Chế độ Third Party Funding (TPF) trong hoạt động trọng tài thương mại đang trở thành một yếu tố quan trọng và ngày càng được quan tâm trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp thương mại toàn cầu. TPF cho phép bên tranh chấp nhận được tài trợ từ một bên thứ ba không liên quan trực tiếp đến tranh chấp, nhằm trang trải chi phí pháp lý và các chi phí liên quan đến quy trình trọng tài.
Điều này mở ra cơ hội cho các bên tranh chấp, đặc biệt là những bên có nguồn lực tài chính hạn chế, có thể tiếp cận và theo đuổi các vụ kiện trọng tài mà không phải lo lắng về gánh nặng chi phí. Tuy nhiên, sự xuất hiện của TPF cũng mang đến nhiều vấn đề pháp lý và đạo đức cần được xem xét kỹ lưỡng, từ việc bảo đảm tính minh bạch, công bằng của quá trình trọng tài đến những ảnh hưởng tiềm ẩn đến quyền lợi của các bên tham gia. Bài viết này sẽ đi sâu vào việc phân tích tác động của chế độ TPF trong hoạt động trọng tài thương mại, từ những lợi ích mà nó mang lại đến những thách thức và rủi ro cần được quản lý.
Về mô hình Tài trợ bên thứ ba (Third Party Funding)
Trong bối cảnh thương mại quốc tế ngày càng hội nhập, toàn cầu hóa, các cuộc tranh chấp thương mại diễn ra ngày càng phổ biến, tạo điều kiện để các cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư như trọng tài thương mại quốc tế ngày càng phát triển.
Trong nhiều vụ việc, vì hạn chế về nguồn vốn khi phải giải quyết tranh chấp với các doanh nghiệp lớn có dư dả chi phí để theo đuổi một vụ kiện kéo dài, bên tranh chấp với nguồn vốn hạn chế, thường là cá nhân, doanh nghiệp nhỏ, có thể sẽ cần trợ giúp về tài chính để có thể kiên trì theo đuổi việc giải quyết vụ kiện.
Đó chính là tiền đề để cơ chế Tài trợ bên thứ ba (Third Party Funding) xuất hiện và dần phổ biến trong các vụ tranh chấp. Về tính chất, trong một vụ tranh chấp pháp lý, một bên với tư cách là nhà tài trợ chuyên nghiệp sẽ thiết lập thỏa thuận TPF với khách hàng, chi trả, tài trợ một phần hoặc toàn phần chi phí pháp lý khách hàng phải chi trả để vụ kiện được tiến hành, đổi lấy lợi ích cụ thể, thường là khoản tiền bồi thường, tài sản khách hàng thu hồi được từ vụ kiện.
Khách hàng ở đây có thể là nguyên đơn hoặc bị đơn trong vụ kiện, nhưng trong phần lớn vụ việc thực tế bên được tài trợ sẽ là nguyên đơn.
Theo thống kê, ước tính đến năm 2018, thị trường TPF cho thủ tục tố tụng đã có giá trị ước tính vào khoảng 50 đến 100 tỷ USD. Từ đó đến nay, mô hình TPF ngày càng phát triển và lan rộng, thu hút được sự chú trọng của nhiều nhà đầu tư mạo hiểm, dần coi đây là một hình thức đầu tư mới thiên hướng về pháp lý, tỉ lệ rủi ro có thể được kiểm soát tốt hơn các hình thức đầu tư thông thường.
Điều này là vì khác với các hình thức đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu, vàng, tài sản ảo,… có thể phụ thuộc vào sự biến động của thị trường toàn cầu, hình thức đầu tư vào TPF chỉ yêu cầu nhà tài trợ có khả năng phân tích tỉ lệ thắng kiện của khách hàng mà họ tài trợ, tùy thuộc vào sự am hiểu về hệ thống pháp lý và vụ việc cụ thể.
Về lợi nhuận, theo thống kê không chính thức thì đối với mỗi vụ đầu tư TPF, nhà tài trợ có thể nhận về đầy đủ khoản vốn đã bỏ ra cộng thêm khoản lãi dao động từ 60% đến 500% số vốn đã bỏ ra. Bên nhận tài trợ sẽ không phải bỏ ra bất kì chi phí nào trong quá trình giải quyết tranh chấp, đồng thời cũng sẽ nhận được một phần tiền khi thắng, điều vốn dĩ có thể không có nếu không có sự hỗ trợ của nhà tài trợ về tài chính từ ban đầu.
Thỏa thuận tài trợ sẽ phụ thuộc vào thỏa thuận riêng giữa bên tranh chấp và nhà tài trợ song trong phần lớn các hợp đồng TPF hiện tại, kể cả khi bên được tài trợ thua kiện thì họ cũng sẽ không phải trả bất kì chi phí nào. Điều này bảo đảm sự an toàn cho bên tranh chấp, khuyến khích họ chủ động thực hiện các hành động pháp lý để đảm bảo quyền lợi của mình.
Quy định pháp luật Việt Nam về mô hình tài trợ TPF trong tố tụng trọng tài thương mại
Trên thị trường quốc tế, với góc nhìn phổ biến rằng TPF là một trong các công cụ hiệu quả nhất để các bên tranh chấp khó khăn về tài chính có thể tiếp cận công lý, hình thức TPF đã dần được các nhiều quốc gia nội luật hóa trong hệ thống pháp luật của họ. Điển hình, một số quốc gia như Hong Kong, Singapore, Anh, Úc, Trung Quốc đều có hệ thống pháp lý đề cập hoặc hợp thức hóa mô hình TPF.
Nhiều trung tâm trọng tài quốc tế cũng đã đặt ra các bộ luật, hướng dẫn, quy định thi hành liên quan đến TPF để sớm chuẩn bị khi quy định về TPF được nội luật hóa, hoặc khi có tranh chấp có sự tài trợ của bên thứ ba. Ngoài ra, việc thi hành phán quyết trọng tài quốc tế được thừa nhận rộng rãi qua cơ chế công nhận và thi hành phán quyết của Công ước New York 1958 cũng góp phần đẩy mạnh sự phát triển của TPF.
Vì Việt Nam cũng là một thành viên của Công ước New York nên xu hướng phát triển quy định về TPF cũng nên sớm được nội luật hóa, song hành với căn cứ để công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài cũng như từ chối công nhận phán quyết trọng tài nước ngoài tại Việt Nam được thảo luận chi tiết trong hội thảo “Kinh nghiệm giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài quốc tế tại Singapore và thi hành phán quyết trọng tài tại Việt Nam”.
Hiện nay, Luật Trọng tài thương mại 2010 số 54/2010/QH12 (“Luật Trọng tài thương mại 2010”) không có quy định nào về việc một bên thứ ba không liên quan trực tiếp đến vụ việc có thể tài trợ tài chính cho các bên đang trong tranh chấp. Các bên thứ ba được quy định trong luật chỉ giới hạn tại những bên có thể bị ảnh hưởng về quyền và lợi ích từ vụ tranh chấp do hệ quả của quá trình tố tụng.
Tuy nhiên, nếu nhìn theo hướng ngược lại, Luật Trọng tài thương mại 2010 cũng không có quy định nào cấm việc một bên thứ ba có thể tài trợ cho việc giải quyết tranh chấp qua trọng tài thương mại. Các đương sự vẫn được đảm bảo quyền tự do định đoạt các vấn đề liên quan đến vụ kiện, bao gồm thỏa thuận với bên tranh chấp còn lại về việc hòa giải hoặc tìm đến sự hỗ trợ về tài chính của một bên thứ ba qua TPF.
Không chỉ pháp luật về trọng tài thương mại mà Việt Nam hiện nay chưa có bất kỳ quy định chính thức hoặc phi chính thức nào về lĩnh vực Tài trợ bên thứ ba trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Theo đó, trong hoạt động tố tụng trọng tài và tòa án, dù các bên tranh chấp có sự tham gia của các chủ thể với cương vị như bên thứ ba tài trợ hoặc có quan hệ tài chính với các đương sự thì Việt Nam cũng không thể xét xử các bên này như TPF do chưa có quy định pháp luật.
Điều này gây nên nhiều khó khăn vì trong thực tiễn hiện nay Việt Nam đã có một số vụ tranh chấp có thỏa thuận mang bản chất Tài trợ bên thứ ba, có xu hướng tăng dần theo thời gian khi hình thức này ngày càng phổ biến tại Việt Nam và quốc tế. Dẫu vậy, việc chưa có quy định chi tiết về Tài trợ bên thứ ba đã ảnh hưởng nhiều đến việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến lĩnh vực này.
Để xây dựng khung pháp lý về TPF tại Việt Nam, cơ quan soạn thảo nên xem xét nội dung các hiệp ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia liên quan về TPF như Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) có nội dung về quan hệ tài trợ, qua đó xem xét nội luật hóa những quy định phù hợp hoặc học hỏi, điều chỉnh để sau đó triển khai áp dụng bản sửa đổi.
Đồng thời, Việt Nam có thể xem xét kinh nghiệm của các quốc gia có tình hình kinh tế – xã hội tương đồng với Việt Nam trong lĩnh vực tài trợ pháp lý. Điển hình, Singapore và Hong Kong là hai khu vực pháp lý có sự phát triển vượt bậc về mô hình pháp lý TPF. Ban đầu, hai quốc gia này nghiên cứu quy định quốc tế về tài trợ rồi dần dần triển khai áp dụng từng nội dung một, đánh giá và xem xét những điểm tương đồng, loại bỏ những bất cập.
Về hướng sửa đổi cụ thể, Việt Nam có thể xem xét bổ sung, sửa đổi một số đạo luật có thể điều chỉnh quy định về TPF như Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Trọng tài thương mại, đồng thời chỉ đạo các cơ quan như trung tâm trọng tài thương mại VIAC sửa đổi, cập nhật các quy tắc tố tụng.
Điều trước hết cần phải xem xét là công nhận sự tồn tại của mô hình TPF, nêu chi tiết các nội dung được phép công khai ra công chúng, nâng cao tính minh bạch của thỏa thuận TPF, ngăn chặn các vấn đề như xung đột lợi ích khi mà bên tài trợ có thể có quá nhiều quyền lực, tác động đến cách tiếp cận vụ tranh chấp của đương sự.
Lưu ý về tính minh bạch, khách quan khi có sự xuất hiện của nhà tài trợ TPF
Dù xuất hiện trong vụ tranh chấp với cương vị là bên thứ ba không trực tiếp liên quan, song các nhà tài trợ qua mô hình TPF có thể có tác động lớn đến quyết định của đương sự là khách hàng mà họ tài trợ. Điều này có thể được ghi trong hợp đồng TPF để đảm bảo khoản đầu tư của họ có tỉ lệ thu hồi vốn và sinh lời cao hơn.
Chính vì vậy mà trong nhiều trường hợp, các nhà tài trợ có thể gián tiếp hoặc trực tiếp ảnh hưởng đến các giai đoạn trong thủ tục tố tụng trọng tài. Điển hình, nếu hai bên tranh chấp được quyền thỏa thuận với nhau về chỉ định trọng tài viên, bên tài trợ có thể yêu cầu đương sự lựa chọn trọng tài viên mà họ ủng hộ hoặc có xu hướng đưa ra phán quyết có lợi cho mình. Với việc nhà tài trợ có thể tài trợ nhiều vụ tranh chấp, điều này có tỉ lệ dẫn đến xung đột lợi ích khi nhiều đương sự cùng lựa chọn một trọng tài viên.
Để đảm bảo thủ tục trọng tài được tiến hành một cách khách quan, minh bạch, không có xung đột tiềm tàng, thỏa thuận TPF cần được công bố công khai các nội dung cơ bản, như danh tính và thông tin của nhà tài trợ, thỏa thuận tài trợ và quyền hạn của nhà tài trợ đối với quyết định của đương sự.
Việc này rất quan trọng vì có thể khi các đương sự đã thỏa thuận với nhau về việc hòa giải, nhà tài trợ qua TPF có thể là nguyên nhân khiến việc hòa giải không thể được tiến hành, cùng với nhiều hệ quả khác.
Để đảm bảo sự khách quan, hiện nay nhiều trung tâm trọng tài quốc tế đã có quy định trong quy tắc tố tụng của mình về việc buộc đương sự được tài trợ phải công bố về sự tồn tại của thỏa thuận tài trợ TPF. Điển hình, Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore (SIAC) có bộ Quy tắc Trọng tài đầu tư quy định về việc hội đồng trọng tài có quyền yêu cầu công bố sự tồn tại của TPF hoặc xác định bên tài trợ, Hội đồng Lập pháp Hồng Kông có Pháp lệnh Trọng tài và Hòa giải cho phép TPF cho hoạt động trọng tài và yêu cầu bên được tài trợ phải tiết lộ bằng văn bản về thỏa thuận tài trợ.
Để đảm bảo quyền lợi của các bên tranh chấp trong hoạt động tố tụng trọng tài, Việt Nam có thể học hỏi và áp dụng một số biện pháp từ các trung tâm trọng tài quốc tế, đặc biệt chú trọng đến việc đề cao sự minh bạch, công tâm, khách quan, vô tư, phòng ngừa xung đột lợi ích.
Việt Nam có thể xây dựng các quy tắc tố tụng trọng tài cụ thể, bao gồm các quy định về công bố thỏa thuận tài trợ, quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan, và các biện pháp xử lý vi phạm, tạo ra một môi trường trọng tài công bằng và minh bạch, đồng thời tăng cường lòng tin của các bên vào hệ thống trọng tài.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nên học hỏi và hợp tác với các trung tâm trọng tài quốc tế để áp dụng những thực tiễn tốt nhất và nâng cao chất lượng hoạt động trọng tài. Bằng cách này, Việt Nam có thể nâng cao chất lượng hoạt động trọng tài và bảo vệ quyền lợi của các bên tranh chấp một cách hiệu quả và công bằng nhất có thể.
ASL Law là công ty luật độc lập và cung cấp đầy đủ dịch vụ được tín nhiệm cao của Việt Nam gồm các luật sư giàu kinh nghiệm và tài năng. ASL Law được Legal500, Asia Law, WTR và Asia Business Law Journal xếp hạng là Công ty Luật hàng đầu tại Việt Nam. Có trụ sở tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mục đích chính của ASL LAW là cung cấp lời tư vấn và giải pháp lý thiết thực, hiệu quả và hợp pháp nhất cho khách hàng trong nước và quốc tế. Nếu cần sự trợ giúp, Quý khách hàng có thể gửi email liên hệ tới [email protected].
Liên hệ với công ty Luật ASL LAW để được tư vấn về tranh tụng và giải quyết tranh chấp.
BÀI VIẾT HỮU ÍCH LIÊN QUAN