họ với khách hàng có thể là nguyên đơn hoặc bị đơn trong vụ kiện, nhưng trong phần lớn vụ việc thực tế bên được tài trợ sẽ là nguyên đơn.
Theo thỏa thuận, nhà tài trợ sẽ chi trả, tài trợ một phần hoặc toàn phần chi phí pháp lý khách hàng phải chi trả để vụ kiện được tiến hành, đổi lấy lợi ích cụ thể, thường là khoản tiền bồi thường, tài sản khách hàng thu hồi được từ vụ kiện.
Trong trường hợp khách hàng là bên thua trong vụ kiện, tức không nhận được bất kì khoản bồi thường nào thì họ sẽ không phải hoàn trả số tiền tài trợ và đương nhiên cũng không phải chi trả bất kì lợi ích đã thỏa thuận với nhà tài trợ.
Trong thực tế áp dụng tại các quốc gia phương Tây, hình thức TPF thường được chia làm hai loại là tài trợ thương mại và tài trợ tiêu dùng.
Các thỏa thuận tài trợ thương mại phổ biến nhất là giữa các nhà tài trợ là doanh nghiệp tư nhân hoặc các công ty luật và các đương sự trong tranh chấp, có thể là nguyên đơn, bị đơn. Trong các vụ việc này, với yêu cầu là cung cấp kinh phí pháp lý đổi lại một phần phán quyết bồi thường của Tòa án nếu khách hàng thắng, nhà tài trợ thường có thể thu về khoản tiền lên đến hàng triệu USD mỗi vụ.
Ngược lại, các thỏa thuận tài trợ tiêu dùng thường ít phổ biến hơn, được thiết lập giữa nhà tài trợ và các cá nhân để cung cấp chi phí tiêu dùng cho họ. Thông thường, các cá nhân này thường là nguyên đơn trong các vụ kiện thương tích cá nhân, yêu cầu bồi thường từ một tổ chức nào đó. Khoản tiền tài trợ trong các vụ này thường khá nhỏ, dưới 10 nghìn USD. Nguyên đơn sẽ sử dụng khoản tiền này để trang trải chi phí sinh hoạt và khi nguyên đơn thắng kiện, họ sẽ phải trả một phần khoản tiền thắng được cho nhà tài trợ.
Từ phía nhà tài trợ…
Thường là các công ty tư nhân nhận vốn từ các nhà đầu tư, các công ty này sau đó sẽ sử dụng khoản vốn đầu tư này để tiếp tục đầu tư vào các hình thức sinh lời khác. Trong trường hợp này là đầu tư vào khả năng khách hàng của họ có thể thắng kiện.
Hình thức đầu tư này rất phù hợp với các công ty mong muốn mở rộng danh mục đầu tư của mình, không còn phụ thuộc vào các hình thức đầu tư truyền thống như cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ, bất động sản, vàng.
Với hình thức TPF, các doanh nghiệp hiểu sâu về pháp lý và thẩm định, định giá tài sản của khách hàng có thể có tỉ lệ thắng cao hơn các hình thức đầu tư khác, cũng như có khả năng thu hồi các khoản đầu tư với biên lợi nhuận tốt hơn.
Về phương pháp hoạt động cụ thể, nhà tài trợ có thể thỏa thuận chi trả các khoản phí và chi phí pháp lý liên quan đến vụ kiện trên cơ sở không truy đòi nếu vụ kiện thất bại. Trong trường hợp kiện thành công thì họ sẽ được lấy một phần lợi ích từ tổng bồi thường khách hàng họ nhận được.
Tuy nhìn chung nhà tài trợ là bên có lợi hơn nhưng với tính chất rằng mọi hình thức đầu tư đều có tỉ lệ rủi ro nhất định, họ cũng có thể mất hoàn toàn số tiền tài trợ nếu vụ kiện không thành công, khách hàng của họ thua kiện.
Ngoài mục đích đầu tư kiếm lời, TPF cũng có thể là một công cụ để các doanh nghiệp này sửa soạn báo cáo tài chính, bảng cân đối kế toán để cân bằng mức chi, mức tiêu, đầu ra, đầu vào,…
Từ phía bên nhận tài trợ…
Chi phí cho các thủ tụng tố tụng, điển hình như Trọng tài hoặc Tòa án thường khá tốn kém, không thể dự kiến trước chi phí phát sinh cũng như thời gian xử lý, dẫn đến rủi ro cao. Một cá nhân, thậm chí một số doanh nghiệp nhỏ và vừa, thường không đủ nguồn lực tài chính để theo đuổi một vụ kiện kéo dài.
Các chi phí pháp lý không chỉ bao gồm phí luật sư mà còn có các chi phí khác như phí trọng tài, phí tòa án, chi phí chuyên gia, và các chi phí điều tra bổ sung. Những khoản chi này có thể leo thang một cách nhanh chóng, tạo ra gánh nặng tài chính lớn đối với bên kiện tụng.
Chính vì vậy mà việc tìm đến nguồn tài trợ từ các bên thứ ba qua hình thức TPF có thể là lựa chọn duy nhất để họ tiếp cận đến các phương pháp giúp họ bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình. TPF không chỉ giúp bên nhận tài trợ có đủ nguồn lực tài chính để tiếp tục theo đuổi vụ kiện mà còn giúp họ giảm thiểu rủi ro tài chính nếu vụ kiện không thành công, vì nhà tài trợ sẽ chịu trách nhiệm về các chi phí phát sinh.
Trong nhiều trường hợp, việc có hỗ trợ từ TPF còn có thể là động lực để bên yếu thế về mặt tài chính có thể đứng lên chống lại các doanh nghiệp khổng lồ thường có xu hướng sử dụng tiềm năng tài chính cao để chèn ép, dùng ‘án phí’ để xóa bỏ các cáo buộc nhằm vào họ, thay vì dùng lập luận, lí lẽ, công bằng, tạo ra một môi trường cạnh tranh không công bằng.
Bên cạnh đó, việc có một nhà tài trợ thứ ba còn có thể mang lại uy tín và sự tự tin cho bên nhận tài trợ, vì nhà tài trợ thường sẽ chỉ đầu tư vào những vụ kiện mà họ đánh giá có khả năng thắng cao. Điều này cũng có thể thúc đẩy các bên liên quan đến tranh chấp đạt được thỏa thuận hoặc giải quyết nhanh chóng hơn, nhờ vào sự hiện diện của một bên thứ ba có hiểu biết sâu sắc và cam kết về tài chính.
Góc nhìn pháp lý về hoạt động Tài trợ bên thứ ba tại Việt Nam
Do hình thức TPF mới xuất hiện trong những năm gần đây và chưa phổ biến toàn cầu nên Việt Nam hiện nay chưa có bất kỳ quy định chính thức hoặc phi chính thức nào về lĩnh vực Third Party Funding hay Tài trợ bên thứ ba trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Theo đó, trong hoạt động tố tụng trọng tài và tòa án, dù các bên tranh chấp có sự tham gia của các chủ thể với cương vị như bên thứ ba tài trợ hoặc có quan hệ tài chính với các đương sự thì Việt Nam cũng không thể xét xử các bên này như TPF do chưa có quy định pháp luật.
Dẫu vậy, với việc Việt Nam chủ động tiến tới gia nhập, ký kết các hiệp định thương mại quốc tế trong thời gian gần đây có nội dung về quan hệ tài trợ (Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA)), việc Việt Nam xem xét nghiên cứu, nội luật hóa các quy định chi tiết về các hình thức tài trợ, bao gồm tài trợ pháp lý qua TPF là cần thiết.
Điều 3.28, Mục B, Chương III của EVIPA(4) quy định Tài trợ bên thứ ba là khi một thể nhân hoặc pháp nhân không có quan hệ tranh chấp trực tiếp ký kết một thỏa thuận tài trợ với bên nhận tài trợ là một bên có tham gia tranh chấp. Nội dung thỏa thuận phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí của các bên, dựa trên nguyên tắc tự do, độc lập, không cưỡng ép.
Nhà đầu tư, tài trợ có thể chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí tố tụng, thông qua các hình thức khác nhau và lợi ích họ có thể nhận được có thể là một phần liên quan đến khoản bồi thường khi bên nhận tài trợ thắng tranh chấp hoặc một khoản tiền cố định, tùy thuộc vào kết quả đàm phán của các bên.
Ngoài ra, EVIPA cũng có quy định bên nhận tài trợ phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền về sự tồn tại và nội dung của thỏa thuận tài trợ, kèm theo tên và địa chỉ của nhà tài trợ, cũng như các quy định liên quan khác.
Dù Việt Nam đã có cam kết khi gia nhập các hiệp ước quốc tế nhưng việc nội luật hóa các quy định sao cho phù hợp với bối cảnh Việt Nam không phải là vấn đề có thể dễ dàng được giải quyết. Chính vì vậy mà hiện tại Việt Nam vẫn chưa có quy định nào về TPF hoặc các hình thức tài trợ tương tự dù thực tiễn đã ghi nhận nhiều vụ kiện có tính chất tài trợ tương tự với TPF trong thời gian gần đây.
Dù các vụ kiện vẫn được xét xử nhưng các bên tài trợ không được ghi nhận là TPF, dẫn đến nhiều khó khăn, bất cập trong quá trình giải quyết.
Nổi bật nhất là vụ Luật gia Đặng Đình Thịnh tranh chấp tiền hứa thưởng với thân chủ, được Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM tuyên chấp nhận kháng cáo của luật gia Thịnh, buộc bị đơn thực hiện hợp đồng hứa thưởng như đã ký để thay mặt mình thực hiện các thủ tục để lấy lại căn nhà, với giá trị 113 tỷ đồng, thay vì 68 tỷ đồng theo tuyên án của tòa sơ thẩm.
Việc Tòa án nhân dân cấp cao TP.HCM tuyên nhận luật gia Thịnh thắng kiện yêu cầu bồi thường 113 tỷ đồng là minh chứng rõ ràng nhất về việc Việt Nam thừa nhận tính hợp pháp của các thỏa thuận ngoài tranh chấp, mang bản chất tài trợ của một bên thứ ba.
Đây là một động lực quan trọng để Việt Nam tiến tới xây dựng bộ cơ chế pháp lý đầy đủ và rõ ràng để điều chỉnh quan hệ tài trợ của bên thứ ba trong các tranh chấp thương mại tại Việt Nam và quốc tế, qua đó có thể hợp pháp hóa hình thức tài trợ này, giảm tải gánh nặng chi phí của quy trình trọng tài, tố tụng tại Tòa án cho các đương sự, đồng thời tìm ra các nhược điểm hiện có khi áp dụng TPF trong thực tế và đưa ra các giải pháp khắc phục.
Xây dựng, phát triển quy định về Tài trợ bên thứ ba tại Việt Nam
Như phân tích bên trên, hiện tại Việt Nam đã có một số vụ tranh chấp có thỏa thuận mang bản chất Tài trợ bên thứ ba, có xu hướng tăng dần theo thời gian khi hình thức này ngày càng phổ biến tại Việt Nam và quốc tế. Dẫu vậy, việc chưa có quy định chi tiết về Tài trợ bên thứ ba có khả năng sẽ ảnh hưởng đến việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến lĩnh vực này.
Để xây dựng khung pháp lý về TPF tại Việt Nam, cơ quan soạn thảo nên xem xét nội dung các hiệp ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia liên quan về TPF, qua đó xem xét nội luật hóa những quy định phù hợp hoặc học hỏi, điều chỉnh để sau đó triển khai áp dụng bản sửa đổi.
Đồng thời, Việt Nam có thể xem xét kinh nghiệm của các quốc gia có tình hình kinh tế – xã hội tương đồng với Việt Nam trong lĩnh vực tài trợ pháp lý. Điển hình, Singapore và Hong Kong là hai khu vực pháp lý có sự phát triển vượt bậc về mô hình pháp lý TPF. Ban đầu, hai quốc gia này nghiên cứu quy định quốc tế về tài trợ rồi dần dần triển khai áp dụng từng nội dung một, đánh giá và xem xét những điểm tương đồng, loại bỏ những bất cập.
Sự thận trọng này là điều kiện cần thiết để mở rộng và phát triển thành công mô hình TPF như ta thấy hôm nay tại hai khu vực này. Một số nội dung nổi bật Việt Nam có thể nghiên cứu áp dụng bao gồm:
Thứ nhất, thiết lập quy định chi tiết về điều kiện của nhà tài trợ trong giao dịch, đặc biệt ở mục năng lực tài chính của nhà tài trợ.
Để đảm bảo nhà tài trợ có đủ điều kiện để cung cấp tài chính cho các đương sự trong vụ tranh chấp, trước hết cần đảm bảo nhà tài trợ có đủ điều kiện để hoạt động với cương vị là nhà tài trợ. Không chỉ điều kiện về tài chính, bên thứ ba phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định pháp luật mới được phép cung cấp tài trợ. Định rõ tiêu chí để bên thứ ba đáp ứng tiêu chí trở thành nhà tài trợ trong thủ tục tố tụng sẽ là một giải pháp hiệu quả, giúp Việt Nam xây dựng mô hình TPF bền vững trong tương lai.
Về năng lực tài chính, các nhà tài trợ phải duy trì một nguồn vốn tối thiểu để bảo đảm khả năng thực hiện tài trợ. Mức vốn tối thiểu này sẽ linh hoạt tùy theo điều kiện kinh tế – xã hội của từng quốc gia, không có chuẩn chung quốc tế nào có thể phù hợp. Các quốc gia có thể điều chỉnh mức vốn tùy thuộc vào xu hướng phát triển kinh tế của mình.
Việc xác định mức vốn tối thiểu cho các nhà tài trợ không chỉ đảm bảo rằng các nhà tài trợ bên thứ ba có đủ năng lực tài chính để thực hiện cam kết của mình, mà còn giúp ngăn chặn và loại bỏ các chủ thể yếu kém khỏi thị trường, tránh trường hợp tranh chấp đang được tiến hành giải quyết thì vấn đề về kinh tế lại là rào cản.
Thứ hai, quy định chi tiết về số tiền tài trợ và mục đích tài trợ, lợi ích thu được từ việc tài trợ.
Các khoản tài trợ mà nhà tài trợ cung cấp cho đương sự trong tranh chấp cần được nêu rõ trong thỏa thuận/hợp đồng tài trợ, nêu rõ trách nhiệm pháp lý đối với các bên trong tất cả các trường hợp có thể xảy ra.
Điển hình, về phía bên nhận tài trợ, cần quy định rõ bên tài trợ không yêu cầu truy thu số tiền tài trợ cũng như không có khoản tiền bồi thường nào phải trả trong trường hợp thua kiện. Nếu thắng kiện cần ghi rõ số tiền nhà tài trợ sẽ nhận được, tránh rắc rối như vụ luật gia Thịnh bên trên có mâu thuẫn về hứa thưởng ‘giá trị đương sự thắng được’ ở mức 68 tỷ đồng và ‘giá trị toàn bộ nhà đất’ ở mức 113 tỷ đồng.
Một số loại phí khác cần lưu ý bao gồm phí bảo hiểm, phí trọng tài, phí luật sư, phí nhân chứng, phí chuyên gia, dự phòng rủi ro, chi phí bất lợi,… cũng đều cần ghi rõ trong hợp đồng. Tuy nhiên, tổng thể thì pháp luật sẽ khó có thể có quy định cứng rắn mà sẽ đề cao, tôn trọng sự tự do thỏa thuận giữa các bên.
Thứ ba, quy định về công bố và bảo mật thông tin.
Trong thỏa thuận TPF, một số nội dung cần được công bố công khai nhưng cũng có một số nội dung cần được tuyệt đối bảo mật.
Điển hình, nội dung, thông tin được công bố công khai cho công chúng bao gồm sự tồn tại của thỏa thuận tài trợ và danh tính của nhà tài trợ, bao gồm các thông tin cơ bản như tên, địa chỉ của nhà tài trợ. Tại một số quốc gia, yêu cầu công bố thông tin không chỉ nhằm đảm bảo minh bạch, tránh rủi ro cho các bên mà còn để đảm tránh xung đột lợi ích, đảm bảo tính khách quan của phiên tòa/trọng tài.
Tuy nhiên, bên nhận tài trợ không phải công bố toàn bộ nội dung của thỏa thuận tài trợ. Một số nội dung cần được bảo mật. Đây là nghĩa vụ của cả bên nhận tài trợ và bên tài trợ.
Điều đó có nghĩa là các bên trong tranh chấp thương mại sẽ bị giới hạn việc cung cấp thông tin cho nhà tài trợ, dẫn đến hệ quả là ít có nhà tài trợ tiềm năng chấp thuận tài trợ cho vụ kiện, vì nhà tài trợ với cương vị là các nhà đầu tư cần phải đánh giá được khả năng thành công hoặc thất bại khi quyết định đầu tư, điều mà khó có ai làm nếu chỉ nhận được các thông tin cơ bản.
Nếu không có đầy đủ thông tin chi tiết để họ đánh giá, thẩm định khả năng thành công, họ sẽ không lựa chọn đầu tư, tài trợ vốn cho các bên tranh chấp.
Qua đó, khi soạn thảo quy định về công bố và bảo mật thông tin, cơ quan soạn thảo cần tìm được điểm cân bằng giữa các thông tin có thể công bố công khai và các thông tin cần giữ bí mật để đảm bảo quyền lợi cho các bên. Nếu quy định về bảo mật là quá chặt, sẽ dễ dẫn đến tình trạng thực tiễn triển khai TPF khó khả thi.
ASL Law là công ty luật độc lập và cung cấp đầy đủ dịch vụ được tín nhiệm cao của Việt Nam gồm các luật sư giàu kinh nghiệm và tài năng. ASL Law được Legal500, Asia Law, WTR và Asia Business Law Journal. xếp hạng là Công ty Luật hàng đầu tại Việt Nam. Có trụ sở tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mục đích chính của ASL LAW là cung cấp lời tư vấn và giải pháp lý thiết thực, hiệu quả và hợp pháp nhất cho khách hàng trong nước và quốc tế. Nếu cần sự trợ giúp, Quý khách hàng có thể gửi email liên hệ tới [email protected].
Liên hệ với công ty Luật ASL LAW để được tư vấn về tranh tụng và giải quyết tranh chấp.
BÀI VIẾT HỮU ÍCH LIÊN QUAN