Doanh nghiệp đang đề xuất rằng thay vì phải có giấy phép hoạt động điện lực mới được hoàn thuế, các dự án năng lượng sẽ được hoàn thuế GTGT ngay khi ký hợp đồng mua bán điện.
Hiệp hội Năng lượng vừa có văn bản kêu cứu lên Thủ tướng Chính phủ về việc nhiều doanh nghiệp đầu tư vào ngành điện đang bị Tổng cục Thuế dừng hoàn thuế GTGT. Hệ quả là các doanh nghiệp hiện đứng trước nguy cơ bị truy thu và phạt tiền chậm nộp lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Bàn về vướng mắc này, ông Bùi Văn Thịnh – Chủ tịch Hiệp hội Điện gió và Mặt trời Bình Thuận, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phong điện Thuận Bình nhấn mạnh, sự hiểu biết trái chiều giữa Bộ Tài chính và Bộ Công Thương có thể dẫn đến việc nhiều nhà đầu tư điện tái tạo lên con đường phá sản.
Không được hoàn thuế giá trị gia tăng trừ khi doanh nghiệp có giấy phép hoạt động điện lực?
Hiện các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực điện tái tạo đang được hoàn thuế theo Thông tư 130/2016 của Bộ Tài chính. Việc Tổng cục Thuế ban hành văn bản số 470 ngày 25/02/2021 về việc rà soát, thu hồi và hoàn thuế GTGT đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực điện lực nộp trước thời điểm được cấp Giấy phép hoạt động điện lực là một đòn chí mạng cho các nhà đầu tư điện tái tạo.
Ông Thuận cho biết đã bị Cục Thuế tỉnh Bình Thuận yêu cầu truy thu số thuế GTGT được hoàn (10% giá trị thiết bị nhập khẩu), phạt chậm nộp 0,03%/ngày kể từ ngày hoàn thuế.
Theo giải trình của cơ quan thuế, mặc dù dự án đầu tư vào lĩnh vực điện lực là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, theo quy định của Luật thuế GTGT, các dự án này chỉ được hoàn thuế GTGT khi được cấp giấy phép hoạt động điện lực.
Mặt khác, theo Thông tư số 21/2020 ngày 9/9/2020 của Bộ Công Thương quy định về trình tự, thủ tục cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực thì “chỉ khi nhà máy đã hoàn thành đảm bảo đủ các điều kiện vận hành và được nghiệm thu mới được cấp Giấy phép hoạt động điện lực.”
Sự mâu thuẫn của các bộ luật
Đầu tư vào lĩnh vực điện tái tạo được quy định là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại Luật Đầu tư. Khi đã được quy định là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện thì việc không được cấp giấy phép hoạt động điện lực không có nghĩa là nó không còn là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện nữa.
Ngay cả Bộ Công Thương cũng đồng tình với nhận định này, thể hiện trong văn bản gửi Bộ Tài chính cũng khẳng định rằng: “Giấy phép hoạt động điện lực không phải là giấy phép kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”.

Nếu thực hiện truy thu, phạt như trên, nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực điện tái tạo sẽ phải phá sản, thua lỗ nặng. Điều này là bởi vì các chi phí đầu tư, phương án thu hồi vốn… đã được doanh nghiệp tính toán trước khi đầu tư dự án và tính đến phương án hoàn thuế GTGT.
Trong đầu tư điện tái tạo, thiết bị luôn chiếm phần vốn chủ yếu. Việc truy thu thuế VAT 10% cùng với các khoản phạt thuế có thể đẩy nhiều doanh nghiệp đến bờ vực phá sản. Đơn cử, Công ty Cổ phần Phong điện Thuận Bình hiện đang đầu tư 02 dự án điện gió với số vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng. Nếu truy thu thuế GTGT 200 tỷ đồng, doanh nghiệp sẽ chịu lỗ nặng và có thể phá sản.
Đề nghị Chính phủ thống nhất chủ trương của Luật Đầu tư với Luật Thuế GTGT và Luật Điện lực
Đối với các dự án đầu tư, ưu tiên cao nhất phải là chính sách và quy định của Luật Đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay đang có một mâu thuẫn lớn giữa các bộ luật này. Luật Đầu tư quy định rằng đầu tư điện tái tạo là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Do đó, các luật khác như Luật Thuế GTGT hay Luật Điện lực đều nên được thống nhất theo Luật Đầu tư.
Chính phủ khẩn trương trình Quốc hội sửa đổi Luật thuế GTGT để thống nhất hoàn thuế GTGT đối với doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện. Thay vì yêu cầu giấy phép hoạt động điện lực để được hoàn thuế, các dự án năng lượng được hoàn thuế giá trị gia tăng ngay khi ký Hợp đồng mua bán điện (PPA) mà không cần phải có giấy phép hoạt động điện lực.
Chính phủ nên yêu cầu các bộ ngành cùng nhau sửa đổi, thống nhất các quy định pháp luật. Các bộ cần phải thống nhất, sửa đổi quy định pháp luật theo hướng các dự án điện được hoàn thuế giá trị gia tăng trong giai đoạn đầu tư vì đây là giai đoạn nhà đầu tư cần vốn chứ không cần dự án hoàn chỉnh.
ASL LAW là một công ty tư vấn về triển khai dự án và năng lượng. Nếu bạn cần bất kỳ thông tin nào, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi.
BÀI VIẾT HỮU ÍCH LIÊN QUAN
**** Bài viết liên quan ****– Đăng ký nhãn hiệu– Đăng ký nhãn hiệu quốc tế– Sở hữu trí tuệ– 8 Sai Lầm Dễ Gặp Trong Đặt Tên Thương Hiệu – Nhãn Hiệu – Quy trình Đăng ký nhãn hiệu– Gia hạn giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu– Quy trình đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam