Mua bán và Sáp nhập (M&A) đang trở thành một khía cạnh quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Được xem là một công cụ mạnh mẽ trong quá trình phát triển của doanh nghiệp, M&A không chỉ đóng vai trò quyết định trong việc tái cơ cấu quy mô doanh nghiệp mà còn tạo nên những cơ hội để tối ưu hóa tài nguyên, nâng cao hiệu suất hoạt động, hiệu quả kinh doanh, và thúc đẩy sự giao thương, đa dạng hóa trong các lĩnh vực kinh tế đa ngành.
Tầm quan trọng của ngành M&A không chỉ giới hạn ở việc kết hợp sức mạnh của các doanh nghiệp, mà còn mở ra cánh cửa cho việc chuyển giao công nghệ, phương thức quản lý và kinh nghiệm quốc tế hội nhập vào Việt Nam. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới kết nối ngày càng chặt chẽ, M&A không chỉ là cầu nối giữa doanh nghiệp Việt Nam và thị trường quốc tế, mà còn là đòn bẩy mạnh mẽ để nâng cao năng lực cạnh tranh và định vị quốc tế của các doanh nghiệp trong nước.
Những cơ hội và thách thức mà M&A mang lại không chỉ có tác động đến các doanh nghiệp mà còn đặt ra những bài toán và cơ hội cho chính phủ Việt Nam trong định hướng phát triển quốc gia. Sự hỗ trợ thông qua việc thay đổi chính sách và các thủ tục pháp lý về M&A có thể tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, khích lệ sự phát triển bền vững và cải thiện hệ sinh thái kinh doanh. Trong ngữ cảnh này, M&A không chỉ là một phương tiện tăng trưởng mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy sự đổi mới và hiện đại hóa nền kinh tế Việt Nam.
Thực trạng tình hình M&A tại Việt Nam
So với các nền kinh tế khác trên thế giới thì lĩnh vực M&A ở Việt Nam có sự khởi đầu khá muộn, chỉ mới xuất hiện trong vài thập kỉ trước khi Việt Nam chủ động thực hiện chính sách hội nhập kinh tế. Tuy nhiên, bất lợi này không cản bước sự phát triển của thị trường M&A Việt Nam trong khu vực. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, hoạt động M&A ở Việt Nam đã có những bước phát triển cấp tốc với sự gia tăng ở cả chất lượng và số lượng các thương vụ M&A.
Thông tin tại Diễn đàn Mua bán – Sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam 2023 (M&A Vietnam Forum 2023) lần thứ 15 do Báo Đầu tư tổ chức cuối tháng 11 năm 2023, sau khi chính thức gia nhập WTO, cùng với chính sách đẩy mạnh cải cách, thúc đẩy thu hút vốn đầu tư nước ngoài cùng mở rộng hội nhập kinh tế toàn cầu, Việt Nam đã có sự tiến bộ vượt bậc về M&A.
Ngành M&A Việt Nam có sự đột phá cấp tốc vào đầu những năm 2010 khi số lượng, chất lượng các thương vụ M&A tăng mạnh, thể hiện qua khối lượng và giá trị giao dịch được thúc đẩy bởi chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và mở rộng cánh cửa gia nhập các ngành kinh tế chủ chốt.
Sau đó, lĩnh vực M&A có sự suy giảm trong giai đoạn 2013-2014 vì hậu quả của đợt khủng hoảng kinh tế toàn cầu bắt đầu từ Mỹ năm 2008. Năm 2015, nền M&A Việt Nam tiếp tục phục hồi trở lại với đà phát triển cao, đạt đỉnh vào năm 2017 với nhiều thương vụ có giá trị lên đến hàng tỷ USD. Những năm sau đó, thị trường tiếp tục phát triển chậm, một phần đến từ cuộc khủng hoảng Covid-19 khiến không chỉ M&A mà các lĩnh vực khác tại Việt Nam cũng đối diện suy thoái.
Từ năm 2022 đến hiện tại, thị trường M&A Việt Nam đang ở nhịp điều chỉnh mới với việc Việt Nam trong đà phục hồi sau đại dịch và xu hướng chung toàn cầu của các doanh nghiệp đa quốc gia là tìm kiếm những thương vụ M&A có giá trị lâu dài, bền vững. Các nhà đầu tư nước ngoài đã nhận định Việt Nam là một thị trường tiềm năng cho việc phát triển bền vững, với các ưu điểm nổi bật tại ngành nghề năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghệ, bất động sản, sản xuất xanh và đặc biệt là ngành sản xuất chất bán dẫn, chip…
Tuy nhiên, đi kèm với những cơ hội tiềm năng là những bài toán khó cần doanh nghiệp Việt chủ động tìm lời giải đáp. Việc tránh bỏ lỡ những cơ hội chuyển biến thành các thương vụ M&A chính là yếu tố quan trọng nhất để Việt Nam dùng đà thúc đẩy của thị trường để tiến bộ.
Một số khó khăn bao gồm việc tận dụng sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu, đề cử doanh nghiệp Việt Nam ‘góp chân’ vào thị trường logistics, xuất nhập khẩu quốc tế và khẳng định vị thế của mình; quản lý hiệu quả nguồn vốn đầu tư mới vào Việt Nam và luân chuyển dòng tiền hợp lí vào các lĩnh vực cần nguồn vốn gấp; Nhận định xu hướng M&A Việt Nam năm 2024, qua đó vạch định chiến lượt hoạt động, kinh doanh hiệu quả.
Tận dụng sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu
Đứt gãy chuỗi cung ứng là tình huống một chuỗi cung ứng cụ thể không có đủ nguồn cung hàng hóa hoặc nguyên vật liệu, dẫn đến nhiều hậu quả khó lường cho một hoặc nhiều nền kinh tế liên quan.
Việc đứt gãy chuỗi cung ứng có thể đến từ nhiều nguyên nhân, như thiên tai, bất ổn chính trị, tranh chấp thương mại hoặc các sự kiện bất khả kháng, không thể lường trước. Trong vài năm gần đây, các yếu tố chủ yếu dẫn đến sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu đến từ cuộc căng thẳng thương mại Mỹ – Trung, xung đột vũ trang Nga – Ukraine, đại dịch Covid-19.
Hậu quả từ việc gián đoạn chuỗi cung ứng bao gồm gia tăng chi phí, thời gian sản xuất, vận chuyển sản phẩm, gia tăng lượng hàng tồn kho khó xử lý,… đối với doanh nghiệp. Ngoài ra, việc gián đoạn chuỗi cung ứng cũng có thể kéo đến nhiều hậu quả xã hội như buộc các doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự, sa thải người lao động để đảm bảo doanh thu do không có đơn hàng hoặc nguyên vật liệu để sản xuất.
Việc gián đoạn chuỗi cung ứng giữa một vài doanh nghiệp nội địa có thể gây nên tác động ở quy mô nhỏ, song sự gián đoạn ở quy mô toàn cầu có thể gây nên nhiều ảnh hưởng vĩ mô tiêu cực, đảo loạn cơ cấu hoạt động của thế giới và tạo nên nhiều hậu quả xấu ở tầm cỡ vi mô hơn.
Để giải quyết tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng cần sự phối hợp không chỉ ở quy mô quốc gia mà còn cần sự hợp tác của các doanh nghiệp nhằm tìm ra nguồn nguyên liệu thay thế hiệu quả, bền vững thông qua việc hợp tác với các nhà cung cấp và đối tác mới, đồng thời liên tục đổi mới để tìm ra các giải pháp hiệu quả cho việc sản xuất và giao hàng.
Trong đó, M&A được các chuyên gia tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2023 đánh giá là một công cụ hiệu quả nhằm giúp Việt Nam tận dụng được sự thiếu hụt nguồn cung cấp bền vững, hiệu quả trên thế giới.
Theo Thứ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư, kinh tế thế giới, bao gồm cả các nền kinh tế lớn, tiếp tục tăng trưởng thấp, trong đó có các đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam. Thương mại toàn cầu phục hồi chậm, tiềm ẩn sự bất ổn về nguồn cung, nhất là các mặt hàng chiến lược như năng lượng, lương thực, chất bán dẫn.
Khi kinh tế khó khăn, cuộc chiến cạnh tranh cho nguồn vốn đầu tư diễn ra ngày càng khốc liệt, đặc biệt trong bối cảnh phần lớn các quốc gia, bao gồm Việt Nam sẽ áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu của OECD từ năm 2024. M&A được dự báo là một kênh dịch chuyển vốn đầu tư chủ lực trong năm 2024.
Theo nhận định tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2023, bất chấp những khó khăn từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu tác động đến Việt Nam, các doanh nghiệp Việt có thể tận dụng những thách thức này làm động lực thúc đẩy, chủ động gia nhập thị trường cung ứng quốc tế với M&A làm cầu nối.
Quản lý hiệu quả nguồn vốn đầu tư mới vào Việt Nam
Theo thống kê tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2023, tính đến ngày 20 tháng 11 năm 2023, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt gần 5,97 tỷ USD, tăng 46,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Với nguồn vốn tăng mạnh, Việt Nam cần quản lý hiệu quả việc luân chuyển nguồn vốn này vào các ngành nghề, lĩnh vực cần vốn gấp. M&A là một kênh phân bổ hiệu quả. Tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2023, các chuyên gia đã nhận định rằng thay vì có góc nhìn rằng M&A là bài toán giữa ‘cá lớn’ là bên sáp nhập và ‘cá bé’ là bên bị sáp nhập theo quan niệm hiện nay thì các doanh nghiệp Việt Nam nên có cái nhìn cởi mở hơn về M&A và qua đó, thay vì trốn tránh, bài xích thì học phương thức tận dụng tối đa lợi ích từ M&A.
Thông qua kênh huy động vốn M&A, các doanh nghiệp có thể đa dạng hóa hoạt động kinh doanh, thúc đẩy quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng,… dù là bên bị sáp nhập hay bên sáp nhập.
Với các khó khăn hiện hữu trong năm 2023, việc thực hiện M&A là tất yếu khi suy thoái ngành này chính là cơ hội của ngành khác. Thay vì ‘chôn vốn’ vào một ngành nghề không hiệu quả thì doanh nghiệp có thể phân bổ nguồn vốn đến một ngành nghề khác có tiềm năng phát triển, qua đó trở thành động lực thúc đẩy cho toàn nền kinh tế.
Xét trên quy mô nội bộ doanh nghiệp, khi nhận nguồn vốn đầu tư, các doanh nghiệp cần có một chiến lược hoạt động linh hoạt nhằm bảo vệ thành quả kinh doanh và quay lại tăng trưởng bền vững thông qua việc ứng dụng khoa học kĩ thuật, giảm chi phí hoạt động, giá thành sản phẩm.
Ngoài các loại tài sản dài hạn không thể thay đổi, doanh nghiệp cũng cần đảm bảo có một khoản vốn lưu động đủ để đáp ứng nhu cầu hoạt động thường ngày.
Cốt lõi của việc tối ưu hóa vốn lưu động là giải phóng tiền mặt, qua đó đảm bảo hoạt động kinh doanh được tổ chức hiệu quả hơn. Việc không kiểm soát được nguồn tiền gồm ngắn hạn và dài hạn sẽ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng như những gì Việt Nam đã trải qua vài năm gần đây, khi doanh nghiệp cạn kiệt dòng tiền để hoạt động và phát triển.
Nhận định thị trường M&A Việt Nam năm 2024
Theo bài phát biểu của Thứ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2023, thị trường M&A Việt Nam năm 2024 vẫn có rất nhiều cơ hội và triển vọng nhờ những yếu tố nền tảng đang ngày càng được củng cố. Công tác hoàn thiện thể chế, chính sách đang được thực hiện theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư – kinh doanh, trong đó có hoạt động M&A.
Việc thực thi và hoàn thiện các chính sách này sẽ là nhân tố quan trọng đóng góp cho sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam, đưa nền kinh tế phục hồi nhanh và bền vững không chỉ trong năm 2024 mà cả những năm tiếp theo.
Theo báo cáo “Bức tranh lớn: Triển vọng M&A 2024” của S&P Global, mặc dù hoạt động M&A toàn cầu chững lại trong gần toàn bộ năm 2023 nhưng hiện đang có nhiều tác nhân tiềm năng thúc đẩy các nhà tạo lập thương vụ bứt lên trong năm 2024.
Được vĩ mô ủng hộ, Việt Nam cũng dự kiến có đà phát triển bức tốc năm 2024, đặc biệt khi dòng vốn dần được nới lỏng theo chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Trong số các quốc gia Châu Á, Việt Nam có tăng trưởng GDP tốt nhất năm 2023, dự kiến năm 2024 vẫn sẽ có đà tăng trưởng tốt trong khu vực.
Nhận định về triển vọng thị trường năm 2024, các chuyên gia tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2023 cho biết rằng tương tự như năm 2023 vốn tập trung chủ yếu vào ba lĩnh vực gồm Tài chính, Bất động sản và Y tế chiếm tổng cộng 80% giá trị giao dịch trong 10 tháng 2023 và là bốn trong số năm giao dịch lớn nhất trong 10 tháng 2023, năm 2024, thị trường M&A Việt Nam nhiều khả năng vẫn sẽ xoay quanh ba lĩnh vực trên để phát triển với số lượng và chất lượng các thương vụ gia tăng.
Ở góc nhìn dài hạn hơn, các chuyên gia nhận định rằng dự kiến trong 3 năm tới, thị trường M&A Việt Nam sẽ đạt con số 20 tỷ USD. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng khi so sánh với giá trị 4,4 tỷ USD 10 tháng đầu năm 2023, 6,8 tỷ USD năm 2022 và đỉnh điểm là 16 tỷ USD năm 2017 (theo số liệu từ KPMG và các bên khác).
Vai trò của đội ngũ tư vấn pháp lý trong trong việc hoàn thành các thương vụ M&A
Qua 15 năm hoạt động, Diễn đàn M&A Việt Nam đã trở thành cầu nối cho các nhà quản lý, chuyên gia, nhà đầu tư về hoạt động M&A. Đây là kênh kết nối cơ hội đầu tư hiệu quả được chứng nhận bởi các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước uy tín, giúp các doanh nghiệp thực hiện M&A đạt được sự hỗ trợ pháp lý cần thiết cho mục tiêu mở rộng, phát triển hoặc phương thức để vượt qua khó khăn.
Hoạt động hỗ trợ pháp lý của các đơn vị tư vấn pháp lý cho các thương vụ M&A luôn là một công việc phức tạp, đòi hỏi sự chắc chắn về kiến thức pháp lý cũng như kinh nghiệm chuyên môn.
Hiện tại, hoạt động M&A ở Việt Nam chưa được quy định trong một văn bản quy phạm pháp luật thống nhất mà được điều chỉnh tại nhiều văn bản pháp luật khác như Bộ luật Dân sự, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Cạnh tranh, Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.
Các văn bản pháp luật trên điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình các bên tiến hành hoạt động M&A. Ngoài ra, dù được dựa trên phần lớn các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, một số điều khoản tại công ước, hiệp ước quốc tế quy định về M&A cũng có thể tạo nên tác động khó lường tới việc hoàn thành một thương vụ.
Thêm vào đó, tính chất phức tạp của các thương vụ M&A không chỉ giới hạn trong việc mua bán hoặc sáp nhập, mà gồm cả các yếu tố khác như đăng ký thay đổi chủ sở hữu doanh nghiệp, đăng ký về thủ tục M&A, tuân thủ các nghĩa vụ về thuế, thẩm định pháp lý để xác định giá trị doanh nghiệp (due diligence), khả năng mâu thuẫn với các doanh nghiệp khác,…
Đặc biệt, vai trò của đơn vị tư vấn pháp lý trở nên đặc biệt quan trọng ở các bước thẩm định pháp lý doanh nghiệp, đàm phán, ký kết hợp đồng M&A và thay doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Bên cạnh những yếu tố cơ bản thì đơn vị tư vấn pháp lý cũng cần có cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời gian dài vì ngoài những điểm chung thì các thương vụ M&A cũng có những điểm riêng, các thương vụ có thể kéo dài nhiều năm và liên tục thay đổi.
Ngược lại, ở phía các doanh nghiệp, họ cũng cần có sự tin tưởng vào các đơn vị tư vấn để cùng đạt tới thành công. Việc tham vấn các đơn vị hỗ trợ trước khi thực hiện bất cứ quyết định quan trọng nào là điều cần thiết để đảm bảo doanh nghiệp giữ vững định hướng phát triển, tránh các rủi ro có thể tránh được.
Nhằm vinh danh vai trò không thể thiếu của các đơn vị tư vấn pháp lý trong quá trình thực hiện các giao dịch M&A, trong khuôn khổ Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 15 năm 2023, Ban Tổ chức đã triển khai chương trình Bình chọn Nhà tư vấn M&A tiêu biểu giai đoạn 2009 – 2023. Việc bình chọn nhằm đánh giá và vinh danh các doanh nghiệp có chiến lược M&A tiêu biểu và các đơn vị tư vấn M&A tốt nhất trong 15 năm qua.
Tại lễ trao giải các Doanh nghiệp & Nhà tư vấn M&A tiêu biểu 15 năm tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2023, ASL LAW đã vinh dự được nhận giải thưởng Nhà Tư vấn M&A tiêu biểu giai đoạn 2009-2023 (Outstanding M&A Advisors of 2009-2023).
Trong khoảng thời gian này, ASL LAW đã luôn khẳng định mình là đơn vị cung cấp dịch vụ pháp lý uy tín và đáng tin cậy trong lĩnh vực tư vấn pháp lý về M&A. Việc đạt được thành tựu này là sự đồng lòng và quyết tâm của Ban Lãnh Đạo cùng với toàn thể cán bộ nhân viên ASL LAW với quyết tâm nâng cao chất lượng dịch vụ pháp lý, không ngừng phát triển để đưa ASL LAW vươn tầm quốc tế.
M&A không chỉ là quá trình hợp nhất hay sáp nhập doanh nghiệp mà còn là một cuộc chiến về chiến lược, đòi hỏi sự hiểu biết sâu rộng về pháp lý, tài chính và thị trường. ASL LAW đã chứng minh năng lực và uy tín của mình trong việc đưa ra những giải pháp pháp lý đột phá, giúp các doanh nghiệp, đối tác, khách hàng đạt được sự thịnh vượng và phát triển bền vững.
Giải thưởng “Nhà Tư vấn M&A tiêu biểu” là sự công nhận xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng của ASL LAW trong việc tạo ra giá trị thực sự cho khách hàng. Điều này là một minh chứng rõ ràng về sự chuyên nghiệp, tận tâm và khả năng thích ứng xuất sắc của đội ngũ ASL LAW.
ASL Law là công ty luật độc lập và cung cấp đầy đủ dịch vụ được tín nhiệm cao của Việt Nam gồm các luật sư giàu kinh nghiệm và tài năng. ASL Law được Legal500, Asia Law, WTR và Asia Business Law Journal. xếp hạng là Công ty Luật hàng đầu tại Việt Nam. Có trụ sở tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, mục đích chính của ASL LAW là cung cấp lời tư vấn và giải pháp lý thiết thực, hiệu quả và hợp pháp nhất cho khách hàng trong nước và quốc tế. Nếu cần sự trợ giúp, Quý khách hàng có thể gửi email liên hệ tới [email protected].
Liên hệ với ASL LAW để được hướng dẫn về Mua bán và Sáp nhập tại Việt Nam.
BÀI VIẾT HỮU ÍCH LIÊN QUAN