Nhãn hiệu và châu chuyện góp vốn qua vụ việc AGRIBANK và AJC

Câu chuyện của Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) liên quan đến việc bảo vệ thương hiệu “AGRIBANK” sau khi đã thoái hết vốn tại công ty con có lẽ sẽ là bài học kinh nghiệm sâu sắc cho các công ty khác trong hoạt động kinh doanh của mình.

Câu chuyện được bắt đầu khi Agribank thực hiện việc thoái toàn bộ phần vốn góp của mình tại Tổng công ty vàng Agribank Việt Nam (AJC). Tuy nhiên, sau khi Agribank đã thoái hết vốn nhưng AJC vẫn sử dụng cụm từ “AGRIBANK” trong tên doanh nghiệp của mình và thực hiện hoạt động kinh doanh bình thường.

Theo lịch sử hình thành và phát triển của AJC được công bố trên trang web của công ty này tại địa chỉ ajc.com.vn thì tiền thân của Công ty này là Công ty Kinh doanh Mỹ nghệ vàng bạc đá quý Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam được thành lập theo quyết định số 131/QĐ-NHNo ngày 28/09/1994 của Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam là đơn vị hạch toán phụ thuộc Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam.

Nhãn hiệu và châu chuyện góp vốn qua vụ việc AGRIBANK và AJC
Nhãn hiệu và châu chuyện góp vốn qua vụ việc AGRIBANK và AJC

Ngày 29/06/2007, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đã ký quyết định số 654/QĐ-HĐQT-TCCB phê duyệt chuyển Công ty Kinh doanh Mỹ nghệ vàng bạc đá quý Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam – doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành Công ty cổ phần. Sau khi cổ phần hóa thành công ngày 29/12/2008, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam đã ký quyết định số 1737/QĐ-HĐQT-CPH đổi tên từ Công ty Kinh doanh Mỹ nghệ vàng bạc đá quý Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam thành Tổng Công ty vàng Agribank Việt Nam – CTCP. AJC bắt đầu hoạt động theo mô hình mới từ ngày 01/01/2009.

Đến ngày 08/01/2018, Agribank không còn là cổ đông của AJC nữa.

Sai lầm của Agribank có vẻ như bắt đầu từ ngày 29/12/2008 khi quyết định đổi tên từ Công ty kinh doanh mỹ nghệ vàng bạc đá quý Ngân hàng nông nghiệp Việt Nam thành Tổng công ty vàng Agribank Việt Nam.

Tại thời điểm đó AJC đã được cổ phần hóa thành công, nghĩa là đã không còn là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước nữa (hai cổ đông chiến lược tại thời điểm cổ phần hóa thành công theo công bố trên website của AJC là Ngân hàng Đông Nam Á và tập đoàn Nam Cường và nhiều cổ đông phổ thông khác). Không rõ tại thời điểm đó Agribank nắm giữ bao nhiêu % cổ phần của AJC.

Sau khi thoái hết vốn khỏi AJC, Agribank đã có nhiều động thái yêu cầu AJC thực hiện thủ tục thay đổi tên doanh nghiệp để loại bỏ yếu tố “Agribank” ra khỏi tên đăng ký kinh doanh của AJC. Tuy nhiên, các cổ đông hiện tại của AJC có vẻ như chưa muốn loại bỏ yếu tố “Agribank” ra khỏi tên doanh nghiệp của mình.

Muốn xác định được liệu AJC có tiếp tục được sử dụng yếu tố “Agribank” hay không thì phải xem xét toàn diện vụ việc tại thời điểm ngày 29/12/2008 khi thực hiện thủ tục thay đổi tên doanh nghiệp thành Tổng công ty vàng Agribank Việt Nam.

Vấn đề trước tiên cần phải được xác định là tại thời điểm ngày 29/12/2008, liệu Ngân hàng Agribank có hay không có công văn, tài liệu hay hợp đồng xác nhận việc đồng ý hoặc chuyển quyền sử dụng hoặc chuyển nhượng yếu tố “AGRIBANK” cho Tổng Công ty vàng Agribank Việt Nam hay không? Và nếu có thì có điều kiện nào được đưa ra đi kèm với sự cho phép hay chuyển nhượng này hay không?

Và tại thời điểm ngày 29/12/2008 đó Ngân hàng Agribank đã được bảo hộ đối với tên thương mại có chứa yếu tố “Agribank” hay nhãn hiệu “Agribank” cho các sản phẩm/dịch vụ thuộc ngành nghề kinh doanh của AJC hay chưa?

Tại thời điểm thoái toàn bộ vốn khỏi AJC, Ngân hàng Agribank có thỏa thuận gì với AJC về vấn đề loại bỏ yếu tố “AGRIBANK” ra khỏi tên doanh nghiệp của AJC hay không?

Việc xác định các vấn đề nêu trên rất quan trọng vì sẽ là căn cứ và tiền đề cho việc xử lý vụ việc tranh chấp nếu Ngân hàng Agribank quyết định kiện AJC ra tòa hoặc đưa ra cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý.

Tại thời điểm hiện tại có thể xác định AJC đã được sử dụng yếu tố “AGRIBANK” một cách ngay tình trong suốt một thời gian dài. Về nguyên tắc, theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ, nếu như Ngân hàng Agribank đã đồng ý chuyển nhượng quyền sở hữu đối với yếu tố “AGRIBANK” cho AJC thì AJC được tiếp tục sử dụng yếu tố này phù hợp với thỏa thuận của hai Bên. Tuy nhiên, cũng theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ thì việc chuyển nhượng này phải được lập thành văn bản và phải được đăng ký tại Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam. Do đó, nếu như chưa bao giờ có một hợp đồng chuyển nhượng được ký kết giữa Ngân hàng Agribank và AJC hoặc nếu có mà không được đăng ký tại Cục sở hữu trí tuệ thì quyền sở hữu đối với yếu tố “AGRIBANK” vẫn thuộc về phía ngân hàng.

Tuy nhiên, để có thể yêu cầu AJC thực hiện đổi tên doanh nghiệp thì việc áp dụng thủ tục hành chính theo quy định về đăng ký doanh nghiệp hay xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ là rất khó vì như trên đã nêu AJC đã sử dụng yếu tố “AGRIBANK” một cách ngay tình trong một thời gian dài mà Ngân hàng Agribank không hề có bất cứ phản ứng gì đối với việc sử dụng này. Thậm chí Ngân hàng Agribank đã gián tiếp đồng ý cho AJC được phép sử dụng yếu tố “AGRIBANK” theo quyết định đổi tên doanh nghiệp ngày 29/12/2008 của Chủ tịch HĐQT AJC tại thời điểm đó Ngân hàng Agribank vẫn còn cổ phần tại AJC và đã biết về việc này.

Phương án khả thi nhất cho Agribank là khởi kiện vụ án tại tòa án để yêu cầu giải quyết vụ việc. Để tránh các trường hợp tương tự trong các hoạt động góp vốn, mua cổ phần hoặc thành lập công ty con, các doanh nghiệp cần phải lưu ý về việc chuyển nhượng hoặc chuyển quyền sử dụng các đối tượng sở hữu trí tuệ như Nhãn hiệu, tên thương mại, v.v…. Và nếu có bất cứ thỏa thuận nào liên quan đến vấn đề này được thiết lập thì cần phải được lập thành văn bản và nếu pháp luật yêu cầu phải đăng ký thì thực hiện các thủ tục đăng ký để đảm bảo bảo vệ tốt nhất các quyền lợi của mình.

Bài viết của Công ty luật ASL LAW 

ASL LAW cung cấp dịch vụ đăng ký nhãn hiệu, xử lý vi phạm về sở hữu trí tuệ. Liên hệ với công ty luật ASL LAW để được biết thêm chi tiết.

    LIÊN HỆ

    Thông tin liên hệ

    Đặt câu hỏi


    Lưu ý: Quý khách vui lòng điền đẩy đủ thông tin vào ô có (*)

    Contact Me on Zalo
    +84982682122
    WhatsApp chat