Liên quan đến vấn đề báo chí nêu về việc Asanzo đội lốt hàng Việt, Thủ tướng đã giao các bộ xác minh làm rõ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 30/7/2019.

Nhập linh kiện về lắp ráp, ghi xuất xứ Việt Nam, vấn đề vẫn gây nhiều tranh cãi

Luật sư Phạm Duy Khương trả lời báo Dân trí về vụ Asanzo: Các luồng ý kiến trái chiều của dư luận về việc ghi xuất xứ hàng hoá đối với hãng sản xuất tivi và đồ gia dụng Asanzo vẫn chưa chấm dứt. Mặc dù cơ quan chức năng chưa có kết luận chính thức về vụ việc, nhưng tới 95% hệ thống phân phối đã ngưng bán hàng. Phía Công ty Asanzo vẫn cho là mình không sai và còn đề nghị Tổng cục quản lý thị trường sớm kiểm tra nhanh và cho kết luận cuối cùng.

Nhập linh kiện về lắp ráp, ghi xuất xứ Việt Nam, vấn đề vẫn gây nhiều tranh cãi - 1
Liên quan đến vấn đề báo chí nêu về việc Asanzo đội lốt hàng Việt, Thủ tướng đã giao các bộ xác minh làm rõ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 30/7/2019.

Vừa qua, báo chí đã vào cuộc phản ánh việc doanh nghiệp Asanzo bóc tem made in China để thay thế bằng Made in Vietnam. Loạt bài phóng sự nhiều kỳ cho rằng, một số sản phẩm của Asanzo dính líu đến chuyện “đội lốt” thương hiệu Việt để lừa người tiêu dùng.

Sau khi thông tin trên được rộ lên trên mặt báo, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đã tước danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao của doanh nghiệp này. Đồng thời bà Vũ Kim Hạnh, đại diện Hiệp hội cho biết Asanzo đã cố tình khai báo sai về xuất xứ hàng hóa.

Liên quan đến vụ việc, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính – Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh vụ việc Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam, làm rõ các vi phạm để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 30/7/2019.

Trao đổi với Dân trí ngay sau đó, ông Trần Hữu Linh – Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết cơ quan này đã lên phương án tiến hành thẩm tra, xác minh vụ Asanzo nhập hàng Trung Quốc dán mác Việt Nam. Ông Linh cho biết, cơ quan này sẽ kiểm tra thận trọng, kỹ lưỡng, làm rõ những sai phạm nếu có của Asanzo để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng nhưng cũng đảm bảo sự khách quan đối với doanh nghiệp.

Cho đến nay, phía cơ quan quản lý vẫn chưa có thông báo gì thêm về các kết quả kiểm tra ban đầu. Nhưng phía Công ty Asanzo đã liên tục có phản ánh trở lại. Theo đó, công ty này cho biết họ có ý tưởng tạo ra sản phẩm phù hợp với nhu cầu thực tiễn của người tiêu dùng khu vực nông thôn, rồi tự thiết kế bảng mạch và đặt hàng sản xuất. Vì thế, Asanzo đã ghi nhãn xuất xứ Việt Nam.

Ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần tập đoàn Asanzo nói: Việc ghi nhãn đối với hàng hoá lưu thông tại thị trường nội địa được quy định tại Nghị định 43/2017. Trong đó, doanh nghiệp bắt buộc phải ghi xuất xứ lên nhãn sản phẩm.

Theo ông này, điều 15 của Nghị định 43/2017 cho phép doanh nghiệp tự xác định và ghi xuất xứ đối với hàng hoá của mình, nhưng phải bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa, hoặc các Hiệp định mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết. Các quy định pháp luật về xuất xứ hàng hoá hiện nay được nêu trong Nghị định 31/2018.

Trao đổi với Dân trí, Luật sư Phạm Duy Khương cho biết, Nghị định 31 quy định, xuất xứ hàng hoá là nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hoá hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hoá trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng đó.

Cũng theo Nghị định 31, thay đổi cơ bản là việc hàng hóa được biến đổi qua quá trình sản xuất, để hình thành vật phẩm thương mại mới, khác biệt về hình dạng, tính năng, đặc điểm cơ bản, hoặc mục đích sử dụng so với hàng hóa ban đầu.

Nghị định này còn nêu rõ, sản xuất là các phương thức để tạo ra hàng hóa bao gồm trồng trọt, khai thác, thu hoạch, chăn nuôi, chế tạo, chế biến, gia công hay lắp ráp…

Trong khi phía dư luận đang chờ kết luận rõ ràng trong vụ Asanzo có lừa dối người tiêu dùng hay không thì phía đại diện doanh nghiệp này tiếp tục đưa ra các lập luận để bảo vệ quyền lợi của họ.

Theo đó, ông Phạm Văn Tam cho rằng, căn cứ trên các quy định này và thực tế sản xuất của Asanzo, việc ghi xuất xứ Việt Nam là đáp ứng đúng yêu cầu pháp luật. Cũng vì vậy, ông Tam đã viết thỉnh nguyện thư đề nghị cơ quan chức năng sớm vào cuộc kiểm tra và có kết luận công khai.

“Trên thực tế, việc nhập khẩu linh kiện, hoặc đặt hàng sản xuất linh kiện rồi thực hiện lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh đang là phương thức sản xuất phổ biến trong ngành điện tử gia dụng, Asanzo không phải là trường hợp cá biệt”, ông này nói.

Tuy nhiên, Luật sư Phạm Duy Khương cho rằng, lùm xùm về “made in Vietnam” sẽ chưa dừng lại và câu chuyện này cũng không phải riêng gì đối với một vài doanh nghiệp mà thực tế là của rất nhiều doanh nghiệp phải đối mặt. Bởi hiện nay các quy định về “made in Vietnam” vẫn còn chưa rõ ràng.

Ngoài việc chưa có quy định cụ thể về “made in Vietnam”, nhưng khái niệm khác như đóng gói tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, lắp ráp tại Việt Nam… cũng chưa được quy định rõ ràng gây lúng túng cho doanh nghiệp. Nên nhiều trường hợp, những sản phẩm gì liên quan đến Việt Nam thì đều được doanh nghiệp ghi “made in Vietnam”….

Contact Me on Zalo
+84982682122
WhatsApp chat